top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Ngành Logistics (khác ngành chuỗi cung ứng)

Trước khi phân biệt ngành này với Supply chain (chuỗi cung ứng) thì mình hi vọng mọi người có thể hiểu ngành Logistics thực sự là gì trước đã. Từ logistics xuất phát từ một từ gốc pháp "loger", dịch sang tiếng Anh có nghĩa là "to lodge" hay "ăn ở" nhằm chỉ đến việc "ăn ở" khi quân đội di chuyển. Không có chỗ ở để nghỉ ngơi, không có lương thực để ăn uống thì đánh đấm làm sao được, vì vậy trước khi có quân đội, phải nghĩ làm sao để chuẩn bị, chỗ ở, lương thảo, vũ khí trước đã. Nếu xem các phim lịch sử nhiều, mọi người sẽ phát hiện ra các vua chúa thời cổ đại luôn liên minh với một nhà tài trợ máu mặt để chuẩn bị những thứ này. Vì vậy bản thân gốc của Logistics là ám chỉ việc chuẩn bị lương thực, vũ khí và chỗ ở cho quân đội tại mỗi nơi mà họ tới, đặc biệt là khi càng gần tới chiến trường. Điều quan trọng trong các thời khắc lịch sử này là vũ khí, lương thực hay chỗ ở đều không có chân nên khi nhắc tới logistics là nhắc tới di dời những thứ không có chân đó đến nơi cần dùng.


Trước khi nghĩ tới việc đưa những thứ này lên loại xe nào thì việc của logistics là thiết lập hệ thống đường xá. Có rất nhiều và dụ về việc này. Việc “mọi con đường đều dẫn đến thành La Mã” ngoài ý nghĩa ám chỉ có nhiều cách để thành công thì còn thể hiện lịch sử của việc mọi tuyến đường đều nhằm để cung ứng quân trang, lương thực cho thành Rome và đây cũng là hệ thống giao thông huyết mạch cho quân sự khi La Mã có quân xâm lược. Tương tự, các tuyến đường cao tốc tại Mỹ được xây dựng cách đều nhau với trục bắc nam đánh số lẻ và trục đông tây đánh số chẵn để nhằm việc nếu bất cứ bang nào bị tấn công, hoặc thiên tai thì cứu viện có thể di chuyển rất nhanh từ nhưng địa điểm khác trên toàn quốc. Hay như Vạn Lý trường thành mặc dù Tần thủy hoàng lúc xây dựng bị đổ cho là tàn bạo, giết chết rất nhiều người nhưng công trình này có ý nghĩa rất lớn về mặt hậu cần quân sự cho Trung Quốc. Việc cứ 10 dặm có 1 tháp canh, chỉ cần đốt lửa là lập tức có thể báo hiệu vận chuyển quân đội, nhu yếu phẩm và vũ khí đến nhằm phòng thủ hiệu quả.


Lý do mình giành khá nhiều đất để nói về gốc gác “hậu cần” là vì rất nhiều phụ huynh và học sinh hiên nay khi nghĩ đến hậu cần là chỉ nghĩ ngày đến vận tải và kho vận. Trong khi đó, hậu cần xuất phát đầu tiền chính là đường xá, tuyến giao thông. Khi có đường xá thì sẽ có làng mạc, thành phố, có người di chuyển giữa các làng mạc thành phố, đứng từ phía một công ty, việc tính toán tránh giờ cao điểm di chuyển cũng như giờ giới nghiêm để vận chuyển hàng hóa một cách hiệu quả (đỡ tốn xăng, đỡ tắc đường) thực ra là rất quan trọng. Vậy nên có một ngành mà người Việt hay bỏ quên khi nhắc đến hậu cần, đấy là ngành địa lý (cụ thể là hệ thống thông tin địa lý). Với Việt Nam có thể chưa nhiều, nhưng với Mỹ ngành này đặc biệt quan trọng mà lại ít người làm. Hệ thống thông tin địa lý như ArcGIS có thể lưu trữ thông tin về lượng di chuyển theo giờ, thiên tai theo mùa (thậm chí các ngày trong năm), đường nào bị ngập, đường nào bị tắc, lưu thông tin từ những năm giữa 1990. Dùng những thông tin này, doanh nghiệp có thể tính toán cách đặt vị trí các nhà kho xuyên suốt đất nước, thời gian di chuyển của cả hệ thống xe tải của công ty theo từng giờ, từng ngày, từng tuần tháng quý năm để làm sao lưu chuyển được nhiều hàng hóa nhất với chi phí thấp nhất. Khi xảy ra biến cố hoạt động, những chuyên gia về hệ thống thông tin địa lý cũng có thể nhanh chóng đưa ra các phân tích về luân chuyển nguyên liệu/ hàng hóa từ nhiều địa điểm trên hệ thống đến địa điểm cần một cách nhanh chóng nhất. Vì vậy, mình khuyên chân thành là nếu phụ huynh muốn con học ngành lạ và độc ở Mỹ thì có lẽ ngành địa lý mà học tốt hệ thống thông tin, học kết hợp thêm code và ngành phụ business là việc sẽ kiếm cực kì tốt.


Quay lại với ngành hậu cần, bản thân từ logistics nếu áp từ lĩnh vực quân sự sang lĩnh vực kinh doanh thì bạn sẽ thấy rất giống nhau, đều là di chuyển nguyên vật liệu hoặc hàng hóa đến nơi cần. Vì vậy, hậu cần trong kinh doanh xuất phát từ một trong 4P của marketing (product – sản phẩm, price – giá cả, promotion – khuyến mại và place – địa điểm). Place – địa điểm không hẳn là nói về địa điểm bán hàng mà cách thức di chuyển hàng hóa tới nơi bán, cũng chính là từ khác chỉ logistics. Việc di chuyển hàng hóa tới nơi bán (hay thị trường) ở Việt Nam nếu tính về tổng chung thì không quá khó khăn vì tuyến Hà Nội – Hồ Chí Minh nếu chạy thẳng mất có hơn 31h. Tuy nhiên, với những địa điểm rộng lớn như Mỹ hay liên mình Châu Âu hay Trung Quốc thì luân chuyển hàng hóa sẽ luôn là vấn đề nan giải (đặc biệt với những công ty lớn như Amazon, Nike, Walmart, Costco, v.v.). Vì vậy, việc đặt Trung tâm luân chuyển (distribution centers), kho lớn, kho nhỏ, quy trình, giờ luân chuyển, loại hàng hóa luân chuyển sẽ luôn cần người phân tích dữ liệu ở tầm Big data (dữ liệu lớn).


Với luân chuyển vận chuyển hàng hóa cũng chia thành nhiều mảng: First mile (dặm đầu) chỉ việc chuyển hàng hóa từ người bán, nhà sản xuất đến Trung tâm luân chuyển. Middle mile (dặm giữa), chỉ việc chuyển hàng hóa từ trung tâm luân chuyển đến các kho nhỏ hơn. Last mile (dặm cuối), chỉ việc chuyển hàng đến người dùng cuối cùng (không chỉ là khách hàng mua hàng hóa mà có thể là nhà máy sử dụng nguyên liệu để làm thành phẩm). Một thời gian dài, các doanh nghiệp toàn cầu tập trung cho last mile (dặm cuối), vì phần này thường phức tạp và tốn nhiều tiền nhất. Tưởng tượng, một doanh nghiệp như Tiki một ngày phải giao 100,000 đơn hàng toàn quốc tới cửa từng nhà, chưa kể thời gian đóng gói trong kho rồi tắc đường ngoài đường. Họ đâu phải có 100,000 anh xe ôm giao 100,000 đơn hàng đó đâu. Vậy làm sao cho hiệu quả cũng là một vấn đề nan giải. Tuy nhiên khi quá tập trung vào dặm đầu và dặm cuối, thì các doanh nghiệp dường như quên mất dặm giữa. Ví dụ, khách hàng ở New York muốn đặt một đôi giày màu đỏ cỡ 37. Nhưng loại giày đó, đúng cỡ đó chỉ có ở kho Los Angeles ở bờ tây thì làm sao có thể vận chuyển trong ngày được. Vậy nên dặm giữa càng ngày càng trở nên quan trọng vì nó quyết định việc lưu bao nhiêu hàng hóa, tại đâu để tránh mất khách (lost sales) do hàng không có sẵn tại địa điểm có nhu cầu.


Dặm giữa này càng ngày càng quan trọng khi có các xu hướng mới xuất hiện trong hậu cần. Xu hướng mới 1 là xu hướng dịch vụ hóa hậu cần. Trước đây khi nằm trong 4P thì place – địa điểm chỉ tập trung làm sao đưa hàng hóa tới thị trường là được. Nhưng khi dịch vụ hóa, điều này có nghĩa là khách cần lúc nào phải có lúc đó, điều này đòi hỏi dặm giữa phải đoán trước được nhu cầu thị trường và đưa hàng hóa được đến kho lân cận thị trường để giao nhanh lúc cần thiết. Ngoài ra dịch vụ hóa còn có một ý nghĩa nữa chính là giờ con người đâu chỉ cần hàng hóa, họ còn cần dịch vụ nữa. Với những dịch vụ như sửa xe, cắt tóc, ăn uống, khách sạn, du lịch, hàng hóa được sản xuất ngay gần hoặc tại nơi tiêu thụ. Tuy không vướng vấn đề về vận chuyển, nhưng khách đến muốn được nhận phòng ngày (trong khách sạn vài nghìn phòng) là phải thiết kế cả một hệ thống hậu cần hỗ trợ đàng sau, liên lạc từ chỗ gửi xe, đến lễ tân, sang đến dịch vụ phòng để làm sao cho khách có trải nghiệm tốt nhất. Những cái này đều đòi hỏi hệ thống phân tích lượng khách, cân đối với lượng người làm để làm sao cho khách có trải nghiệm tốt nhất.


Xu hướng tiếp theo là xu hướng đô thị hóa. Cái này thì mình không cần giải thích nhiều mình chỉ muốn nhấn mạnh rằng thành thị càng nhiều thì diện tích cho kho vận tại thành thị càng thấp và càng đắt đỏ. Việc này dẫn đến các công ty phải lưu kho ngoài thành phố và chỉ chuyển hàng vào thành phố khi có đơn. Hoặc các công ty phải sáng tạo. Ví dụ lưu kho theo mùa, còn mua khác cho thuê lại kho. Hoặc có đơn vị chuyên chỉ làm kho trong thành phố và cho các doanh nghiệp thuê theo thể tích. Sáng tạo hơn nữa thì các doanh nghiệp có kho đóng hàng trong thành phố, dựa trên nhu cầu khách lịch sử mà dự đoán nhu cầu khách tương lai, sau đó trung chuyển (dặm giữa) các hàng “sẽ bán” vào ngày mai vào kho để đóng gói sẵn, rồi sáng ra chỉ cần làm dặm cuối là được. Cái này vừa tiết kiệm diện tích kho nội đô, vừa trong lúc khách hàng chưa đặt hàng thì hàng đã được đóng rồi, tận dụng hết thời gian chết. Nhưng cái này, đòi hỏi khả năng phân tích cực kì cao.


Cao hơn nữa là sử dụng đến trí tuệ nhân tạo. Gần đây Amazon mới có bằng sáng chế (patent) về “predictive delivery” và cái này dựa trên trí tuệ nhân tạo, phân tích thói quen mua hàng của người dùng để biết khi đưa ra một mặt hàng mới, bao nhiều người trong một khu vực có mã bưu điện nhất định sẽ mua mặt hàng đó. Hàng này được đóng gói trước, rồi lên xe vận chuyển thẳng đến khu vực, đến khi đơn hàng đổ xuống, lái xe chỉ cần in tem vận chuyển ra, dán tem lên rồi chuyển thẳng đến địa chỉ của khách hàng. Cái này không cần kho luôn. Nói là trí tuệ nhân tạo nhưng mà cũng phải có người ban đầu dạy cái trí tuệ nhân tạo đó, nên nói thẳng là cần não khủng phân tích để làm vấn đề dặm giữa này cho tốt. Trí tuệ nhân tạo không phải chỉ cần học logistics hay học Computer science là được mà còn phải học và hiểu rất kĩ cách vận hành của xã hội, thói quen và tâm lý khách hàng. Nên nói cách khác, muốn làm đến tầm này thì các bé nên học đại học CS và marketing hoặc tâm lý học. Rồi làm 1 cái master MBA. Sau đó làm tiếp một cái bằng tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo liên quan quan đến logistics.


Dặm giữa ngoài vận chuyển ra cũng liên quan đến nhiều mảng dịch vụ khác. Lấy hàng không làm ví dụ đi. Sân bay quy hoạch có bao nhiều cửa, một lúc có thể đón tối đa bao nhiều luồng khách hạ cánh và cất cánh. Nếu cần xây thêm thì bao nhiều cửa là vừa, bao nhiều diện tích đường bay chi phí bao nhiều. Cái này các mô hình max flow, min flow trong ngành địa lý làm rất rõ nên mình lại khuyên phụ huynh cho con đi học ngành địa lý với ngành phụ là kinh doanh (logistics). Chuyển sang ngành dịch vụ khác như chăm sóc sức khỏe, hậu cần của ngành này cũng rất phức tạp mà trong đó có một thứ chính phủ rất quan tâm là liệu phát triển khu dân cư mới, liệu có đủ bệnh viện cho dân hay không. Đó, lại cần người phân tích địa lý xem, địa điểm nào có bệnh viện là thích hợp, có bệnh viện thì nên công suất bao nhiều, cần bao nhiều người. Nói chung là đâu đâu cũng cần địa lý và kinh doanh.


Hết luân chuyển vận chuyển quay sang kho. Cái này ở Mỹ cũng nhiều kì thú lắm. Ở Việt Nam gọi kho là warehouse, mang tính chất giữ hàng hóa. Mỹ đang dần chuyển cách gọi kho sang thành fulfillment center, tức là nơi đóng gói hàng hóa cho ra cửa. Với ý nghĩa lưu trữ hàng hóa, thì cái này mang tính tĩnh nhiều hơn động và kho có vẻ càng lớn càng tốt, nhưng với ý nghĩa cho hàng ra cửa, thì cái này mang tính chất phải luôn có hoạt động đóng gói hàng, phải luôn kết nối với vận chuyển thì thực ra kho tốt nhất chỉ to bằng cái cửa là được rồi. Vì vậy nếu kho có nhiều hàng hóa, thực ra điều này có nghĩa là hậu cần không tốt, hàng tồn quá nhiều. Nếu hầu cần tốt thì hàng vào cái sẽ ra luôn vì chỉ thiếu bước đóng gói thôi. Nhưng để hậu cần tốt, thì cần phân tích tốt nhu cầu khách hàng, hoặc đẩy nhu cầu tốt và chỉ lưu hàng khi có đợt sales mạnh. Ví dụ, Amazon cần 3 tháng chuẩn bị trước đợt sales Giáng sinh, hàng được mang vào và đóng gói sẵn, đến lúc sales là chỉ dán tem cho đi nên rất nhanh, tận dụng được nguồn nhân lực nhập hàng trước đó, còn đến ngày xuất hàng là 1 nửa bên nhận hàng chạy sang giúp xuất hàng luôn. Cái này phải phân tích, và cũng đỏi hỏi phải hiểu nghiệp vụ thực tế kho, nên nếu phụ huynh muốn con theo ngành này thì tốt nhất là cho con học logistics rồi cho đi thực tập kho 1 năm (làm công nhân cũng được) cho hiểu nghiệp vụ rồi sang đây chém gió với tuyển dụng bên Amazon, Core, v.v…. là đảm bảo có nghề. Nói thẳng ra nghề này lương cao nhưng hơi vất vả vì thế dân Mỹ trắng là không muốn làm đâu, cửa xin việc cũng dễ hơn.


Những ví dụ khác kiểu như Just in time (hàng đến vừa đúng lúc để xuất kho, hoặc sản xuất) hoặc vendor managed inventory (cử người quản lý hàng bán tại kho) cũng đều tương tự như vậy, dự đoán hoặc đẩy sales chính xác thì sẽ lên kế hoạch được làm thế nào để just in time, hoặc cử bao nhiều người sang kho/ cửa hàng của đối tác là vừa. Những cái này thì nên học ngành chính là logistics, kèm ngành phụ là analytics là tốt nhất.


Cái mình muốn nói là muốn làm logistics nhưng không hẳn là chỉ học logistics, muốn làm cụ thể cái gì, thì học cụ thể cái đó mới đủ kỹ năng để theo được thị trường việc làm Mỹ. Còn chuỗi cung ứng là gì mình nói tiếp sau nhé (có thể sau lâu lâu vì đợt này đang bận quá).




1,555 views0 comments
bottom of page