27 tuổi, chẳng nhớ hai chị em nói gì về chuyện đọc sách mà mẹ đột nhiên chêm vào: "Trang thì có mà đọc sách khối." Em mình quay sang nhìn mẹ: "Chị chỉ không đọc văn chương lai láng thôi mẹ"
Kì thực, mẹ nói thế cũng có lý do. Lúc bé mẹ mua nào Tốt-tô-chan nào Hắc-phin mà mình đọc chữ được chữ không, gà gật mãi mới qua được vài trang giấy. Lúc đó mình tưởng mình hoàn toàn không thể thích nổi đọc. Thế nhưng trong số sách mẹ mua lại có một cuốn mà mình cầm lên ngấm từ đầu đến cuối. Đó chính là: "Tiếng gọi nơi hoang dã" của Jack London. Điều kì lạ là khi mình mở sách ra, những truyện mở đầu lại chẳng liên quan gì đến hoang dã cả. Ngược lại, chúng là những truyện có gì đó phóng đại với cuộc sống đời thực, hài hước, có chút hoang tưởng, hơi trần trụi và có vị đắng đọng lại ngay cả sau rất nhiều năm.
Truyện đầu tiên có cái tên rất kì lạ: "Đoạn kết của câu chuyện cổ tích." Hì ai lại đi mở đầu cuốn sách bằng một đoạn kết nhỉ. Mà mở cái đoạn kết đó ra thì điều đầu tiên mình thấy lại là cảnh hai người ngồi trong phòng mà nhiệt độ phòng nửa thân trên thì nóng toát mồ hôi, nhưng dưới chân thì đi tất rất dày và rét cắt da cắt thịt. Chỉ nguyên đó thôi đã khiến mình cảm thấy rất tò mò. Rốt cục có một nơi như vậy trên thế giới chăng? Thế rồi mình cứ thế đọc tiếp, chỉ thấy một ông bác sĩ dùng xương thỏ để thay cánh tay cho anh chồng bệnh với điều kiện là chị vợ phải đi theo ông ta. Nhưng kết truyện thì đúng như cổ tích, bác sĩ lại thả chị vợ về với chồng và tất cả chỉ là một phép đối với tình yêu của chị ấy cho chồng.
Truyện thứ hai lại hoàn toàn ngược lại. Nó kể về một thế giới siêu thực, nơi một người anh lớn trong gia đình dù bệnh vẫn ngày ngày làm một công việc nhàm chán, hại sức khỏe, để hoàn thành trách nhiệm cùng mẹ nuôi đàn em trưởng thành. Em của anh này thì có cơ hội học hành đầy đủ nhưng rất coi thường anh vì anh ốm yếu lại ít học. Chẳng ai biết rằng anh ốm như vậy cũng chỉ vì bị phá sức sau nhiều năm đi cày thay trâu mà thôi. Thế nhưng nay anh muốn nghỉ ngơi, thì nhà thờ lại bảo chăm chỉ là đức tính cần có của của một con chiên ngoan đạo. Thế rồi một ngày, anh cũng đã kiệt sức với việc gánh trách nhiệm của một người "cha hờ" không công trong chính gia đình của mình. Anh bỏ lên một toa tàu cuối cùng, nằm đó "nhoẻn miệng cười". Anh chính là "Kẻ bỏ đạo".
Truyện thứ ba, thì kể về một gã người Anh yêu một cô người Tây Ban Nha, và gã cương quyết là trò đấu bò của nước cô là bạo hành động vật. Cô và họ hàng chỉ cãi lại: "Thế quyền Anh của nước Anh chẳng phải là bạo hành con người sao? Đừng đánh giá người khác dựa trên góc nhìn hạn hẹp của mình." Thế nhưng gã này vẫn cương quyết phải mang tiêu chuẩn của mình bắt cả nước Tây Ban Nha áp dụng. Cuối cùng, gã bị đánh cho một trận nhử tử. Mình đọc mải miết những truyện này đến khi mình quên luôn tựa đề sách thì "Tiếng gọi nơi hoang dã" mới thực sự xuất hiện. Khác với nhịp độ những truyện trước, truyện về chú chó Buck không hoang tưởng, không trần trụi, mà chỉ đơn giản là phiêu lưu thực tế từ góc nhìn của loài vật.
Buck là một chú chó lai sói rất lớn, ban đầu được sống trong nhung lụa, chiều chuộng muôn phần ở một nhà giàu có. Thế nhưng sau đó, Buck bị bắt cóc và bắt đầu cuộc sống phiêu lưu với một tên vô lại chuyên tổ chức các cuộc chọi chó đến chết để kiếm tiền. Vì sinh tồn Buck phải giết rất nhiều chú chó và được tâng lên làm nhà vô địch. Bản thân Buck tự nhiên cũng trở nên khát máu và cảm thấy mình "hoành tráng" khi giết những đối thủ đáng thương kia. Sau này khi Buck tiếp tục cuộc phiêu lưu của mình và trở thành một chú chó kéo xe, Buck dường như lại rất bình tĩnh. Khi chưa được làm chó đầu đàn, Buck tìm mọi cách để khiến con đầu đàn tức giận và tấn công nó. Để rồi đến khi chủ không còn tin tưởng con đầu đàn đó nữa thì Buck kết liễu nó để giành lại vị trí đỉnh cao như xưa.
Buck có lẽ sẽ mãi ngủ say trong chiến thắng nếu không gặp người chủ cuối cùng. Dù đó chỉ là một người đào vàng nhưng anh ta đối với Buck như một người bạn. Anh không cổ súy những hành động "kẻ mạnh sẽ thắng" bình thường của Buck. Anh vẫn làm việc cùng Buck nhưng không coi nó như vật sở hữu giống như những người trước. Quan hệ giữa anh và Buck chỉ đơn giản có bình đẳng, có công bằng, có giận dữ, có yêu thương.
Sau này, khi người đào vàng đó bị giết, Buck đã không còn hứng thú ở bên con người nữa mà nhập bọn và trở thành thủ lĩnh bầy sói gần đó. Buck dẫn đám sói trả thù cho người chủ bị giết và kết thúc mối quan hệ cuối cùng với con người. Cảnh cuối cùng truyện là một con sói lớn trông rất giống Buck quay lại những nơi cũ cảnh cũ nơi nó và anh chủ cuối cùng đã đi qua. Dường như quá khứ với con người trong nó chỉ còn là một vệt mờ. Chỉ có tình yêu thương của một người là vẫn sâu đậm không phai.
Đặt sách xuống, mình đã tự hỏi: "Sao một người luôn thích kết thúc có hậu như mình lại thích cái cuốn mà truyện nào cũng có cái kết không buồn thì cũng có người chết như thế này nhỉ?" Thế nhưng mình đột nhiên nhận ra những truyện tưởng chừng như không liên quan gì đến "hoang dã" từ đầu đến cuối sách lại biến mọi thứ thành một cái kết có hậu. Ước mơ của Buck có lẽ đã luôn là tự do, làm chủ cuộc sống dưới bầu trời cao rộng. Nhưng khi được bao bọc, bình yên như một sủng vật với người chủ đầu, nó đã không bao giờ tự hỏi bản thân xem thực sự nó muốn gì. Khi nó đi chọi chó và giết rất nhiều con vật khác, cũng như dẫn đầu bầy chó kéo xe, nó đã ảo tưởng rằng nó làm chủ cả thế giới và trở nên kênh kiệu nhưng thực ra, nó vẫn luôn phải thuần phục trong bàn tay của người cho nó ăn. Chỉ đến khi nó được yêu thương và tôn trọng ở bên người chủ cuối, nó mới thực sự nhận ra rằng trước giờ nó luôn bị cầm tù trong việc phải làm kẻ mạnh để sinh tồn, chứ không thực sự tự do. Với những người chủ trước, Buck ở bên họ là do bắt buộc và vì say đắm việc mình được được đứng đầu theo tiêu chuẩn của chủ, Buck tưởng rằng mình có cuộc sống hoàn mỹ. Nhưng ngay khi nó không còn làm được theo tiêu chuẩn đó nữa, người ta quẳng nó sang một bên.
Ngược lại với người cuối cùng, khi có thể tự do bỏ đi bất cứ lúc nào, Buck lại chọn ở bên cạnh anh ta dù không có lấy một cái "danh hão". Đơn giản Buck biết là dù nó có chẳng may phạm sai lầm nào đó, anh ta cũng sẽ không ngừng yêu thương nó. Sự an tâm khi được chia sẻ như một người bạn chứ không phải một kẻ dưới giúp Buck tự mình khám phá ra bầy sói gần nhà. Dần dần nó hiểu ra ham muốn tự do của bản thân. Và khi mất đi người quan trọng nhất với mình, nó đã dũng cảm đi làm điều mà nó luôn mơ ước - Trở về nơi hoang dã kia. Có người đơn giản nghĩ cái kết "hoang dã" thể hiện rằng con vật thì sẽ luôn có phần "con" rất mạnh. Khi có cơ hội thể hiện ra, bản năng sẽ luôn thắng cái được dạy dỗ bởi con người. Thế nhưng nếu xâu chuỗi nó với những truyện ngắn của Jack London trước đó, thì dường như "Tiếng gọi nơi hoang dã" chính là "Tiếng gọi của ước mơ" mà chỉ khi con người trưởng thành mới có thể thấu hiểu. Hầu hết, con người khi còn nhỏ thường được bao bọc trong yêu thương và luôn mơ đến một "đoạn kết cổ tích" như truyện mở đầu. Lớn hơn một chút, con người lại luôn cố gắng thành công theo một tiêu chuẩn nào đó của xã hội và tôn giáo đưa ra. Kết quả tuy ban đầu làm thì được công nhận và cũng cảm thấy hay hay nhưng cuối cùng, khi mình mệt mỏi, muốn buông thì mình lại tự thấy bản thân bị vây hãm bởi chính những tiêu chuẩn đó. Cái này cũng giống như "Kẻ bỏ đạo" ở truyện thứ hai, đến tận trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh ta vẫn không biết mình ước mơ gì. Anh ta chỉ nhoẻn cười vì đã bỏ được sau lưng cái cuộc sống đơn điệu khổ đau mà theo tiêu chuẩn xã hội bấy giờ là "bình yên" đáng kính trọng. Chết cũng là một giải pháp.
Hơn nữa thế nào là bình yên hay mơ ước cũng rất khó nói. Mỗi nơi, mỗi chỗ, mỗi thời điểm, mỗi con người luôn có một tiêu chuẩn khác nhau. Cái gã người Anh chỉ trích đấu bò ở truyện thứ ba, là một người tưởng như đã trưởng thành nhưng lại không chấp nhận được tư tưởng khác mình và suy nghĩ sâu hơn khi có cơ hội để làm thế. Kết quả, tự gã ta cầm tù bản thân và bị cuộc đời "vả cho sấp mặt." Trong thực tế, rất nhiều người chúng ta giống như gã bị, bó hẹp bởi quan điểm của chính mình, không dám ước mơ và thành kiến vời người khác. Cuối cùng, bình yên nội tại cũng không có được.
So với kẻ bỏ đạo hay gã người Anh, thì Buck may mắn hơn rất nhiều. Buck từng vì sinh tồn mà sống theo tiêu chuẩn của nhiều ông chủ. Thế nhưng vì được yêu thương, Buck đã dần nhận ra sai lầm của mình. Nó cũng sẵn sàng xóa bỏ những quan điểm thuộc về quá khứ để ước mơ của nó vượt qua ngoài khuôn khổ và định kiến. Và đến cuối cùng, Buck đã thực sự làm chủ bản thân mình còn dẫn đầu cả một bầy sói.
Buck bây giờ là Buck của hoang dã, phải tự chịu trách nhiệm cho sự no đói của một bầy đàn, không còn ai cho nó ăn nữa. Điều này cũng giống như một người trưởng thành, tự phải lo cho bản thân và những người phụ thuộc.
Thế nhưng, dù phải gánh rất nhiều trách nhiệm, Buck của cái kết lại cũng rất bình yên và tràn đầy ước mơ trong tâm tưởng. Nó bình yên là vì nó không còn phải phấn đấu cho một mục tiêu phù phiếm mà người ta áp lên nó. Nó đang ở bên cạnh và bảo vệ bày đàn nó yêu. Nó ước mơ là vì tư tưởng của nó không còn bị gò bó bởi ảo tưởng "quyền lực" của chính nó, mà rộng mở cũng như hoang dã ngoài kia. Con người cũng vậy. Nếu có thể vượt qua định kiến xã hội và sự hạn hẹp của chính bản thân mình thì bình yên hay mơ ước đều có thể đạt được.
Còn người chủ của Buck chết thì giống như một lời nhắc nhở của Jack London với mỗi chúng ta: "Đời người không giống như truyện cổ tích. Trên con đường đến với bình yên và ước mơ của mình, sẽ có những thứ ta phải hi sình và làm day dứt. Và dù sau này cuộc sống ta có hạnh phúc bao nhiêu, thì ta cũng không bao giờ quên đi nó."
Với mình, Jack London mở đầu cuốn sách bằng một truyện vô cùng hoang tưởng "trên nóng dưới lạnh" có lẽ cũng là để nhấn mạnh cái tính không thực của một đoạn kết cổ tích mà đứa trẻ nào cũng dễ dàng tin tưởng. Thế nhưng từng truyện, từng truyện, tác giả đã bóc tách cuộc đời con người một cách đầy ẩn ý để một đứa trẻ mới mười mấy tuổi như mình lúc đó hiểu và thấm cái khó khăn của quá trình trưởng thành một cách vô cùng tự nguyện.
Có lẽ, mình hay chán những câu chuyện dễ đọc và làm nên tuổi thơ nhiều người như Tốt-tô-chan hay Hắc-phin là vì mình luôn hướng tới một sự thấu cảm ở thì tương lai nhiều hơn là những chuyến phiêu lưu trong tưởng tượng của những đứa trẻ. Vậy nên, dù 20 năm nay không đọc lại "Tiếng gọi nơi hoang dã", những chi tiết trong sách mình vẫn luôn nhớ một cách sống động. Nó là những truyện được viết cách mình cả trăm năm cuộc đời, nhưng với mình lại chưa bao giờ cũ. Thậm chí văn phong hiện tại, viết cái kiểu "chuyện thứ nhất, thứ hai" tuy rời rạc mà không liên quan gì cho đến cái kết cuối cùng cũng là từ nó mà ra. Có cuốn sách nào đối với bạn cũng như vậy không?
P.S.1: Mẹ ơi thực ra Trang khá chăm đọc sách, chỉ là gu của Trang có đôi phần quái dị. Dễ hiểu quá thì Trang đọc lại cũng không nổi.
P.S.2: Điểm văn cảm thụ của Trang ngày xưa hầu như tối đa là 7, có lẽ viết như thế này thì mọi người sẽ thấy thế là nói điêu. Cơ mà hầu hết cái mà Trang cảm được từ một bài văn lại không giống trong cái khung chấm điểm.
P.S.3: Thực ra với Trang văn là đời. Mỗi người sẽ có một lựa chọn khác nhau với sách mình đọc cũng như cách hiểu rất riêng. Sách Trang đọc thường là loại sẽ có năm tầng nghĩa nhưng người khác có thể không thích như vậy và cũng chẳng thấy tầng nghĩa thứ hai của cuốn sách Trang giới thiệu đâu. Đơn giản thôi, cuộc đời mỗi người một trải nghiệm, cảm được đến đâu không chỉ cần có tư duy mà còn cần hiện thực cuộc sống với từng người nữa.
P.S.4: Có những cuốn sách Trang sẽ hoàn toàn không thích, không phải vì chúng không có giá trị mà đơn giản chúng hơi bay so với đôi chân lúc nào cũng thích ở mặt đất của Trang thôi. Thế nhưng thích chạm đất không có nghĩa là Trang thiếu ước mơ. Tâm hồn Trang bay bổng nhưng Trang biết rõ chỉ khi Trang tạo ra bàn đạp vững chắc cho mình thì Trang mới đi xa được.
Comments