top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Khoảng cách thế hệ và học cách lắng nghe

Hồi em mình học cấp hai, mẹ mình đi họp phụ huynh cho nó. Đến cuối buổi phụ huynh bạn nó mới gọi: "Chị chị. Mẹ em bằng tuổi chị."


MẸ MÌNH, MÌNH, VÀ EM MÌNH THỰC SỰ LÀ BA THẾ HỆ

Mẹ mình là con cả, lớn lên trong chiến tranh.

  • Mẹ vẫn kể về những ngày bom rú phải xuống hầm trú ẩn, rồi những ngày đi sơ tán ở vùng núi, mẹ phải nhặt rau rừng bó lại rồi thái cho lợn ăn. Có lần mẹ đi làm việc nhà xong mới quay lại thái. Vừa ném con dao xuống giữa bó rau như mọi khi thì thấy máu tứa ra từ đó. Hóa ra có một con rắn hổ đã bò vào đó trong lúc mẹ không nhìn thấy.

  • Mẹ lại kể hồi đó mẹ thì chuyên lên Hà Đông học. Lúc mẹ đi cậu út nhà mình còn bé, mẹ bế cậu nhiều lắm. Được một năm mẹ về thì cậu bảo không phải chị nhà cậu thế là mẹ khóc tu tu.

  • Bà mình vất vả nuôi bốn đứa con. Mẹ là con đầu lại là nữ, lúc đó ông đi kháng chiến biền biệt nên bà dữ với mẹ lắm. Mẹ bảo bà đánh mẹ bằng cán dao, chứ mình mới chỉ bị quật bằng gậy tre thôi nhé. Đến lúc lên đại học, mẹ thấy bách khoa oai nên thi vào. Mà ở đó nhiều bạn thành phố hơn mẹ, mẹ xin mãi bà không cho tiền mua quần mới, toàn mặc quần vá đi học, xấu hổ lắm. Bí quá mẹ đi đan/ móc áo cho người ta, lấy tiền mua quần mới

  • Mình thấy mẹ bảo thời đó, học ngành gì là ra được phân về đơn vị đó. Mẹ học hóa thực phẩm, chuyên ngành cây nhiệt đới nên được phân về nhà máy thuốc lá Thăng Long. Cơ mà làm kiểm thử phải hút thuốc mà mẹ đang có mình nên ông làm cán bộ xin mãi mẹ mới về được Xí nghiệp Mây tre Hà Nội. Mà mẹ còn phải làm như công nhân, khổ lắm. Thế là mẹ vừa học thêm một bằng Tại chức Ngoại thương vừa học thêm máy tính để chuyển qua làm tư nhân.

Mình thì khác, không biết chiến tranh là gì. Nghe bom đạn như nghe truyện cổ tích, dũng sĩ chém rồng.

  • Mình lớn lên trong một căn nhà mái bằng mà tự tay bố kéo xe ba gác chở gạch về xây. Nhà sâu năm tầng ngõ trong một khu không được an ninh và vệ sinh cho lắm. Bên cạnh nhà là một anh thợ xây có tiền án chém chết người. Có hôm ông này đánh cờ thua bố mình, lại đang say say, đòi vác dao sang chém luôn.

  • Ngày xưa thiếu lương thực lắm. Giờ ăn đậu phụ là cho vui, chứ ngày xưa nhà mình hôm nào ăn đậu phụ là cuối tháng bố mẹ hết tiền. Gián cũng đói, bay phè phè luôn chứ không béo chạy chạy như gián bây giờ.

  • Thế nhưng mình không bao giờ bị đói và cũng không bao giờ thiếu điều kiện học. Có lớp học thêm, lò luyện chuyên nào tốt là mẹ cũng xin cho mình và tiền thì không bao giờ đóng thiếu. Chỉ có điều mình cũng biết thân biết phận nhà nghèo nên ngoại khóa gì mà muốn tham gia lắm, kể cả ít tiền cũng không dám há ra. Mình còn nhớ đợt đó ở trường, chị của một đứa dạy bóng rổ cho mấy đứa trong lớp, chỉ thu có 50K một tháng, mà mình không dám nói mẹ. Mình lại sợ mẹ buồn, nên mình vờ đi học bóng rổ nhưng thực tế chỉ lang thang ở sân trường.

  • Lại nói chuyện công việc thời mình, Mỹ mở cấm vận với Việt Nam từ năm 94. Việt Nam tư nhân hóa rất nhanh sau đó, nên các công ty tư nhân cũng lên chóng mặt. Nếu thời trước chỉ bám rịt lấy công ty nhà nước, công việc khó thay đổi thì đến thời mình thực sự có nhiều lựa chọn hơn nhưng cũng cơm áo gạo tiền hơn. Hồi đó kĩ năng gì cũng thiếu, từ tiếng đến chuyên môn, nên chỉ cần một kĩ năng tốt, sau đổi dần thì tha hồ mà lựa chọn.

Em mình thì chiến tranh không còn là chuyện cổ tích mà thành luôn thần thoại. Việt Nam phát triển quá nhanh nên nhà mình cũng được đà lên luôn:

  • Lúc mẹ sinh nó, nhà mình vẫn ở căn nhà mái bằng chật hẹp. Nhưng đến lúc nó nhớ được, thì nó đã được ở căn nhà tử tế đầu tiên của bố mẹ mình: Ba tầng, mỗi tầng rộng thênh thang ngang nhà cũ, lại có giúp việc nên chẳng động tay đến việc gì. Mình còn nhớ hôm đầu tiên về nhà mới, giường mới, mình còn sướng quá tới không ngủ được. Còn nó thì vẫn khóc te te. Lớn rồi thì ngôi nhà đó trở thành bình thường mới của nhà mình, có lần mình đưa nó về nhà cũ xem, nó làm luôn một câu: “Khiếp nhỉ.”

  • Công nghệ cũng thay đổi. Mình hết cấp ba mới có điện thoại cục gạch. Hồi cấp hai đi đâu cũng phải về nhà ngay vì mẹ còn gọi điện kiểm tra. Nó thì cấp hai đã phe phẩy điện thoại cảm ứng rồi. Gần như lúc nào mẹ cũng gọi được nó nên giờ giấc với nó không quá chặt chẽ. Đã vậy tài chính nhà mình cũng khá hơn nên bé tí nó đã được học chơi đàn rồi. Mình thì bẻ gãy tay đánh được 10s đàn. Haha.

  • Nhưng thế giới và bạn bè cũng thay đổi nữa. Như thời mình mạng chỉ có Yahoo, MSN mà đứa biết đứa không, nên không có thì vẫn chẳng có vấn đề gì. Thời mình có quán net, thích gì bắn game xong về, chứ không phải người người, nhà nhà có mạng như thời nay. Cơ mà cũng vì thế nên em mình nhiều áp lực hơn. Nó niềng răng trông xấu, nên bị cả lớp trêu ghẹo bêu rếu, cả đời thường lẫn qua mạng. Đấy là còn chưa kể những trò chơi xấu (prank) không biết mọc đâu ra luôn bị dùng trên người nó nữa.

  • Công việc cũng vậy. Các công ty ở Việt Nam phát triển, công việc phân hóa càng cao hơn và phải học nhiều kĩ năng sâu hơn (như lập trình) mới mong có cơ hội việc tốt. Chứ chỉ tiếng Anh hay tiếng Tàu không cũng không còn đủ nữa rồi. Bản thân mình cũng thấy nếu mình không liên tục trau dồi thêm thì cũng chuội chứ đừng nói gì mấy em cấp ba rồi đại học, chưa có chỗ đứng lại phải tranh đấu trong một thị trường như vậy. Khốc liệt vô cùng.

  • Và thế hệ nó cũng kinh tế cũng bắt đầu ổn hơn không còn là thứ quan trọng nhất nữa. Thế nên nó bắt đầu tiếp xúc với nhiều khái niệm về cân bằng cuộc sống công việc cũng như khẳng định cá tính cá nhân.

Mẹ mình, mình, và em mình thực sự là những thế hệ quá khác nhau.


VẬY SỰ KHÁC NÀY ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO TỚI QUAN HỆ CỦA MẸ CON MÌNH?

Mẹ mình đúng nghĩa mẹ hổ châu Á. Từ bé mình đã bị nhồi nhét tư tưởng rằng phải học Kế toán hoặc một ngành chính thống nào đó như máy tính hay vật lý thì mới được xã hội coi trọng, còn không thì là đồ vứt đi:

  • Cơ mà mình cũng từng ước mơ nhiều lắm. Mình vẽ cũng ổn ổn. Lớp sáu cùng bạn mở một việc kinh doanh tự phát là vẽ thiệp để bán, cũng kiếm được mấy đồng chơi chơi.

  • Mình đã nghĩ mình thích vẽ và những việc liên quan đến vẽ nhưng về nhà cứ bị mẹ táng “phải kế toán” thế là không nói gì nữa luôn.

  • Chỉ biết sau này mình học kinh doanh và liên quan đến tài chính kế toán thật nhưng không dùng. Khi ra trường đi làm thì vì thời thế là chỉ cần một kĩ năng giỏi mà tiếng mình tốt, giao tiếp cũng hay nên cứ thế đánh một đường làm “bán hàng qua điện thoại” mà đi lên. Thế nhưng kể cả khi mình bắt đầu có chút thành tựu, mẹ mình vẫn ra sức áp lực mình bằng một bà chị họ làm kế toán ngân hàng lớn. Cứ phải kế toán mới được cơ. Mình ngoài miệng thì vầng nhưng xong để ngoài tai.

  • Lại nói về sở thích vẽ và nghệ thuật của mình thì vẫn còn, nên thi thoảng mình mua sách những ngành nghệ thuật rồi kiến trúc về đọc. Đọc đến một tầm thấy khó quá, mình gật gù: “Khéo cũng không hợp mình thật.” Nên sở thích không nhất định là đam mê. Nhưng nếu không được thử thì luôn canh cánh mãi không yên.

  • Từ đó mình cứ yên tâm làm những công việc liên quan đến kinh doanh, dù thi thoảng sẽ tự thiết kế một vài thứ để thỏa lòng ham hố của mình. Thi thoảng mẹ lại trồi lên hô “kế toán” với “cách cư xử của con trong công việc như thế là không được”

Nhìn chung tình trạng của mẹ con mình từ khi mình có em đến năm 25 tuổi thì là như thế này:

  • Mẹ mong muốn một thứ gì đó. Mẹ nói mình phải làm. Mình cố gắng làm theo, làm không được thì nói dối. Nói dối mẹ phát hiện ra thì oánh nhau một trận rồi mình lại cố lại chập nữa. Mình không biết mình muốn gì, thích gì, chẳng qua thứ mẹ muốn mình cố thì mình cũng cố tạm được, nhưng cứ đến lúc cố không được nữa thì mình thành: “Thiên cổ tội nhân”. Mà khổ cái “tội nhân” tuần đến ba tuần một lần, nên không có tuần nào là không nước mắt.

  • Thế rồi nhìn lại có những thứ nhìn tưởng như mẹ cho tự quyết nhưng chẳng tự quyết tí nào. Mẹ đi mua giường lôi mình đi cùng, mình biết sở thích của mẹ nên lựa theo đó. Mẹ cứ kêu mình là: “Thẩm mỹ tốt.” Mình được mẹ khen sướng lắm chứ bộ nhưng con bạn mình bảo: “Đấy là hợp với cụ, cụ thích chứ đâu phải mày.” Mình cũng cười cười: “Đúng thật”

  • Chính vì chạy theo mong muốn của cụ một thời gian dài mà luôn xảy ra chuyện nói dối khiến cả hai bên đều thất vọng, mình và mẹ mình đã phải đi điều trị tâm lý một thời gian. Mình hỏi bác sĩ: “Tại sao rõ ràng mẹ em không ép em đến thế mà em vẫn thấy áp lực?” Bác sĩ đã nói: “Khi đã là tình thân, chỉ cần mẹ mong thế, dù không nói ra thì đã là áp lực cho em rồi.” Lúc đó mình mới lờ mờ hiểu.

Em mình thì lại là cả một thế hệ khác:

  • Nó ốm yếu từ bé, nên lúc nhỏ mẹ không hi vọng gì vào nó để nở mày nở mặt đường học hành. Tất cả áp lực mẹ dồn lên mình nên mình gánh đủ.

  • Nhưng mà vì mẹ và mình “oánh nhau” nhiều quá nên khi nó bị thiên hạ bắt nạt cả trên mạng lẫn ngoài đời, nó không có chỗ trút bầu tâm sự. Ở trong nhà mà lẻ loi đơn chiếc. Mình thì ôm một bụng nghĩ là: “Thôi mình chịu áp lực từ mẹ thì nó sẽ đỡ hơn.” Mình cũng dần dạy nó: "Cứ tự chủ kinh tế thì sẽ thoát được mẹ thôi." Mình đâu biết rằng nó cũng có sự cô đơn của riêng nó.

  • Thế nhưng, vì cô đơn từ bé nên nó lớn lên mạnh mẽ và “phũ” hơn mình. Nó quyết bỏ học bổng Mỹ không đi (phần vì lúc đó ba mẹ mình tài chính mà so với Mỹ cũng chưa ổn định hẳn mà ba mẹ cũng sắp tới tuổi hưu). Khi mình đi Mỹ, ở nhà áp lực lại dồn hết lên em mình. Mẹ ép nó học Luật rồi cho nó học thêm thiết kế đồ họa ở FPT. Nhưng nó nhất quyết bỏ, để ôn thi vào Mỹ thuật Việt Nam, đúng ngành hàn lâm nhất và khó vào khó ra nhất là Hội họa.

  • Lúc đó nhà mình loạn hết cả lên, mẹ lo nó hỏng, gọi điện cho mình tới tấp. Mình lúc đó với kiến thức nghệ thuật tự đọc tự học ít ỏi, nói chuyện với nó về những vất vả nghề và vẫn nghĩ nó chỉ là ham muốn nhất thời thôi. Rồi mình cũng nói với nó hết nước về chuyện kĩ năng thời hiện đại và kiếm tiền nuôi thân mà nó bỏ ngoài tai hết.

  • Cuối cùng mình nói với mẹ: “Có cần phải cả hai đứa cùng kiếm tiền không? Mà con tin là em không hỏng, nếu em theo được Mỹ thuật Việt Nam thì cũng khó chứ không phải dễ. Cùng lắm thì nhà mình vẫn đủ tiền đỡ nó nếu nó ngã học lại.”

  • Sau hồi đó, nó thi được vào hội họa của Mỹ thuật Việt Nam. Lúc đó mình cảm giác: “Ồ có thể nó biết bản thân muốn gì thật đấy. Mình đã không nên nghi ngờ nó.

  • Sau đó, cả nhà ủng hộ nó theo Mỹ thuật, vẫn canh cánh trong lòng là chả biết gì về nghề để giúp được cho em.

Đến năm nay năm cuối, nó sắp ra trường rồi nó mới nói với mình:

  • Thật ra cái em thích theo không phải là hội họa, mà là minh họa. Hai năm đầu em vào trường choáng lắm vì kĩ năng của em không ra gì, nhưng em không dám nói vì sợ mình đã lỡ chọn đường này mà rút thì bố mẹ và chị sẽ nói gì.

  • Xong rồi, em mới biết là bên khoa thiết kế dễ tốt nghiệp hơn nhưng vì lúc đầu không ai định hướng được cho em nên em chỉ biết đâm đầu vào hội họa nên vất vả quá. Đợt đó có thầy kêu giúp em chuyển khoa mà em bướng không nghe cơ. Giờ em mới thấy nếu theo đúng hội họa phong cách cổ điển của trường em thì ra trường cạp đất mà ăn thật chị ạ. Nhưng thôi em cứ tốt nghiệp ra trường, rồi sống bằng dạy tiếng Anh. Em cũng có mấy mối để vẽ minh họa, bao giờ có tên tuổi hơn rồi tính tiếp. Cũng may còn có nghề tiếng Anh. Hì hì.

Mình chẳng biết nói gì chỉ biết tranh của nó mỗi kì mình thấy một đẹp hơn kì trước. Mình và nó giờ chia sẻ được khá nhiều kiến thức về lý thuyết hội họa, quan điểm thẩm mỹ, rồi trường phải. Mình động viên nó thực ra học đúng hội họa cũng mở mang kiến thức, mình thấy em mình trưởng thành nhiều và rất tự hào về nó.


GIỜ MÌNH NHÌN LẠI CÂU CHUYỆN CỦA MẸ MÌNH, MÌNH VÀ EM MÌNH TỪ GÓC NHÌN KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ THÌ QUẢ THỰC RẤT ĐÚNG.

Mẹ mình sống ở thời bao cấp. Công việc khó đổi nên khuyên gì cũng chỉ hướng tới mình ổn định.

  • Mẹ thành công nhất là làm kế toán nên mẹ cũng chỉ mong tốt cho mình thôi. Ngược lại, mình lớn lên ở thời đại năng động hơn, mình muốn lựa chọn nhưng mẹ bận rộn kiếm tiền không nghe tới, thế là tự dưng mình thành đứa “ba phải” cố chiều mẹ. Chiều không được thì oánh nhau thôi.

  • Mãi sau này khi thành công của mình không ai phủ nhận được, mẹ đã viết cho mình trong một lần sinh nhật: “Mẹ dạy con mẹ đã sai nhiều cái, ép con nhiều thứ và không thể tin tưởng con. Nhưng giờ đã qua, nhìn lại, mẹ chỉ tự hào về con mà thôi.” Mình với mẹ giờ vẫn cãi nhau nhưng mà tình yêu thương thì ko thể phủ nhận.

Còn mình với em mình thì sao, mình tuy quan sát được thấy thế hệ mới cần kĩ năng cứng quá nhiều nhưng mình quá chú trọng kinh tế nên không để ý rằng em mình cũng có chủ kiến riêng và muốn khẳng định cá tính

  • Vậy nên mình ép nó nạt nó cũng vì mong tốt cho nó vì muốn nó chủ động kinh tế tự do như mình.

  • Cái khác của mình với mẹ chính là mình biết có những việc mà ở thế hệ nó thay đổi ngoài tầm kiểm soát của mình và mình từng bị mẹ nghi ngờ “sự ngoan” kể cả khi đã đi làm. Thế nên mình cho em mình một niềm tin là nó không hư chỉ là mình chưa đủ khả năng hiểu hết nó thôi.

Và cuối cùng mình ngộ ra một điều là em mình có chủ kiến riêng lắm đấy, chính mình mới là người chưa đủ lắng nghe.


NHƯNG LẮNG NGHE LÀ CÂU CHUYỆN HAI CHIỀU VÀ CÓ NHÂN QUẢ RÕ RÀNG

Nhiều bố mẹ dù ban xuống như lệnh hay áng áng hướng con theo ý mình, thì đều tạo áp lực cho mà chưa hỏi ý kiến riêng. Khi bố mẹ không chủ động lắng nghe con trước mà tạo ra áp lực này thì con cái ngược lại cũng sẽ không lắng nghe bố mẹ. Cái cảnh mẹ chưa nói hết câu, con đã: “Rồi rồi con biết rồi đâu có thiếu.” Đấy chính là nhân quả của cơm áo gạo tiền hoặc lạm quyền sinh thành quá nên không chủ động nghe ý kiến con.


Bản thân việc vạch sẵn hướng đường cho con đi không hề sai:

  • Nó xuất phát từ yêu thương.

  • Nhưng khi bố mẹ thấy con chuội đi, trốn tránh định hướng thì nên dừng lại để lắng nghe rồi đó.

  • Các bạn trẻ cũng như bất cứ người lớn nào, cần tĩnh tâm để hiểu mình muốn gì. Nếu bố mẹ cứ tiếp tục hướng mà không để các bạn ấy có khoảng lặng để tự nghĩ, tự thử, tự sai, tự sửa, thì thực ra bố mẹ đang đối xử với các bạn ấy như một đứa trẻ con.

  • Nếu muốn các bạn ấy lớn thì nên đối xử với các bạn ấy như một người lớn chứ đừng đưa danh sách, bắt các bạn chọn, các bạn quyết định như một đứa trẻ.

  • Anh bạn thân nhất của mình kêu mẹ ảnh có cách giáo dục rất hay. Muốn con chơi đàn mang đàn về để đấy, không nói gì, hứng hứng ảnh tự mò chơi. Muốn con đọc sách Phật đem để đầu giường, ảnh không có việc gì làm tự lôi ra đọc. Không cần ép, không cần la, chỉ cần biết thói quen của con và lựa ghép vào.

  • Và cuối cùng, hãy tin tưởng con cái mình, nếu không tin được rằng con sẽ thành công thì hãy tin rằng thế nào nó cũng không hư. Chỉ cần như vậy, nhất định đứa trẻ sẽ cảm nhận được niềm tin đó và đi đường bớt sai.

Còn các bạn trẻ thì sao:

  • Muốn người lớn lắng nghe mình thì mình cũng phải lắng nghe họ.

  • Khi mình hiểu được mẹ mình la mình học kế toán là vì thời bao cấp công việc khó khăn, mỗi lần chuyển là học lại đại học, đó là lúc mình nói được: “Mẹ à, con biết mẹ lo vì thế này nhưng thế giới đã thay đổi thế này, nên con cũng thay theo thế này.” Từ đó quan hệ mẹ con nhẹ nhàng hơn.

  • Tất nhiên để hiểu biết nhiều thì ta đọc, ta học, ta quan sát nhiều hơn. Cơ mà đến tầm nói được như vậy thì cũng là nhiều năm lắm. Nên trước đó, hãy cứ nhớ rằng bố mẹ xuất phát từ yêu thương, và chỉ cần yêu thương rồi sẽ có lúc nghe được tiếng nhau.

  • Còn nữa, hãy tạo niềm tin cho bố mẹ bằng lời nói và hành động nhất quán của mình. Bạn hãy nhìn gương xấu của mình, mình làm không được thì mình nói dối, sợ bố mẹ thất vọng. Và sau này nó thành vòng xoáy mất niềm tin gỡ mãi không ra. Ngược lại, nếu cái gì được bạn nói là được, cái gì không bạn nói là không, bố mẹ có thất vọng lúc đấy thì sau này khi bố mẹ điều chỉnh lại được niêm hi vọng của mình, họ sẽ vừa hiểu bạn ở đâu vừa tin tưởng bạn.

  • Cuối cùng, muốn phụ huynh nhìn như người lớn thì cư xử như người lớn. Em mình lúc xác định theo Hội họa là xác định dù không ai ủng hộ cũng đi, và nó xác định luôn chuyện tự phải kiếm tiền nuôi thân nó.

Vì nó quyết tâm được đến vậy nên cả nhà quay sang ủng hộ thôi.


CÓ BAO GIỜ HAI THẾ HỆ THỰC SỰ LẮNG NGHE NHAU HOÀN TOÀN KHÔNG?

Không. Vì yêu thương nên thấy con làm sai thì sốt ruột, mình cứ phải nhảy lên cho ý kiến dù không ép. Mình biết có nhiều phụ huynh dù bình thường vô cùng chiều con nhưng đến lúc con được nhận vào mấy việc ở Mỹ vẫn kiên quyết thuyết phục con theo công ty mình thích hơn, chưa hỏi xem con nhận định thế nào. Kể cả những chuyện nhỏ nhỏ nhiều khi: "Mẹ già hơn mẹ phải biết hơn chứ."


Mẹ mình tới mấy năm trước vẫn vậy. Mẹ sang Mỹ đi American Airlines, mình đã dặn là chiều về phải ra sân bay sớm và đóng không được thừa kí, mẹ cứ nghe ông anh mình chuyên bay hàng không Nhật (vì ổng ngoan hơn, trong mắt mẹ là trưởng thành hơn). Xong mẹ mắng mình là con toàn bàn lùi bắt nạt mẹ. Đến lúc ra sân bay thì mẹ mình phải đóng hành lý lại thật. May mình đoán trước vụ đó nên cầm sẵn băng keo đi luôn. Đóng xong kịp mẹ ra tới cửa thì là người cuối cùng.


Con cái cũng vậy thôi. Chúng ta trẻ, chưa nhiều hiểu biết để diễn đạt đúng ý mình muốn. Vậy nên không diễn đạt được là chúng ta vùng vằng hoặc phản ứng thay vì tìm cách nói. Điều đó cũng là lợi bất cập hại.


Thế nhưng nói rồi đó, yêu thương thì luôn là yêu thương, đừng vì nhất định phải theo ý mình mà đẩy con đi xa hoặc với các bạn trẻ thì đưa ra quyết định sai lầm. Hãy học lắng nghe, học để cho con làm người lớn hoặc học làm người lớn thực sự nhé cả nhà.


P.s.1: Nhỡ tay xóa mất nên phải post lại

P.s.2.: Vẫn là mình với gia đình mình thôi mà đổi ảnh khác




75 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page