Khác với bậc học phổ thông và những bậc học trước, chức năng chính của đại học không phải là giảng dạy những kiến thức sẵn có cho sinh viên, mà là:
Hướng dẫn sinh viên cách kết hợp tư duy cá nhân vào kiến thức sẵn có để hình thành tích lũy, hiểu biết cá nhân.
Và tạo ra kiến thức mới
Kể cả những ngành nghề thiên hẳn về thực hành như hội họa, âm nhạc, điều dưỡng thì kĩ năng tự tổng hợp thành hiểu biết cá nhân cũng cực kì quan trọng để tạo ra phong cách riêng và kinh nghiệm đặc biệt phục vụ cho phát triển nghề nghiệp sau này. Vậy nên nếu các bạn học đại học mà chỉ học kiến thức chuyên môn lấy được thì thực ra chỉ là học nghề mà thôi.
ĐIỂM YẾU CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM LÀ GÌ?
Thực ra điểm yếu nhất của giáo dục đại học Việt Nam có lẽ chính là không dạy cho sinh viên những “khung suy nghĩ”. Rất nhiều bạn hỏi mình khi có một sự kiện hoặc hiện tượng xã hội nào đó, nhưng khi mình hỏi lại: “Cách suy nghĩ của em thế nào?” Thì 7 trên 10 bạn sẽ ngớ người kiểu: “Em không biết suy nghĩ thế nào nên em mới hỏi chị.”
Mình biết lối giáo dục áp đặt của Việt Nam và một số nước châu Á nói chung là nguyên nhân chính của việc không dám nghĩ này. Tuy nhiên, nếu có nguyên nhân khách quan thì cũng có chủ quan. Bản thân các bạn lâu dần thành thói quen lười suy nghĩ và không chịu thoát khỏi nó.
KHUNG SUY NGHĨ THỰC SỰ LÀ GÌ?
Nó thực ra là một cách đơn giản hóa và công thức hóa cách một người có thể suy luận biện chứng một vấn đề. Với rất nhiều trường đại học ở Mỹ, họ công thức hóa dựa theo cả văn hóa biểu tượng của họ để cho sinh viên hào hứng hơn và tiếp thu cách suy luận biện chứng này nhanh hơn.
Ví dụ, Texas Christian University:
Trường có biểu tượng là con Horn Frogs, dịch nôm là Cóc hoặc ếch gai, nhưng thực chất là một con thằn lằn
Trường có khung suy luận biện chứng FROG: Framing, Recognizing, Optimizing, and Growth
Framing tạm dịch là đóng khung có nghĩa là: Khi đọc một vấn đề mình phải gọi tên và mô tả nó một cách ngắn gọi, rồi phân loại nó vào một khung kiến thức mình đã biết hoặc đang phát triển.
Recognizing tạm dịch là nhìn nhận các hướng đi để giải quyết vấn đề mà mình đã gọi tên: Trong phần này, sinh viên sẽ đưa ra những giải pháp cho một vấn đề, và không có giải pháp nào là ngu ngốc cả. Tất cả các giải pháp được liệt kê ra và viết xuống. Và luôn có một giải pháp được gọi là “không làm gì cả”. Khi viết xuống hết như vậy, sinh viên có thể suy nghĩ lại liên tục rằng mình còn thiếu cái gì không. Còn nếu bỏ giải pháp không làm gì cả thì sinh viên lại hay vội vội vàng vàng nhảy sang bước tiếp theo.
Optimizing hay organizing tạm dịch là tối ưu hóa, và tổ chức lại, có nghĩa là: Trong những giải pháp mình đưa ra, mình phải đưa ra ưu điểm, nhược điểm của từng giải pháp (đôi khi phải ngồi xuống phân tích kĩ cả định tính lẫn định lượng) rồi mới kết luận mình sẽ đi theo giải pháp nào. Nếu trong lúc này mà tìm ra giải pháp mới thì lại phải quay lại bước Recognizing làm lại.
Growth hay còn gọi là trưởng thành, có nghĩa là: Mình suy nghĩ về tất cả quá trình trên và tổng hợp cho mình một cách nghĩ mới nếu gặp vấn đề tương tự.
Nhìn thì loằng ngoằng, thực ra đây chính là cách tập suy nghĩ cơ bản nhằm tránh nhảy cóc đến kết luận. Khi suy nghĩ và viết xuống kiểu này theo nhiều thắng, nhiều năm, não tự động hình thành thói quen suy nghĩ. Vì vậy, dù bạn không viết FROG xuống nữa, não cũng được lập trình để tự suy nghĩ kiểu này nên vừa nhanh mà tư duy biện chứng rõ ràng.
Thực ra khung suy nghĩ không chỉ được hình thành ở mức độ trường học, mà còn được hình thành trong mỗi chủ để của mỗi môn học hoặc các mảng khác trong môi trường đại học. Ví dụ:
Trong Chuỗi cung ứng, chủ đề cải tiến vận hành liên tục (continuous improvement), có khung suy nghĩ DMAIC: Define (định nghĩa vấn đề vận hành), Measure (nghĩ ra các đo đạc và đo đạc xem có đúng là vấn đề đó không), Analyze(Phân tích những đo đạc đó để xem có cách cải tiến nào không), Implementing (Áp dụng cách cái tiến đó), và Control (Đo đạc để điều chỉnh cách cái tiến đó rồi lại quay lại các bước trước nếu không hiệu quả). Lâu dài khi áp dụng DMAIC nhiều, các quản lý vận hành hình thành thói quen cải tiến vận hành trong não và dễ nhìn ra chỗ để cải tiến hơn mà không cần viết xuống. Cái này chính TRỰC GIÁC trong truyền thuyết.
Nếu không trong lớp học mà trong vấn đề làm việc nhóm đi, có khung FNS: Forming (khi nhóm mới hình thành, mọi người thích nhau thì chơi với nhau), Norming (chơi với nhau rồi nhưng vẫn phải có những quy định chung thì mới lâu bền, nên dù có viết luật xuống hay không thì nhóm bắt đầu hình thành những quy định ngầm), Storming(khi một số thành viên trong nhóm không đồng ý với quy định ngầm này thì họ bắt đầu cãi nhau và nếu không được thì họ bỏ nhóm, nhóm phải bắt đầu bước forming từ đầu, hoặc nếu những thành viên còn lại chịu nhường nhịn thì họ lại phải norming lại). FNS sẽ giúp bạn rất nhiều khi cãi nhau với bạn cùng phòng, cùng nhà, đồng nghiệp. Bạn sẽ suy nghĩ rõ hơn là mình và họ đang ở giai đoạn nào của FNS và từ đó giúp mối quan hệ phát triển lên một tầng cao hơn.
Vậy những khung suy nghĩ này được hình thành từ đâu?
QUAN TRỌNG HƠN NÓ LIÊN QUAN GÌ ĐẾN VẤN ĐỀ TRƯỜNG HỌC TẠI VIỆT NAM?
Khi mình còn làm doanh nghiệp và tuyển nhân viên, mình có những quan sát rất thú vị:
Những bạn mình tuyển từ trường công Việt Nam thường là rất thông minh. Và tự các bạn ấy có những khung suy nghĩ riêng. Nhiều khi những khung này tự phát triển và tránh được tư duy lối mòn mà những người đi làm lâu năm hay vướng phải. Có lẽ vì trường công Việt Nam xưa nay vẫn đuối về việc dạy những khung suy nghĩ và thiên về ôn luyện đề cương nhiều nên nhiều bạn phải tự tổng hợp khung suy nghĩ để học nhanh nhớ lâu. Cái khung gì mà phải tự nghĩ ra thì khó quên được và phát triển hơn người bình thường rất nhiều nhưng khó dạy lại được cho người khác.
Những bạn mình tuyển từ trường tư như Tôn Đức Thắng, Hoa Sen, một vài chương trình liên kết hay Đại học quốc tế, thì có thể không thông minh bằng nhưng khung suy nghĩ của họ rất xác lập, cân bằng. Nếu tuyển vào những vị trí không cần đột phá mà cần đều tay, sáng tạo trong khuôn khổ thì mình ưu tiên những bạn này hơn. Có lẽ vì những trường này có giáo trình quốc tế có sẵn khung suy nghĩ, hoặc có thầy cô làm thực tiễn nhiều mang những khung suy nghĩ cá nhân vào. Những khung suy nghĩ này khi tạo thành thói quen có thể đào tạo ra nhân viên giỏi nhưng lên đến tầm lãnh đạo thì vẫn phải tự thân suy nghĩ rất nhiều.
Còn nếu tuyển hẳn những bạn từ trường tốt ở Mỹ, Anh hoặc Úc về, thì mình thấy vừa có thông minh, vừa có khung suy nghĩ xác lập. Tuy nhiên lại hơi thiếu một chút hiểu biết xã hội Việt Nam nên mất thời gian để các bạn ấy điều chỉnh khung suy nghĩ so lại về văn hóa Việt.
Mình đặc biệt thích tuyển các bạn từ trường công tốt của Trung Quốc, vì họ có tất cả các khung điều chỉnh cần thiết nhất. Từ các nước khác thì mình không dám bàn vì chưa tuyển bao giờ.
Nhưng nhìn chung, giáo dục từ trường tốt của các nước phát triền hơn dù Âu, Mỹ, hay Á mình đều nhận thấy họ có khung suy nghĩ hơn đào tạo trong nước. Lý do rất có thể là bản thân họ chính là đơn vị tạo ra kiến thức, nên khung suy nghĩ không chỉ đi mượn mà được đổi mới liên tục.
GIỜ VỚI TƯ CÁCH LÀ NGƯỜI TRONG NGÀNH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC, MÌNH CÀNG NHÌN NHẬN VIỆC NÀY RÕ RÀNG HƠN
Bạn mình ở một trường top 10 Mỹ nói rằng giáo tốt (có nghiên cứu nhiều) thì không giảng nên bạn ấy hơi thất vọng. Tuy nhiên, nhìn từ trong hệ thống nhìn ra thì mình thấy như sau:
Giáo nghiên cứu ở Mỹ giảng nhiều nhất 1 môn 1 kì. Và nếu giáo có tâm thì thương được đánh giá cao hơn rất nhiều so với giáo giảng dạy có tâm. Lý do, giáo nghiên cứu thường ngồi Hội đồng Tư vấn của rất nhiều doanh nghiệp nên họ có những thông tin cập nhất từ doanh nghiệp. Họ cũng có sẵn khung suy nghĩ nên đưa nó vào chương trình học rất nhanh. Còn không có tâm thì nghiên cứu hay không cũng giảng rất chán đời.
Kể cả giáo nghiên cứu Mỹ có không giảng , thì họ giúp phát triển chương trình khung cho đại học rất nhiều. Mình hiện ở University of Tennessee, Knoxville. Và những giáo đầu ngành tuy không dạy đại học nhưng những môn định hướng chuỗi cung ứng, họ làm nội dung video và quy định khung chương trình rất chặt. Điều này giúp sinh viên dù học giáo nào cũng sẽ có khung suy nghĩ đồng nhất nếu tốt nghiệp từ cùng một khoa của cùng một trường.
Khung suy nghĩ của TCU kể trên cũng là do 2 giáo nghiên cứu không đi dạy đại học bao giờ nghĩ ra giành riêng cho trường. Dù nói thật là mình ghét cay ghét đắng 1 giáo và vô cùng thân cũng như kính ngưỡng giáo còn lại.
Với trường công Việt Nam:
Giáo nghiên cứu và có tâm cũng rất nhiều. Vậy nên khi họ giảng họ vẫn có thể đưa khung suy nghĩ chuẩn chỉ trong nghiên cứu của họ vào một cách không chính thức để giúp sinh viên phát triển.
Ngặt một nỗi là Giáo dục công được quản lý bởi chính phủ nên muốn đổi giáo trình là xin lên xin xuống, chạy 8 vòng, mất đôi ba năm. Cái này mình thể nghiệm khi ngồi với một hiệu phó FTU chỉ để giúp cải thiện giáo trình.
Vậy nên họ có thể có khung suy nghĩ nhưng không có giáo trình chạy theo hỗ trợ, khiến sinh viên không có khung suy nghĩ đồng nhất khi học các môn khác nhau mà phải tự nhặt nhạnh và tổng hợp. Tuy nhiên việc tự này cũng rất dễ dẫn đến những khung cá nhân mang tính đột phá.
Trường tư Việt Nam:
Ưu điểm là đổi giáo trình rất nhanh, lấy từ thực tiễn kết hợp với Sách giáo khoa và kinh nghiệm của giáo.
Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào giáo có kinh nghiệm thực tiễn, thì khung suy nghĩ sẽ không được tối ưu và dẫn đến nếu sinh viên muốn sở hữu khung suy nghĩ để sáng tạo đột phá thì gần như là không thể.
Gần đây các trường tư mang rất nhiều giảng viên nghiên cứu về. Tuy nhiên nếu các bạn có đọc báo Tuổi trẻ, nhiều trường tư đang bị “đấu tố” vì xuất bản ở nhiều báo quốc tế không chất lượng.
Mình thấy với điều kiện nghiên cứu ở Việt Nam, việc quan tâm số lượng hơn chất lượng thực ra là chấp nhận được nhưng nếu nghiên cứu mà không thể áp dụng vào để tạo kiến thức về khung suy nghĩ mới cho sinh viên thì thực ra nghiên cứu mang tính “bàn giấy” nhiều hơn.
Trường liên kết Việt Nam:
Mình học chương trình liên kết Troy tại Việt Nam nên thẳng thắn thì mình yêu Troy hơi quá đà. Tuy nhiên mình cũng nhìn được khá nhiều ưu và nhược điểm của nó.
Giáo trình có thể đổi rất nhanh theo trường Mỹ, và giáo viên nghiên cứu có thể giảng dạy và đưa khung suy nghĩ có nghiên cứu của mình vào thẳng giáo án.
Nhược điểm là chất lượng sinh viên không đồng đều nên nhiều khi giáo phải đưa khung suy nghĩ xuống tầm của bạn hiểu thấp nhất, khiến những bạn muốn khung suy nghĩ cao hơn không tận dụng được hết giáo trình và khung suy nghĩ có nghiên cứu. Muốn cải thiện việc này sinh viên chỉ có cách tự học và tự hỏi thêm giáo.
Trường quốc tế Việt Nam, thì mình có vài đụng độ nho nhỏ:
Mình từng đọc luận án Tiến sĩ của một trường quốc tế tại Việt Nam. Và gạch 75%. Nguyên một cái luận án làm không kĩ bằng 1 bài nghiên cứu của mình. Bình thường luận án Mỹ sẽ gồm 2 đến 4 bài nghiên cứu tùy độ sâu kể cả trường thứ hạng không cao.
Gần đây mình đọc một post tuyển giảng viên và giáo sư của một số trường quốc tế tại Việt Nam. Phải nói thẳng thắn là yêu cầu thì cao (vừa phải giảng tốt, vừa xuất bản nghiên cứu nhiều) mà lợi ích các trường đó cho người ta thì lại không được nhiều. Vậy giáo tốt làm sao muốn về.
Ngoài ra, các trường này cũng có xu hướng đếm số lượng nghiên cứu chứ không xem chất lượng. Ở Mỹ, hay các trường tốt ở châu Âu hoặc Á thì khi tuyển giáo thì chỉ đếm số lượng báo theo đúng chất lượng của trường chứ không đếm số chung chung. Mỗi trường, mỗi khoa có danh sách báo riêng. Nếu giáo mà có nhiều báo nhưng không nằm trong danh sách thì cũng khó mà được tuyển. Vậy nên họ đánh cả số lượng cả chất lượng.
Nhưng với cách đếm như ở các trường quốc tế tại Việt Nam hiện tại thì sẽ tuyển giáo có 15 bài hạng C và bỏ qua giáo có 3 bài hạng A. Để các bạn dễ hiểu thì Hạng C là nghiên cứu có giá trị thực tiễn nhưng thiếu khung suy nghĩ. Còn hạng A là có cả khung suy nghĩ lẫn thực tiễn.
Vậy nên thẳng thắn, đa phần giáo ở trường quốc tế Việt Nam là không trụ được với yêu cầu nghiên cứu có cả chất lẫn số ở nước phát triển nên mới về để đếm số ở nước đang phát triển.
Cuối cùng, mình mới nói chuyện với bạn mình đang dạy ở một trường quốc tế. Bạn ấy nói bạn ấy phải chuẩn bị 3 môn 1 kì, và dạy 5 lớp khác nhau, 40 giờ giảng 1 tuần. Mình có hỏi lại thì thấy ngoài giờ lên lớp là buổi tối chấm bài hết ngày luôn. Bạn ấy than là lấy đâu ra thời gian nghiên cứu để đưa ra khung suy nghĩ mới. Đọc từ giáo trình ra hết ngày.
Để so tương đối với lượng giảng dạy của mình. Mình chuẩn bị 1 môn, dạy 1 đến 2 lớp 1 kì (thậm chí có thể gộp 2 lớp làm 1 nếu dạy online. Tất nhiên mình thích sinh viên nên còn tình nguyện chuẩn bị 2 môn cơ. Tính cả thời gian chấm bài chắc mất của mình 20 giờ 1 tuần, vẫn còn dư cả đống nghiên cứu mà vẫn được nghỉ ngơi.
Vậy nên nếu xét từ những thực tế đó thì trường quốc tế trong nước
Có lợi thế về giáo trình được cập nhật bởi các đơn vị liên kết nước ngoài có tiếng hơn.
Lợi thế từ phía quan hệ doanh nghiệp để sinh viên thực tập
Lợi thế về đầu ra du học với các trường mà trường liên kết ở Anh, Úc , Mỹ hoặc các nước châu Âu khác.
Tuy nhiên khung suy nghĩ được nghiên cứu từ phía giáo thì không có được nhiều lắm.
Và du học với tấm bằng quốc tế chưa được kiểm chứng cũng chưa chắc có lợi với những trường nằm ngoài hệ thống liên kết.
MÌNH NÓI NHỮNG ĐIỀU NÀY ĐỂ LÀM GÌ?
Thực ra nhiều học sinh và sinh viên mộng mị vì những trường có 1 chút mác nước ngoài và cơ sở vật chất tốt. Tuy nhiên nếu các bạn đào sâu vào nó, chưa chắc những môi trường đó đã thực sự là tốt nhất với mình:
Nếu các bạn nhìn kĩ thì hệ thống đại học tư, liên kết, và quốc tế mở ra với mục đích đầu tiên là để kiếm tiền. Vin thì còn có thể là xây dựng nguồn lao động nữa.
Một số trường cân bằng giữa kiếm tiền và mang kiến thức, khung suy nghĩ mới về cho sinh viên.
Nhưng một số trường khác thì xây dựng cơ sở vật chất tốt, mua giáo trình rồi làm marketing thật hoành tráng, còn thực tế có đem được khung suy nghĩ về hay không thì rất khó nói.
Đến cuối ngày, cái thực sự có giá trị của một môi trường giáo dục dù quốc tế hay không là khung suy nghĩ có giá trị chứ không phải những thì bên ngoài kia bởi vì khung suy nghĩ mới là thứ giúp bạn kiếm tiền cho tương lai sau này chứ không phải cơ sở vật chất hiện tại.
Cơ mà tiền trả cho những cơ sở vật chất của một số trường đôi khi còn nhiều hơn hơn cả tiền chi cho giáo dục giá trị cốt lõi. Vậy nên dù là học sinh hay phụ huynh thì cũng nên tỉnh một chút, hãy xem tiền mình trả ra có xứng đáng với khung suy nghĩ mình nhận được hay không chứ đừng so nó với cơ sở vật chất. Trả tiền nhiều thì ngồi phòng mát ăn bát vàng khác gì khách sạn đâu. Nhưng nếu đã là giáo dục thì nên đề cao những thứ liên quan đến giáo dục hơn phòng ốc, giấy bút, đồ ăn, xe cộ.
Chúc mọi người có một tương lai rộng mở và khung suy nghĩ tốt nhất trong điều kiện của bản thân và gia đình nha.
Ảnh: Ngày cuối cùng của mình tại TCU
Comments