top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Du học hay thoát ly áp lực gia đình?

Mấy hôm rồi có bạn đăng bài nói rằng ba mẹ bạn ấy chỉ quan tâm đến chị gái, còn bạn ấy muốn làm gì như thế nào thì hổng có ai để ý hay động viên. Mình phải tá hỏa quay sang hỏi em gái xem nó có cảm thấy thế không.


Nó cười khà khà, kêu: “Ừ thì… em cứ làm lỗi gì, chưa kịp nhận thì ba mẹ đã quay qua mắng chị… nên em im im là xong.” Mình và em gái khá thân. Thực ra, không phải nó không có áp lực khi ba mẹ chẳng quan tâm đến việc nó làm nhưng cân nhắc kĩ càng thì nó thấy, chính vì ba mẹ tập trung hết vào mình nên nó muốn làm gì thì làm. Nó có quay ra làm nghệ thuật thì ba mẹ ép nó quay lại con đường “chính tắc” cũng không căng thẳng lắm vì ít nhất ba mẹ có mình để “hi vọng” rồi.


Nói vậy không có nghĩa là mình thì không có cái áp lực kiểu KHÔNG AI QUAN TÂM VÀ AI TRONG NHÀ CŨNG GIỎI HƠN MÌNH như các bạn tả.

Ba mình là du học sinh Đông Âu. Ba học xong đại học bên đó họ giữ lại làm Tiến sĩ thẳng luôn. Nếu không phải do ba không khéo quan hệ với phía Việt Nam thì chỉ cần ở thêm năm nữa là có bằng rồi. Ai biết lại bị yêu cầu về nước trong khi sắp hoàn thành luận án đâu. Tuy nhiên, ba về thì cũng vẫn xuất sắc thôi. Ba là người đầu tiên nhận Huân chương Tuổi Trẻ Sáng tạo của Việt Nam. Đi kèm với Huân chương là 3 triệu (hồi đó to lắm). Cơ mà công ty giữ hết, cho ba đúng 50,000 đồng.


Mẹ mình học Bách Khoa, ngành hóa thực phẩm. Mẹ bảo mẹ cứ thấy oai thì thôi, chả để ý trường nào. Ra trường mẹ mình vào làm Nhà máy thuốc lá Thăng Long. Vì mẹ làm khâu quản lý chất lượng nên phải hút thuốc. Ông bà mình và bố mới kêu mẹ nghỉ để học chuyển ngành. Bố xin cho mẹ vào FPT Đào tạo. Mẹ mình một tay cầm sách tự học tin học văn phòng, tay kia dạy cả người lớn cả trẻ con dùng máy tính. Hồi đó vẫn còn là Window 1.3 gì đó, mẹ nói mình cũng không hiểu luôn. Mẹ làm giáo dục tin học một thời gian thì chuyển sang làm Hội thảo về thị trường Chứng khoán với các giảng viên bên Đại học Ngoại thương, tổ chức sự kiện và bán vé siêu hoành tráng luôn. Được một thời gian hết “hot” thì mẹ lại vào chính ngoại thương học lại nguyên 1 bằng kế toán rồi đi làm quản lý tài chính của một công ty công nghệ. Vậy nên trước khi mình đi học Thạc sĩ mẹ luôn giữ một câu cửa miệng: “Mẹ dốt nhất nhà vẫn 2 bằng đại học.”


Bác mình bên nội cũng học giỏi nổi tiếng, về sau trở thành Tổng Giám đốc của một công ty thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Con trai bác một anh học Bách Khoa, xong ra làm công nghệ giỏi đến mức được câu thẳng sang Mỹ làm luôn. Anh còn lại thủ khoa đầu vào của một trường kinh tế và về sau cũng làm lên rất lớn trong ngành Tài chính kế toán. Chú sau bố mình bị ông không cho đi học vì “cú chính quyền” mất một thời gian. Nhưng tự thân chú mở công ty, thành công phát đạt. Con chú, em họ mình dù ban đầu theo ngành công nghệ thông tin, cũng rất giỏi nhưng về sau về tiếp quản công ty gia đình.


Bên ngoại, cậu cả nhà mình học thương mại xong về sau làm cho Hàng không Việt Nam. Giỏi ở chỗ từ không quan hệ gì (ông mình làm kiến trúc sư ở Tổng công ty Xây dựng Sông Đà, còn bà thì có cửa hàng tạp hóa và thuê truyện nhỏ), mà cậu làm thành Trưởng một Ban của một công ty Hàng Không. Về sau cậu có học bổng toàn phần đi học Tiến sĩ ở Nhật. Nhưng vì cậu nhớ vợ nhớ con nên bỏ ngang. Sau khi trở lại Việt Nam một vài năm, thì cậu làm lên đến tầm Tổng Giám đốc và Chủ tịch một tập đoàn lớn.


Cậu thứ hai làm trong ngành Xây dựng. Ban đầu ông bà muốn cậu làm nhà nước nhưng cậu không chịu, cương quyết tự xin làm nước ngoài. Về sau sếp Nhật yêu cậu bằng chết mà mọi người chắc cũng biết sếp Nhật khó tính đến mức nào. Cậu ra riêng mở công ty, làm ăn rất tốt và có học bổng Fulbright để đi học tiếp về ngành quản trị dự án. Bản thân cậu toàn Xây nhà máy với khu công nghiệp tiêu chuẩn cho nhiều tập đoàn lớn hoạt động ở miền Bắc. Vợ cậu là một trong những Chevening Scholar lứa đầu tiên, ngành Quản trị nhân sự. Trước khi đi Chevening, ngoài làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, cô còn là giảng viên Khoa Tài năng của Đại học Ngoại ngữ. Sau Chevening về sự nghiệp cô phát triển đến độ ngày làm 4h mà lương vẫn 10,000 USD.


Nếu bắn xa hơn chút nữa thì các bác, các anh chị họ gần toàn học bổng Fulbright, học bổng 100% học phí ở các trường Mỹ, học bổng toàn phần ở Pháp, vân vân mây mây toàn những người giỏi. Mình nhớ cái hôm mình được học bổng toàn phần ở Mỹ, gọi cho ba mẹ khỏe, nhận được đúng 1 câu: “À thế à?” Ừ thì đúng kiểu không có gì là ngạc nhiên.


Vậy nên các bạn nói áp lực vì ba mẹ không quan tâm, mình hiểu lắm chứ.

Mẹ mình 2 năm trước thừa nhận với mình rằng: “Lúc con còn bé, mẹ nghĩ ba giỏi, mẹ giỏi thì con giỏi là đương nhiên.” Vậy nên bé mình cũng ít được khen hay động viên, hay quan tâm gì gì lắm. Lúc nào điểm kém thì ăn mắng mà điểm cao thì như không có chuyện gì xảy ra. Dần dần mình rơi vào 2 trạng thái, nói vống lên các thứ cho ba mẹ thấy mình siêu sao. Tất nhiên là khi phát hiện ra sự thật thì ôi trời ăn tẩn. Hoặc không thì mình làm gì đó cực quá đáng để được chú ý, quả nhiên là vẫn ăn tẩn như thường.


Tất nhiên tình trạng ba mẹ không để mình vào mắt còn kéo dài dài lâu. Mình đi làm chỗ đầu tiên tử tế lương được 6 triệu. Mẹ mình kêu giời lên là thấp. Đến hôm cậu mình mổ xương khớp gì đấy sau khi chấn thương do chơi thể thao. Mình với mẹ vào thăm cậu, cậu mới nói là: “Ủa chị, thế thấp gì, mới ra trường trả lương thế là cao đó.” Sáu tháng sau mình được sếp Hàn lên lương cho thành 17 triệu, về thông báo với mẹ. Mẹ ứ tin, mẹ đòi phải có sao kê ngân hàng chìa vào mặt, còn không thì mẹ nghĩ mình chỉ “bốc phét”.


Có một đợt công ty mình làm cho do một số vấn đề mà cắt giảm nhân sự. Mình bị cắt do “Đập bàn ứ chơi với Chủ tịch.” Mẹ mình lo lắm, đem mình đi lạy lục với các cậu để kiếm việc cho mình. Cậu cả bên hàng không thì bảo: “Chị cho nó vào Hàng không thì lương chỉ 10 triệu á. Cho vào làm gì?” Vợ cậu thứ 2 thì bảo: “Ủa, hồ sơ của Trang còn đẹp hơn hồ sơ cậu Hưng, lo gì không xin được việc?” Đúng 1 tuần sau mình có việc, lương gấp đôi việc cũ. Câu chuyện này còn dền dứ dài dài. Đến mức mình còn công khai nói với bạn mình rằng “Đời không có cái gì khổ bằng khổ ba mẹ quá giỏi.” =)))


Mãi sau này, khi mình sang tên hết tài sản cho ba mẹ và biếu ba mẹ một khối cũng kha khá trước khi quay sang Mỹ làm Tiến sĩ, mẹ mình mới nói: “Mẹ cứ nghĩ con giỏi lắm có hai ba trăm triệu tiền tiết kiệm.” Từ đó quan hệ của mình với ba mẹ mới dần nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên thi thoảng cụ vẫn chồi lên. Đơn giản như mình tập thể dục chụp ảnh lại để đăng facebook, cụ cũng phải nhảy vào nói là: “Chả dẻo gì cả. Mẹ tập Yoga dẻo hơn nhiều.” Thực sự là rất buồn cười.


Đó, mình con đầu. Mình cũng tự cho mình là OK, vậy mà ba mẹ mình đâu có quan tâm động viên theo cái kiểu mình muốn đâu. Em gái mình nhìn mình thì lại thấy ba mẹ quan tâm và khen mình hơn. Có gì đâu, chẳng qua là vì mình qua cái thời để ba mẹ phải lo rồi nên giờ đi xa chỉ còn nhớ với thương, nên trong mắt nó mới thành nó không bị để ý.

Thực ra rất nhiều người, không ít thì nhiều cũng từng cảm thấy ba mẹ chẳng quan tâm lắm như vậy.


Có trường hợp thì ba mẹ giỏi giống mình, có trường hợp thì do ba mẹ bận cơm áo gạo tiền không có thời gian lắm. Khi mình đi qua rồi nhìn lại, thì mình cũng thấy đó không hẳn là lỗi của ba mẹ. Hầu hết việc mình học hay mình có kế hoạch gì đó cho tương lai trong mắt nhiều ba mẹ Việt Nam, đó là trách nhiệm đương nhiên của mình. Bởi vì sống tốt, làm tốt lại lợi cho chính bản thân cá nhân một người, đâu có gì mà cần phải suy nghĩ nhiều để mà ủng hộ. Chỉ khi người đó vượt ngưỡng cần ba mẹ lo lắng thì lúc đó ba mẹ cảm thấy có thể nghỉ ngơi được và thể hiện sự yêu thương nhiều hơn.


Mình cũng từng một thời tuổi trẻ, từng đi tìm sự công nhận của ba mẹ (tới tận năm 27 tuổi cơ). Vậy nên khi không có được nó, mình cũng từng buồn khổ và lạc lối. Thế nhưng dù buồn hay lạc thì quyền lựa chọn vẫn ở trong tay mỗi người.


Có người nói chọn du học để tìm lại chính mình. Mình thấy không phải vậy. Khi còn nhỏ, ba mẹ luôn nói mình phải học nên đôi khi mình bị lẫn lộn giữa việc mình thích học hay là ba mẹ thích mình học. Khi ba mẹ buông tay, mình cũng hơi lạc một chút nhưng sau một thời gian, mình tự nghĩ là “mình không thích làm công nhân vì làm công nhân mình sẽ không có điều kiện về tiền bạc và thời gian để đi du lịch khắp nơi như mình muốn.” Vậy nên mình tự thích học lại, lần này là tự động lực nội tại của bản thân, không cần ai bảo cũng học. Đi du học thực ra giống một cái để chứng minh và nhận được sự chú ý của ba mẹ nhiều hơn thôi. Xong rồi nếu bạn rơi vào trường hợp như mình, thì có học bổng, ba mẹ vẫn không công nhận, thì bạn sẽ làm thế nào?


Du học là một lựa chọn rất tốt để chạy trốn thực tại vì nó thả bạn vào một thực tại khác ở một đất nước khác. Tuy nhiên, khi bạn không đủ vững vàng và trưởng thành để đương đầu với thực tại áp lực ở Việt Nam thì chắc gì bạn chưa đủ vững vàng và trưởng thành để đương đầu với vô vàn khó khăn ở một đất nước khác. Hơn nữa khi bạn du học xong quay về, vấn đề cũ vẫn còn đó, đâu có tự biến mất đi đâu.


Cách làm tốt hơn là ngay lúc này nếu bạn cảm thấy áp lực từ gia đình, bạn hãy thử suy nghĩ xem ngoài sự công nhận từ cha mẹ và du học, thì cái bạn muốn cho riêng bản thân mình là gì càng cụ thể càng tốt. Mình thích đi du lịch, mình vẽ ra một loạt các địa điểm mình muốn tới muốn làm, mình ngồi tính chi phí và lộ trình cho nó. Tự mình thấy là nếu muốn thế vì phải có tài chính (để xin visa), tiếng (để hỏi đường khi ở nước ngoài), và thời gian (để còn đi được nữa chứ). Vậy nên chẳng cần biết học để làm gì, nhưng mình biết học thì mình mới kiếm được việc nhiều tiền, luyện tiếng tốt, và có nhiều nghỉ phép để còn đi chơi dài cẳng lúc nào mình tầm 25 26 tuổi. Hay như em gái mình chẳng hạn, nó biết ba mẹ nhè mình làm con đầu xuất sắc. Chỉ cần mình xuất sắc rồi, nó học nghệ thuật sẽ không bị ăn chửi quá nhiều. Mà quả đúng như thế thật. Nhưng nó cũng phải cố gắng không ngừng nghỉ để mà ít nhất có tiếng Anh, nếu nó không sống được bằng nghệ thuật thì nó còn cái để bấu vào.


Vậy còn các bạn thì sao? Các bạn muốn đi du học? Nhưng hãy nhớ rằng không ai có thể du học cả đời?

Du học là mục tiêu tạm bợ. Các bạn muốn cả đời này làm gì mới là quan trọng? Hãy đặt mục tiêu lớn hơn cái trước mắt và có cả vấn đề mình sẽ tự hỗ trợ về mặt tài chính cho mục tiêu lớn đó thế nào. Khi đó bạn sẽ nhìn thấy trùng trùng khó khăn nhưng đi kèm nó là cả một chân trời rộng mở về việc cần làm thứ cần lo. Khi có mục tiêu lớn như vậy vì quyết tâm của bạn với những thứ trước mắt mới cao lên được. Kể cả trước mắt có việc bạn không thích làm, nhưng nếu nó cần cho mục tiêu dài lâu của bạn thì bạn vẫn sẽ băng băng qua nó thôi.


Cuối cùng, sau nhiều năm mình nhìn lại thì người trong gia đình giỏi là quá tốt chứ sao.

Gia đình ai cũng giỏi thì rất áp lực. Nhưng mà mình cũng vì thế mà không chỉ có tấm gương, mà còn có nguồn để hỏi nếu mình muốn xin bất cứ loại học bổng gì. Mình chọn cách cố để giỏi hơn tất cả. Và dù mình vẫn không giỏi hơn rất nhiều người trong gia đình, mình vẫn có một vị trí mà nhiều người phải nhìn trong xã hội. Em gái mình chọn cách không cần cố để giỏi hơn ai cả. Và khi nó muốn theo nghệ thuật, ba mẹ có căng lên nhưng đàng sau lưng thì mình nói 1 câu: “Ủa ba? Ủa mẹ? Một đứa lắm tiền chưa đủ mà phải 2 đứa lắm tiền cơ á? Sau này nó vẽ tranh kiếm đủ sống là được rồi. Sau này nhà có sẵn đấy nó ở là được. Ba mẹ chỉ cần lo vui khỏe có ích thôi.” Quan trọng là bạn biết bạn muốn gì, đặt mục tiêu to vào, đừng có chỉ ngày qua ngày lại hóng sự công nhận của ba mẹ là được.


Hãy nhìn mình này, du chán vạn, làm đủ thứ… Nhưng cuối ngày mẹ vẫn “con tập yoga không có dẻo?” Đến lúc bằng tầm tuổi mình rồi các bạn sẽ thấy chỉ cần ba mẹ khỏe là vui rồi. Còn không ủng hộ á, không ủng hộ cũng đâu làm được gì mình? Mình tự chủ tài chính mà. Các bạn vẫn mong ba mẹ ủng hộ, thực ra 70% là tình cảm, 30% còn lại là không có tiền muốn mình làm gì cũng có một chút tài trợ cho an tâm. Hãy tự lập một chút. Khi các bạn tự lập được rồi thì cảm thấy chuyện gì nó cũng nhỏ thôi, buồn với lạc cũng sẽ nhỏ dần đi ấy mà.


Đây cũng là lời nhắc nhở nhẹ với những bạn đã đang sẽ làm ba mẹ.

Sự công nhận về mặt tình cảm từ ba mẹ có lẽ sẽ là cái mình và ba mẹ mình cố gắng bù cả đời không hết. Những vết thương lòng nhức nhối. Đôi khi chỉ động cãi nhau một chuyện con con với ba mẹ là mình có thể ngồi khóc nguyên ngày được vì kí ức tuổi thơ tràn về. Nếu ba mẹ và con cái có thể làm bạn với nhau từ đầu thì thật là tốt quá.


Với những bạn mà áp lực từ ba mẹ đã đầy rẫy rồi, thì mình chẳng thể sửa đổi được ba mẹ mình đâu, cái mình làm được là chọn mạnh mẽ (chứ đừng trốn chạy), chọn vô ưu (chứ đừng vô tâm). Tuy mạnh mẽ hoài sẽ có lúc mệt, vô ưu hoài sẽ có lúc cô đơn nhưng mình tin rằng qua thời gian mình sẽ trưởng thành và hai bên sẽ hiểu nhau hơn. Còn du học vẫn chỉ nên là 1 phần rất nhỏ trong mục tiêu của một đời người chứ không nên là “mong ước duy nhất” dù ở bất cứ lứa tuổi nào.


Chúc cả nhà sức khỏe và thành công.




407 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page