top of page
Writer's pictureThu Hoang

Truyền thuyết và sự thật khi theo con đường học thuật Mỹ

THUYẾT 1:

Nghiên cứu khoa học đóng vai trò tối quan trọng khi xin học bổng bậc Tiến sĩ.


THẬT 1:

Các thầy hầu hết cần 1 bài nghiên cứu khoa học trong đúng ngành để thấy là sinh viên có đam mê theo con đường học thuật. Thường nếu nghiên cứu này tốt và sinh viên lên thẳng từ đại học (thay vì qua bước thạc sĩ) thì các thầy sẽ tập trung vào đọc bài này. Còn nếu sinh viên đã qua bậc thạc sĩ và đi làm rồi, rất nhiều khi họ cân nhắc bài này chỉ ngang ngang với kinh nghiệm làm việc.


Còn nếu sinh viên có quá nhiều bài, mà bài nào cũng nộp dưới tầm những báo ưu tiên của trường, thì nghiên cứu khoa học trở thành điểm trừ. Vì trong đầu các thầy sẽ nghĩ là: "Bạn này chỉ nộp được báo hạng B, sẽ khó lỏng dạy lại để nộp lên hạng A theo đúng tiêu chuẩn của trường.

------------------------------

THUYẾT 2:

Thầy quan trọng hơn ranking trường hoặc khoa khi nộp học bổng Tiến sĩ (hoặc ngược lại)


THẬT 2:

Các khoa rank càng cao thì khả năng hoàn thành chương trình Tiến sĩ đúng hạn và khả năng nghiên cứu sau khi ra trường của sinh viên Tiến sĩ ảnh hưởng rất lớn lên ranking khoa (Cứ thử 10 tụt xuống 11 xem, rất kinh dị). Vì vậy họ tuyển đầu vào rất gắt, và những năm đầu, họ sẽ cố đào thải bạn thật nhanh. Nhưng bù lại khi bạn đã qua Bài kiểm tra Comprehensive (thường sau năm 2), họ sẽ tạo nhiều điều kiện hơn để bạn có thể ra trường đúng hạn, cũng như có công việc tốt (Từ hành chính đến tài chính).


Ví như trường mình, có một bạn trước mình bị giáo của bạn ấy (trước khi rời trường) làm vài vố rất đau, đến cuối năm 2 phải làm lại luận án từ đầu. Nhưng các thầy tạo điều kiện cho làm luận án 2 bài (không phải làm 3). Nên bạn ấy vẫn hoàn thành đúng hạn và khi bạn ấy ra trường thì vẫn xin được việc lương trên 110K (với ngành Chuỗi cung ứng)


Trái với nhiều bạn nghĩ là không đủ điều kiện ra thì mới ra trường muộn. Nhiều bạn bây giờ chọn ra trường muộn (năm thứ 5 hoặc thứ 6) vì như thế các bạn có đủ điều kiện ra xuất bản tốt, và tìm được việc ở những trường lớn hơn. Cũng chỉ những bạn có khả năng xuất bản cao, và làm việc liên tục, thì các khoa rank cao mới cân nhắc tạo điều kiện giữ lại năm thứ 5 hoặc 6. Còn như bạn mình ở câu chuyện trên thì lúc bạn ấy yêu cầu học năm thứ 5, trưởng khoa nghĩ một hồi xong yêu cầu bạn ấy ra trường cuối năm tư.


Các khoa rank thấp thì nhiều khi họ thiếu giảng viên nhưng không có tiền nên họ mở chương trình Tiến sĩ để tìm lao động giá rẻ. Vì vậy, sinh viên có tốt nghiệp không với họ chưa chắc đã quan trọng (Rank có từ 205 tụt xuống 225 thì đã sao). Mà bạn làm Tiến sĩ lâu thì nhiều khi họ có thêm nhân lực, nên chả sao cả. Hầu hết các trường kiểu này lương ra trường Tiến sĩ trong ngành Chuỗi cung ứng là 70-85K.


Nói như vậy nhưng thầy vẫn quan trọng trong các trường cùng tầm rank. Ví dụ như 1 trường rank 20, 1 trường rank 26, mà trường rank 26 mình lại hợp với thầy hơn ngay từ lúc tìm hiểu trường và phỏng vấn, thì nên chon trường rank 26 vì thầy sẽ cho mình nhiều hỗ trợ cá nhân hơn.

------------------------------

THUYẾT 3:

Nếu muốn theo con đường học thuật thì không nhất thiết phải có kinh nghiệm làm doanh nghiệp.


THẬT 3:

Các thầy rất thích tuyển các bạn học một lèo Đại học Thạc sĩ Tiến sĩ. Lý do là vì dễ dạy, không phải đập quan điểm thiên lệch khi ứng viên đã đi làm doanh nghiệp quá lâu.

Thế nhưng đến khi ra trường thì ít nhất đối với các ngành trong ngạch kinh doanh, kinh nghiệm thực tiễn và quốc tế lại cực kì quan trọng để tìm việc (dù trong doanh nghiệp hay làm giáo sư).


Minh năm nay đi phỏng vấn với các trường để tìm việc năm sau. Với một vài phỏng vấn đầu tiên (tầm tháng 7 tháng 8 gì đó), mình tập trung vào nói về thành tích nghiên cứu. Cuối cùng trường đó tuy ranking nghiên cứu trong ngành mình không cao, loại mình chổng vó. Về nhà trưởng khoa bảo: "Em phải bán kinh nghiệm doanh nghiệp mạnh vào. Và nói rõ là, kinh nghiệm doanh nghiệp giúp em tự nuôi nghiên cứu của em. Và nó cũng giúp em lồng kiến thức thật vào giảng dạy để giúp sinh viên nữa."


Các trường mình phỏng vấn sau, cả rank cao và rank thấp hơn rất nhiều mình đều lọt cửa vòng 1 rất dễ dàng. Cùng năm với mình có một bạn ít kinh nghiệm thực tiễn hơn. Mình đã có 5 cái phỏng vấn tại trường (Trường cho vé máy bay và khách sạn để đến làm việc và thuyết trình với trường trong 1 ngày), mà bạn ấy không có cái nào.


Một bạn khác của mình, có bài đang trong quá trình phản biện tại Management Science (một báo thuộc dạng các giáo còn rất cân nhắc trước khi nộp). Nhìn chung về mặt nghiên cứu thì bạn hơn hẳn mình, nhưng bạn không có cái phỏng vấn tại trường nào thứ hạng cao ở Mỹ luôn.


Nhìn chung, sinh viên Tiến sĩ lúc còn đang học nghiên cứu giỏi là một chuyện. Đến lúc ra thị trường việc làm, các trường quan tâm là: "Có thể sinh viên này nghiên cứu được là do dựa bóng các thầy ở trường đang học thôi. Nếu có kinh nghiệm việc làm có khi tự xin được quỹ và dữ liệu nghiên cứu, lúc đó mới có thể tự nuôi định hướng nghiên cứu của mình."

Với các trường giảng dạy thì "Người có kinh nghiệm thì dạy sinh viên tốt hơn để mà sinh viên hòa nhập với thị trường lao động. Hơn nữa họ có thể xin quỹ cho trường tốt hơn." Nhiều bạn nghĩ trường giảng dạy thì trách nhiệm xin quỹ không nhiều nhưng mình thấy, những cá nhân mà họ muốn đầu tư lâu dài nhất vẫn là những người có khả năng xin quỹ. Nói chung, trưởng nghiên cứu (thường rank cao) nhiều khi quỹ doanh nghiệp tự bơi vào, nhưng trường giảng dạy (thường rank thấp hơn), người xin được quỹ càng quý hơn vàng vì doanh nghiệp họ không mấy chú ý tới những trường như vậy.


Còn nếu bạn quay lại doanh nghiệp thì đương nhiên kinh nghiệm việc làm rất quan trọng rồi.

------------------------------

LỜI KẾT

Có những việc tưởng vậy mà không phải vậy. Nếu các bạn thực sự muốn đi theo con đường học thuật thì nên nghĩ sâu hơn một tầng trước khi vội vàng lao đầu theo những thứ như nghiên cứu khoa học, hay không tích lũy kinh nghiệm làm việc.


Rất nhiều người, đặc biệt trong các chuyên ngành kinh doanh, là họ đi làm đến hết nấc rồi mới quay về đi làm Tiên sĩ. Mình quen một bác làm Hội đồng quản trị UPS xong đến lúc chán thì đi làm Tiến sĩ. Bác ra trường được 1 trường khác mới ngay, và chị trong vòng 6 năm đã lên Giáo sư Chính thức (Full) vì khả năng xin quỹ cũng như nghiên cứu thực tế và giảng dạy của bác không thể xuất sắc hơn. Một tiền bối của mình cũng mới lên Phó giáo sư trong vòng 5 năm, vì kinh nghiệm làm IBM của ảnh giúp ảnh có rất nhiều dữ liệu để đưa ra nghiên cứu chất lượng. Và gần đây nhất, mình cũng gặp một bác làm Gateway, vào trường 8 năm đã lên đến Phó Hiệu trưởng rồi.


Nói chung vào Tiến sĩ là một chuyện, có theo và thành công rực rỡ với nghiệp học thuật không là chuyện khác. Mỹ là một thị trường rất khốc liệt. Gần đây có một Hiệu trưởng nói với mình rằng: "Tiêu chuẩn vàng là người vừa có học thuật vừa có kinh nghiệm thực tế. Đánh mất một trong 2 cái đều làm em kém cạnh tranh hơn." Chọn cách nào là do bạn, nhưng nếu muốn tương lai xán lạn thì không thể nghĩ ngắn được đâu.


P.S.: Ảnh vợ chồng mình lên du lịch "ở nhờ" cabin của gia đình trưởng khoa (cũng là thầy hướng dẫn) của mình




113 views0 comments

留言


bottom of page