top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Tay không bắt học bổng sau đại học Mỹ - Lại chuyện nghiên cứu, các ngành KHXH


Hồ sơ của mình có lẽ sẽ nằm trong số những hồ sơ dị hợm hơn bình thường một chút khi đi xin học bổng sau đại học. Mình đi làm chán vạn, chẳng có cái nghiên cứu khoa học dắt lưng nào về bất cứ cái ngành gì, nhưng vẫn là học bổng Thạc sĩ toàn phần ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Columbia (IVY League Mỹ), ngành Quản trị Kịnh doanh (MBA) tại Đại học Texas Christian (TCU), và sau này là học bổng Tiến sĩ ngảnh Quản lý Chuỗi cung ứng của Đại học bang Tennessee (UTK, xếp hạng ba toàn quốc về nghiên cứu khoa học trong ngành chuỗi cung ứng).


Để làm rõ hơn cho mọi người thì cả bằng Thạc sĩ và bằng MBA của mình đều không có luận văn. Điểm môn duy nhất liên quan đến nghiên cứu khoa học của mình là điểm B+ (khoảng 85 đến 89%, không được tính là điểm cao tại Mỹ). Vì vậy mình chẳng có tí bằng chứng xác thực nào về khả năng tự chủ nghiên cứu của mình khi xin học bổng Tiến sĩ. Có chăng trong công việc trước đây khi làm nghiên cứu cho đối tác của Đại sứ quán Hàn, mình có 1 vài cái giải cho nghiên cứu xuất sắc nhưng lại là nghiên cứu thị trường chứ chẳng liên quan gì đến khoa học. Trong những nghiên cứu đó mình không có câu hỏi nghiên cứu, không có tổng quan lý thuyết, không phương pháp học, phần kết quả lại càng chỉ áp dụng được với một vài công ty và trích dẫn thì tuyệt đối không có gì.


Vậy tại sao mình vẫn trúng liền học bổng Tiến sĩ tại Đại học bang Tennessee (UTK), Đại học bang Texas tại Austin (UTA), Đại học Michigan State (MSU), Đại học Cornell, và đáng ngạc nhiên nhất với rất nhiều bạn là Đại học Stanford?


Để trả lời câu hỏi đó, mình muốn kể với các bạn một vài câu chuyện nhỏ:


CHUYỆN THỨ NHẤT:

Hồi mình còn học Đại học, mình ghét nhất là lên lớp nghe giảng bài và chép lại. Và bằng cách nào đó thì não của mình hoạt động theo kiểu, không chép thì sẽ nhớ mà cứ ghi xuống cái gì thì quên sạch cái đấy. Thế nhưng nếu không có bài chép thì đến cuối kì lại không có cơ sở để mà đối chiếu, ôn lại bài trước khi thi. Mình giải quyết nó bằng cách đọc trước không chỉ phần bài khóa được giao mà đi tìm đọc rộng ra ở trên google và youtube. Sau đó, mình tự tổng hợp một bản ghi chép về cách hiểu của mình theo từng khái niệm của bài. (Nhiều khi mình còn vẽ hình nhiều màu chỉ để riêng mình hiểu với trong nó đẹp đẹp nữa). Thường một kì có 15 tuần thì mình đọc và làm bài tập hết tất cả các môn trong 5 tuần đầu tiên. 10 tuần còn lại mình chỉ lên lớp nghe thầy cô nói, thấy cái gì hay, mới thì hỏi và chỉ vẽ tiếp nó vào sơ đồ của mình thôi.


Có 3 lần khá đặc biệt. Lần 1, khi còn học chương trình năm 2, vì lớp quá dễ nên mình không thèm tập trung nghe giảng mà ngồi chơi Fruit Ninja. Thầy gọi mình hỏi xem cách giải trên bảng có đúng không. Mình liếc 2 cái bảo: “Sai rồi, kết quả phải gần số này cơ.” Thầy ớ ra, cuối cùng sai thật. Từ đó thầy không gọi mình nữa.


Đến chương trình năm 4, thì mình phát hiện ra bài giảng của 2 thầy/ cô (đều trình độ Tiến sĩ) sai khác với cái mình đọc. Với thầy thì mình đã viết một bản giải trình (dài tầm 20 trang gì đó) và gửi thư điện tử riêng cho bác ấy với ý chỉ muốn hỏi xem cách hiểu của mình đúng không. Ai ngờ bác gửi luôn thư của mình cho cả lớp kêu: “Thầy giảng bị sai, các em đọc cái này đi” và lần sau lên lớp, bác cũng giảng lại.


Với cô thì mình đợi sau giờ học rồi mình lên hỏi bằng chính bản ghi chép của mình từ sách. Và khi cô giảng là sách viết hơi sai thì mình lại muốn tranh luận một chút. Sau khoảng 1h trao đổi qua lại thì cô cũng nói cách hiểu của mình với sách là đúng. Hì hì. Tất nhiên cô giáo này kiêu lắm, với cả đây cũng chỉ là một điểm nhỏ (dù rất khó) trong ngành nên cô cứ im lặng cho qua luôn.


CHUYỆN THỨ HAI:

Tới lúc mình học Thạc sĩ thì mình học cả hai ngành đều không luận văn mà học theo hướng ứng dụng nên các thầy cô tập trung vào giảng các quy trình, quy tắc rồi công thức có thể áp dụng được trong ngành của mình chứ cũng không hẳn là giảng cách nghiên cứu. Mình vẫn như xưa “ghi gì quên nấy” nên đọc và làm bài tập trước vẫn là thói quen tự nhiên. Nhưng cái dị là ở chỗ, mình chẳng bao giờ hỏi thầy cô rằng cái đám công thức kia ứng dụng như thế nào mà toàn ngồi hỏi tại sao công thức trông nó như thế này mà không phải là thế kia. Mình hỏi nhiều đến độ có hai ông thầy đổi giáo trình luôn, quẳng luôn cho lớp 2 cái nghiên cứu khoa học để ngồi đọc thay vì những bài báo ứng dụng.


Đến lớp thứ 2 hay thứ 3 gì đó mà mình chọn của thầy, thầy giao mấy bài tập thêm (không tính điểm nếu không làm được) chỉ để dựa trên lý thuyết thầy giảng mà giải thích tại sao công thức nó lại ra như vậy. Mình là một thanh niên dốt toán, nhưng vì tò mò nên đọc lại đạo hàm và tích phân, chỉ để ngồi giải được được đống kia theo lý thuyết trong sách và cách thầy giảng. Kết quả trong lớp chỉ mình và một bạn nữa ngồi giải ra. Mình thì không chỉ giải ra mà tự dưng qua kinh nghiệm lần đó hiểu đạo hàm và tích phân thực sự có ý nghĩa gì và tự dưng thích học toán.


Tất nhiên mình còn kéo dài lịch trình những câu hỏi tại sao qua rất nhiều môn khác trong suốt quá trình học thạc sĩ của mình. Mình và cái bạn giải toán cùng mình kia có lần dùng lập trình để phát hiện ra đống dữ liệu (gần triệu điểm) một thầy khác giao cho bọn mình là dữ liệu được máy tính tự động tạo ra từ dự liệu nguồn. Thầy giật mình lùi mấy bước và khá ngạc nhiên vì điều đó. Cuối cùng, bọn mình đều có học bổng và tiếp tục học lên Tiến sĩ ở những chương trình thứ hạng cao của Mỹ. Các thầy cô của bọn mình hồi đó luôn lắc đầu phán: “Đứa nào học MBA mà hay hỏi tại sao nhiều là kiểu gì cũng đi học Tiến sĩ.”


CHUYỆN THỨ BA:

Nửa đầu của chương trình Tiến sĩ tại Mỹ sẽ có rất nhiều khóa học bắt buộc và tự chọn để sinh viên phát triển kĩ năng nghiên cứu. Một trong những khóa bắt buộc đầu tiên chính là phương pháp phát triển tư duy luận (cho các ngành xã hội và kinh doanh). Tuần đầu tiên bọn mình bị thầy yêu cầu viết tóm lược một ý tưởng nghiên cứu mà bọn mình đang có. Và có lẽ hình ảnh sốc nhất với mình là thầy đọc qua ý tưởng của mình rồi vo luôn tờ giấy, ném bóng rổ vào sọt rác. Mình cũng không phải là đứa duy nhất bị thầy làm thế trong buổi hôm đó.

Thầy nói rằng: “Câu hỏi của các em là câu hỏi của những nhà quản lý. Các em thấy nó hay vì các em từng gặp nó trong công việc nhưng các em chưa ngẫm đủ sâu để biết đàng sau câu hỏi đó là những câu hỏi gì khác, nhỏ hơn, cụ thể hơn và sâu sắc hơn?” Lúc đó mình thực sự buồn đến phát khóc nhưng về sau chính người thầy đó đã khơi dậy ham mê chiến thắng trong mình để tự đọc, tự tìm hiểu, tự đào sâu, và nhanh chóng có thể bảo vệ quan điểm khoa học của mình một cách công lập, tự tin nhưng vẫn lắng nghe và tiếp thu ý kiến một cách khiêm tốn thật lòng trong suốt quá trình nghiên cứu của mình.


Suốt mấy năm trời, việc mình giành thời gian nhiều nhất có lẽ là bàn luận với các thầy trong Hội đồng về đặt câu hỏi nghiên cứu thế nào để tối ưu hóa những đóng góp của mình cho lý thuyết cũng như thực hành. Còn về phương pháp nghiên cứu và viết, mình tự vác máy tính đi học, tự lập trình, tự kiếm dữ liệu, tự nháp, và nhờ các bác nhận xét dần dần.


CHUYỆN THỨ TƯ:

Đến khi mình học năm hai Tiến sĩ, có một bạn mới vào năm nhất khoa bên cạnh. Bạn này lên thẳng Tiến sĩ từ đại học và chuẩn bị đi thuyết trình một bài nghiên cứu khoa học mà bạn ấy rất mất công làm (có lẽ ngay khi vào năm hai đại học) tại một hội thảo trong ngành. Bạn ấy nhờ ông thầy “bóng rổ” ở trên đọc và xem bài thuyết trình giúp. Thầy ngẫm một lúc rồi nói: “Có nghiên cứu là rất tốt nhưng bài này nếu em đi thuyết trình tại Hội thảo thì sẽ ảnh hưởng tới tên tuổi của em sau này, vì nó không đủ sâu và phương pháp sẽ không chắc chắn.”


Thầy phân tích thêm rằng hội thảo chuyên ngành sâu tại Mỹ thường có rất nhiều giáo sư quen biết nhau và sinh viên gần như chỉ có 1 cơ hội để gây ấn tượng đầu tiên với các thầy (mà rất có thể sau này sẽ quyết định việc làm khi ra trường của rất nhiều Tiến sĩ). Nên nếu bạn này đi với một nghiên cứu chưa đủ vững thì sẽ bị lưu lại một ấn tượng là “Cô sinh viên với nghiên cứu hạng C” vô cùng khó gột bỏ sau này. Vậy nên trước khi thực sự có một cái nền vững cho ý tưởng nghiên cứu của mình thì những nghiên cứu trước Tiến sĩ thường không được các thầy Mỹ khuyến khích đem ra trình bày trước các hội thảo chuyên ngành sâu.


CHUYỆN THỨ NĂM

Mới hôm trước mình dự Hội thảo và gặp mấy bạn năm 2 trong ngành Chuỗi cung ứng bên Đại học Michigan State (xếp hạng nhất trong nghiên cứu chuỗi cung ứng tại Mỹ). Một bạn kể với mình rằng bạn có nghiên cứu từ trước khi vào Tiến sĩ nhưng mà quan điểm của các thầy là dùng không được nên giờ làm lại từ đầu hết.


Mình đã gần như là xong luận án và cũng đã thuộc dạng lão làng hay lang thang với các thầy cô khắp các trường. Trong một buổi nói chuyện vui vui với các bác trưởng khoa và hội đồng tuyển dụng sinh viên/ giáo sư dự khuyết của một số trường thứ hạng cao, mình tình cờ nghe được câu chuyện về một nhân vật A (mà các bác không hề nhắc tên nhưng có vẻ đều hiểu ai là ai đó). Nhân vật này có khá nhiều xuất bản và đang xin vào chương trình Tiến sĩ của nhiều trường. Một bác vừa lắc đầu vừa nói rằng: “Cái bạn này nhiều bài hạng C quá, không biết bạn ấy có thể thay đổi tư duy để tiến bộ hơn không nên có lẽ trường sẽ không ưu tiên bạn ấy khi đưa ra offer đợt một.” Một vài bác khác cũng gật gù và nói: “Nhiều khi tư duy nghiên cứu của những bạn kiểu đó rất khó thay đổi. Thà rằng có một bạn kém một chút nhưng tư duy chưa hoàn toàn hỏng, rèn tư duy nghiên cứu với chất lượng tốt sẽ đễ hơn.”


CHUYỆN THỨ SÁU

Bản thân khoa mình, một khoa có thứ hạng tương đối cao trong ngành, khi tuyển sinh viên Tiến sĩ cũng cân nhắc khi một vài bạn có khóa luận và nghiên cứu trước Tiến sĩ. Tuy nhiên, với tư cách là thư kí của rất nhiều buổi phỏng vấn cũng như duyệt hồ sơ ứng viên học bổng cùng tất cả các thầy cô trong khoa, mình thấy rõ rằng có nghiên cứu khoa học thì các thầy cô cũng liếc qua một chút. Liếc xong sẽ nói: “Ơ bạn này viết cái này lạ nhỉ? Đọc thử đoạn này coi…” Xong rồi sẽ có mấy bác chau mày ngồi đọc xong rồi phán: “Cũng thú vị đấy, nhưng so với cái này thì sai lè…” Xong rồi có một bác thở dài phán: “Haizz… giá bạn ấy không viết thế này có phải là tốt hơn không… Nhưng mà uhm… coi như có 1 điểm cộng đi.” Điểm cộng này là 1/100 điểm của tổng điểm hồ sơ.


Mình và bạn vào cùng mình hoàn toàn chưa từng xuất bản và chưa biết nghiên cứu khoa học là gì. Năm trước mình, có hai bạn. Một bạn cũng hoàn toàn chưa từng có nghiên cứu khoa học, một bạn có. Nhưng hết năm nhất của các bạn ấy thì bạn có nghiên cứu khoa học là bạn bị đuổi vì dù các thầy đã rất cố, tư duy bảo thủ nghiên cứu theo kiểu bạn ấy đã biết lại không đập bỏ được, nên các thầy yêu cầu bạn ấy nghỉ.


Năm sau mình là một bạn tốt nghiệp thạc sĩ nghiên cứu, có khóa luận dùng phương pháp nghiên cứu rất hữu dụng với một mảng nghiên cứu trong khoa nên các thầy rất hào hứng. Năm sau nữa lại một cặp một gốc nghiên cứu một không nhưng xem chừng cái bạn chưa có gốc nghiên cứu lại được các thầy ưu tiên đầu tư hơn rất nhiều. Còn bạn kia thì bị nhiều thầy cô khó chịu ra mặt. Mới đây nhất có một bạn duy nhất mới vào và bạn này có kinh nghiệm làm việc, chứ cũng chẳng biết nghiên cứu khoa học thực sự là gì.


VẬY RỐT CỤC TIÊU CHÍ TRAO HỌC BỔNG TIẾN SĨ CHO TRƯỜNG/ KHOA KIỂU NHƯ TRƯỜNG/ KHOA CỦA MÌNH TẠI MỸ LÀ GÌ?

Thực ra giống như rất nhiều bài trong nhóm đã nói, các trường và giáo sư tuyển sinh viên Tiến sĩ vào để làm việc chứ không hẳn là để học hành. Vậy nên họ muốn tuyển người có đam mê, kĩ năng, và tự lập được trong học tập cũng như nghiên cứu.


Tuy nhiên, việc các bạn có nghiên cứu khoa học chưa chắc để thể hiện được những điều đó, đặc biệt khi các bạn đang xin học bổng tại Mỹ. Đam mê ở đây không phải là đam mê nghiên cứu mà là đam mê với việc suy nghĩ sâu, tò mò với những vấn đề mang tính chất tư duy cao (intellectual curiosity). Đam mê này có thể được thể hiện qua việc dù học gì làm gì bạn tự tìm hiểu, tự đào sâu, tự đặt ra những câu hỏi tại sao dù trong học tập hay trong cuộc sống:

  1. Lấy bản thân hồ sơ của mình làm ví dụ, mình thích đọc trước, thích đào đến những chỗ mà thầy cô thường không hay giảng đến, thích hỏi những câu hỏi mà chẳng ai hỏi. Và chính việc đó đã đi vào thư giới thiệu của nhiều thầy cô khi mình muốn xin học bổng.

  2. Bản thân mình khi làm việc trong doanh nghiệp cũng thường xuyên quan sát và tuy mình chưa từng nghiên cứu khoa học trước Tiến sĩ, mình viết rất nhiều bài về kiến giải của mình với những thứ mà mọi người thấy trong công việc nhưng không suy nghĩ sâu về nó. (Ví dụ: Tại sao hàng hóa ở Amazon lại được sắp xếp theo cách lộn xộn? Tại sao chuỗi cung ứng Việt Nam lại phản ứng với COVID-19 tốt hơn trong giai đoạn đầu tốt hơn là chuỗi cung ứng Mỹ - Mình sẽ đưa link trong bình luận)

  3. Với những bài viết như thế này, các giáo sư hoàn toàn có thể thấy sự tìm tòi đam mê của mình dù đó không phải là nghiên cứu khoa học.

Thứ hai là kĩ năng trong nghiên cứu: Viết nghiên cứu và phương pháp chuyên môn nghiên cứu.

  1. Khả năng viết có thể được thể hiện qua nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên với trình độ chưa được rèn luyện nhiều, tiếng Anh lại là ngôn ngữ thứ hai, rất nhiều khi các bạn viết bị lủng củng, không rõ ý. Thành ra, các thầy lại không đánh giá cao. Hầu hết các báo khoa học thứ hạng cao trong ngành của mình chỉ xuất bản 5% những bài được nộp vào báo. Và nhiều khi bài bị loại vì tác giả không biết các kể câu chuyện nghiên cứu một cái hợp lý. Vì vậy, thay vì một bài nghiên cứu lủng củng về mặt kể chuyện thì một bài luận mục đích học (SOP), một bài mục tiêu học thuật (SAI), hoặc những bài kiến giải góc nhìn của bạn về một vài sự việc trong công việc tại doanh nghiệp lại khiến các giáo sư gật gù rất nhiều hơn và tin tưởng hơn vào khả năng viết của bạn hơn.

  2. Cũng giống như vậy, phương pháp chuyên môn nghiên cứu có thể được thể hiện qua nghiên cứu khoa học. Nhưng đồng thời bài nghiên cứu của bạn cũng rất giống con dao hai lưỡi. Nếu các bạn viết và có một bài xuất bản, tuy chưa đến tầm của trường, các giáo sư sẽ thấy là “À bạn này có hứng thú với nghiên cứu đây. Rất tốt, cộng 1/100 điểm.” Nếu bài nghiên cứu của các bạn có phương pháp nghiên cứu siêu tốt mà lại đang phù hợp với nhánh của các thầy thì các bạn trúng luôn độc đắc giống như người bạn vào Tiến sĩ năm sau của mình vậy. Tuy nhiên nếu các bạn có quá nhiều bài mà phương pháp nghiên cứu lại chưa đủ chắc với tầm của trường, thì các thầy lại đánh giá là có vẻ năng lực của bạn này không chắc chắn và không biết có dạy lại được không, cũng không phù hợp với phong cách của trường nên mức ưu tiên với hồ sơ của các bạn lại thấp hơn.

  3. Vậy làm sao để thể hiện kĩ năng này? Thực ra, thường các thầy không có hứng thú với các phương pháp nghiên cứu mà bạn có bằng khả năng bạn có thể tự học một phương pháp mới. Một bài khóa luận/ luận văn/ nghiên cứu khoa học mà có một phương pháp nghiên cứu thú vị thì thể hiện rằng bạn có chút chút kĩ năng. Khi phỏng vấn với trường, bạn có thể nói chuyện về cách bạn đã tìm ra phương pháp nghiên cứu đó thế nào, cân nhắc giữa nó và những phương pháp khác ra sao, thì cái đó ăn điểm mạnh với các thầy.

  4. Còn như mình thì không có nghiên cứu khoa học luôn nên mình nói về một số vấn đề trong công việc cách mình tìm tòi nhiều phương pháp để tự giải quyết vấn đề. Thậm chí cách mình tự dưng ôm cả lập trình vào người để hiểu đội lập trình viên làm gì và làm sát sườn với vận hành hơn khiến các thầy thấy rõ khả năng tự học của mình không chỉ nhanh mà còn rất sâu với tương đối nhiều phương pháp khác nhau nữa. Nên cho dù mình chẳng có phương pháp nghiên cứu khoa học nào, trong mắt các giáo, mình vẫn là một rổ tiềm năng.

Cuối cùng, khả năng tự lập trong nghiên cứu khi vào chương trình Tiến sĩ. Các bạn trẻ có nghiên cứu khoa học là rất tốt, có điều, các thầy sẽ nhìn xem ai đứng tên trên nghiên cứu. Nếu bài nào bạn cũng đứng cuối, các thầy bảo: “Ừ chỉ hứng thú thôi.” Nếu bạn có nhiều bài đứng đầu, các thầy sẽ xem xem các bạn xuất bản cùng với các nhóm khác nhau hay chỉ một nhóm duy nhất, nếu chỉ là một nhóm duy nhất thì các thầy nói: “Cũng không có vị gì lắm, chắc sẽ bị ảnh hưởng đậm phong cách nghiên cứu của nhóm này, chưa chắc đã tự lập được.” Nếu các bạn có 1 bài đứng đầu, các thầy sẽ đọc bài đó kĩ hơn một chút và sẽ ngồi soi lỗi. Nhiều khi nếu các thầy soi ra lỗi lớn thì lợi bất cập hại. Ngược lại nếu các thầy soi ra ý tưởng hay thì đương nhiên là lọt thẳng vào các vòng sau. Tuy nhiên khi các bạn còn quá non trong nghiên cứu thì các bạn không điều chỉnh được hướng các thầy sẽ suy nghĩ.

Vậy nên có một vài cách tốt hơn một chút chính là thể hiện tự chủ trong công việc mà chính bạn đang làm:

  1. Cái việc tự đặt câu hỏi với bản thân khi công việc và thầy cô không yêu cầu, tự đưa ra phương án giải quyết thể hiện rất rõ việc này. Ví dụ, không ai yêu cầu bạn phải tăng “tỉ lệ đóng gói hàng trong một giờ của nhân viên” nhưng bạn tự giành thời gian một giờ mỗi ngày để quay video lại và phân tích động tác của nhân viên, sau đó đưa ra phương án đào tạo nhân viên đóng hàng. Cuối cùng bạn có được một ca làm việc với tỉ lệ đóng hàng cao hơn mà không ảnh hưởng đến những yếu tố khác. Một câu chuyện như thế thường thể hiện rằng nếu bạn thích việc bạn đang làm thì bạn có thể tò mò đủ để tự ép mình làm những việc không ai yêu cầu. Nên nếu bạn nói bạn thích làm Tiến sĩ thì chắc bạn sẽ rất tự lập với quyết định của mình.

  2. Thứ hai, các thầy cũng rất hay đếm những đầu việc mà ứng viên phải giải quyết trong cùng một khoảng thời gian trong hồ sơ. Khi hồ sơ thể hiện các bạn làm nhiều việc mà có vẻ không liên quan đến nhau lắm thì khi phỏng vấn các thầy sẽ hỏi. Và hỏi này không chỉ để biết ứng viên một cách cá nhân mà nó nhắm đến việc sinh viên đã quản lý thời gian như thế nào và tự có động lực làm việc ra sao. Nên khi bạn có yếu tố này trong hồ sơ và thể hiện được khi phỏng vấn thì đó là một vũ khí lợi hại.

Vậy nên với mình (một người đã gần như ở bên kia đầu chiến tuyến và tham gia tuyển sinh viên), mình có thể nói nghiên cứu khoa học có lợi cho hồ sơ nhưng không phải là yếu tố quyết định. Nó chỉ là 1 trong vô số cách bạn thể hiện đam mê, kĩ năng, và sự tự lập của mình.


Mình rất ủng hộ việc sinh viên làm nghiên cứu khoa học sớm, nhưng mình đặc biệt ghét câu hỏi: “Nghiên cứu khoa học có làm hồ sơ em đẹp hơn không?” Bản thân câu hỏi đó phần nào đó lại phản ánh một người chắc chắn thích học bổng mà không chắc thích nghiên cứu mà cái đó lại là một điểm trừ khi mình xét tuyển bất cứ ai. Vậy nên mình mong rằng các bạn trẻ khi tiếp cận với nghiên cứu là thực sự để đặt một câu hỏi vì các bạn tò mò, tìm hiểu sâu một vấn đề vì các bạn hứng thú chứ đừng vì làm đẹp hồ sơ.


Sự thật thì một người có “intellectual curiosity” và thái độ không ngừng học hỏi thì dù hồ sơ không có nghiên cứu khoa học vẫn có thể trở nên sáng rực trong mắt rất nhiều người xét tuyển. Nếu mình thực sự là một người như thế mà có trót lúc trẻ chưa có nhiều nghiên cứu thì mình hoàn toàn vẫn có thể thể hiện những điều đó qua cách sống và làm việc của mình (phản ánh qua những bài luận, bài kiến giải tự thân, phỏng vấn, cũng như thư giới thiệu). Vì thế cũng đừng nên nản chí.


Cuối cùng, mình đã nói câu này khá nhiều lần nhưng mình vẫn muốn nói lại: TRƯỜNG TRAO HỌC BỔNG CHO CON NGƯỜI CHỨ KHÔNG PHẢI CHO “HỒ SƠ”. NẾU BẠN KHÔNG THỂ LÀM CHÍNH BẠN MÀ CỨ PHẢI CỐ SỐNG CỐ CHẾT MÔNG MÁ HỒ SƠ KHI XIN HỌC BỔNG, THÌ KHI BẠN VÀO HỌC VÀ RA LÀM VIỆC BẠN CÒN VẬT VÃ HƠN THẾ RẤT NHIỀU.


NẾU BẠN TỰ HỎI MÌNH THỰC SỰ THÍCH GÌ, MUỐN GÌ, LÀ AI VÀ HỌC BỔNG SẼ GIÚP BẠN NHƯ THẾ NÀO TRONG QUÁ TRÌNH BẠN TRỞ THÀNH CHÍNH MÌNH, THÌ BẠN SẼ CỐ GẮNG THẬT LÒNG VÀ TRONG TAY BẠN CÓ NHIỀU HƠN MỘT VŨ KHÍ ĐỂ CHINH PHỤC HỌC BỔNG CŨNG NHƯ CÔNG VIỆC SAU NÀY.


Chúc các bạn may mắn và thành công khi xin học bổng nhé.


P.S.1.: Bài viết này từ góc nhìn cá nhân của mình, tại Mỹ và áp cho các ngành khoa học xã hội (đặc biệt là kinh doanh). Mình không nói ai phải làm gì chỉ kể lại con đường mà mình và nhiều bạn đã đi cũng như nêu những phương án vẫn có thể khả thi cho những bạn ít nghiên cứu khoa học hơn. Hồ sơ của mình thì có thể nhiều bạn đã biết. Mình đang năm tư Tiến sĩ và đang kén cá chọn canh trước khi chính thức bước vào chức danh giáo sư (Bên này chọn xong việc rồi mới bảo vệ.)


P.S.2.: Rất nhiều bạn sẽ thắc mắc tại sao mình không chọn IVY league hoặc Stanford mà chọn UTK. Lý do ngắn gọn là vì MÌNH THÍCH… còn dài dòng thì có lẽ để 1 lúc nào đó mình hớn mình kể lại sau nha.



342 views1 comment

Recent Posts

See All
bottom of page