top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Phụ nữ học cao và chuyện lấy chồng

Mình tâm sự với rất nhiều bạn nữ trong nhóm và chia sẻ chung của hầu hết các bạn là gia đình trong xã hội Việt Nam coi trọng việc các bạn lấy chồng hơn là học hành và sự nghiệp. Kì thực bản thân mình cũng là một người trong cuộc


CHUYỆN THỨ NHẤT:

Lúc nhỏ, mình ghét nhất câu “con gái thì phải” của bố mình. Bố sinh ra trong gia đình nông dân, cũng không hẳn là trọng nam khinh nữ vì cả nhà có con trai, mình bố có hai công chúa mà bố vẫn bên mẹ chằm chặp và thương con vô cùng. Thế nhưng bố lại có những quan niệm kiểu như một số việc nhà nhất định thì chỉ dành cho con gái mà thôi, làm cho mình cực kì bức xúc. Có lần, mình dẫn anh rể Tây nhà mình về chơi Việt Nam. Mình ăn hải sản quen hơn nên bóc luôn ghẹ cho anh ấy. Ảnh kêu: “Thế này làm anh cảm thấy thiếu nam tính quá.” Thế là bố mình xăm xăm lên định làm một câu: “Để bố nói cho nói biết là ở Việt Nam phụ nữ thế là bình thường.” May quá bị mình với mẹ mình chặn ngay miệng.


CHUYỆN THỨ HAI:

Nhà mình thì truyền thống học hành khá cao. Bên ngoại thuộc một trong những gia đình Nho học, quan cử triều Nguyễn, mà tới thời hiện đại, vẫn giữ nếp học. Bên nội tuy làm nông nhưng vô cùng coi trọng kiến thức. Bác mình, bố mình đều thuộc dạng xin thêm bài để học chứ chẳng chạy theo bài tập về nhà chung chung. Vậy nên đến thời mình, mình vẫn được ủn mông để học thêm, thi chuyên, học cao, du học. Buồn cười là ở chỗ lúc mình đi học thạc sĩ về, bố tổ chức ăn mừng mình với bạn bố, lỡ miệng thêm một câu: “Bằng gì cũng không bằng bằng chồng.”


CHUYỆN THỨ BA:

Tới lúc mình có học bổng Tiến sĩ, thì bố mình không nhảy, còn mẹ mình lại buồn buồn. Không biết mẹ tâm sự với các cậu thế nào, mà hai cậu gọi mình lên nói chuyện. Cơ mà hóa ra các ông ấy hiểu lầm là mình đi vẫn cần một phần hỗ trợ tài chính gia đình. Tới lúc biết mình học bổng toàn phần hết thì ủng hộ cả hai chân. Cậu Út mình chỉ nói: “Trang cân nhắc nhé chứ mẹ cháu rất thương gia đình và hay nghĩ.” Được mấy hôm thì mẹ mình dẫn mình đi cầu tình duyên luôn. Haha.


CHUYỆN THỨ TƯ:

Thực ra, tình duyên trước nay mình đều không thiếu và chưa bao giờ mồ côi người yêu. Hầu hết toàn là giai đẹp vì mình háo sắc nhưng mình luôn quan trọng học thức ổn và cuộc sống tinh thần (thể thao/ nhạc họa) phong phú. Có một anh mình rất yêu, giai nghèo, nhờ mình mà ảnh vọt từ sinh viên trung bình lên tốt nghiệp loại giỏi. Mình còn dạy tiếng Anh và giúp ảnh xin học bổng ở nước ngoài. Lúc ảnh về mình ướm ý vẫn muốn đi thạc sĩ thì ảnh nói: “Phụ nữ học cao làm gì. Đàn ông nông nổi giếng khơi. Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu(*).” Thực ra lúc đó mình có sự nghiệp cực kì thành công nên thích đi thạc sĩ chỉ là ý thích chứ thấy cũng không cần thiết nên ảnh nói vậy thì mình cũng chả sao cả. Cơ mà đến lúc gần cưới thì ảnh cứ bắt mình về làm dâu mà mẹ ảnh ghét mình, ảnh thì toàn bên mẹ nên mình “bỏ của chạy lấy người luôn.” Giai bị bỏ rơi còn quẳng lại một câu đại loại là: “Em kiếm nhiều tiền nên bắt đầu khinh anh.” Mình thấy may quá đúng là tránh được một đường đạn.


CHUYỆN THỨ NĂM:

Thực ra mình không quan trọng giai kiếm nhiếu tiền, trong lòng mình chỉ cần một người yêu thương và ủng hộ mình còn bố mẹ mình dạy mình theo kiểu “nữ Oa” trời còn chống được nữa là chèo chống gia đình. Cơ mà sau anh giai kể trên thì mình chuyển hẳn sang yêu đại gia có hàm lượng trí tuệ cao. Nhà ảnh thì thích mình lắm, ảnh thì luôn ủng hộ mình với mọi con đường sự nghiệp, còn giúp mình sửa cả luận nữa cơ. Nhưng bọn mình biết bọn mình sẽ không lấy nhau vì tính chất công việc của ảnh “ủ mưu” hơi nhiều nên đến nếu hết một ngày làm việc mà về nhà gặp một con nữa cũng “ủ mưu” thì chắc xì trét chết luôn. Vậy nên khi mình có học bổng Thạc sĩ, ảnh hỏi thẳng mình là: “Em có thể lùi về làm việc em thích, làm hậu phương cho anh sau này được không?” Mình trả lời không, bọn mình trở về làm bạn bè. Cá tính mình chỉ thích hợp làm tiểu tam của đại gia hoặc không thì tự làm đại gia luôn và tất nhiên mình hổng được giáo dục để đi phá nhà người khác.


CHUYỆN THỨ SÁU:

Quay lại câu chuyện cầu duyên. Ban đầu khi mẹ rủ mình mẹ đã rất sợ mình không đồng ý. Ai ngờ mình đi luôn còn quẳng lại một câu cho mẹ: “Chả biết ai sốt ruột hơn ai?” Túm lại, mình cũng muốn lấy chồng nhưng tìm chưa ra ai hợp. Cầu duyên chẳng biết hiệu quả hay không nhưng cũng lành mà: “Tặc lưỡi làm thôi.” Bố mình cuối cùng cũng gọi mình ra riêng. Mình đang tưởng nói chuyện chồng con thì bố hỏi: “Thế có xác định quyết tâm và có chiến lược hoàn thành trong vòng 4 5 năm không?” Con đường Tiến sĩ của bố mình gập ghềnh quá, làm dở dang lúc 26 tuổi, hai chục năm sau mới quay lại được nên bố lo con gái cũng đứt gánh thôi.


CHUYỆN THỨ BẢY:

Cơ mà việc quay lại học Tiến sĩ cũng giúp mình có cơ hội hẹn hò chồng mình bây giờ một cách tử tế hơn. Mình biết ảnh từ sớm nhưng mình thích giai Việt hơn do họ hiểu văn hóa gia đình Việt Nam hơn là giai Mỹ. Sau một hồi chán chê các loại giai, thì anh này mình cũng chưa phải là yêu đâu nhưng ảnh theo mình thì mình cũng cho ảnh cơ hội. Kết quả là ảnh nhìn ra nhiều tính xấu của mình nhưng ảnh nói là thực ra với ảnh thì không phải khó chịu lắm. Ngược lại mình cũng thấy tính xấu của ảnh dễ chiều và ảnh cực kì không sợ khi mình học Tiến sĩ và thông minh hơn hẳn ảnh. Thế là chả hiểu sao càng lúc càng yêu, rồi lấy nhau luôn.


CHUYỆN THỨ TÁM:

Có người nói học Tiến sĩ mà chưa có gia đình thì bớt vướng bận và tập trung hơn. Cơ mà gần đây mình mới gặp một giáo sư người Mỹ gạo cội trong ngành với 15 năm xuất bản toàn báo hạng A. Giáo nói rằng đã có lúc trong quá trình học Tiến sĩ giáo khóc ra nước mắt vì quá vất vả, về nhà kêu với vợ định bỏ. Vợ giáo nói: “Em sẽ lo hết việc nhà và lũ trẻ trong hai tháng tới. Anh nghĩ đi. Anh đã nghỉ việc và chuyển cả gia đình tới chỗ khỉ ho cò gáy này. Anh phải hoàn thành việc anh đã bắt đầu.”


CHUYỆN THỨ CHÍN:

Mình cũng có một người bạn khác mà giáo hướng dẫn ở Mỹ xấu tính, làm mãi không có đầu ra, xì trét đến mức suýt nữa tai nạn xe hơi và tính bỏ cuộc. Sau đó, bạn ấy tình cờ gặp vợ ở một hội thảo tại Đài Loan, tự dưng có động lực hoàn thành Tiến sĩ dù mất tận 7 năm tổng cộng. Năm nay bạn ấy cũng có việc lương 6 số tiền đô và một bé ẵm lòng, vô cùng hạnh phúc.


CHUYỆN THỨ MƯỜI:

Mọi người có thể nói hai người trên vì là vợ, là nữ làm hậu phương nên mới hạnh phúc vậy thôi chứ thử là nữ đi học mà nam làm hậu phương xem. Nhưng thực ra từ góc mình thì có chồng cũng vậy nốt. Trước ảnh mình là đứa có thể làm việc 24 trên 7, không cần giờ nghỉ. Có ảnh thì buổi tối ảnh bắt nghỉ, cuối tuần ảnh vác đi chơi. Tự dưng mình lại rất ít căng thẳng công việc và sắp xếp thời gian để làm việc còn gọn gàng hơn trước. Mình vẫn nấu ăn và làm việc nhà chính hơn anh ấy, nhưng ảnh có nguồn thu nhập, có nhà, nên tiền học bổng Tiến sĩ của mình toàn thành tiền đi chơi với ăn uống. Mình nói lại với giáo ở câu chuyện thứ tám là: “Nhờ chồng mà em cân bằng hơn.” Giáo gật gù bảo: “Thực ra thấy bạn làm Tiến sĩ mà cô đơn không có gia đình ủng hộ rất tội.” Mình mỉm cười.


THỰC RA MÌNH KỂ NHỮNG CÂU CHUYỆN NHƯ THẾ NÀY ĐỂ LÀM GÌ?

Có một bài viết trên Sống Tích cực nói rằng “Thất bại lớn nhất của người phụ nữ” là không tự lập và phụ thuộc về đàn ông về mặt tài chính cũng như công việc trong gia đình. Bài cũng nói rằng “Đàn bà hơn nhau ở tấm chồng” là một định kiến làm khổ phụ nữ. Trước đây mình cũng nghĩ vậy vì không thực sự hiểu hết ý nghĩa của câu nói đó.


Thế nhưng từ có người chồng yêu và tôn trọng tư tưởng của mình thì mình lại thấm dần dần:

  • Mình là loại phụ nữ tự thay bóng đèn, tự sửa bàn ghế và tự trả tiền đi du lịch. Nhưng có một người bên cạnh có thể làm giúp cho mình những việc đó khi mình cần, lại có thể không chỉ trích mình phụ nữ học gì học lắm thế, đó là cả một điều may mắn.

  • Vậy nên, "đàn bà hơn nhau tấm chồng" thực sự không phải nói ông chồng này giàu hơn hay giỏi hơn người khác. Thực sự, câu này hàm ý nhiều hơn về việc phụ nữ nếu yêu và cưới được một người tôn trọng mình thì cuộc sống tinh thần tình cảm nói chung sẽ sướng hơn người khác.

  • Ngược lại, mình thấy phụ nữ tự lập quá lại khiến người đàn ông của mình trở nên ý lại. Thực ra, trong một mối quan hệ, có những việc không phải là không tự làm được mà là nên sẻ chia. Ít nhất là để người đàn ông của mình phải cảm thấy trách nhiệm. Thế nên đúng là mình có thể trèo lên nóc tự sửa mái nhà hay tự thông cống trong bồn tắm. Nhưng mình cứ ỷ nhà có đàn ông, cống tắc cũng không động vào, rồi thì người đó cũng phải có trách nhiệm.

Nói hơi lạc đề một chút về vấn đề bạn đời và bản năng giới thì mình thấy có rất nhiều việc mọi người cho là bất bình đẳng giới tính lại có nguyên do rất tự nhiên:

  • Mình từng đọc nghiên cứu về một số loài động vật có vú (mà lâu quá với chỉ đọc cho vui nên mình quên mất nguồn rồi). Nghiên cứu này cho thấy giống đực của các loài nói chung, do không biết con non có phải con mình không nên có xu hướng tìm nhiều con cái để đảm bảo sắc xuất mình để lại bộ gene, không nhất thiết mỗi con cái này phải quá xuất sắc. Giống cái thì ngược lại, biết chắc là con mình và muốn nó sống sót nên cần tìm con đực khỏe mạnh để bảo vệ.

  • Thực ra mình nghĩ con người thì sẽ không bản năng đến vậy. Tuy nhiên, xu hướng tự nhiên của đàn ông là dù có xét nghiệm DNA thì vẫn không quá chắc đấy là con mình. Vì vậy, họ tìm kiếm bạn đời thường sẽ chỉ ở mức trên trung bình, hợp chuyện, và không quá mất công, bời vì nhỡ không phải con mình thì chi phí đầu tư không quá lớn.

  • Phụ nữ thì ngược lại. Khi sinh con sẽ là lúc nhạy cảm nhất, không tự chủ động được nhất nhưng họ chắc chắn là con chui từ bụng mình ra, nên họ có xu hướng tìm người đàn ông tốt hơn cả về học thức lẫn năng lực để đảm bảo cho con.

Rất nhiều bạn sẽ bức xúc khi mình so con người với con vật như vậy và hỏi rằng thế thì liên quan gì đến chủ đề “phụ nữ học cao” hay bị nói “khó lấy chồng”

  • Nếu chỉ để tìm chọn bạn đời thì dù nam hay nữ cũng không cần đến một tấm bằng Tiến sĩ hay Thạc sĩ. Nhiều khi lựa chọn này liên quan nhiều hơn đến liệu một người có đủ thời gian, tâm sức, năng lực bỏ ra cho một mối quan hệ phát triển lâu dài, và con cái sau này hay không.

  • Nếu chạy theo bản năng thì trong mắt người nữ giới, một người đàn ông có bằng cao hoặc sự nghiệp tốt chính là dấu hiệu cho thấy lúc phụ nữ phải nghỉ sinh con, mất sức lao động và khả năng làm kinh tế chính, người đàn ông này có thể đảm bảo cho con vẫn có thể lớn khôn.

  • Ngược lại trong mắt nam giới, vì họ không phải sinh con nên bản năng họ sẽ là chọn người có sức khỏe tốt, và có thời gian chăm sóc cho con họ sau khi sinh ra hơn. Vậy nên tấm bằng trở nên không mấy ý nghĩa. Thậm chí, với một số nam giới, tiềm thức của họ sẽ cho rằng một người phụ nữ học Tiến sĩ sẽ tốn nhiều thời gian hơn cho công việc và gia đình dù vẫn được ưu tiên nhiều nhưng phải chia sẻ thời gian với việc khác. Vậy nên nữ học cao, thì khó tìm được người phù hợp hơn là khá tự nhiên. Không có gì để bực cả

Nhiều bạn nói, nhưng mà bất công, tại sao cứ nữ học cao là bị phang một câu như vậy, không phân biệt giới tính thì cũng là bất lịch sự:

  • Hihi. Hãy nghĩ rằng con người nói chung luôn muốn có đôi có cặp. Người ta nói thế có khi cũng vì người ta quan tâm mình, mong mình cũng có đôi có cặp thôi. Nếu đã là tâm tốt, thì đừng bực mình, tự ám vào người đấy.

  • Bố mình cũng nói mình cửa miệng kêu “bằng chồng” nhưng lại là người rất lo lắng chia sẻ khi mình làm Tiến sĩ. Hai bố con cũng tâm sự được về những lúc mình căng thẳng trong vấn đề xuất bản.

  • Mẹ mình xét cho cùng cũng cầu duyên được một ông con rể. Từ hồi mình có ảnh mẹ tự dưng tập trung hỏi chuyện học hành của mình hơn hẳn, chung quy cũng chỉ là an tâm con gái cuối cùng cũng có người chăm sóc sẻ chia.

  • Còn thiên hạ nói, người yêu cũ nói thì dù có xỉa xói chê bai hay không cũng là thì quan điểm cũng đã không hợp nhau rồi. Đừng để họ làm ngày của mình bớt hường.

Kết lại, thực ra mình thấy nếu sống với phần người nhiều hơn phần con thì nữ giới học cao không có gì đối lập với hôn nhân gia đình. Chẳng qua nếu mình học cao, thích sự nghiệp hơn rồi thì đừng cố cứ phải chọn một người chồng “gánh trời, dọn bể” theo bản năng nữa.

  • Như người bạn trai mình từng có ở câu chuyện số năm, ảnh rất giỏi và luôn ủng hộ mình nhưng vẫn luôn cần một người đủ thời gian chăm sóc hôn nhân. Với cá tính thích làm “nữ Oa” của mình thì mình lại ham hố quá nhiều thứ ngoài kia cả học cao cả làm cao để lùi lại một chút. Mà hôn nhân thì thật sự cần sự cân bằng về đối nội đối ngoại.

  • Vậy nên nếu là nữ giới tham vọng sự nghiệp thì hoàn toàn có thể tìm những người không hẳn hơn mình về học thức hay năng lực. Nhưng họ lại có thể cân bằng với mình về chăm sóc gia đình và ủng hộ mình trên con đường đã chọn. Cứ như vậy thì bạn cũng sẽ tìm được người phù hợp với mình (chỉ là nó không theo quan điểm bản năng của nhiều người)

Cuối cùng, nếu ai đó nói mình có phân biệt giới tính trong bài này thì chắc chắn có. Cơ mà trời sinh ra nam nữ đã khác nhau về mặt vật lý thì thực ra cái gọi là không phân biệt vốn không tồn tại. Nhưng mình thực sự không khinh thường phụ nữ. Mình đơn giản đưa ra một góc nhìn để các bạn nữ có tham vọng, hoài bão quan sát và phản ứng với cuộc sống một cách tích cực hơn thôi.



561 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page