top of page
Writer's pictureThu Hoang

Gap year cho du học Mỹ

Gần đây có rất nhiều bạn hỏi về chuyện gap year nên mình cũng nhân dịp này làm rõ nó một chút


GAP YEAR LÀ GÌ?

Gap year là nghỉ hẳn việc học chính thức ở hệ thống trường trong nước (hoặc đối với bậc sau đại học là nghỉ làm) trong vòng 1 đến 2 năm để làm những việc phục vụ mục đích cá nhân của người nghỉ. Trong nhóm này có lẽ mục đích lớn nhất khi Gap year là để xin học bổng.


ĐIỂM ĐẶC BIỆT CỦA KÌ XIN HỌC BỔNG MỸ

Kì xin học bổng của Mỹ sớm hơn các nước khác rất nhiều. Nếu bạn muốn nhập học đúng kì thu năm 2022 thì bạn phải nộp hồ sơ từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2021. Như vậy, hồ sơ Mỹ phải xong xuôi từ 9 đến 12 tháng trước kì hạn nhập học. Hay nói cách khác:


(1) Tất cả các loại điểm GPA, SAT/ ACT, SAT II, IB/ AP, IELTS hoạt động ngoại khóa và danh sách trường phải xong từ trong năm lớp 11, hoặc muộn nhất là đầu kì (tháng 10) năm lớp 12 để có thể nộp đúng hạn.

(2) Từ tháng 9 đến tháng 12 (học kì I năm lớp 12) là chỉ có chuẩn bị thư giới thiệu, bài luận, và chứng minh tài chính để nộp hồ sơ thôi.


Điều này cũng có nghĩa là hồ sơ của ứng viên sẽ không kịp nộp những trường nguyện vọng cao nếu:

(1) GPA lớp 9, 10, 11 không quá tốt

(2) SAT thi đợt tháng 5 tháng 6 điểm quá thấp

(3) IELTS không qua sàn

(4) Hoạt động ngoại khóa ít liên quan đến chuyên ngành định xin học (Nhưng cái này thực ra không quá quan trọng nếu bài luận làm tốt)

(5) Chưa kịp thi SAT II, AP, IB - Đối với những bạn nộp trường top 10, 20, 30

Như vậy những hồ sơ này nếu muốn nộp được học bổng tốt hơn thì có thể GAP YEAR. (Lưu ý là Mỹ hầu như rất ít học bổng rơi vào kì xuân nên không thể nộp hồ sơ muộn)


MÌNH CHỈ KHUYÊN GAP YEAR 1 NĂM NẾU ỨNG VIÊN THIẾU MỘT TRONG NHỮNG THỨ TRÊN

Thực ra trước khi viết bài này mình đã xem rất kĩ video của Lâm Python và bạn ấy có nói:

"Một năm không là gì so với cả đời người cả. Vì học tập và làm việc là cả đời." Mình cũng công nhận như vậy.

Tuy nhiên, với kì xin học bổng của Mỹ như mình đã nêu trên, Gap year 1 năm, không có nghĩa là nghỉ năm đầu đại học.


Gap year 1 năm có nghĩa là thay vì xin học bổng vào cuối lớp 11, đầu lớp 12 thì bạn xin học bổng vào cuối 12, đầu vào đại học. Như thế:

(1) Thực ra năm lớp 12 bạn vẫn phải học cật lực để đảm bảo điểm số tốt và tốt nghiệp

(2) Thi SAT vào tháng 12 (Học kì I lớp 12), Hoặc vào tháng 5, tháng 6 (Học kì II năm lớp 12)

(3) Thi IELTS và các thứ khác (AP, IB, SAT II) khi nào có lịch

(4) Tổ chức/ tham gia hoạt động ngoại khóa đúng chuyên ngành và có ý nghĩa

Như vậy, thực ra nếu bạn chỉ muốn Gap year 1 năm (học đại học muộn hơn người khác 1 năm), thì lớp 12 sẽ cực kì vất vả. Nếu bạn chỉ thiếu GPA thì cố 1 mình GPA. Nếu bạn chỉ thiếu SAT thì cố cả GPA cả SAT. Nếu bạn thiếu hoạt động ngoại khóa thì cố cả GPA cả hoạt động. Nhưng nếu cái gì bạn cũng thiếu thì cố tất cả sẽ cực kì mệt. Lâm Python là Gap year 1 năm (xin học bổng vào cuối 12).


GAP YEAR 2 NĂM - XIN HỌC BỔNG SAU NĂM NHẤT ĐẠI HỌC

Thiếu nhiều hơn một thứ thì vẫn có thể xin nghỉ học hoàn toàn năm nhất để làm tất cả những thứ này. Nhưng nếu bạn thiếu tất thì năm này cũng bận không kém gì một năm lớp 12 bình thường đâu (Đặc biệt là nếu điểm cấp 3 bạn không cao). Những cái bạn phải cố:

(1) Thi SAT cực kì cao, thi thêm SAT II/ AP/ IB nếu có thể

(2) Có khi phải thi lại IELTS vì thời hạn của chứng chỉ này có 2 năm

(3) Hoạt động ngoại khóa ngay sau lớp 12 phải cực kì mạnh để bù vào năm Gap year

(4) Viết lại toàn bộ bài luận cũng như thư giới thiệu để giải thích tại sao Gap year đóng góp vào mục đích lớn của đời mình. Bạn muốn xin học bổng thì bạn không thể nói là GAP year chỉ để tăng điểm hay hoạt động ngoại khóa được (phải có một câu chuyện cực kì hợp lí và thể hiện quyết tâm cao độ).


Thực ra Gap năm nhất đại học mình thấy vẫn OK vì ít nhất, bạn cũng chỉ đi học muộn hơn người khác có 2 năm (50% thời gian đại học). Mình cũng có chị họ đi theo đường này, tuy nhiên điểm cấp ba của bà chị họ đấy rất cao nên thực tế 1 năm Gap của chị ấy chỉ là để thi SAT và hoạt động ngoại khóa cho ổn.


GAP YEAR 3 NĂM - XIN HỌC BỔNG SAU NĂM 2 ĐẠI HỌC

Theo hướng này thì hết năm 3 mới đi được kể cả có xin học bổng. Một năm thì ngắn chứ mình thấy 3 năm thì quá dài. Đó là 75% quãng đường đại học, nhiều bạn đến hết năm 2 đi thực tập rồi, và hồ sơ của bạn hết năm 2 đi thực tập sẽ đẹp rực rỡ để mà xin thạc sĩ rồi. Vì vậy Gap đến hết năm 2 tương ứng của đại học mới xin học bổng là lợi bất cập hại.


Ngoài ra, khi gap hết năm 2 đại học, hồ sơ có một số điểm cần lưu ý:

(1) Trường sẽ cực kì soi việc tại sao bạn không đi học Đại học ngay và nếu bạn không có giải thích rõ ràng thì rất khó để có học bổng. Lâm có lấy ví dụ về Huyền Chip gap year xong được học bổng Stanford. Nhưng mình xin nói luôn, Huyền có 2 năm đi du lịch các nước để tìm hiểu văn hóa và nhờ thế Huyền nói được trong bài luận là mình tìm hiểu văn hóa và mục đích đời mình. Nói thật là truyền thông có nói Huyền tự đi làm kiếm tiền du lịch còn mình thì nghĩ là nếu không có một số vốn ban đầu đầu tư từ phụ huynh, Huyền Chip không thể đi du lịch được như vậy. Hoặc nếu bạn ấy vững thật thì đắng cay mà Huyền qua cũng sẽ ít người trải qua được.

(2) Thư giới thiệu của các thầy cô cấp 3 sẽ giảm giá trị. Bạn ra trường 2 năm rồi thì cần cả những thư giới thiệu giúp bên tuyển sinh hiểu rõ bạn đã làm gì và là ai. Vì vậy thư của các thầy cô cấp 3 nói về chuyện cập 3 sẽ không còn giá trị nữa. Nếu thực sự 2 năm gap mà bạn chỉ ôn thi thì bạn còn bị đánh điểm xuống thấp hơn

(3) Lâm có nói: "Hồ sơ gap year được xét như hồ sơ thường." Mình xin bổ sung thêm một chút, đấy là trường hợp Gap 1 năm (tức là xin học bổng vào cuối lớp 12) như Lâm. Còn những hồ sơ Gap 2 năm và đến 3 năm là sẽ xét kiểu khác.


Vậy nên trường hợp này mình đặc biệt khuyên các bạn là: THÔI Ở NHÀ HỌC ĐI CHO ĐỠ MỆT


TRÍCH LẠI CÂU CỦA LÂM PYTHON: "GAP YEAR LÀ CON DAO HAI LƯỠI"

Mình có cảm giác các bạn trẻ hay có thói quen là nghe có chọn lọc. Xem video của Lâm có nhiều điểm tích cực nên các bạn chỉ nghe điều tích cực là gap year không sao. Mình cũng thấy vậy. Nhưng bạn Lâm cũng nói rất rõ là:

"Nếu Gap year thì phải có kế hoạch rõ ràng."

Thì mình thấy nhiều bạn lại có vẻ không để ý.


Nếu Gap thì bạn phải biết rõ hồ sơ mình thiếu chính xác là cái gì và mình cố được đến đâu thì hẵng Gap.

* Thiếu 1, 2 thứ thì Gap 1 năm 2 năm thôi vẫn kịp để lên kế hoạch chuẩn bị cho những thứ đó. Nhưng thiếu tất cả các thành phần hồ sơ thì dù bạn có làm sao cũng không kịp nổi nên đừng gap còn hơn.

* Lý do thì rất đơn giản: Bạn cạnh tranh với những người chuẩn bị hồ sơ học bổng ít nhất từ năm lớp 10, nhiều nhất là từ năm lớp 6, 1 năm 2 năm hay thậm chí 3 năm gap của bạn sẽ không bù lại được những năm người ta chuẩn bị trước này đâu. Đã thế gap nhiều lại phải giải thích thêm nữa chứ.


KẾT LẠI MÌNH CHỈ ỦNG HỘ GAP YEAR KHI CÓ KỂ HOẠCH RÕ RÀNG VÀ HỒ SƠ CHỈ THIẾU 1 2 THỨ LÀ NỔI BẬT HẲN LÊN

Còn lại thì mình luôn nghĩ là mỗi năm Gap là 1 năm hoài công vô ích. Đặc biệt đối với những bạn mà thiếu nhiều thành phần hồ sơ và chỉ đi được nếu có toàn phần.

Một lần nữa, những người nên GAP:

(1) Thiếu ít thành phần

(2) Xin học bổng trường lớn thiếu điểm nổi bật cho câu chuyện

Còn lại thì không nên.


P.S.1:

Lâm có nhắc đến 1 bạn Gap khi đang học đại học để đi thực tập Tiki một năm. Đây là một bước đi chiến lược vì vận hành Tiki giống với vận hành Amazon. Như thế khi bạn này thực tập Tiki phần nào đó cũng biết được vận hành của Amazon. Sau này bạn ấy xin việc Amazon dễ hơn nhiêu những bạn khác. Đây là Gap chiến lược chứ không phải Gap được thì được không được thì thôi


P.S.2:

Lâm lại nhắc đến một bác trên 50 tuổi đi học lại Đại học. Điều kiện kinh tế của người này có thể khác rồi. Có thể họ lo cho gia đình xong xuôi họ mới học lại đại học thì sao. Mình biết một số người làm vận hành, tuy không có bằng đại học nhưng rất thông minh (tại Mỹ nhé). Nhưng đến khi lên Quản lý cấp cao thì cần bằng đại học nên họ đi học lại, biết đâu họ cũng rơi vào trường hợp này. Hơn nữa mình và rất nhiều người mình biết tầm tuổi mình (30+) còn có trò đi học cho vui chứ Gap ghiếc gì đâu. Mình đi làm Tiến sĩ mà tranh thủ đủ tín chỉ tốt nghiệp thêm 1 bằng đại học CS nữa này.


P.S.3:

Mỗi người một câu chuyện. Mong các bạn trẻ học cách lắng nghe và cân nhắc kĩ hơn. Nếu các bạn chỉ nghe những thứ tích cực vì hợp lỗ tai hơn thì sẽ tự giẫm lên chân mình đó. Có những câu chuyện nhìn bên ngoài thì hồng hường nhưng đắng cay trong đó mới là thứ khiến một người được học bổng và thành công. Nếu không nghe được "đắng cay" thì sẽ chịu còn nhiều "đắng cay" hơn nữa. Lắng để mà nghe. Chúc các bạn thành công



330 views0 comments

Comments


bottom of page