top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Chuyện giáo dục gia đình (Trung dung)

Mình thừa hưởng sự thông minh của bên nội nhưng nếu nói đến giáo dục gia đình thì chắc mình có ảnh hưởng rất nhiều từ bên ngoại.


CHUYỆN THỨ NHẤT

Hồi học cấp 2, mình học một trường phải nói là toàn con nhà giàu, chỉ có mình và một hai bạn trong lớp là thuộc dạng gia cảnh khá nhưng thực sự vẫn thấp hơn trung bình của lớp rất rất nhiều. Mình vẫn còn nhớ các bạn ấy có ipod thì mình mới có Sony Walkman, mỗi lần đi qua chỗ sóc, là nhạc lại nhảy bài. Có lần mình còn bị bầu là “lạc hậu nhất lớp” không chỉ vì cái Walkman đó mà còn vì cách ăn mặc và kiểu tóc không có tí thời thượng nào luôn.


Cơ mà cũng lạ, mình rất ít khi ghen tị cũng chẳng bao giờ tức tối khi ai đó có cái gì hơn mình. Họ mặc đẹp hơn thì mình khen. Họ học giỏi hơn thì mình thích. Họ có cái gì đó hay hay thì mình tò mò hỏi thăm nhưng nếu họ không cho mượn mình cũng vui vẻ làm việc khác. Lần duy nhất mình thực sự tức tối hay ghen tị với ai đó khi mình đi học có lẽ là khi mình thi vào chuyên cấp ba. Hôm đi thi trường chuyên mình mong ước nhất, mình bị sốt rất cao. Thế mà mình vẫn thi được vào lớp chuyên hai của trường. Nhưng mà chả hiểu mình nghe hơi nồi chõ thế nào thấy bảo lớp chuyên hai đó nhiều bạn trượt nhưng phụ huynh vẫn lo lót xin cho mấy bạn ấy vào được. Mình thấy vậy là không công bằng, cay cú, nằng nặc đòi chuyển sang một trường chuyên khác mình đỗ thừa vài điểm.


Vào trường mới, không hợp văn hóa, không hợp bạn bè, việc học của mình tuy không đến mức tụt dốc không phanh nhưng cũng gọi là làng nhàng và mất động lực. Lờ mờ trong đầu mình nghĩ lại, có lẽ thực sự, trong một phút bốc đồng, cay cú cái sự việc mà mình nghĩ là “không công bằng”, mà mình đã đưa ra một quyết định sai lầm với chính bản thân mình.


CHUYỆN THỨ HAI

Giữa tuần trước, bạn mình có gọi cho mình về việc công ty chồng bạn có một trí mới mở phân tích bậc cao, mà chồng bạn ấy xin vào. Tuy tuyển từ nội bộ nhưng tất cả mọi ứng viên đều phải qua vòng thi cứ và phỏng vấn kĩ càng. Chồng bạn ấy hoàn thành phần thi phân tích rất xuất sắc, nhưng thi xong thì bị bên nhân sự báo là bị loại trước vòng phỏng vấn vì chưa có kinh nghiệm tập đoàn. Cuối cùng bạn được phỏng vấn là một bạn Trung Quốc, người phỏng vấn không biết vô tình hay cố ý, cũng là gốc Trung Quốc, nên bạn này qua các cửa vô cùng trót lọt. Khi tình cờ xem lại kết quả vòng thi phân tích, chồng bạn mình vô tình phát hiện rằng bạn này chỉ đúng có 80% bài mà thôi, thực sự rất bất công.


Có lẽ vì ẩn ức, nên bạn mình đã phải gọi điện xả ngay cho mình và hỏi xem liệu chồng bạn ấy có nên nói chuyện với sếp lớn không. Mình nghĩ một lúc nói: “Kể cả có nói thì cũng chỉ nên nói bằng giọng trung lập. Chồng bạn nên nói là vốn anh ấy không nhất định phải được thăng chức, nhưng tình cờ biết được chuyện này thì cảm thấy quá trình tuyển có vẻ không được công bằng cho lắm thôi.” Thực ra, mình nghĩ nếu làm căng hơn thì bạn Trung Quốc này cũng đã ngồi vào vị trí đó rồi. Mà căng quá thì mất lòng cả nhân sự lẫn sếp, đâu có lợi gì cho sau này.


Có công bằng không? Không. Nhưng đời nếu lúc nào cũng tức vì chữ công bằng thì cũng sẽ giống mình hồi thi vào cấp ba đó, một phút bốc đồng làm mất động lực học.


CHUYỆN THỨ BA

Thực ra những chuyện như bạn mình kể không hề thiếu ở Mỹ. Mình còn nhớ hồi mình hướng dẫn cho một bạn đang học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Mỹ, bạn này rất hay buồn và chán nản. Mình hỏi thăm vào thì bạn ấy kể chuyện trong lúc thi đấu mô hình giả định kinh doanh của Mỹ, bạn ấy đưa ra rất nhiều ý kiến hay, nhưng toàn bị đồng đội Mỹ gạt đi, không có tiếng nói. Đến lúc có kết quả thì nhóm khác làm đúng như cái mà bạn ấy đề xuất ban đầu thắng, còn nhóm bạn ấy thì thua, bạn ấy buồn buông lại một câu với nhóm: “Đấy thấy chưa. Đã bảo rồi mà không nghe.


Thế nhưng kể cả thế, lần sau thi đấu tiếp, nhóm vẫn bỏ bạn ấy ngoài tai. Một hôm bạn ấy suy sụp quá, mình sang nấu ăn động viên cho thì còn được nghe bạn ấy kể: “Hôm nay nghe tin bạn A trong nhóm mình có thực tập chỗ mà mình rất thích. Mình buồn quá bạn ạ. Mình cố gắng như thế, nhưng bạn A được chỉ vì bạn ấy Mỹ. Bạn ấy rủ đi ăn mà mình mệt quá phải về luôn.” Mình nghe cũng không định bụng nói gì để bạn ấy buồn thêm, chỉ biết mấy hôm sau, lớp bạn ấy có đồn thổi đến tai mình, không được dễ nghe cho lắm: “Ôi dào, cái con đấy (nói bạn mình) kiểu căng phách lối, tưởng giỏi lắm. Ai biết A nó vào được công ty tốt mà còn không đi ăn mừng cho A. Ích kỉ, chỉ biết mình. Nói chung làm cùng nhóm với nó chắc khổ phải biết.


Công bằng không? Trong mắt một người Việt như bạn mình thì rõ ràng là không công bằng. Rất nhiều công ty Mỹ không tuyển người nước ngoài không phải vì người nước ngoài không đủ giỏi, mà họ sợ thủ tục khó. Nên nếu có ứng viên Mỹ, dù kém hơn một chút thì ứng viên này vẫn luôn được ưu tiên hơn. Bạn mình trong đầu nghĩ: “Rõ ràng mình giỏi hơn” nên mệt và suy sụp. Nhưng trong mắt một công ty Mỹ và người Mỹ thì chỉ đơn giản là: “Ứng viên nào hợp và có lợi với công ty Mỹ thì họ tuyển” chỉ có 10% là thực sự liên quan đến năng lực hơn hay kém. Ấy vậy mà cái bạn này còn chẳng mừng cho bạn bè được, không những là không có gì không công bằng mà bạn này còn vác thêm cái danh “ích kỉ” luôn.


VẬY NHỮNG CHUYỆN NÀY THÌ LIÊN QUAN GÌ ĐẾN GIÁO DỤC GIA ĐÌNH?

Cậu mình trước khi mình đi làm công việc đầu tiên nói với mình: “Ai hơn cháu cái gì cũng là hơn. Thông minh hơn là hơn. Giỏi giang hơn là hơn. Khéo léo hơn là hơn. Xinh đẹp hơn là hơn. Biết nịnh sếp hơn là hơn. Bố làm to hơn là hơn. Có những cái hơn mà cháu cố gắng được, có những cái hơn mà cháu không cố gắng được. Nhưng nếu cháu đều cho họ là hơn, thì cháu sẽ tôn trọng họ thật lòng. Cháu sẽ không tức tối về sự bất công, mà tập trung cố nhiều hơn nữa ở những mặt mình có thể để mà vượt qua họ.”


Mình giữ câu nói này trong tim và vẫn luôn mang nó để tiến về phía trước. Rất nhiều bạn ngạc nhiên khi thấy mình cố rất nhiều về một thứ nhưng kể cả khi mình không đạt được, mình cũng rất vui vẻ và tiếp tục làm những việc khác. Có người hỏi mình: “Cố mãi không được cũng phải buồn chứ? Hơn nữa có nhiều chuyện người thắng cuộc là vì bất công nữa ấy?” Mình chỉ cười: “Buồn thì buồn mất một giờ đến một buổi tối là được rồi. Buồn tốn thời gian lắm, để thời gian làm việc khác có ích hơn.” Và mình cứ thế, chẳng mấy khi buồn quá hay vui quá, hay ghen tị, chỉ cần mẫn vượt lên và rồi mình cũng đạt được một cái gì đó của riêng mình.


Nghĩ lại, cậu mình cũng không phải người đầu tiên nói với mình như vậy. Lời cậu nói chỉ là đơn giản hóa triết lý của hai chữ “Trung Dung” mà từ nhỏ cả nhà mình đã “bị dạy” và “bắt ngấm


CHỈ HAI CHỮ MÀ KHIẾN NHIỀU THẾ HỆ VỀ SAU THÀNH ĐẠT

Ông ngoại mình là kiến trúc sư. Bà cũng làm công chức và có thêm cửa hàng tạp hóa, cho thuê truyện, thi thoảng may và sửa quần áo kiếm thêm tiền. Họ ngoại tính theo thời phong kiến thì được xếp vào dạng gia đình “thư hương”, có truyền thống học hành khoa cử dưới triều Nguyễn. Nhưng đến khi chính phủ mới tiến vào, thì gia đình mình cũng như bao nhà khác, công chức, không giàu, cũng chẳng phải con ông cháu cha.


Vậy cớ gì mà, mẹ mình, dì mình, các cậu mình về sau đều rất thành công trong việc vươn lên đến cấp cao nhất (chủ tịch) trong một công ty nhà nước hay thành công mở nhiều doanh nghiệp riêng rồi hợp sức lại thành một bước đệm vững chắc cho thế hệ sau như mình hay các em họ mình. Tất cả cũng chỉ vì hai chữ “Trung Dung”


TRUNG DUNG

Mình chưa lớn ông ngoại đã nói hai chữ này cho mình. Nếu đơn giản hóa thì “Trung Dung” có ba tầng nghĩa. Tầng thứ nhất:

  1. Trung” có nghĩa là không thiên lệch. Ý chỉ mọi loại năng lực đều được đánh giá ngang như nhau. Năng lực về học hành thì đã đành, nhưng kể cả xinh, hay biết khéo, biết nịnh, hay được sinh ra trong gia đình có lợi thế hơn, những thứ đó cũng được tính là một loại năng lực.

  2. Dung” có nghĩa là chứa đựng hay chấp nhận như trong “bao dung” hay “ung dung”. Ý chỉ dù ai có năng lực gì, điều đầu tiên một con người làm được chính là chấp nhận rằng đó là một thứ mà mình nên tôn trọng. Có tôn trọng, thì mới không tức tối, và tập trung và việc của mình thay vì cứ mải buồn hay vui vì những cái người khác có mà mình không có.

  3. Nếu nói như vậy thì cả cái việc bạn mình có “quốc tịch Mỹ” cũng là một dạng năng lực mà mình không có nhưng nên tôn trọng rồi.

  4. Nếu mình thực lòng tôn trọng năng lực này, thì khi những người Mỹ có cơ hội việc làm tốt nhờ quốc tịch Mỹ mình không còn tức tối nữa. Mà khi không còn tức tối thì mình có thể chân thành với họ và khiến họ quý trọng mình. Đến lúc đó rồi biết đâu, mình mượn được cả nguồn lực về quan hệ và sự khéo léo của họ. Hơn nữa, khi mình không tức tối nữa, minh quan sát họ bằng con mắt công lập hơn, mình sẽ nhìn được điểm tốt của họ. Một người thành công được luôn có nhiều lý do cả tốt lẫn xấu. Mình không học hết nhưng mình chọn cái nào phù hợp với định hướng và con người mình thì mình học. Như thế càng ngày, mình càng tích lũy được nhiều kĩ năng, kiến thức, để giúp mình tiến gần đến thành công hơn.

  5. So với việc “Ghét ai ghét cả đường đi lối về” thì có thêm nhiều quan hệ và học thêm nhiều kĩ năng để cải thiện cho bản thân luôn có lợi hơn trên đường dài. Ghét hay đố kị với người thành công chỉ khiến bạn không nhìn được cái tốt để mà học thôi.

TẦNG THỨ HAI:

  1. Trung” có nghĩa là bình hòa, trung chính, không để cảm xúc lệch nhiều quá về hỉ (vui), nộ (tức giận), ái (yêu), ố (ghét). Thực ra khi buồn quá hay vui quá đều rất mất năng lượng. Khi yêu quá hay ghét quá đều rất mất tập trung. Nếu cứ chạy theo những cảm xúc này mãi thì khó có thể tập trung vào việc chính đáng, việc mình thực sự muốn làm. Vì vậy cần bình ổn cảm xúc để tập trung.

  2. Dung” có nghĩa không thay đổi. Đời mỗi người có một quỹ đạo và mục tiêu riêng, không nên vì những cảm xúc với những việc xảy ra bên ngoài, đặc biệt những việc liên quan đến cảm xúc mà thay đổi quỹ đạo đó.

  3. Ví dụ đi, bạn có học bổng vào được trường chuyên, bạn thấy bản thân quá vui, và thấy mình giỏi quá rồi nên quên mất việc học. Cái này khiến bạn ngủ trên chiến thắng. Đến lúc thi đại học bạn nhìn lại, bạn chẳng còn hơn ai nữa, cuộc đời đã vượt qua bạn mất rồi, và bạn đã đi lệch quỹ đạo lúc nào không biết.

  4. Hay xem như người bạn trong câu chuyện thứ ba của mình đi, khi bạn ấy buồn bạn ấy sẽ không học hay tìm việc được, mà sẽ tìm phim Hàn Quốc để xem và xả xì trét. Cứ như thế thì bạn ấy càng ngày không cố gắng với việc tìm việc ở Mỹ, và kết quả cũng không thành công.

  5. Còn mình thì sao, năm thi cấp ba, “nộ khí bừng bừng” chỉ vì một thứ có vẻ không công bằng mà quên mất rằng kể cả mình vào lớp chuyên 2 với một bạn “lo lót” thì năng lực của mình vẫn là của mình. Mình đã có thể có một môi trường hợp và nhiều động lực hơn để tiến xa hơn là đi vào một môi trường khác. Mình đã phải mất rất lâu (10 năm có lẻ) để kéo bản thân mình về lại đúng quỹ đạo của mình, chỉ vì một phút để đầu óc nóng giận đến như vậy.

TẦNG THỨ BA:

  1. Trung” có nghĩa là đẹp đẽ. “Dung” có nghĩa là sử dụng. “Trung Dung” ở tầng nghĩa này có hàm ý “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hay theo tục ngữ Việt Nam “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.

  2. Điều này có nghĩa là chọn một chuyên ngành và quyết tâm đi sâu vào nó. Đừng vì người khác làm một cái khác tốt mà muốn chạy theo vì những nếm mật nằm gai trong thành công của người khác mình không hiểu được đâu.

  3. Hơn nữa nếu mình đã chọn một nghề có chuyên ngành thì dù ban đầu thất bại cũng không sao cả, cố gắng trau dồi và vực dậy bản thân. Qua thời gian, từ sự trau dồi đó mình sẽ có nhiều thứ tốt đẹp để mà mình sử dụng.

  4. Nếu áp cái này vào du học, thì du học thực sự không phải là một nghề có chuyên ngành, vậy nên không thể lấy nó làm quỹ đạo đời mình được. Bạn phải chọn một thứ có chuyên môn, rồi dù học trong nước hay ra nước ngoài, lấy nó làm tôn chỉ, cứ thế cứ thế đi sâu vào, rồi bạn sẽ có một sự nghiệp rực rỡ.

Nói thì dễ làm mới khó, có câu: “Thiên hạ quốc gia có thể chia đều được. Lưỡi dao sắc có thể giẫm lên được. Nhưng đạo Trung Dung lại không thể làm được.” Thực ra làm con người là sinh vật của cảm xúc, làm sao để không tức khi một người vì xinh mà được làm vị trí tốt hơn mình. Làm sao để không buồn khi mình giỏi mà công ty Mỹ họ nhất định không tuyển.


NHƯNG VỚI BÊN NGOẠI NHÀ MÌNH, TẤT CẢ MỌI NGƯỜI THÀNH CÔNG CẢ DANH VỌNG VÀ TIỀN BẠC CHÍNH NHỜ VÀO HAI CHỮ ĐÓ…

Mẹ mình thành công học đại học nhưng ban đầu chỗ ông bà xin cho làm thì phải làm vất như công nhân dù cầm bằng kĩ sư ra hẳn hoi. Mẹ cuối cùng đi học thêm tin học để đi làm cho một công ty tin học mới nổi ngày đó. Khi công ty đó không may chia rẽ, mẹ chấp nhận làm phòng bảo hành cho một công ty nhỏ bị không ít người trong công ty lúc đó coi thường. Rồi mẹ quay lại học thêm một bằng kế toán, vươn từ phòng bảo hành sanh kế toán rồi giám đốc tài chính của toàn bộ công ty. Nếu đã từng tức tối ra mặt với ai đó trong cả quá trình đó, sợ rằng mẹ mình sẽ không có đủ bệ đỡ để leo lên những nấc thang cao.


Dì mình do sức khỏe kém nên thi Cao đẳng sư phạm cho đỡ áp lực. Lúc ra trường, dì vào trường với mức lương thưởng thấp nhất, nhưng cũng khiêm tốn “Trung Dung” từ đó đi lên, Giáo viên dạy giỏi cấp trường, rồi hoàn thành đạii học, rồi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, rồi bây giờ, trường muốn dì lên Hiệu trưởng hoặc thanh tra bộ. Nhưng tất cả bắt đầu từ không một bệ đỡ


Cậu cả mình thành công vươn lên trong một tập đoàn nhà nước. Ai cũng nghĩ lo lót nhưng nhà mình ông bà làm gì có tiền. Ai cũng nghĩ con ông cháu cha nhưng ông kiến trúc sư, bà bán tạp hóa. Nhưng cứ nói vươn lên đến một mức là giỏi rồi. Mà vì chân thành và không ghen tị (dù với con ông cháu cha), cậu mình đạt đến mức chủ tịch một tập đoàn.


Cậu út mình thì theo tư nhân ngay từ đầu, cũng làm gì có tiền đâu, nhưng làm công trình thật giỏi rồi tự tích lũy tiền mở công ty riêng. Cậu tự học tiếng Anh, và vì tiếng tốt nên cần mẫn đi bán nhiều cũng không biết được bao nhiều hợp đồng xây dựng công trình công nghiệp. Đến lúc xây nhà máy cho cả Nhật, Hàn, Mỹ, cậu mình mới có thư giới thiệu từ những công ty cậu hỗ trợ xây dựng để đi học thạc sĩ Fulbright. Và nhờ vào Fulbright, cậu lại càng có nhiều quan hệ để tiếp tục phát triển cùng gia đình sau này. Nếu cậu giành thời gian để ghen tị, để mà thắc mắc tại sao ông bà mình không có tiền để mở công ty, có lẽ sẽ không bao giờ cậu đạt được đến mức như vậy.


CÒN MÌNH THÌ SAO?

Mình vào chương trình Tiến sĩ, dù các thầy giúp đỡ rất nhiều, nhưng dữ liệu là tự mình đem lại, cũng không có thêm mấy tiền quỹ trừ khi mình tự đi xin công ty. Bạn vào dưới mình một năm vừa vào một cái giáo bạn ấy cũng mới về lại trường, cho luôn mấy chục nghìn USD để đi thăm thú và nói chuyện với các công ty. Công bằng không? Chắc không nhỉ? Tầm năm sau thì hai báo của mình trắc trở vẫn đang bị từ chối vòng cuối ở báo thì bạn ấy nổ một bài báo lớn. Mình còn mừng hơn cả bạn ấy, gọi bạn ấy đi uống bia luôn. Trưởng khoa gọi mình vào: “Không phải ai cũng làm được như em. Nhất là khi em cố không kém mà không may nên chưa xuất bản được.” Mình nói: “Ồi thì có gì đâu. Em vẫn làm việc mỗi ngày. Làm rồi thì cũng phải có lúc được. Không sợ. Chả lẽ mong ai cũng kém may như mình?


Giáo bạn ấy mấy hôm sau gọi mình vào, cho mình mt đống tiền làm nghiên cứu, còn đứng ra bảo trợ mình với một báo dựa vào danh tiếng của báo luôn. Có giáo dục từ gia đình, mình luôn có lợi thế hơn người khác


NHÀ NỘI MÌNH THÌ SAO?

Như mình nói đấy, mình lấy thông minh của bên nội. Hai ông bà nội đều làm nông, nhưng thế hệ sau, các bác, bố mình và các chú hầu hết đều có sự nghiệp riêng rực rỡ. Bảo “Trung Dung” thì lại không phải.


Bố mình đang làm Tiến sĩ ở Bulgaria thì do không biết “lo lót” nên bị kéo về ngay trước khi hoàn thành Luận án. Bố tức lắm. Con đường học của bố dang dở vì bố học thẳng từ đại học lên Tiến sĩ nên thậm chí còn không có bằng thạc sĩ. Bố mình tức cái đội “biết lo lót” lắm. Mãi sau này, khi bố trưởng thành hơn một chút, bố mới nghĩ khéo léo cũng là một năng lực, và bố tuy không lo lót nhưng vẫn cố gắng giữ quan hệ tốt với mọi người. 45 tuổi bố mình mới làm xong Tiến sĩ . Và 15 năm cuối cùng của cuộc đời đi làm, bố mới thực sự thăng hoa.


Bố nói với mình rằng: “Bố từng rất giận người sinh ra ở vạch đích. Nhưng thực ra sinh ở đâu xuất phát điểm ở đó. Nếu mình không cay cú, thì mình có thể tập trung chạy, ít nhất là nhanh hơn người ta một chút, đến cuối đời vì người ta chạy đủng đỉnh, mình cũng đuổi kịp người ta. Còn cay cú quên chạy luôn thì lại bỏ phí hết quãng đời đẹp nhất của mình. Giá mà bố biết chuyện này sớm hơn chút.


Nhà nội mình thành công, nhưng hầu hết mọi người làm kĩ thuật. Còn nếu nói thành công trên mọi phương diện cuộc sống thì mình vẫn luốn nghĩ có một chút gốc gác từ giáo dục gia đình vẫn sẽ hơn. Không phải tiền bạc nhiều hơn mà vì tầm nhìn khác, cách hành xử và tự dưng cuộc sống sẽ khác.


Vậy nên mình mong các bạn muốn đi du học hãy “Trung Dung” một chút. Đừng đi theo trào lưu. Hãy ngẫm xem quỹ đạo mà mình muốn cho đời mình là gì. Nếu mình không phải con nhà giàu có điều kiện từ trong trứng, thì mình phải cố cái khác thôi. Học giỏi hay ngoại khóa, hay đi làm thêm 4 việc để một ngày có đủ tiền tự lo thân đi du học và vừa xin học bổng chính là một cách cố gắng chân thành. Đừng ghen tị với những bạn ngoài kia đi ngay từ phổ thông hay đại học. Họ có thể giỏi hơn mình rất nhiều, bố mẹ có tiền hơn mình rất nhiều. Mà vì bố mẹ có tiền cũng là một loại năng lực mà mình không có được, mình nên mừng cho họ và cố cái mình cố được “phải giỏi và phải giỏi hơn nữa”


Con người hay thấy các loại đặc quyền “giàu” và “xinh” thì tức tối, chẳng qua vì chúng ta không cố được những thứ đó. Nhưng có ai không muốn bản thân mình nuôi được con cái trong điều kiện tốt hơn, có ai lại không muốn mình xinh đẹp hơn một chút. Chỉ cần bình tâm lại thì thấy “tâm sinh tướng” tự mình sẽ đẹp “tâm sinh phúc” tự mình sẽ thêm phúc thêm năng lực.


P.S.1: Có người nói bài về văn hóa phương Đông của mình là nhặt nhạnh ví dụ không đầy đủ. Mình cần tóm tắc tổng quan để mọi người hiểu hơn. Phương Tây cũng có quyển tóm tắt triết học 1000 trang đó. Thực ra, mình thấy triết phương nào cũng mênh mông như biển. Tóm không tóm được trong một bài đăng ngắn. Hai chữ “Trung Dung” bạn thấy đó, dù đã đơn giản hóa vẫn phải dài lê thê. Nếu bạn có thể tóm được triết lý nhân sinh phương Đông trong một bài đăng thì thật tốt quá.


P.S.2: Có bạn hôm trước nói muốn giữ gìn văn hóa “thuần khiết” của phương Đông. Ý là con gái Việt thì phải lấy đàn ông Việt. Mình chỉ thấy buồn cười. Gốc văn hóa gia đình những cái đáng học như “Trung Dung” thì rất ít người còn giữ, lại giữ cái “dòng máu thuần chủng” biểu hiện bề mặt như vậy. Thật ra phương Tây du nhập vào chúng ta rất nhiều cái tốt. Nếu chúng ta giữ được cái gốc phương Đông tốt thì cây sẽ đơm hoa đẹp, và ra quả ngọt dài lâu. Nhưng còn cái giữ nòi giống của bạn thì mình thấy đi ngược sự phát triển.


Bạn có thể phá 1 ngôi nhà lỗi thời nhưng giữ lại cái móng và những cái dầm chắc chắn. Như thế thì dù bạn có xây nhà kiểu mới, ngôi nhà vẫn sẽ vững chãi như cũ mà nhìn đẹp hợp thời hơn. Còn cái giữ “dòng máu thuần chủng” của bạn thì giống như phá nhà phá móng còn giữ gạch. Bạn lấy gạch đó để ném những người không đồng ý với bạn là chính, còn ngôi nhà mới của bạn thì vẫn lỏng lẻo và dễ đổ mà thôi.


P.S.3: Nhờ có em gái Phạm Thu Trà động viên mà mới có động lực viết bài này. Dài như cái sớ. Mong mọi người thông cảm nha.


P.S.4.: Càng ghét mình up ảnh chồng Tây thì mình lại càng thích úp. Yêu chồng mà. Hì hì



962 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page