CHUYỆN THỨ NHẤT
Khoa mình có một bạn PhD, năm nay là năm thứ 3 (chuẩn bị sang năm 4) rồi mà phải làm lại luận án từ đầu. Bạn ấy là người Trung Quốc, giữ quan điểm Á Đông, cô hướng dẫn năm nhất năm hai nói gì làm nấy, cố gắng sửa từng chi tiết. Ban đầu bạn ấy tự nghĩ là bạn ấy dốt, nên khiêm nhường và nghe lời cô.
Cuối cùng hết năm 2, thì ngã ngửa ra cô chuẩn bị chuyển về New Zealand sống nên kệ bạn này. Không những thế, cô còn gọi bạn này ra riêng bảo mày không đủ sức làm nghiên cứu đâu, nghỉ đi. Paper bạn này làm xong 80% còn đoạn cuối thì cô bảo giờ mày làm 3rd author, tao làm 1st và mày không được dùng paper này trong luận án. Lúc đó phải bảo vệ first paper và comm rồi. Bạn không biết làm sao. May quá các thầy trong khoa vẫn cho bạn ấy bảo vệ.
Sau đó, có 2 thầy cô trong khoa thương quá mới nhận xuống dưới cánh, hỗ trợ hết sức để có thể ghép chủ đề và bài mới cho luận án. Giờ bạn ấy vẫn đang rất vất vả.
CHUYỆN THỨ HAI
Cùng khoa có một bạn PhD khác, cũng người Trung Quốc. Bạn này rất chăm, giáo sư hướng dẫn cũng rất tốt bụng mà vì giáo này bận nên không sát sườn. Bình thường bạn này có một giáo khác (là đệ của giáo chính) hướng dẫn. Về sau giáo này kêu lại với mình là bạn này cứ phải chỉ từng việc, rất thụ động.
CHUYỆN THỨ BA
Chương trình PhD của mình còn có một bạn Mỹ. Bạn này ban đầu được giao cho một giáo cũng rất giỏi nhưng không cùng quan điểm nghiên cứu nên khó chịu ra mặt. Sau đó bạn đi gặp hết các giáo khác trong khoa. Bản thân giáo ban đầu cũng hỏi là mày có muốn chuyển không. Bạn này network xong một hồi thì sang được một thầy vừa hợp tính vừa tài trợ tiền nong luôn từ A đến Z, sướng quên trời.
CHUYỆN THỨ TƯ
Mình vào chương trình PhD thì quá hợp giáo. Mình nói gì chỉ cần dẫn chứng là giáo OK cho làm luôn nên nhiều khi cảm giác khó mà brainstorm với giáo. Mình toàn đem proposal sang các giáo khác. Lần nào mình cũng bị ném tả tơi và cũng có lần không đồng ý với giáo. Mình lại đem ý tưởng về hỏi lại giáo nhà mình. Giáo nhà mình bảo nếu giáo A đã nói thế, mày đọc thêm cái này thử xem. Mình cần mẫn đọc. Sau đấy mình vẫn không đồng ý với giáo A nhưng vì mình có dẫn chứng và luận điểm rõ ràng hơn, giáo A nói giáo có thể nhìn được tại sao mình lý luận như vậy, còn chỉ giúp mình bài đọc thêm để làm rõ ý tưởng hơn. Mà dù giáo A B hay C thì mỗi lần bất đồng quan điểm là một lần ra được cái mới, sinh viên và giáo sư tôn trọng nhau hơn.
Sau này mình cũng có một vài quan điểm không giống với giáo sư hướng dẫn của mình. Mỗi lần như thế mình lại nghiên cứu đọc thêm rồi gửi cho thầy bài đọc mình đã highlight rồi nói "Có vẻ hôm trước chúng ta nghĩ chưa được đúng lắm". Mình luôn nhấn mạnh vào từ chúng ta thay vì nói "thầy sai rồi" bởi vì nghĩ cho cùng mình sẽ còn làm việc và đồng xuất bản với thầy dài lâu. Nhìn chung mỗi lần như thế là hai thầy trò lại họp và điều chỉnh lại.
KẾT LẠI
Thực ra mình kể tất cả những câu chuyện này để nói rằng nhiều khi học trò châu Á, bị ảnh hưởng quá nhiều bởi quan điểm "thầy bảo sao trò làm vậy" quá thành ra các bạn làm PhD gốc Á thường thụ động và chịu thiệt thòi tại Mỹ. Trong khi sinh viên Mỹ thì thể hiện quan điểm rõ ràng nhưng vẫn tôn trọng thầy giáo thì cuối cùng lại được kết quả có hậu hơn.
Trước đây mình từng gặp một vài người học PhD ở châu Á nói "đồng ý với thầy" mới có nghĩa là "khiêm nhường". Thực ra "khiêm nhường" không nhất thiết là phải đồng ý mà là thể hiện sự không đồng ý một cách có tìm hiểu và có kiến thức. Khi thể hiện sự "không đồng ý" một cách thiếu văn hóa thì hậu quả không lường được dù ở châu Á, Âu, Úc, hay Mỹ.
Khoa mình từng đuổi một bạn vì mỗi lần bạn ấy bất đồng quan điểm với ai, là bạn ấy đem quan điểm đến từng người trong khoa để chứng minh là mình đúng. Đến cuối cùng, tất cả giáo sư và sinh viên PhD trong khoa đều bất mãn với bạn ấy và bạn ấy buộc phải rời đi. Nói chung, thầy cũng có thầy xấu, trò cũng có trò hãm. Vậy nên nếu đã lên đến bậc học cuối cùng này thì nên nhìn nhau mà sống thôi.
Ngoài ra, "khiêm nhường" của một người làm khoa học còn có nghĩa là người đó hiểu rằng nghiên cứu không phải là công việc có thể làm một mình dù có giỏi. Vì vậy, việc đầu tiên mà một PhD trẻ nên học là tôn trọng ý kiến của bất cứ đồng tác giả nào (thầy bạn hay người thiếu kinh nghiệm hơn). Đồng thời, trước khi mở miệng bất đồng quan điểm, thì nên đọc nghiên cứu cho kĩ và tạo cơ sở cho lý luận của mình.
CẬP NHẬT SAU VÀI NĂM CỦA TỪNG CÂU CHUYỆN
Bạn trong câu chuyện thứ nhất hiện đã tốt nghiệp và làm giáo sư ở một trường giảng dạy. Tuy cũng là giáo sư nhưng lương, và các điều kiện nghiên cứu đều thấp hơn hơn nhiều so với nhiều bạn tốt nghiệp từ cùng trường.
Bạn trong câu chuyện thứ hai sau này cũng tiến bộ hơn rất nhiều để độc lập hơn trong quan điểm nghiên cứu. Tuy nhiên vì nhiều khi thời gian không bù lại được nên hiện tại vẫn chưa có phỏng vấn tại trường nào công việc sang năm
Bạn trong câu chuyện thứ ba chưa đến kì tốt nghiệp những đã có xuất bản hàng đầu mà khó có người bì kịp. Hứa hẹn là khi bạn ấy ra trường vào năm sau đã có một dàn các trường đứng đợi rồi.
Còn mình thì cũng chính thức nhận việc một trường mà điều kiện nghiên cứu và các lợi ích công việc khác đều tốt. Giờ mình chỉ còn đợi bảo vệ nữa thôi.
Comments