top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Học Tiến sĩ xong thì làm trường nghiên cứu (R1), Trường giảng dạy (R n+1) hay doanh nghiệp

(Các ngành kinh doanh Mỹ)


(1) Mình vào PhD Chuỗi cung ứng cùng với một bạn Trung Quốc. Suốt thời kì học PhD ở trường, thầy cô giáo nào cũng mong hai đứa ra trường sẽ vào được một trường nghiên cứu R1 khác vì như thế làm tăng thứ hạng của trường và cũng là nơi khởi đầu sự nghiệp tốt hơn. Thế nhưng, người bạn mình sau 2 năm học PhD thì cảm thấy khá nản với nghiên cứu và chỉ muốn ra trường làm một công việc hành chính bình thường kiểu như tuyển sinh trong trường đại học cho đỡ mệt. Lương thấp cũng được vì ít nhất có chồng nuôi và thẻ xanh thì cũng không phải lo do chồng tuy người Trung Quốc nhưng cũng đi làm rồi


(2) 3 vị tiền bối của mình gần nhất của mình thì theo đúng ý các giáo, vào 3 trường R1 thứ hạng cao làm Assistant và Associate Professors (tạm dịch là “Giáo sư chưa kí hợp đồng dài hạn” và “Phó giáo sư”). Tiền bối ở Chicago Booth thì chưa ra trường đã có 3 bài nộp vào báo, và rất nhanh chóng được phong “Phó giáo sư”. Tiền bối ở Ohio State thì chưa ra trường đã có 2 bài báo hạng nhất A* và chưa vào trường mới đã có quỹ nghiên cứu khoảng 400,000USD. Tiền bối còn lại thì mất 6 năm PhD bù lại thì xuất bản 4 bài từ B* đến A* nên có một thầy đứng ra làm bảo kê, dùng quỹ của thầy nhưng vẫn cho học trò đứng tên Tác giả đầu tiên - First author.


(3) Theo mình trao đổi với cả ba vị tiền bối này và thầy mình thì R1 có rất nhiều lợi thế.

  • Thứ nhất, các thầy trong R1 có tiếng thường có nhiều tiền, chủ đề và dữ nghiên cứu hơn nhưng lại không có thời gian làm. Vì vậy, nếu tạo mối quan hệ từ trong lúc học PhD với những thầy này, thì khi ra làm ở các trường tập trung nghiên cứu R1, thường sẽ rất nhanh chóng có được bài giá trị và được phong phó giáo sư. Tuy nhiên, mình cũng phải lưu ý rằng để việc nghiên cứu thuận lợi, thì các bạn nên bắt đầu phát triển quan hệ và nghiên cứu cùng các thầy ở trường mục tiêu từ trước khi chưa ra trường.

  • Thứ hai, R1 thường là trường có tiếng và tổ chức nhiều khóa đào tạo “chuyên gia” hơn. Những “chuyên gia” này thường là những quản lý cấp trung và cao trong doanh nghiệp. Vì vậy, khi tham gia giảng dạy ở R1, các bạn sẽ tiếp xúc được với nhiều nguồn tài trợ cũng như dữ liệu mới nhất dể nghiên cứu. Với cấp bậc Assistant Prof, thường các bạn sẽ có áp lực nhiều hơn về công bố, chứ không phải gây quỹ. Khi đã lên được Phó giáo sư, thì lúc đó đi quan hệ gây quỹ cho trường cũng không muộn. Vì vậy thực sự không đến mức trường sẽ ép bạn lương 100K mà phải xin quỹ 400K cho trường. Trường sẽ cho bạn thời gian để có thể bắt nhịp với công việc và cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra nhưng tóm lại là vẫn phải làm căng sức.

  • Thứ ba, vì tiếp xúc với dữ liệu mới liên tục tại R1 nên khi giảng dạy bạn có thể chia sẻ được nhiều thông tin cập nhật hơn với sinh viên và giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn cho môi trường làm việc chuyên nghiệp.

  • Thứ tư, trong các trường R1 cũng có những giáo tập trung về giảng dạy, nên sau khi được phong Phó giáo sư, nếu các bạn có rút về làm giảng dạy nhiều hơn thì các thầy cũng không trách bạn mà thu nhập thì lại cao hơn là bạn đi giảng dạy ngay từ đầu. Lưu ý rằng nếu bạn không nghiên cứu nhiều nữa thì thay vì dạy 1 lớp 1 kì, bạn sẽ phải dạy 4 lớp 1 kì và có thể phải dạy hè.

(4) Với mình đi dạy cũng không phải dễ, việc chuẩn bị giáo trình và chấm bài thực ra rất nặng, đặc biệt ở khi dạy ở các trường tập trung giảng dạy. Thời gian làm việc ở các trường tập trung giảng dạy cũng không được thoải mái như các trường tập trung nghiên cứu. Bạn cứ nghĩ một kì dạy 4 lớp thì cũng không còn thời gian thở được chứ đừng nói phát triển nghiên cứu, du lịch cá nhân hay giành thời gian cho gia đình. Vì vậy mình cũng kính nể những bạn chọn con đường đi dạy sau PhD vì đó là con đường mà mình cảm thấy khó chứ không dễ gì với tính cách của mình. Với mình, vì đam mê nghiên cứu nên mình thấy nó dễ hơn đi dạy và khi nghiên cứu, mình có thể “tự kỉ” với bản thân nhiều hơn là phải giảng bài cho 4 lớp liền.


(5) Về chuyện làm giáo sư hay quay lại doanh nghiệp, mình nói thẳng thắn là kể cả trong COVID-19 đợt này mình vẫn có doanh nghiệp mời mình làm, lương tương đương với lương khởi điểm của giáo sư R1 và cũng thẻ xanh trực tiếp. Thẻ xanh hoặc H1B trong doanh nghiệp thực sự nếu đã cầm trong tay tấm bằng PhD thì không tới nỗi quá khó, đợt này các công việc hành chính ở Mỹ hơi chậm nên vất vả hơn thôi. Về việc bị sa thải bởi doanh nghiệp mất cơ hội thẻ xanh, thì việc này là việc những người làm việc ở Mỹ luôn trong tâm lý chuẩn bị. Mình cũng có bạn như vậy nhưng họ nhanh chóng tìm được cơ hội Day 1 - CPT để bám trụ và cuối cùng cũng ổn. Còn nếu bạn không chuẩn bị thì rõ ràng là lỗi do bạn.


(6) Nếu làm ở R1 và bám trụ được thì thu nhập không phải chỉ tính lương. Sau khi được phong “Phó giáo sư” và tiếp tục làm việc còn rất nhiều khoản đầu ra đầu vào khác nữa. Ví dụ, tư vấn ngoài cho doanh nghiệp. Ví dụ, dạy 1 lớp “chuyên gia” 2 tuần thôi, thu nhập thêm 20K trong vòng 2 tuần đó. Những thầy trong khoa mình hầu hết thu nhập đều từ 300,000 đổ lên (12 thầy, bao gồm các thầy chuyên giảng dạy). Người thầy “xúi dại” mình học PhD, thu nhập trên 3 triệu USD một năm (nguyên lương đã hơn 1M rồi)


Nói vậy không có nghĩa là mình đang muốn các bạn phải đi con đường R1 hết. Con đường nào cũng có cái lợi cái hại riêng. Nếu các bạn muốn đi R1 một cách xuất sắc, thì ngay từ lúc học PhD đã nên vào trường rank cao nhiều quan hệ. Sau đấy, khi vào học rồi các bạn phải phát triển quan hệ với các thầy trường khác, các doanh nghiệp lớn để xin tiền tài trợ luận án. Cả ba vị tiền bối R1 của mình và mình, lúc PhD, bản thân đều xin được tiền cho luận án nên làm được luận án có giá trị hơn. Đỉnh cao nhất là tiền bối ở Ohio State. Tiền bối này xin được tài trợ cho luận án và làm một luận án xuất sắc nên khi ra trường là doanh nghiệp tự nhảy vào xin tài trợ tiếp khi bác này chuyển sang Ohio State. Khi có những mối quan hệ này cộng với việc xuất bản được toàn bộ các bài trên luận án một cách có giá trị, thì con đường lên phó giáo sư của các bạn tại các trường tập trung nghiên cứu sẽ bằng phẳng hơn nhiều. Hiện tại trường mình học có một PhD năm hai, và một PhD năm tư cũng đã tự xin được tài trợ luận án độc lập rồi. Nói vậy để các bạn biết rằng đây không phải chỉ là một hai trường hợp xuất sắc mà do quy trình đào tạo của trường nên sản phẩm PhD cũng đồng đều hơn. (Từ đó mình cũng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của chọn trường chọn giáo chứ đi PhD đừng quyết theo cái kiểu có người nhận mừng quá vào luôn)


Mình biết là rất nhiều sinh viên Việt Nam, hay kể cả Trung Quốc, Ấn Độ, chân ướt chân ráo sang Mỹ sẽ khó có thể vừa học, vừa nghiên cứu, vừa phát triển quan hệ kiểu đó được. Vì vậy việc các bạn chọn hướng theo trường giảng dạy cũng không có vấn đề gì. Tuy nhiên nếu các bạn tự ép bản thân để có thể làm được những điều đó thì thành quả về thu nhập cũng như sự “tự sướng” về tinh thần sẽ lớn lao hơn rất nhiều.


Không ai nói nước Mỹ dễ nhưng đây là đất nước mà nếu bạn cố gắng thật nhiều thì thành quả cũng sẽ thật cao. Nhưng nếu bạn cố gắng tầm tầm thì thành quả tại Mỹ cũng sẽ chỉ tầm tầm thôi. Quan trọng là bạn xác định xem bản thân mình muốn gì nhất và lên kế hoạch từ trước 5 - 10 năm, ngay từ trước khi học PhD thì mới kịp được. Còn nếu bạn đợi nước đến chân mới nhảy, theo nghĩa là học PhD thì cũng chỉ cố học để tốt nghiệp thì đến lúc chật vật không tìm được việc sau PhD, cố mãi không được thì “khăn gói về nước” thì bạn cũng không thể trách ai được vì bạn không có một kế hoạch rõ ràng ngay từ đầu.


P.S.1: Còn nếu câu chuyện của bạn là thẻ xanh thì chưa chắc bạn đã cần học PhD đâu, có nhiều đường đi lắm.


P.S.2: Mình tuy trong ngành Business, nhưng câu chuyện về phát triển quan hệ với các giáo, các doanh nghiệp cũng như lập kể hoạch sự nghiệp từ trước PhD có thể áp được cho nhiều ngành. Các giáo sư gốc Việt tại Mỹ có nhiều người chọn dạy, nhiều người chọn nghiên cứu và mình đều rất tôn trọng họ. Mình buộc phải viết bài này dù rất bận vì mình biết rằng rất nhiều giáo VN dạy trường R1 quá bận để viết một bải giải thích cặn kẽ cho mọi người hiểu rõ về R1 và những hi sinh mà những người làm R1 trải qua.


P.S.3: Chuyện lương doanh nghiệp cao hơn hay lương học thuật cao hơn thì cũng tùy ngành và cái này tuân theo đúng quy luật của thị trường tự do. Nếu doanh nghiệp cần kĩ năng của bạn hơn thì họ trả cao hơn. Nếu các trường cần kĩ năng của bạn hơn thì họ trả cao hơn. Nếu cố được thì phát triển kĩ năng mà không bên nào phủ nhận được thì dù theo hướng nào bạn vẫn sẽ có chỗ đứng thôi.


P.S.4: Có thấy ngựa của mình cũng phải thấp hơn ngựa của người khác không =)))



34 views0 comments
bottom of page