top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Thực tế của tài chính cho du học, làm việc trả tiền học, và định cư

Vốn trước đây mình cũng đã viết một bài nhắc nhẹ nhàng là nếu phổ thông và đại học tài chính chưa đủ với một số nước (Mỹ, Anh, Úc, Hà Lan và một số nước nói tiếng Anh khác) thì các bạn nên cân nhắc tiết kiệm tiền để du học sau đại học hoặc chọn các nước có học bổng chính phủ cũng như điều kiện vừa học vừa làm tốt hơn.

Đợt này lại thêm Đặng Nhật Minh viết về việc kể cả có học bổng toàn phần thì vẫn còn rất nhiều khoản phí phải chuẩn bị.


Thế nhưng, bằng cách nào đó chỉ trong 2 hôm mà có tận 4 bạn nối tiếp nhau nhắn mình là:

Em chỉ có 100, 200 triệu, nhưng có người nói là con hay cháu sang đó làm thêm vừa đủ bù tiền học, còn kiếm tiền gửi về nhà luôn."

Hoặc:

Em tính sang đó xin việc luôn rồi công ty sẽ giúp em làm thủ tục định cư. Chắc mình phải nói thẳng thắn một lần chứ không kể chuyện vòng vo quá, các bạn nhỏ đọc khó thấm.

MỘT, MẤY CÁI CHUYỆN NGHÈO VƯỢT KHÓ, ĐƯỢC HỌC BỔNG TOÀN PHẦN TRÊN BÁO CHÍNH THỐNG KHÔNG TIN ĐƯỢC ĐÂU

Mình có chị bạn con giải quốc tế đầy mình vào Top 3 Mỹ. Báo xin đến nhà viết bài, chị ấy đồng ý. Biết chị là mẹ đơn thân, báo lựa ý hỏi viết theo hướng nghèo vượt khó. Chị ấy làm luôn một câu: "Nghèo thì lấy đâu ra tiền đi ôn thi, còn giải quốc tế." Xong xuôi chị ấy tiễn vong luôn.


Bạn mình năm đó giải nhất hóa quốc gia, xong mãi chẳng có ai gọi đi thi quốc tế. Mãi về sau bạn ấy học xong đại học, gặp người được đi thi giải quốc tế thật mới té người ra là "Tiền đi lại ôn luyện không dưới 200 triệu." Mà đấy là vật giá hồi đó chứ nếu tính ra tiền bây giờ thì không dưới nửa tỉ để đi thi quốc tế.


Vậy nên, báo cứ rập rình mấy hôm lại lên bài:

  • Nam sinh được hơn 100 trường đại học nhận. Cái báo không nói là tiền nộp đơn tính rẻ 20USD một trường, thì 100 trường là 2000USD rồi.

  • Nữ sinh Hội An được học bổng toàn phần trường Y Harvard nhờ tìm kiếm học bổng dạo trên mạng. Chẹp chẹp, bài này sau đó phải rút gấp vì y Mỹ thực tế không có bậc đại học. Chém gió cũng không tìm hiểu thông tin chính xác.

  • Rồi một loạt các bài khác toàn học bổng nghìn tỉ nhưng lược bỏ thông tin là thí sinh này còn phải đóng bao nhiêu để theo học một trường.

Mình nói thẳng luôn là cách giật tít này của các báo là VÔ ĐẠO ĐỨC.

  • Nó gieo rắc giấc mơ không thực cho các bạn trẻ là "không tiền không tài cũng có thể đi du học chỗ xịn."

  • Ngoài ra qua trao đổi với phụ huynh, việc các báo nâng học bổng của các bé lên tầm "nghèo vượt khó" thật sự là một sự phủ nhận với công sức phụ huynh (đầu tư không biết bao nhiêu cho con được học hành).

Nói trắng ra đây là một dạng truyền bá văn hóa VÔ ƠN: "không có ông bà tôi cũng làm được tuốt." Trên thực tế những bạn nghèo và vượt khó thực sự là có, nhưng kể cả ba mẹ có làm nông mà về sau con rực rỡ ở nước ngoài thì ít nhất cũng là ba mẹ cố hết sức để con được lên thành phố, học đại học ấm vào thân đã. Hoặc không ít thì nhiều, ba mẹ cũng cho con vay ít tiền lúc con mới được học bổng toàn phần nhưng trường chưa ứng.


THẾ NÊN TỐT NHẤT KHÔNG NÊN ĐỌC BÁO RỒI NẰM MƠ GIỮA BAN NGÀY. QUAN TRỌNG KHÔNG PHẢI CHO BAO NHIÊU TIỀN MÀ LÀ CÒN PHẢI ĐÓNG BAO NHIÊU?


Mỹ - kể cả học bổng 100% học phí thì vẫn phải 15K cho trường làng 25K cho trường trong top 100 (tối thiểu)


Anh, Úc - mình không có số chính xác nhưng đắt hơn Mỹ và ít học bổng full học phí hơn Mỹ nhiều.


Canada - rẻ hơn Mỹ chút về chi phí sinh hoạt nếu ở nhà quê, nhưng nếu ở Toronto thì cũng đắt lòi. Học bổng chắc chắn là ít và thấp hơn Mỹ.


Hà Lan - một trong những nước chi phí sinh hoạt đắt nhất châu âu


Túm cái quần lại là dưới 500 triệu vốn khởi điểm ít nhất cho năm đầu tiên thì tốt nhất không đi đâu cả. Còn dưới 25K một năm thì tốt nhất đừng đi Mỹ.


CHUYỆN LÀM THÊM TRANG TRẢI HỌC PHÍ CŨNG 99% LÀ KHÔNG KHẢ THI.

Trong nhóm có nhiều bạn đăng bài về việc không tiền vẫn đi du học và cày bục mặt để cuối cùng thành công xuất sắc. Có một bạn ở Úc làm nghề "lọc cá", và một bạn ở Nhật. Cả hai bạn mình đều rất cảm phục.


Thế nhưng bản thân những người này cũng là những người nghị lực và ý chí hơn người mới có thể vừa làm mà không ảnh hưởng đến việc học. Còn xét ra chúng ta đều đang ở mức trung bình, nhiều bạn trẻ trong nhóm ăn cơm xong bát cũng ít phải rửa, chỉ phải học mà cũng học chưa được điểm cao, liệu sang một đất nước xa lạ, ngày ngủ 4 giờ vừa làm vừa học sẽ đi đến đâu?


Mỹ thì lại càng không thể vừa làm vừa học:

  • 9 tháng đầu chỉ được làm việc trên trường. Những việc này không đủ tiền ăn, chỉ đủ tiền tiêu vặt

  • Sau 9 tháng nếu có CPT thì được đi làm ở ngoài nếu nó đúng chuyên ngành học. Thế nhưng, trừ khi bạn tìm được việc thực tập ở tập đoàn lớn (khó, và mới đủ tiền ăn, chưa đủ tiền ở một năm), thì bạn vẫn phải xoay đâu đó 200 triệu 1 năm để sống tiếp.

  • Vào trong kì bạn chỉ được tiếp tục làm trên trường.

  • Năm 3 năm 4 xin được việc hay không vừa phụ thuộc vào điểm và khả năng đi quan hệ với doanh nghiệp của trường bạn và bản thân bạn. Chứ không phải cứ học đại học Mỹ ra là 100% có việc ở Mỹ.

  • Trường Mỹ cũng không cho người nước ngoài ở bậc đại học vay tiền đi học (bậc thạc sĩ thì có). Vậy nên cũng đừng hi vọng kéo cày trả nợ.

  • Còn đi làm chui thì chả biết báo nào hồi trước đăng một bạn ở Troy đi làm tiệm móng tay kiếm tiền. Độc hại không nói, nhưng làm chui đến lúc bị trục xuất thì tùy các bạn nhé. Đi quảng bá những thứ không hợp pháp cũng là nghề của các báo sao?

Thế còn định cư còn là một bài toán nan giải hơn nữa.


NHỮNG PHƯƠNG ÁN ĐỊNH CƯ MỸ ĐỀU CÓ DÍNH DÁNG ĐẾN CỰC GIỎI, CỰC MAY, VÀ CỰC NHIỀU TIỀN:


Định cư theo đường tìm việc:

  • Xin được việc rồi, nếu công ty không tài trợ visa việc làm cho bạn sau khi bạn hết giấy tờ thực tập CPT/ OPT thì bạn cũng phải khăn gói về nước thôi.

  • Nếu công ty đồng ý tài trợ bạn cũng vẫn phải qua thêm một vòng nữa gọi là vòng xổ số. Tốt nghiệp đại học, được việc, được công ty tài trợ, thì cũng chỉ có 1 trong 3 bạn được bên Di trú xét hồ sơ theo phương án bắt thăm trúng thưởng.

  • Nếu không qua xổ số, bạn có thể xin đi học thạc sĩ rồi nói với công ty để đi làm tiếp bằng giấy tờ thực tập CPT Day 1 mà chỉ một số trường và công ty chấp nhận. Dạng này cứ kéo dài mãi (bạn cũng không thể về Việt Nam hợp pháp) cho đến khi may ra có một chỗ nào đấy tài trợ xong cho bạn thẻ xanh. Hãy nghĩ tới 10 năm ++ không về nhìn mặt ba mẹ, ba mẹ cũng không thể sang.

  • Nếu công ty có chương trình chuyển công tác sang nước thứ ba thì bạn phải nhảy ngay vào (quan hệ rất tốt với sếp và đồng nghiệp) để đi làm một thời gian ở nước khác, 2 năm sau nếu công ty ở Mỹ có vị trí thì bạn mới xin công ty. Công ty đồng ý bạn mới có thể quay lại với dạng L1A.

  • Cuối cùng đẹp nhất là trượt xổ số thì về nước vài năm, tích lũy thêm kinh nghiệm, sang thạc sĩ và xin công ty xịn hơn.

  • Nói chung dù làm thế nào thì đỏ là số 1, giỏi là số 1.1 cho vấn đề định cư. Không nói hay được.

Định cư theo hướng cưới. Cũng chẳng dễ đâu:

  • Có người may gặp được người thương quốc tịch Mỹ ở Việt Nam hoặc ở Mỹ, ba tháng cưới (Đỏ nó vậy).

  • Nhưng có người khác ngủ với không biết bao nhiêu người, không người nào thèm cưới, đẻ một lô con, không được lấy quốc tịch Mỹ.

  • Có người khác 3 tháng cưới thật nhưng chồng không đủ tiền tài trợ về Mỹ.

  • Vẫn là 3 tháng cưới nhưng về đến Mỹ bị chồng đánh.

  • Còn xét đội du học sinh Mỹ sang đây học, gặp bạn đời và cưới thì quả thật rất thích, nhưng cũng không thể vì định cư mà cưới đại được, đúng không? Nên cũng phải ĐỎ mới gặp được đúng người

Định cư đầu tư: 1 triệu USD cộng phí luật sư (Không đỏ thì cực nhiều tiền)


Định cư theo dạng tay nghề:

  • Ôi giờ trung tâm cả ở Việt Nam, Mỹ với Can quảng bá nhiều lắm.

  • Thế nhưng đầy người tốn cả tỉ mà đâu có xong hồ sơ (tham lam chốc lát xong bị lừa)

  • Những người tìm hiểu kĩ, đi chỗ tốt (mình cũng biết một anh qua nhóm) thì cũng mất nhiều năm và cũng có chút tài chính để ổn định đoạn đầu. Cơ mà nhìn đi nhìn lại vẫn là vừa đỏ vừa có chút tài chính.

Định cư diện người thân:

  • Đỏ thì 1 2 năm xong

  • Không đỏ thì chục năm chưa xong. Cứ đợi lúc nào đỏ thôi.

Còn vụ Canada dễ định cư dễ kiếm việc, mình không dám bàn nhiều vì không dính nhiều đến Canada, nhưng bạn mình chồng Can có nói sơ qua một số thứ với mình:

  • Chồng em rời Can lâu quá. Giờ cũng không tài trợ được em dù cưới thật. May em không có ý định về Can.

  • Mấy năm trước Can có phần mở cửa, giờ lại siết rồi. Hôm trước kêu mở cửa lần nữa, chưa tới 1 giờ thì cổng điện tử sập. Nói chung số người muốn định cư vẫn nhiều hơn số suất được định cư. Nên dễ, nhưng mà dễ với ai?

Bạn mình ở Úc và Anh cũng nhiều chuyện tương tự. Nên nói nhanh cho nó vuông:

"Bạn có thể cố hết sức để ở lại một quốc gia, nhưng ở được hay không, đôi khi số mình không đủ "đỏ" thì mình phải chấp nhận thôi. Ít nhất nếu bạn đi được thì bạn cũng học được nhiều thứ rồi."


Với cá nhân mình, Việt Nam vẫn luôn là đất nước mình hướng về (nhưng số nó quật sang Mỹ). Cơ mà khi mình ở tâm thế: "Ôi được về Việt Nam thích quá" thì mình lại vui vẻ nên hay tìm được việc ở nước ngoài hơn. Hơn nữa, bản thân cái tâm lý phải ở lại khiến cho nhiều bạn rúm ró, mất tự tin trước nhà tuyển dụng, chính thế mới không được việc đó. Vậy nên làm ơn đừng nói định cư nhẹ như lông hồng và đừng có chê Việt Nam như thể ghẻ vậy. Có một chốn để về làm ta mạnh mẽ hơn.


P.S.: Ảnh mình với chồng ở Pasteur, HCM



72 views0 comments
bottom of page