top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Nhân dịp lương 7 triệu, nói một số nghề kiếm thu nhập nước ngoài mà không cần ra khỏi Việt Nam cũng

Nói cho cùng thì muốn kiếm tốt vẫn phải quay lại hai thứ là khả năng và công sức bỏ ra thôi. Muốn kiếm thu nhập nước ngoài thì ít nhất phải có kĩ năng tiếng cực tốt và nếu có thể thì trau dồi thêm kĩ năng về công nghệ. Sau đây là một số nghề mà mình thấy bạn mình ở Việt Nam, làm rất khá ngay từ khi mới ra trường khi họ có đầy đủ kĩ năng.


NGHỀ THỨ NHẤT - BIÊN PHIÊN DỊCH, BẢN ĐỊA HÓA (LOCALIZATION)

Tầm 2013, mình có làm thêm dịch chỉ để thử xem kiếm tiền nhờ dịch thuật thì thế nào. Bận đó nói không ngoa là dịch một đêm 10 triệu. Tất nhiên, hầu hết các mối dịch của mình là văn bản chuyên ngành của ngân hàng, luật, hoặc các dự án đầu tư trực tiếp của chính phủ.

Thế nhưng, hầu hết sinh viên tầm năm 3 năm 4 mà về sau mình giới thiệu cho đi dịch cũng kiếm tầm 3 đến 5 triệu trong vòng 3 ngày, tất nhiên là các bạn phải qua vòng dịch sơ khảo rồi.


Nhưng nghề này liệu có tương lai không? Kể cả dịch một số văn bản khó, phí cũng chỉ từ 250 đến 500VNĐ một chữ. Nhiều người nghĩ dịch để kiếm thêm thì được chứ về sau sinh nở hay hưu trí vẫn cần chế độ thì không thể ổn định được. Cơ mà, bạn nào mà lanh thì biết rằng mảng dịch thuật văn bản chính tắc thực ra trả thấp hơn một mảng dịch thuật gọi là "Bản địa hóa" hay "Localization":

  • Thời đại công nghệ, rất nhiều phần mềm cần chuyển đổi từ tiếng Anh sang các bộ tiếng khác. Phí chuyển đổi này được tính khoảng 25 đến 80 cent (0.25 đến 0.80 USD) một chữ. Khác với dịch thuật văn bản chính tắc, bản địa hóa coi trọng dịch cực ngắn và đủ ý, không cần chính xác.

  • Nhưng làm sao để có những hợp đồng bản địa hóa này. Trên các trang web về freelancer nước ngoài, nếu các bạn chịu khó đi dạo nhiều ngày nhiều tháng, thi thoảng sẽ có một vài bên họ cho các freelancers tự ra giá, ra thời hạn để "bản địa hóa" một phần của phần mềm nào đấy cho họ. Mọi người hay nghĩ chỉ có công ty nhỏ lẻ họ mới dùng freelancer nhưng nhân lực bản địa hóa thiếu đến mức nhiều khi công ty lớn cũng qua cộng đồng này để kiểm tra thử xem có freelancer nào họ kí được hợp đồng dài hạn hay không.

  • Có một số bạn ở Việt Nam nắm được việc này nên thường nhảy vào đấu giá theo kiểu giá càng thấp thì càng dễ thắng được hợp đồng nhỏ lẻ này (tầm giá rơi vào khoảng 0.25). Thế nhưng nếu bạn dịch có chất lượng và thời gian đảm bảo, nhiều khi công ty lớn thích tầm giá cao hơn 0.40 cents đổ lên, và thời gian tốt. Và sau đó nếu bạn làm cực tốt thì còn dễ có thêm Hợp đồng dịch chính thức theo 3 tháng hoặc 1 năm một.

Cái khó khi có hợp đồng chính thức của một hoặc vài công ty lớn sẽ là:

  • Có công ty hài lòng sẽ yêu cầu bạn dịch nguyên một phần mềm lớn. Mà sức bạn một người sẽ không đủ. Đem cho người khác dịch cùng thì cảm thấy không an tâm về chất lượng, mà công ty sẽ không hài lòng vì từ dịch không đồng nhất.

  • Hơn nữa, nếu chỉ làm một công ty đến lúc họ hết việc thì lại không có thu nhập. Vậy nên, hầu hết mọi người theo nghiệp này làm một lúc vài ba công ty.

  • Thế nhưng, nếu bạn làm nhiều công ty (dù mỗi công chỉ một ít) thì cũng có nguy cơ là các công ty đổ việc cùng một lúc, bạn trở tay không kịp.

Vậy nên trước khi thực sự nhảy vào để đấu giá/ đấu thầu trực tiếp cho việc dịch, bạn nên:

  • Có một nhóm tầm 2 đến 4 người có trình, làm bán thời gian thay nhau cho mỗi cặp tiếng. Thường các chị ngân hàng cũng hay muốn kiếm thêm tiền mua sữa cho con, buổi tối ngồi dịch.

  • Việc của bạn giờ không phải phiên dịch, mà là biên dịch (quản lý dự án) và bán hàng. Thay vì ngồi dịch trực tiếp, giờ bạn chỉ đọc lại bản dịch và đảm bảo rằng, từ được dịch đồng nhất và chất lượng giống một người dịch từ đầu đến cuối. Nếu nhóm dịch của bạn tốt, thì việc này của bạn không chiếm nhiều thời gian. Vậy nên, bạn sẽ giành rất nhiều thời gian để đi ngắm và làm bản thầu cho các công ty có tiềm năng trở thành đối tác lâu dài.

  • Nhìn chung các chị ngân hàng không có thời gian đi bán, bạn làm hộ họ rồi, nên thu nhập bạn cũng chiếm tương đối nhiều (đương nhiên cũng đừng trả họ thấp).

Để các bạn hình dung, mức thu nhập nếu các bạn làm tốt, chị bạn mình sau một thời gian làm việc:

  • Năm đầu: 45000USD sau thuế, 10h/ ngày, 5 ngày/ tuần 1 nhân viên hỗ trợ (10 triệu/ tháng), 3 dịch phụ, 2 cặp tiếng (20 đến 25 triệu/ tháng).

  • Năm hai: 58000USD sau thuế, 10h/ ngày, 5 ngày/ tuần, 2 nhân viên hỗ trợ chất lượng (15 triệu/ tháng) 6 dịch phụ, 2 cặp tiếng (20-45 triệu/ tháng)

  • Năm ba đổ đi: 120,000USD++ sau thuế, Bà ấy quản lý dịch quá tốt kiếm được hợp đồng 1 phần của Microsoft và hợp đồng toàn phần của Spotify, và một số công ty nhỏ hơn 6h/ ngày, 4 ngày/ tuần (làm buổi tối nhiều hơn do trái giờ). Ban ngày bà ấy đi chơi, đón con, làm đủ thứ việc chẳng ai làm được gì. Tiện dùng tiền đầu tư thêm một công ty dịch vụ ăn uống nhỏ.

Nếu bà ấy so tiền với chồng bà ấy là một Giám đốc bên Mobifone thì bà ấy thu nhập còn ổn định ở mức cao hơn.


NGHỀ THỨ HAI - VIẾT PHẦN MỀM THUÊ CHO NƯỚC NGOÀI (OUTSOURCE)

Cũng giống như nghề trên thôi, bạn hoàn toàn có thể lập nhóm để lên các trang freelancer rồi tìm từ hợp đồng nhỏ, sau mới chuyển dần thành hợp đồng lớn:

  • Phí phần mềm thường rơi vào khoảng 40USD đến 120USD một giờ làm việc cho cả nhóm.

  • Nếu không có nhóm thì cực kì bấp bênh. Nhưng có nhóm làm hợp thì rất hiệu quả.

  • Thế nhưng, một lần nữa bạn phải là người quản lý dự án hoặc bán hàng bằng tiếng nước ngoài cực tốt thì mới làm được mảng này.

  • Cái khó trong mảng này là ước lượng được thời gian dự án để báo giá đúng cho khách, cũng như chuyển đổi yêu cầu của khách từ Anh sang Việt đủ để các bạn lập trình không biết tiếng hiểu)

  • Ngoài ra, một số công ty nếu như ở Mỹ sẽ yêu cầu bạn phải có mã số thuế Mỹ hoặc điều kiện tương tự nếu ở nước khác. Nếu là Mỹ bạn có thể nộp xin số ITIN để mà có khoản này nhé.

Mức thu nhập:

  • Một ông em mới bắt đầu làm thì rơi vào khoảng 3000USD một tháng (làm 4h/ ngày, tự cày).

  • Còn nhóm của anh bạn mình hoạt động được khoảng 4 năm nay rồi, 7 người (5 người không biết tiếng Anh), cả ông ấy là 8. Làm 8h/ ngày, 5 ngày/ tuần, được đâu đó mỗi người từ 2000 đến 17000USD/ tháng.

  • Đợt trước chả rộ lên vụ có một bạn nào đó đi khai thuế thu nhập cá nhân 330 tỉ viết phần mềm đấy còn gì.

Ngoài ra, mình cũng biết một số nghề khác cũng làm freelancer online được nhưng giá không được ngang với nước ngoài. Như mình mới thuê một bên dựng video cho thí nghiệm nghiên cứu khoa học của mình hết 5000USD cho 3 phần video gốc dưới 3 phút với cắt cảnh thành 12 cái nữa. Mình tìm hộ họ địa điểm quay miễn phí luôn. Nhìn chung mình thấy nếu không COVID thì những ngành nghề này vẫn kiếm được.


NGHỀ THỨ BA - THIẾT KẾ KHÓA HỌC VÀ NGHỀ KHÁC

Thực ra cũng rất tình cờ thôi, một em mình quen qua chính nhóm này luôn cố tình nộp đơn nước ngoài vì em ấy có kinh nghiệm thiết kế khóa học đã được hơn 2 năm:

  • Ban đầu người ta tưởng ẻm ở Úc nhưng phỏng vấn chắc thích nên không Úc cũng được.

  • Sau em ấy được người ta mời làm với mức 70,000AUD/ năm. Lương này sống Sài Gòn dư sức.

  • Mình cũng biết một bạn khác, hồi ở Sài Gòn còn phải vay tiền bạn mua xăng. Thế mà chỉ 2 năm sau đó, phỏng vấn giỏi thế nào được Google câu hẳn sang Mỹ làm bên màng "Kinh doanh" chứ không phải kĩ thuật nhé.

Thực ra, nếu tiếng các bạn đủ tốt để phỏng vấn với nước ngoài, thì tại sao không ra trang nước ngoài tìm thử? Giờ đang thời buổi COVID, việc làm tại gia cũng nhiều lên nữa. Cùng lắm thì người ta không nhận thôi mà.


CHỐT LẠI, VIỆC LƯƠNG 7 TRIỆU HAY HƠN THẾ LÀ DO TƯ DUY HẠN HẸP HAY RỘNG MỞ MÀ THÔI

Mình không thích cái em bé kêu lương 7 triệu và tự nhấn mạnh là "em học chỉ ở mức trung bình." Lý do thì rất đơn giản: "Bạn học đại học không có nghĩa là bạn mặc nhiên có quyền có một mức lương tốt."


Bạn học và làm đúng cái mà một công ty nào đó cần và nghĩ linh hoạt hơn một tí thì ở đâu cũng có chỗ cho bạn làm tổ. Có mấy cái mình phải công nhận:

  • Bạn học tầm tầm mà đúng ngành nước ngoài cần ở nước ngoài thì bạn sẽ có thể tìm công việc ổn định ở mức cao dễ hơn.

  • Nhưng nếu bạn ở trong nước mà tư duy linh hoạt hơn một chút và vẫn làm được cái nước ngoài cần thì bạn vẫn kiếm được mức cao này mà còn tiêu ở mức sống Việt Nam nữa cơ.

Nhiều bạn đọc xong sẽ nói những nghề mà mình nói đều hơi giống nhảy ra tự mở công ty, và không dám liều như vậy. Không hẳn đâu:

  • Làm freelancer đến tầm này thì chi phí lớn nhất của các bạn là "năng lực" và bấp bênh không chế độ lương thưởng bảo hiểm ổn định mất 3 đến 5 năm đầu.

  • Còn làm công ty hay thậm chí buôn bán thì 2 cái trên cộng thêm phần vốn bỏ ra và rủi ro cao hơn nữa.

Thực ra cuộc sống rất công bằng, làm kinh doanh bỏ vốn nhiều chịu hết rủi ro thì thu lợi được nhiều nhất. Làm freelancer chịu rủi ro bất ổn định thì thu lợi được nhiều nhì. Còn rủi ro nào bạn cũng không muốn nhận thì thu nhập không bằng người khác, có vậy thôi. "NO RISK NO RETURN"


Đến cuối ngày không phải ai cũng có điều kiện tài chính hoặc dám vay mượn để đi du học (vẫn là có rủi ro - risk nè). Thế nhưng tại một thời điểm thích hợp, mỗi người đều có quyền quyết định tích lũy thêm năng lực và làm một việc gì đó lợi ích hơn cho cuộc sống của mình.




122 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page