top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Làm gì cũng nên có đầu có đuôi. Học càng nên vậy

Updated: Nov 30, 2022

Mình vốn không định viết hay chia sẻ gì về bạn vô địch Olympia rồi bỏ Tiến sĩ về Việt Nam. Thật ra mình hiểu người trong cuộc khó khăn và đối mặt với nhiều áp lực khi thiên hạ liên tục nhìn vào. Thế nhưng sự cổ súy và "tẩy trắng" của truyền thông với việc bỏ Tiến sĩ và những phát ngôn (có thể đã bị truyền thông đổi chữ) của bạn này về việc làm nghiên cứu làm mình suy ngẫm rất nhiều trước khi viết.


MỘT - OLYMPIA VỚI NƯỚC NGOÀI CŨNG CHỈ LÀ MỘT CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH

Mình cũng giống như nhiều bạn. Từ nhỏ đã thích xem Olympia vì nó thể hiện việc trọng kiến thức lý thuyết khi bị ngấm quá lâu trong người Việt. Thi thoảng khi xem mình cũng sẽ tìm được một vài kiến thức hay hay để mà ghi nhớ.

Thế nhưng với nước ngoài thì cuộc thi này cũng chỉ là một chương trình truyền hình. Nếu bạn nào ở Mỹ xem "Jeopardy" hay "Who is smarter than a fifth grader" thì thấy cũng là chương trình trọng trí nhớ, mang tính giải trí thôi. Dù người tham gia và xem những chương trình này là những người mê học hơi quá, thì họ cũng không tính đây là giải học thuật.


HAI - SỐ TIỀN OLYMPIA CHO ĐỔI RA TIỀN VIỆT LÀ TO NHƯNG SANG ĐẾN ÚC THÌ KHÔNG ĐỦ SỐNG

Du học Úc bậc đại học không rẻ, có thể nói đây là một trong những nước thuộc hàng top 10 về chi phí du học kể cả có học bổng. Số tiền Olympia cho đủ ăn mì tôm sống qua ngày. Sinh viên đang tuổi ăn tuổi đói, làm sao có sức mà tập trung học. Muốn sống tử tế thì đi làm thêm vất vả cũng chật vật qua ngày.

Thế nên việc bạn trẻ trong bài báo được học bổng Tiến sĩ cũng đã là khá lắm rồi. Cơ mà mình nghĩ những đau khổ thời đi học lại khiến bạn ấy nản với việc học và phát ngôn rất sai về con đường học thuật.


BA - QUYẾT ĐỊNH ĐI HỌC ĐẶC BIỆT VỚI CÁC BẬC HỌC CAO LUÔN NÊN LÀ SUY NGHĨ CHÍN CHẮN.

Học xong đại học đi học luôn Tiến sĩ không có gì sai nhưng lý do đàng sau thì có thể rất sai. Nếu đi học Tiến sĩ là do bản thân người học muốn đào sâu và thích nghiên cứu, mê đắm khi được tham gia vào một dự án thì lý do này chính đáng.


Thế nhưng nếu người học không làm gì tốt, chỉ biết có học, thấy học có thể dễ hơn những thứ khác thì đây là tự đâm đầu vào chỗ chết.


Bạn Đức Olympia có hai ý thể hiện rõ bạn ấy vốn không hợp học Tiến sĩ.

  1. Bạn ấy nói về học không có nghĩa là đào sâu về chỉ một thứ. Tiến sĩ nghĩa là đào sâu, là phát triển kiến thức gốc. Nếu không cần phát triển kiến thức gốc thì cũng không cần sâu và càng không cần Tiến sĩ.

  2. Bạn ấy nói về "người dùng cuối cùng của việc học." Với các bậc học khác thì học là để áp dụng kiến thức. Tiến sĩ là để tạo ra kiến thức. Người dùng cuối cùng của những kiến thức được tạo ra không phải là chính bản thân nhà nghiên cứu mà là những sinh viên, doanh nghiệp, tổ chức cần kiến thức mới trong công việc và cuộc sống sau này. Chứ các bạn nghĩ sách giáo khoa là tự nhiên có để áp dụng mà không cần người viết chăng?

Chỉ hai ý này đủ thấy bạn ấy vốn không hiểu làm Tiến sĩ là làm gì thì sao trụ được.


BỐN - HIỂU SAI VÀ QUYẾT SAI THÌ THỪA NHẬN THIẾU SÓT CỦA MÌNH CŨNG LÀ MỘT CÁCH LÀM GƯƠNG, ĐỪNG TẨY TRẮNG NÓ

Cái này thì mình nghĩ lỗi của truyền thông nhiều hơn bạn Đức. Bạn ấy thừa nhận trầm cảm khi học Tiến sĩ, có lẽ cũng đã thừa nhận mình không phù hợp nhưng mà ý này trong bài bị phủ lấp bởi một loạt lý luận học phải áp dụng nên nó không rõ ràng.

Mình bình thường không thích Huyền Chíp những trong bài lý giải tại sao Chíp không học Tiến sĩ, ý của Chíp viết rất rõ ràng là không đủ mê đắm với đào sâu vào nó. Báo không hiểu gì về việc học Tiến sĩ, làm nghiên cứu sinh, viết bừa bãi thì lái hẳn các em sinh viên trẻ sang một hướng bài xích nghiên cứu. Vô cùng bất hợp lý.


Bạn Đức cũng nói Học Tiến sĩ thực chất là dạy nghề. Mình cũng từng viết một bài đùa vui vui là "dạy nghề" Tiến sĩ bởi vì thực sự ngoài nghiên cứu mình còn học cách ứng xử và cách tự tạo điều kiện nguồn lực cho nghiên cứu của mình nữa. Vậy nên, có thể Tiến sĩ đúng là dạy nghề nhưng khi vượt qua được thì tư duy tổng hợp và sự kỉ luật bản thân bạn có được không chỉ dùng cho đúng một nghề.


CUỐI CÙNG - LÀM GÌ CŨNG NÊN CÓ ĐẦU CÓ CUỐI, NHẤT LÀ VIỆC HỌC

Trước khi mình đi học Tiến sĩ mình có nói chuyện với ba (người mất cả 20 năm mới có bằng Tiến sĩ). Ba nói: "Nếu con thấy có khả năng hoàn thành được thì hãy nên nghĩ chuyện bắt đầu." Tất nhiên không phải ai cũng may mắn hoàn thành Tiến sĩ đúng hạn, thậm chí phải bỏ dở.


Nhưng mình cũng thấy nhiều bạn học đến năm hai không hợp thầy, xin chỗ khác học lại từ đầu. Nhiều bạn khác vướng gia đình nghỉ một vài năm sau đó bắt đầu lại.


Thực ra ngay cả việc từ bỏ hẳn cũng không hẳn là không có đầu có cuối. Chỉ cần bạn nói đã cố hết sức một lần nhưng thấy không đủ sức hoặc không phù hợp là ổn. Ít ra bạn cố hết sức từ đầu đến cuối một lần vào thời điểm đó.


Còn những ngụy biện kia thì không có giá trị. Bạn Đức có nói là bạn ấy tiếc không nói với gia đình sớm hơn và cứ học vì áp lực của người khác. Thế nhưng bạn vẫn vì áp lực của người khác mà xuất hiện trong một bài truyền thông tẩy trắng như vậy. CÓ ĐÁNG KHÔNG?


Bản thân việc bạn không dám đối diện với sự thất bại mà phải tham gia một bài để cho thấy mình có năng lực cũng chính là rào cản lớn nhất của bạn. Không thừa nhận thất bại thì làm sao học được từ nó để mà trưởng thành hơn.





96 views0 comments
bottom of page