Nếu bạn thả những viên nhựa màu vào một ly nước, rồi lấy một chiếc đũa khuấy thật mạnh, thì những viên nhựa đó sẽ xoay xung quanh chiếc đũa. Nhưng cùng những viên nhựa đó bạn thả vào cái ao rồi dùng đũa khuấy thì chúng trôi càng ngày càng xa. Nếu thả trôi ra biển thì có lẽ chưa kịp khuấy, sóng đã đánh mỗi viên nhựa về một hướng rồi.
CÓ NGƯỜI HỎI MÌNH NẾU THẤY MÌNH LÀM MỘT MÌNH HIỆU QUẢ HƠN LÀM NHÓM THÌ KHÔNG CẦN LÀM NHÓM TỐT HƠN?
Viết báo cáo tự kỉ một mình thì có khi không làm nhóm cũng được. Nhưng mình ngày xưa, chạy sự kiện triển lãm. Nếu mình chạy bài phát biểu thì không thể phân thân dẫn khách vào gian hàng hay gọi điện để bố trí trưng bày hàng hóa cho họ được.
CÓ NGƯỜI LẠI HỎI VẬY CHỈ CẦN TRONG NHÓM MỖI NGƯỜI ĐỀU CỐNG HIẾN NHƯ NHAU VÀ AI CŨNG GIỎI THÌ SẼ TỐT?
Cả cuộc đời đi học và đi làm của mình, chỉ gặp đúng một nhóm mà ai cũng giỏi lại còn làm việc tốt với nhau. Có người nói 3 5 thứ tiếng. Có người về tài chính không thể xuất sắc hơn. Có người quan hệ cực kì tốt. Lại có mình cần thì xách lên cái gì cũng sẽ làm. Được làm trong nhóm đó đến giờ vẫn là kỉ niệm đẹp của mình. Có điều thời gian đó không dài lâu. Nhóm nhiều người giỏi thì sẽ đắt đỏ, duy trì lâu với một công ty không dễ. Nhưng mà cái khó hơn còn là những người giỏi thì luôn có chí hướng độc lập. Chẳng chóng thì chầy họ cũng nghĩ ra việc để họ tự làm rồi đi dần dần xa nhau. Không cãi nhau đánh nhau có lẽ là mừng rồi.
VẬY CÔNG TY CHỈ CẦN XÂY NHÓM, PHÒNG, BAN XUNG QUANH NHỮNG NGƯỜI GIỎI LÀ ĐƯỢC
Haha. Mình tin rằng dù ở lứa tuổi nào, nếu đã từng làm nhóm, bạn cũng đã từng gặp một vài trường hợp. Một là rõ ràng mình nói đúng, nhưng vẫn cảm thấy nhóm trong sáng ngoài tối khó chịu với mình. Nhóm có làm thì cũng hơi có gì đó chống chế một chút. Nhưng mà thôi, mình mặc kệ, miễn sao hiệu quả công việc tốt là được rồi. Hai là mình nói sao nhóm cũng làm nhưng đến lúc có chuyện xảy ra thì trách nhiệm đâu mình cũng phải gánh tất. Làm nhóm mà cứ như làm một mình vậy. Ba là thôi kệ, bạn ấy thích làm thì cho bạn ấy làm. Mình có nói bạn ấy cũng có nghe đâu. Dù sao đến lúc sai thì bạn ấy cũng phải chịu. Mình cứ làm tàng tàng là được rồi, đâu cần cống hiến.
Ừ THÌ … NHƯNG MÀ THẾ GIỚI VẪN XOAY QUANH NHỮNG NGƯỜI GIỎI. HÃY CỨ NHÌN ELON MUSK CỦA TESLA HAY JEFF BEZOS CỦA AMAZON MÀ XEM?
Cái giỏi bạn đang nói là chỉ số thông minh và năng lực cứng hay là một loại giỏi khác vậy? Nếu giỏi là chỉ số thông minh năng lực cứng thì những người này chỉ số còn kém xa hội MENSA của những người đầu óc tầm cỡ thiên tài. Cái giỏi của họ là làm cho những người có mục đích cuộc sống khác nhau, tâm lý tình cảm khác nhau chịu ngồi vào một chỗ và làm việc với nhau cùng đến một đích chung mà họ đã đặt ra. Mà để làm được thế, Musk với Bezos có gì. Một, họ có tầm nhìn siêu lớn vượt ra những thứ thường ngày khiến ai trong tập đoàn cũng có thể gắn giấc mơ cá nhân với cái tầm nhìn này. Hai, họ có tiền để mà những người chạy theo họ không phải đói kém. Khi không đói người ta mới theo đuổi giấc mơ của người khác dài lâu được. Ba, nếu người đó chẳng may muốn đi chỗ khác thì họ vẫn đủ mị lực kéo một người hoặc ba người thay thế về. Dù việc lôi kéo này bằng năng lực hay bằng tiền thì túm lại một người đi vẫn có thể thay thế được bằng một hoặc nhiều người khác.
VẬY NHỮNG NGƯỜI CHƯA ĐỦ TẦM NHƯ MUSK HAY BEZOS MÀ VẪN GIỎI THÌ PHẢI LÀM THẾ NÀO?
Thì họ thực sự không thể làm thế giới xoay quanh họ. Trong một ly nước như trường học. Mọi bài tập dù cá nhân hay nhóm đều có câu trả lời đúng. Vì người giỏi thường hay làm đúng trong môi trường này, nên mọi người có cảm giác thế giới xoay quay những người giỏi. Kì thực vì môi trường bị giới hạn, nên mọi người trong môi trường này mới dễ bị xoay quay câu trả lời đúng bởi lực ly tâm do những người có câu trả lời tạo ra chứ không phải bởi người đó.
Đến một cái ao lớn hơn như một công ty, chúng ta không phải lúc nào chúng ta cũng có câu trả lời đúng nữa, nêu nếu người giỏi cứ dùng đũa khuấy mãi thì cũng chỉ thấy bản thân một mình một góc mà thôi. Trừ khi, người giỏi này giỏi đến mức biến bản thân thành máy trộn bê tông lớn. Thế là những người khác như những viên nhựa màu mà mình nói đầu bài, đành phải cuốn theo lực ly tâm không thể kháng cự mà trôi theo thôi.
Ra đến biển lớn, khi chẳng có câu trả lời nào là đúng và cũng không có biên giới nữa thì dù có là máy trộn bê tông, vẫn có những viên nhựa thoát ra và trôi xa dần thôi.
VẬY LÀM SAO ĐỂ LÃNH ĐẠO HAY THAM GIA MỘT NHÓM KHI Ở BIỂN LỚN ĐÂY?
Nếu mỗi viên nhựa màu tách rời, sóng sẽ xô mỗi viên ra một phía, và những viên nhựa lẻ loi sẽ bị đánh dạt vào đâu đó, mắc kẹt vào trong những tảng đá hoặc xô thẳng đến đảo rác Thái Bình Dương. Nhưng nếu có 1 cách nào đó để những viên nhựa này kết nối với nhau thành những mảng lớn thì chúng sẽ ít bị mắc kẹt hơn và trôi đến những đẹp hơn thì mới đỗ lại.
Những màng lớn cũng bắt đầu từ những nhóm nhỏ. Nhóm có thể có những người giỏi hơn, người kém hơn. Nhưng muốn đi xa hơn thì thay vì khuấy động, chúng ta gắn kết. Khi làm nhóm ở nước ngoài (dù trong trường học hay trong công ty), rất nhiều bạn Việt Nam than: “Nhóm lười vô tổ chức. Mình muốn được điểm A mà nhóm lười lại còn tự ý làm lung tung, mệt không tả.” Thực ra, bạn không bao giờ để ý bên này, mỗi người trong nhóm bạn có thể có mục đích riêng, khó khăn riêng. Họ không làm với bạn vì mục đích của bạn là được A còn nhiều người chỉ cần B là đủ. Có người vào đại học bên này là để khám phá. Họ thích hẹn hò hơn học hành. Có người vào đại học bên này nhưng một nách 3 con, họ chỉ cần cái bằng để còn nuôi con họ nhưng chiều họ đi đón con nấu nướng cho con, chẳng ai giúp họ cả. Có người muốn đi đại học thì phải ba việc, vì ba mẹ họ nghèo, họ cũng chưa đủ giỏi để hớt học bổng. Vậy bạn đòi họ được A? Cái đó họ đâu cần.
VẬY LÀM SAO ĐỂ HỌ KẾT NỐI VỚI BẠN NẾU BẠN CẦN ĐIỂM A ĐÂY?
Nếu điểm A thực sự quan trọng với bạn như vậy thì việc đầu tiên là hãy nói với họ. Nói với họ rằng bạn cần A để giữ học bổng chứ không bạn sẽ phải cắt dở con đường học hành của mình. Như thế mục đích của bạn không còn là điểm A nữa, mà là hoàn thành đại học. Mà mục đích lớn này giống với mục đích lớn của rất nhiều người trong số họ. Nhưng họ vẫn không cần điểm A. Trên thực tế, bạn cần họ để đạt điểm A. Như vậy là bạn nhờ vả họ rồi nên dù họ có giúp dù chỉ một chút thôi, bạn cũng nên khen ngợi họ.
Điểm A là mục đích cá nhân của bạn. Vì vậy bản thân bạn phải kéo cày nhiều hơn trong nhóm là công bằng rồi. Lúc được điểm A, thì cái đó người trong nhóm bạn thích nhưng đó vẫn không phải cái họ cần. Họ cần người trông con giúp họ kìa. Lúc không được điểm A thì bạn cũng không thể quay sang trách họ, vì họ đâu có đòi điểm A đó đâu. Bạn càng áp điểm A đó làm mục đích của cả nhóm thì càng chẳng ai trong nhóm thích được bạn. Ngược lại nếu biến nó thành mục đích cá nhân và cảm ơn những người đã giúp mình hoàn thành nó thì mọi người cảm thấy mình được công nhận và biến giúp bạn thành một mục đích của họ.
Còn nếu bạn gánh cả nhóm vì điểm A, thì gánh cho trọn: “Thôi bạn về trông con đi/ đi với bạn trai đi. Mình đỡ cái này cho. Nhưng bạn nợ mình một lần đấy nhé. Nhớ làm bánh cho mình ăn.” Như thế họ sẽ thấy bạn đã giúp họ đạt được mục đích của họ. Nên lúc khác, họ sẽ sẵn sàng giúp họ hơn. Lẳng lặng làm hộ hoặc đợi họ làm không tốt rồi giận dỗi họ thì thực sự không nên. Vì lẳng lặng làm hộ hay sửa lỗi cho họ, họ đều chỉ coi là bạn đang làm vì cái điểm A kia của bạn thôi chứ đâu có hỗ trợ họ cái gì mà lần sau họ cần giúp.
NHÓM TRONG CÔNG VIỆC CŨNG VẬY
Đi làm ai cũng muốn kiếm tiền nhưng có người yêu công việc vì mục đích to lớn của công ty. Có người lại chỉ coi đó là kế sinh nhai làm đủ trách nhiệm thì về. Có người vì thành tích, cần thăng tiến nhanh để đến được công việc họ thực sự mơ ước. Bạn không thể bắt ai cũng giống bạn cũng cống hiến hết cái sự giỏi của mình cho công ty được. Vậy nếu bạn cho mình là người giỏi và muốn nhóm có thành tích tốt, bạn sẽ phải làm thế nào đây?
Chọn làm tất làm hết việc của cả nhóm, thì những người trong nhóm sẽ chỉ cưỡi lên đầu bạn. Ngoài mặt họ vẫn cổ vũ để bạn làm hết những trong lòng thì nghĩ bạn ngốc chứ giỏi gì. Họ không xoay quay bạn mà chỉ là cái bạn làm có lợi cho họ mà thôi. Với những người vụ lợi cá nhân, thì họ còn để bạn làm hết rồi quay ra sếp nhận công còn tội đâu đổ lên đầu bạn hết. Hoặc chí ít một mình bạn kéo cày, còn cả nhóm lên nhận thưởng.
Thực ra, nếu bạn muốn một nhóm làm việc đi với nhau đường dài thì thành tích lại không phải là cái bạn nên tập trung vào ngay lúc đầu.
QUAN TRỌNG LÀ DÙ THẮNG THUA BẠN CŨNG PHẢI COI HỌ LÀ NHÓM CỦA MÌNH
Mình đã từng kể câu chuyện mà bạn mình dù nói đúng nhưng không ai trong nhóm bạn ấy nghe. Và rồi nhóm thua cuộc vì một nhóm khác làm tương tự như cách bạn ấy nói đã thắng. Bạn ấy quay sang bảo: “Đấy thấy chưa? Bảo rồi mà không nghe.” Và lần sau nhóm bạn ấy vẫn tiếp tục bỏ qua những lời khuyên của bạn ấy. Chuyện gì đã xảy ra vậy?
Thực ra so với một người gồng lên cho rằng ý kiến của mình đúng rồi đổ lỗi cho những người khác trong nhóm thì mọi người sẽ lắng nghe một người: “Thôi lỗi chung của nhóm. Thua keo này ta bày keo khác thôi.” Cả nhóm vì không nghe lời một bạn mà thua nhưng bạn này vẫn nhận lỗi chung, thì trong lòng ai cũng ghi nhận, dù không nói ra. Còn đổ lỗi, thì khiến người trong nhóm cảm thấy cái bạn “nói đúng” này như người bên kia chiến tuyến. Nên lần sau, họ phải chứng minh họ đúng và vẫn tiếp tục không nghe ý kiến của bạn này cho bạn này biết mặt.
Công việc cũng vậy. Mình từng có lần làm sai. Mà sếp mình trước mặt chủ tịch nhận hết là lỗi của sếp, ăn mắng hộ toàn toàn ban. Về đến phòng, sếp cũng không trách mình một câu, mình ghi nhận lắm. Lần sau đề án làm chuẩn chỉ, sếp một mình lên nhận công, cả ban không ai nói gì mà vỗ tay nhiệt liệt. Người chịu đòn cho nhóm lúc nhóm ngã thì mới là người họ nể phục lâu dài. Và dù người này có được công nhận nhiều hơn công sức mà họ bỏ ra cho từng đề án thì nhóm cũng không ai cảm thấy bất công cả.
NHÓM HỢP CŨNG KHÔNG CÓ NGHĨA SẼ KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI
Bạn hợp với nhóm của mình. Tốt. Nhưng mỗi năm, mỗi người, mỗi khác. Có người lấy vợ, không nhiệt tình cho công việc như trước. Có người cha mẹ ốm giờ tình yêu với tiền hơn tình yêu công việc. Bản thân bạn dù giỏi hay dù yêu công việc tới đâu cũng sẽ có lúc ốm mệt, chạy việc gia đình, không làm xuể những thứ mình từng đam mê nữa.
Nếu bạn từng trách ai đó trong nhóm thay đổi ảnh hưởng thành tích nhóm. Thì khi bạn đổi, nhóm cũng sẽ trách bạn thôi. Cuối cùng thành đổ lỗi cho nhau, không ai nhường ai cả.
Nếu bạn là người làm tất cả, và chỉ cho người trong nhóm làm những việc lặt vặt. Thì đến lúc bạn có ưu tiên khác, ai là người sẽ gánh thành tích nhóm đây?
Nếu bạn chỉ kết nối những người trong nhóm với nhau bằng thành tích nhóm thì đến lúc thành tích này tan vỡ, nhóm cũng dã đám thôi. Muốn nhóm đi lâu dài, thì là quan tâm, chia sẻ, và tin tưởng lẫn nhau dù thành tích có thế nào.
MÌNH CHƯA BAO GIỜ ĐỂ THÀNH TÍCH TRƯỚC NHƯNG NHÓM LẠI LUÔN LÀ THÀNH TÍCH CAO
Đi học cũng không bao giờ mình cầu bài nhóm được A. Mình làm thật tốt cái phần cá nhân của mình. Còn bài nhóm vì không nhất nhất phải được A nên mình lắng nghe mọi người nhiều hơn. Chỉ có môn nào mà mình thích thích lắm thì mình nói luôn là mình gánh nhóm nhé. Vừa được tiếng phóng khoảng lại rõ ràng. Môn nào mình không thích lắm mà lại đang bận đi tìm việc, mình nói nhóm là: “Thôi lần trước mình gánh. Lần này các bạn gánh đi. Mình làm múa bông cổ vũ thôi.” Thế là đội trong nhóm gật gù, cuối cùng điểm vẫn cao.
Làm việc cũng vậy, mỗi lần để người mới vào nhóm làm là việc chậm với sai lung tung. Mà mình thì không chỉ học được của sếp đoạn làm “xe tăng” đỡ hết đạn cho nhóm mà còn thêm kiên nhẫn để nhóm lỡ việc mất đôi ba lần. Vậy nên mọi người trong nhóm càng cố gắng, chỉ vì họ cảm thấy mình bị ảnh hưởng thành tích quá nhiều để đỡ cho họ. Nên nhóm có yêu nhau, ghét nhau, hợp nhau hay không, chưa chắc đã quan trọng. Giỏi hay dốt cũng chưa chắc đã quan trọng. Quan trọng là họ cảm thấy dù mục đích cuối cùng của họ có khác nhau thì họ vẫn kết nối được để làm một cái gì đó chung. Đó mới là vai trò của người trưởng nhóm.
TRƯỞNG NHÓM CÓ THỂ KHÔNG GIỎI NHƯNG MỌI NGƯỜI VẪN TRÔI VỀ PHÍA HỌ
Như anh sếp của mình đó. Ảnh làm trưởng ban mà tài chính không giỏi, kĩ thuật cũng không, kinh doanh thì làng nhàng. Nhưng lính của ảnh thì có cả thánh tài chính, thánh kĩ thuật, và thánh kinh doanh. Thậm chí 2 trong 3 thánh này còn có lúc ghét nhau ra mặt. Thế nhưng sao họ vẫn ở cùng một nhóm mà không đánh nhau? Bởi vì nhờ sếp mình – một người không giỏi đã cho họ thấy họ vẫn có thể làm việc của họ mà không ảnh hưởng tới mục đích nhóm. Và bởi vì dù họ có không thích nhau, thì họ vẫn chia sẻ quan điểm là không nên để ảnh hưởng tới thành tích của sếp. Elon Musk and Jeff Bezos, có lẽ đều cũng đã bắt đầu công ty của họ từ những nhóm như thế này.
VẬY CUỐI CÙNG THẾ GIỚI XOAY QUANH CÁI GÌ?
Thế giới vẫn không xoay quanh những người giỏi. Nó xoay quanh mặt trời. Nếu bạn từng xem những bộ phim tài liệu khoa học về vũ trụ, thì bạn sẽ biết thế giới thực ra cũng rất nhỏ. Một thiên thạch, một hành tinh lùn, hay một cơn bão mặt trời cũng có thể dọn dẹp sạch sẽ cả trái đất, và những người giỏi sống trên đó. Vì vậy thế giới không xoay quay những người giỏi đâu. Thế giới xô đẩy những người giỏi, giống như sóng biển xô đẩy những viên nhựa màu vậy.
Nhưng ở một góc nhìn khác mỗi viên nhựa màu lại là một thế giới riêng. Mỗi người tự xoay quanh thế giới của riêng họ. Nếu một người có thể giúp những người khác tự xoay quanh thế giới riêng này, thì tự họ sẽ tiến về cái chung mà người này muốn. Những người này vẫn không thể làm thế giới xoay quanh họ đâu, nhưng vì họ tụ được nhiều người hơn nên họ ít bị dòng đời xô đẩy hơn thôi.
CUỐI CÙNG, MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON…
Nhưng cũng không cần 3 cây đại thụ mới có một hòn núi. Một cây thì bám rễ không chắc, nước dễ xói mòn đất, thế là cây cũng đổ. Nhưng 3 cây dù nhỏ, rẽ đan vào nhau thì chắc đất, khó đổ. Vì đất chắc nên về sau nhiều cây khác xung quanh dần dần cũng mọc được, mà càng nhiều cây mọc thì càng chắc, vậy nên qua thời gian thì thành núi thôi. Công ty hay đất nước đều bắt đầu từ nhóm nhỏ như vậy, chứ không cần đại thụ.
Cái ba cây chụm lại nên hòn núi cao là chỉ cả cái nhìn được (thân cây) và cái thực sự kết nối trong lòng núi (rễ cây). Nếu coi thân cây là sự giỏi của cá nhân thì kết nối của rễ cây là quan hệ giữa người người với người, là cái thực sự làm nên núi.
Còn ba cây đại thụ nhiều khi thích mọc đất bằng và xa nhau ra để tán còn tỏa thật nhiều. Đại thụ mọc cạnh nhau nhiều khi còn hút hết chất dinh dưỡng của nhau tự bóp chết nhau chứ chắc gì lên được thành núi. Người giỏi không phải cứ làm đại thụ là giỏi. Một người giỏi biết cúi đầu, biết cho cái chung thì còn tiến xa hơn nhiều.
Comentarios