top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Từ du học đến nhập cư Mỹ

Từ du học đến nhập cư Mỹ

Thực ra ai cũng có giấc mơ du học nhưng đó thực sự mới chỉ là bước đầu của một chặng đường rất dài phía sau. Mình không rõ ở các nước khác thế nào nhưng ở Mỹ rất nhiều bạn du học sang rồi thấy thích quá nên muốn có công việc, muốn ở lại. Tuy nhiên đến lúc đó thì đã quá muộn để chuẩn bị. Vì vậy, qua bài viết này, mình chỉ muốn các bạn, các em có hình dung thực sự về cuộc chiến nhập cư tại Mỹ, để tự cân nhắc tốt hơn cho bản thân.


SƠ BỘ VỀ CÁCH NHẬP CƯ PHỔ BIẾN VÀ CHÍNH THỐNG NHẤT THEO ĐƯỜNG DU HỌC NHƯ SAU:

  • Khi sang Mỹ, bạn sẽ được cấp Visa F1. Khi sang đến nơi, một số trường sẽ chủ động làm Thẻ an sinh xã hội (social security card) còn nếu không, bạn sẽ phải tìm hiểu để tự làm với trợ giúp nhỏ từ trường. Trong 9 tháng đầu tiên khi bạn có F1, bạn chỉ được phép làm việc trên trường, không quá 20 tiếng một tuần. Nếu quá thì dù lỗi do trường hay do bạn, bạn đều sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ.

  • Sau 9 tháng này, đến mùa hè, bạn có thể làm việc toàn thời gian 40 tiếng trở lên một tuần. Tuy nhiên, bạn phải xin CPT (tạm dịch là Giấy phép Thực tập Đào tạo theo chương trình đại học). CPT được cấp theo môn học. Thường trong trường có các môn học mà nó yêu cầu thực tập vào cuối hoặc trong kì, với các môn này bạn chỉ cần yêu cầu là trường có thể làm CPT cho bạn để bạn đi làm mùa hè.

  • Hết mùa hè đầu tiên, các bạn có thể được làm ngoài trường nhưng chỉ 20 tiếng một tuần đổ xuống. Khi làm việc ngoài trường, bạn vẫn cần CPT. Thực ra với các trường hợp hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, trường cũng có thể cấp CPT cho bạn làm toàn thời gian trong năm. Tuy nhiên, nếu bạn làm CPT full time (toàn thời gian) quá 12 tháng, thì nó sẽ bị trừ trực tiếp vào thời gian bạn được ở lại thực tập sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, mình khuyên các bạn không nên lạm dụng cách này.

  • Nếu các bạn thực sự muốn ở lại Mỹ thì hết năm nhất nên về Việt Nam thực tập 1 công ty lớn, sau đó cố gắng hết năm 2, hè xin thực tập ở 1 công ty tại Mỹ. Năm 3 nếu tìm được 1 công ty mà bạn biết chắc có tài trợ Visa việc làm sau khi học để thực tập thì là tốt nhất. Vì nếu bạn làm tốt, những công ty này thường giữ các bạn ở lại luôn sau năm 4 (đã tốt nghiệp).

  • Lộ trình với thạc sĩ thì ngắn hơn rất nhiều. Hết năm nhất là phải thực tập 1 công ty toàn cầu có giá trị thương hiệu lớn (trụ sở Việt Nam cũng được) hoặc tại 1 công ty mà chắc chắn có tài trợ Visa việc làm. Như thế, đến năm hai, thường bạn sẽ được công ty bạn thực tập giữ lại hoặc tìm việc tại các công ty lớn bớt khó khăn.

Lý thuyết là vậy nhưng tìm được thực tập hay công việc lại là cả một bầu trời khó khăn.

  • Tìm việc qua mạng trên Mỹ gần như là rất khó. Có những công ty họ cho sẵn bộ lọc là bạn có giấy phép làm việc tại Mỹ không hoặc trong tương lai bạn có cần tài trợ không, rồi nó đá thẳng bạn ra. 70% các công ty Mỹ không muốn tuyển nước ngoài. 20% có tuyển nhưng không tài trợ visa. Chỉ có 10% là tuyển và có tài trợ visa. Lý do tại sao tỉ lệ không tuyển lại cao như vậy là vì chính sách visa tương đối ngặt nghèo ở Mỹ.

  • Lúc gần tốt nghiệp, bạn sẽ phải quyết định xem mình có xin OPT hay không (OPT tạm dịch là Giấy phép Thực tập Đào tạo ngoài chương trình). Với mỗi bậc học sau đại học của Mỹ, bạn chỉ được phép xin 1 lần OPT. Điều này có nghĩa là, bạn có 2 bằng đại học thì cũng chỉ được xin 1 OPT, và 2 bằng thạc sĩ thì cũng thế, chỉ 1 OPT cho cả bậc học chứ không phải cho mỗi bằng. Vì vậy, đối với Mỹ nếu bạn học thẳng từ đại học lên thạc sĩ thì bạn mất luôn cái OPT của bậc đại học.

  • Tại sao mình nhắc đến việc chọn xem có lấy OPT hay không? Ngay cả OPT Mỹ cũng có 2 dạng, 1 dạng cho STEM (Khoa học, Kỹ thuật, Kỹ sư, Toán) kéo dài 3 năm, và OPT cho các ngành còn lại bao gồm cả kinh doanh, kinh tế, tâm lý học, vân vân mây mây, kéo dài 1 năm. Với những bạn có bằng STEM, các bạn thường lợi thế hơn vì có 3 năm để làm. Các công ty Mỹ (kể cả những công ty không tài trợ Visa việc làm) sẽ không ngại tuyển 1 người chỉ để làm cho mình 3 năm. Với những bạn có bằng không phải STEM, thì thường các công ty không muốn tuyển, vì vừa đào tạo xong đã đi mất rồi. Vì vậy, có những bạn học xong một bằng không STEM, các bạn có thể quyết định học thêm 1 bằng có STEM để lấy cái OPT 3 năm cho nó dễ xin việc.

  • Lợi thế của OPT 3 năm không chỉ nằm ở xin việc, mà còn liên quan trực tiếp đến tài trợ visa của các doanh nghiệp. Sau khi được nhận vào 1 công ty có tài trợ visa việc làm, công ty này có thể quyết định tài trợ cho bạn Visa H1B. Cái khổ là ở chỗ H1B chạy theo quy chế xổ số. Nếu bạn chỉ hoàn thành Đại học, tỉ lệ được nhận hồ sơ H1B là 10%. Nếu bạn học thạc sĩ tỉ lệ nhận hồ sơ H1B là 30%. Vì vậy các doanh nghiệp tài trợ cho bạn và nếu bạn không qua được sổ xố sẽ mất tiền tài trợ luôn. Mỗi năm H1B chỉ có 1 đợt chính. Vì thế nếu bạn có 3 năm OPT thì công ty có thể tài trợ cho bạn 3 lần, nếu trượt năm nay thì lấy năm sau. Nếu bạn có bằng thạc sĩ với tỉ lệ nhận là 30% thì 3 năm chắc sẽ có một năm trúng. Còn đội OPT 1 năm thì quá hên xui nên nhiều khi công ty không tài trợ. Kể cả công ty có tài trợ đội OPT 1 năm, thì để phòng trừ trường hợp rớt vòng sổ xố, nhiều bạn xin học ở một trường nào đó mà họ chuyên cấp CPT toàn thời gian để tiếp tục đi làm (mà phải xin trước nhiều tháng nên có khi chưa biết kết quả sổ xố đã phải xin học rồi). Với những bạn này, họ sẽ dùng CPT cho đến khi có công ty chịu tài trợ H1B hoặc thẻ xanh, nên việc này có thể kéo dài rất nhiều năm.

  • Ngoài ra, sau khi hồ sơ H1B được nhận sau vòng sổ xố, bạn vẫn có khả năng trượt vì bên cơ quan quản lý nhập cư của Mỹ (USCIS) vẫn có quyền yêu cầu bằng chứng (request for evidence) để chứng minh là năng lực của bạn là năng lực đặc biệt mà người Mỹ không có. Cái này hơi nguy hiểm với những bạn có bằng không thuộc hệ STEM. Nếu luật sư của công ty bạn làm có năng lực thì không sợ lắm nhưng nhiều khi luật sư không tốt là ăn đòn ngay. Nhìn chung sau khi bạn có H1B thì bạn có thể làm tiếp cho công ty đó hoặc chuyển công ty khác dễ dàng hơn, nhưng từ đó đến bước thẻ xanh vẫn còn dài dài.

  • Sau H1B sẽ là thẻ xanh. Có một số công ty lớn sẽ có thẻ xanh ngay ngày đầu cho bạn. Điều này có nghĩa là nếu bạn giỏi và may đủ để vào những công ty này thì bạn vào chính thức cái là nó sẽ tài trợ thẻ xanh cho bạn luôn, nên bạn có thể không cần qua bước H1B. Tỉ lệ của các công ty này chỉ ở 1%. Với hầu hết các công ty còn lại, thì bạn sẽ phải chờ xong H1B, làm đủ số năm rồi có khi lạy lục các công ty thì mới được suất tài trợ thẻ xanh. Nhiều nhất H1B chỉ được 6 năm nếu bạn không được tài trợ thẻ xanh, và lúc visa hết hạn thì bạn sẽ phải rời Mỹ.

  • Một số lưu ý nhỏ với OPT và H1B: Trong vòng 3 tháng kể từ ngày trên OPT mà bạn không có việc thì bạn cũng phải rời Mỹ. Nhiều bạn đi tình nguyện không lương để giữ OPT. Nếu bạn đang có H1B mà bị nghỉ việc thì bạn cũng có 3 tháng để tìm việc mới hoặc rời Mỹ. Mà 3 tháng muốn tìm việc ở Mỹ gần như là không thể.


SƠ BỘ LÀ NHƯ THẾ CÒN DƯỚI ĐÂY LÀ MỘT VÀI CÂU CHUYỆN NHẬP CƯ NGƯỜI THẬT VIỆC THẬT ĐỂ CÁC BẠN NẮM ĐƯỢC TÌNH HÌNH. MÌNH SẼ BẮT ĐẦU BẰNG MỘT CÂU CHUYỆN TÍCH CỰC:

Chuyện thứ nhất:

Anh họ mình ở Việt Nam học Bách khoa, ảnh đi thực tập từ năm 2. Đến năm 3 thì đã lên phó giám đốc một công ty. Về sau công ty này đóng cửa, ảnh chuyển sang làm một công ty Mỹ nhỏ nhỏ. Dù ảnh có lời mời về làm ở Viettel (lúc đó còn đang phát triển theo hướng rất tích cực) nhưng ảnh thích công ty Mỹ này hơn dù lương thấp hơn chút.


Được vài năm thì ảnh muốn đi Mỹ học thạc sĩ cho biết, tự trả tiền. Sang đến nơi thì công ty Mỹ này lại ở ngay gần chỗ ảnh học thế là ảnh sang chơi. Họ vốn rất thích ảnh từ hồi ảnh làm ở Việt Nam, cuối cùng họ quyết định tài trợ cho ảnh luôn, và ảnh có H1B dù chưa hoàn thành thạc sĩ. Họ còn muốn ảnh làm thẻ xanh luôn nhưng ảnh lười.


Mấy năm sau, công ty ảnh có vấn đề mà ảnh vẫn đang H1B nên tự dưng mất việc và chỉ có 3 tháng để tìm việc mới… rùng mình luôn. Ảnh cũng chỉ một tháng là tìm được việc do quá giỏi công nghệ thông tin, và cuối cùng cũng tiến tới làm thẻ xanh cho an tâm, nhưng dù sao thì vẫn bị giật cho một phát tỉnh cả người.


Chuyện thứ hai:

Một người bạn của mình sang học Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) với OPT 1 năm. Hết năm nhất không xin được thực tập Mỹ nhưng xin được về Microsoft Việt Nam một mùa hè. Đến năm hai xin được một công ty công nghệ nhỏ hơn dù không thích. Công ty này ở California. Bạn ấy được tài trợ H1B và qua vòng sổ xố, lúc đó bạn vui lắm báo mình luôn.


Tuy nhiên, chưa được một tháng thì bạn ấy bị yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng (Request for evidence) và vì bằng của bạn ấy là MBA nên khó nói về việc tại sao có giá trị cho công ty công nghệ. Ngoài ra lương của bạn ấy cũng hơi thấp so với khu vực nên lúc bị như vậy không chứng minh được.


May sao, bạn ấy thân với sếp, nên sếp hỗ trợ bạn ấy chuyển về Singapore rồi sẽ tìm cách quay lại Mỹ bằng visa L1A sau. Đang đợi ở Sing thì sếp bạn ấy chuyển công ty nên bạn ấy bơ vơ, lại phải quan hệ với sếp khác.

  • Để quay lại bằng L1A thì phải có vị trí mở ở Mỹ rồi nộp đơn nội bộ. Tìm được vị trí phù hợp đã khó, lại phải lương đủ cao để lúc nộp visa không bị soi mói.

  • Thế là bạn này làm việc với sếp bên Đức mãi mà đến lúc được cho lương ở Mỹ vẫn thấp nên lại cãi nhau thêm một trận.

  • Đến lúc OK lương thì đang dịch ở Việt Nam nên L1A bị hạn chế. May sao bạn ấy đã tìm hiểu trước là công ty bạn ấy thuộc một hiệp hội mà L1A đợt dịch COVID không bị hạn chế nên mới làm xong.

Về đến nơi bạn ấy giục làm thẻ xanh luôn nhưng bị nhân sự lần khân:

  • Xong đến lúc họ bàn về làm thẻ xanh cho bạn ấy họ còn bảo khi làm L1A thì bạn ấy không được thay đổi vị trí và tính chất công việc nên sẽ không thăng cấp cho bạn ấy được vì vị trí hiện tại của bạn ấy không có cái kĩ năng “quản lý con người”. Nên đợi đến 2023 để bạn ấy ở vị trí cao thì mới làm thẻ.

  • May quá ông sếp người Đức kêu không được nên ông ấy ép nhân sự phải ghi quản lý con người vào hồ sơ thẻ xanh của bạn ấy ngay và liền.

Giả mà bạn này không quan hệ tốt với sếp người Đức thì cũng càng ấy nhỉ? Mà cái khổ của L1A là không được chuyển công ty nên chết dí với công ty đó luôn.


Chuyện thứ ba:

Một bạn khác của mình cũng MBA và OPT 1 năm. Năm đó bạn ấy bị trượt sổ xố H1B nhưng đã mặc cả với sếp để xin thẻ xanh luôn rồi. Ai ngờ công ty bất ngờ đóng cửa chi nhánh, bạn ấy lại phải vật vã xin CPT của một trường để đi học và ở lại. Sau này tìm được việc cũng mãi mấy năm, năm nay mới trúng H1B.


Cũng một trường hợp trượt sổ xố như thế nhưng công ty lớn tài trợ thẳng thẻ xanh luôn có điều bạn ấy lấy chồng mà không vác chồng theo được. Hai người cách biệt đến mấy năm trời, khổ ghê cơ ấy.


Chuyện thứ tư:

Một bạn mình tình cờ quen học Phân tích (Business Analytics), về sau làm cho một tập đoàn bán lẻ lớn ở Mỹ. Bạn ấy ghét công ty lắm nhưng được công ty tài trợ H1B nên cắn răng chịu. Không ngờ cũng trượt.


Lúc đó người yêu bạn ấy đã có thẻ xanh rồi nhưng mà tìm hiểu thủ tục thì để tài trợ thẻ xanh cho bạn ấy khi kết hôn, bạn ấy phải ra khỏi Mỹ mấy năm mới được. Mà đôi này quyết là không yêu xa được nên chia tay. Bạn học phân tích chuyển sang châu Âu làm, giờ cũng khá hạnh phúc với công việc hiện tại.


Chuyện thứ năm:

Một bạn khác cũng làm cho cùng tập đoàn bán lẻ kể trên có câu chuyện hơi li kì và lắt léo. Bạn sang học MBA và có thực tập ở Mỹ, tuy nhiên công ty này không tài trợ nên lúc gần tốt nghiệp bạn ấy rất phân vân là có nên lấy OPT 1 năm không.


Mình nói bạn ấy nên học thêm một ngành bên STEM (thạc sĩ 1 năm) để lấy OPT 3 năm. Bạn ấy nghe theo và học. Sau đó bạn ấy xin được một công ty nhỏ nhưng vẫn tiếp tục xin việc vì công ty này không tài trợ, cuối cùng vào được tập đoàn bán lẻ lớn.


H1B năm đầu trượt sổ xố… bạn ấy rất sốt ruột vì có người nhà đang bệnh nên hỏi mình có nên xin học tiến sỹ để lấy visa F1 về nhà hay không. Nhưng xong thì bạn ấy đi làm. Đến lúc năm 2 bạn ấy qua sổ số H1B bị yêu cầu bằng chứng thì có tin người bạn ấy rất quan tâm mất. Thực sự là không về kịp, rất đau lòng.


Chuyện thứ sáu:

Có một số trường hợp nhìn tưởng thuận lợi hơn nhưng không phải vậy. Mình quen 2 anh rất giỏi, tốt nghiệp thủ khoa trường ở Mỹ cả đại học cả thạc sĩ. Ra trường, cả 2 anh làm cho tập đoàn tài chính lớn. Một anh làm mảng đang lên nên ép mãi cũng được tài trợ H1B. Một anh làm mảng chẳng may đi xuống nên hết 3 năm OPT bị đá. Anh ở lại gần hết 3 năm OPT và 6 năm H1B phải gào thét, ôm hết khách hàng của công ty, dọa là tao mang khách đi đấy, lúc đó mới được tài trợ thẻ xanh.


Chuyện thứ bảy:

Một em khóa dưới mình lúc mình nói em phải chuẩn bị kĩ cho việc tìm việc thì em nói em thích học xong về Việt Nam vì vợ cũng thích thế. Em này rất giỏi, tuy học MBA nhưng làm phân tích đến xuất thần nhập hóa, sếp và công ty rất thích.

  • Vợ em ấy sinh con xong về Việt Nam nhưng con hay ốm quá nên lại sang. Vì con nên hai vợ chồng phấn đấu ở lại. Công ty có tài trợ H1B nhưng em ấy trượt phải xin CPT để ở thêm năm nữa.

  • Tuy nhiên đang CPT thì công ty cắt giảm chi nhánh, đang khủng hoảng không biết làm thế nào. Sếp lúc đó may thế nào thương, nhấc em ấy sang công ty mới, lúc này H1B với thẻ xanh mới gọi là xuôi chèo mát mái.

Có 2 bạn khác mình biết trong cùng năm đó thì xin thực tập thì công ty không có tài trợ, xin việc cũng không có tài trợ nên cuối OPT kết hôn đi theo đường thẻ xanh kết hôn thì công việc mới ổn (không rõ có yêu chồng/ vợ không). Còn một bạn phải học hẳn lên PhD sau đó xin việc thì bậc PhD dễ hơn và H1B cũng dễ hơn nên là đánh đổi cả.


Chuyện thứ tám:

Còn rất nhiều trường hợp mình quen mà đi visa đường khác. Có 2 em học xong đại học là xin việc ngon lành cành đào. Nhưng đàng sau là phụ huynh các em có đi đường visa đầu tư nên các em xin việc là không cần tài trợ và quay về làm thẻ xanh theo dạng đầu tư. Các em này cũng rất giỏi chỉ là không cần quá vật vã đoạn này thôi chứ đoạn sau mình cũng thấy máu chiến lắm.


Một bạn người Trung Quốc thì ba mẹ có công ty cung cấp đồ dùng cho McDonalds Mỹ nên cho bạn ấy vào biên chế từ Trung Quốc rồi chuyển bạn ấy sang bằng visa L1A, tự tài trợ thẻ xanh cho bạn ấy. 1 người bạn của mình nhập ngũ đổi hộ chiếu sang hộ chiếu Mỹ, phục vụ quân đội 4 hay 5 năm gì đó là sẽ được thành công dân. Nhưng đặc điểm của các bạn đi đường này là cao to và sức khỏe tốt chứ không thì cũng không trụ nổi.


Chuyện thứ chín:

Còn nếu các bạn học thẳng lên Tiến sĩ thì visa có rất nhiều đường. Đường H1B như bình thường. Tỉ lệ qua sổ xố của Tiến sĩ gần như là 100%. Đường EB2-NIW, bạn nhờ luật sư chứng minh được đề án nghiên cứu của bạn có giá trị lợi ích với Mỹ ở tầm quốc gia. Đường EB1-B, bạn thực sự giỏi vượt tầm (đánh giá trên đề án nghiên cứu của bạn) để được thẻ xanh trực tiếp. Mình đi một đường khác nhưng thực sự cũng nhờ may mắn và cũng chưa xong hẳn nên mình không tiện nói ở đây.


Ngoài ra, nếu không có PhD thì các bạn còn có một số đường khác như đi diện lao động tay chân, phục vụ trong trại thương điên, tị nạn. Với các loại visa này thì bạn không xin được việc khác hoặc không được xin việc quá một mức lương cố định (thường là rất thấp so với mặt bằng)

KẾT LẠI

Mình không có ý làm nhụt chí các bạn muốn sang Mỹ để du học và “mưu cầu hạnh phúc” nhưng thực sự mình chỉ thấy nếu giấc mơ của các bạn chỉ là du học thì sang Mỹ sẽ rất khó để mà trụ lại. Gần như nếu muốn đi Mỹ và thực sự thành công ở Mỹ, thì phải nghĩ và chuẩn bị dài hơn cái quãng du học rất nhiều. Học bổng khó 1 thì tìm việc khó 30 và định cư khó 1000. Bạn được học bổng thì là thắng một cuộc chiến còn ở lại được là trường kì kháng chiến. Câu cuối cùng mình xin phép được nói bằng tiếng Anh:


“You can win a battle but lose a war. So don’t prepare for just a battle if what you really want is to win the war”


Bài cũ mà mình đã dịch từ 1 bạn người New Zealand về vấn đề này, các bạn cũng có thể hoàn toàn tham khảo: https://www.facebook.com/notes/902714946920125/


Chúc mọi người mã đáo thành công trong cuộc chiến dai dẳng và mệt mỏi này nhé.




375 views0 comments

Kommentarer


bottom of page