top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Thế nào là giỏi?

BỘ PHIM THE IMITATION GAME VÀ SỰ "GIỎI" CỦA ALAN TURING

Hôm trước mình mới xem phim The Imitation Game kể về cuộc đời có thật của một nhà toán học tạo ra chiếc máy giải mã những tín hiệu quân sự từ thiết bị Enigma (Đức quốc xã). Nếu giải tay bình thường thì mỗi thông điệp từ Enigma có đến 159 triệu triệu triệu khả năng truyền tải khác nhau. Cho dù có cả một phòng toàn thiên tài ngồi giải tay thì cần hàng chuc năm để giải một thông điệp trong khi đó, ngày nào Phát xít cũng có thông điệp mới.

Bởi vậy Alan Turing mới không ngại khó khăn và áp lực từ cấp trên để bỏ ra hàng tháng trời ngồi tạo ra một chiếc máy. Có những lúc không ai tin tưởng nó và muốn phá hủy nó luôn. Nhưng cuối cùng nó đã hoạt động và giúp nước Anh rất nhiều trong việc chiến thắng quân Phát xít. Có rất nhiều chi tiết nho nhỏ trong bộ phim mà mình thấy thú vị. Ví như lúc Alan Turing phỏng vấn với trưởng quản quân đội Anh (chỉ dưới Churchill).


Vị trưởng quản này hỏi:

- Anh năm nay bao nhiêu tuổi? - 27
- Anh bao nhiêu tuổi khi anh trở thành Học giả nghiên cứu ở Cambridge? - 24
- Và anh bao nhiêu tuổi khi anh xuất bản bài báo mà tôi chẳng hiểu gì này? - 23
- Và anh không cho rằng như thế anh xứng đáng được gọi là tài năng trẻ của toán học? - Newton sáng tạo ra phân phối nhị thức khi mới 22 tuổi. Einstein viết 4 bài xuất bản thay đổi thế giới khi mới 26. Như những gì tôi biết thì tôi chấp chới chỉ đạt chuẩn.

Một câu trả lời thật xuất sắc mà cũng thật khiêm tốn phải không nào. Hì hì. Nhưng cũng chính câu trả lời này khiến Turing gặp rắc rối với vị trưởng quản:

  • Một người bình thường sẽ không ít thì nhiều so sánh bản thân mình với những người khác xung quanh. Và từ đó đưa ra phương án giao tiếp hợp lý nhất.

  • Turing trong phim có dấu hiệu gì đó của tự kỉ với khả năng trí óc cao, vậy nên dù anh nói rất thật lòng rằng mình chưa giỏi trong mắt vị trưởng quản sẽ thành: "Ồ anh ta đang tự so mình với thiên tài, thật kiêu ngạo làm sao."

  • Và bản thân vị trưởng quản cảm thấy Turing đang coi thường mình nên dù coi trọng tài năng của Turing, cũng không muốn tuyển vào.

Kết quả đúng là Turing được tham gia vào nhóm nhưng mãi đến khi có người giúp anh giao tiếp được với nhóm tốt hơn, những người trong nhóm mới đứng ra bảo vệ anh lúc hoàn thành chiếc máy. Còn trước đó thì ai cũng nghĩ anh coi thường họ.


VẬY ĐIỀU NÀY THÌ LIÊN QUAN GÌ ĐẾN SỰ GIỎI?

Đầu tiên điều ai cũng nhận ra trong câu nói về Einstein là: "Núi cao còn có núi cao hơn. Nên giỏi không nhất định là một sự khẳng định, nó rất tương đối."


Điều thứ hai có thể cũng rõ ràng với nhiều người đó là: "Có một bộ óc cao hơn người chưa chắc đã là giỏi, không có trí tuệ về mặt cảm xúc cũng sẽ dễ gặp vài vướng mắc trong cuộc sống.


Cuối cùng, rất liên quan đến điều thứ hai nhưng điều này rất ít người nhận ra, đó là "Nhận mình giỏi đúng lúc cũng là một sự thông minh."

  • Mình chưa bao giờ nghĩ việc mình vào được trường nọ trường kia hay đi du học là do mình đầu óc hơn người. Mình luôn cho nó là do sự cố gắng.

  • Nhưng cố gắng và kiên trì cũng là một sự giỏi. Khi người khác khen mình thì mình nên nhận, không phải để chìm đắm trong lời khen đó mà là để thể hiện sự tôn trọng với người ta.

Khi bạn có khả năng đến một tầm nào đó, người khác khen bạn thật lòng mà bạn không nhận, thật ra rất đúng với câu nói: "Một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu." Có thể bạn không có ý đó nhưng nếu bạn không nhận thì người khác khi thành tích không bằng bạn sẽ cảm thấy vô cùng tủi thân.


Cho nên khi đó, đúng là bạn không giỏi thật, bạn tự đem cục đá "kém giao tiếp" đập chân mình rồi.


CÒN CHUYỆN MỌI NGƯỜI CỨ ĐỘNG CÁI LÀ ĐI KHEN NGƯỜI KHÁC THÌ SAO?

Rất nhiều bạn nhắn tin nói chuyện hay xin lời khuyên của mình sẽ làm chứng rằng mình khen họ rất nhiều. Có thể mình không khen họ giỏi, nhưng mình sẽ hay nói:

  • Uầy chị thì giúp được gì đâu, em có sẵn tài nguyên, chị chỉ hướng tài nguyên đó đến đúng chỗ hơn thôi

  • Thực ra em dám tự quyết sớm cũng là một cái giỏi. Đợi 3 năm nữa quyết đổi ngành thì mới dở nè.

  • Hoặc hồi bằng tuổi em chị chịu cái đấy nhé. Đánh chết cũng không làm được.

Thực ra thì khi một người khen người khác giỏi, luôn có hai trường hợp xảy ra:

  • Một là khen lấy lệ còn trong lòng GATO muốn chết

  • Hai là tự so với bản thân mình ở một thời điểm nào đó và khen thật lòng.

Loại GATO thì khi mình khiêm tốn quá chỉ tạo điều kiện để họ đi nói xấu mình thôi. Còn nếu đã khen thật lòng mà mình cứ phủi đi thì trong đầu người kia sẽ nghĩ: "Ủa mình kém nó thật mà nó còn nói nói kém thì không biết mình là loại gì?" Lâu dần quan hệ chẳng thân mật với ai được.


Hơn nữa lời khen ở một mức độ nếu ta tự nhận thức được và không chìm đắm trong nó thì nó giúp ta có động lực hơn, dũng cảm hơn với cuộc sống. Có thể ta không nên tập trung vào những lời khen về điểm số nhưng khen khi ai đó mạnh dạn làm việc gì đó, giúp một ai đó thì rất nên. Ví dụ:

  • Khi con cái vào bếp giúp ba mẹ chỉ một việc nhỏ. Thì dù kết quả việc đó thế nào, một lời khen cho nỗ lực cũng cổ vũ tinh thần của bạn đó rất nhiều.

  • Hoặc đơn giản như có bạn mới mặc cả mua cái xe đạp của mình từ 15 đô xuống 10 đô vì bạn ấy đang có dự án sửa lại nhiều xe đạp cũ đến cho trẻ em nghèo. Mình đã khen bạn ấy rằng: "Cảm ơn bạn vì dự án đầy ý nghĩa, cũng cảm ơn bạn vì không dựa vào hai chữ từ thiện để hỏi xem mình có quyên góp không." Haha, mình không ngại cho không cái xe đạp, nhưng những điều miễn phí thường bị trà đạp nên mình đăng xe đạp có 2 ngày, mà không biết bao nhiêu bạn vào ôn nghèo kể khổ, đòi mình mang xe đến tận nhà cho.

  • Hay có những bạn mình hay khen giỏi nhất là các mẹ đơn thân xoay xở con cái mà vẫn học hành sự nghiệp thành công ở một mức độ nào đó nữa.

Vậy nên giỏi thì nhận là giỏi, đừng chối mất công. Còn nếu bạn cảm thấy mệt mỏi với những lời khen, bạn nên tự hỏi bản thân hai thứ:

  • Một, bạn đã bao giờ đi khen người khác với những thứ họ làm khác bạn chưa? Ví dụ, mình thấy có người bạn biết cách trang điểm xinh đẹp là mình ngưỡng mộ thật lòng luôn. Thế nhưng mình lại luôn thấy có những bạn không thích "bị khen" nhưng hỏi bạn ấy tiêu chuẩn giỏi là gì thì lại không có gì rõ ràng. Nếu nói như vậy thì chẳng ai theo tiêu chuẩn của bạn là giỏi cả. Vậy không phải là NÓI KHINH NGƯỜI DÙ NÓI KHÔNG KHINH NGƯỜI SAO? Chẳng qua là tiêu chuẩn của bạn quá cao nên bạn chưa hài lòng với bản thân chứ chưa thực sự quan sát người khác để mà thấy thực ra mình cũng chưa giỏi ở nhiều mặt khác đâu

  • Hai, bạn có đang kiệm lời khen với người khác không? Người ta giỏi thì là người ta giỏi, chả lẽ cứ phải thấy người ta vật vã mới giỏi? Cả đời mình rất vất vả để có được những thứ người khác có. Tiền kiếm được cũng ốm thập tử nhất sinh. Báo xuất bản được cũng qua 3 năm liền bị "từ chối". Trong khi đó bạn mình vào Tiến sĩ sau một năm, thì xuất được ngay năm đầu. Chẳng lẽ mình không khen bạn ấy giỏi và mong bạn ấy cũng vật vã như mình. Thế có vẻ hẹp hòi quá nhỉ

Thật ra, mình nghĩ sự không ngừng cố gắng, không ngủ quên trên chiến thắng là một điều tốt, nhưng sống quá khắc khổ với bản thân và người khác lại không tốt chút nào. Bạn có bao giờ nghĩ bạn không thích lời khen của người khác vì đó là một loại áp lực bắt bạn nỗ lực không ngừng vì lời khen đó không? Mình nghĩ lý do bạn khó chịu với lời khen giỏi là vì bạn không muốn bị áp lực ngoại tại. Cơ mà loại áp lực này không biến mất khi người ta ngừng khen bạn mà nó chỉ biết mất khi tâm bạn dù được khen hay không cũng bình an thôi.


Vậy nên hãy cứ nhận và cho đi những lời khen khi nhìn thấy điểm tốt của người khác nhé.


P.S.: Giỏi hay không ta nên so với bản thân chúng ta. Cái này là nghiêm khắc với bản thân nhưng người khác giỏi hay không thì đây cần một góc nhìn rộng và đa chiều hơn thế. Không thể lấy bản thân ra làm thước đo được.




741 views2 comments
bottom of page