top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Tìm việc sau khi hoàn thành chương trình Tiến sĩ Mỹ

Mình biết rất nhiều bạn trong nhóm có ý định hoặc đã chuẩn bị hồ sơ xin học bổng Tiến sĩ tại Mỹ. Hôm nay mình mới phỏng vấn tại trường (campus interview) với một trường nghiên cứu hạng 1 (còn gọi R1) nhưng không phải là để xin học bổng mà để có thể tốt nghiệp Tiến sĩ với một công việc tốt trong nghiên cứu học thuật khi tốt nghiệp. Đối với mình, đầu ra vĩnh viễn khó hơn đầu vào.


Trong bài đăng này mình sẽ nêu những bước chính trong quá trình xin việc học thuật sau Tiến sĩ ở Mỹ để các bạn hình dung sơ bộ:


BƯỚC 1 - NỘP HỒ SƠ TRÊN TRANG TUYỂN DỤNG CỦA TRƯỜNG

Nếu hồ sơ xin học bổng gồm điểm trung bình GPA, GMAT bài luận về mục tiêu học tập và bài luận về hướng nghiên cứu, thì hồ sơ xin việc sau Tiến sĩ bao gồm:

  1. Sơ yếu lý lịch học thuật (nêu rõ những bài đã xuất bản ở báo có thứ hạng, hội thảo, sách, thành tích nghiên cứu, giải nghiên cứu khác - cái này khác hẳn với sơ yếu việc làm, những việc bạn đã làm trong doanh nghiệp thường không xuất hiện, hoặc xuất hiện rất ít trong sơ yếu này)

  2. Bài luận về định hướng nghiên cứu (nêu rõ mình có những bài báo nghiên cứu nào, hướng nghiên cứu, công cụ nghiên cứu trong tương lai, có trích dẫn học thuật theo quy chuẩn APA)

  3. Bài luận về định hướng giảng dạy (nêu rõ triết lý dạy học của bản thân, đam mê giảng dạy)

  4. Bài luận về đa dạng văn hóa, đa dạng chủng tộc (nêu triết lý của mình về những vấn đề văn hóa và chủng tộc trong giáo dục)

  5. Thư xin việc (nêu rõ tại sao mình lại mong muốn làm Giáo sư dự khuyết ở trường này, năng lực của mình có những gì, mình phù hợp với văn hóa trường ra sao)

  6. Bằng chứng giảng dạy (điểm đánh giá giảng dạy trên thang 5*, được đánh giá bởi sinh viên đại học trong các lớp mà ứng viên giảng khi đang làm Tiến sĩ)

  7. Bằng chứng nghiên cứu (Bài nghiên cứu hoàn chỉnh đã xuất bản hoặc đang trong quá trình phản biện, in nguyên bài)

  8. 3 đến 5 người viết thư giới thiệu học thuật (giáo sư hướng dẫn, các giáo đồng tác giả) - Tưởng dễ mà khó vô cùng vì nhiều khi các bạn quan hệ không đủ sâu, kể cả giáo có đồng ý viết thì cũng không viết hay được

Nếu các trường thấy hồ sơ của bạn phù hợp sẽ gọi và gửi thư để phỏng vấn sơ loại.


BƯỚC 2 - PHỎNG VẤN SƠ LOẠI

Tùy từng trường sẽ có 1 đến 2 vòng phỏng vấn sơ loại. Nếu có 2 vòng sơ loại thì thường vòng 1 sẽ 10 15 phút và phỏng vấn tất cả các đơn nộp tới trường. Còn vòng 2 sẽ 30 phút. Nếu chỉ có một vòng thì thường phỏng vấn rơi vào khoảng 45 đến 60 phút.

Những câu hỏi thường gặp:

  1. Giới thiệu về bản thân (cái gì mà không có trong sơ yếu lý lịch học thuật)

  2. Cái bài nghiên cứu này hay, bạn nói thử về nó xem bạn đã làm gì trong nghiên cứu đó? (lúc nào cũng chuẩn bị tinh thần để nói 1 phút, 3 phút, 5 phút, 9 phút về mọi ý tưởng nghiên cứu của mình)

  3. Câu hỏi tình huống giả đinh: Giả sử như đang dạy 1 lớp mà có 1 sinh viên nhất định phải có điểm B- để ở lại trong chương trình nhưng thi xong xuôi hết rồi, và sinh viên này biết chắc họ được điểm C+. Họ lên gặp bạn, xin bạn tạo cơ hội để nâng điểm, thì bạn làm thế nào?

  4. Bạn có cách nào để giúp trường gây quỹ nghiên cứu hoặc thu thập dữ liệu nghiên cứu cho ngành của bạn? (câu này nhiều bạn khóc không ra tiếng vì bị bất ngờ)

  5. Nếu bạn vào với tư cách giáo sư dự khuyết thì từ kinh nghiệm của bạn, bạn giúp được gì cho sinh viên Tiến sĩ trong chương trình?

  6. Bạn có câu hỏi gì cho trường không? (Thường mình sẽ hỏi Trường có chương trình để Giáo sư lâu năm hướng dẫn Giáo sư mới khi mới ra nhập trường không? Việc công tác tại trường sẽ mang tới những cơ hội nghiên cứu gì? Thành phố tại trường có điều gì đặc biệt, tại sao những giáo hiện tại lại thích thành phố này?)

Bên cạnh những câu hỏi này, đại diện bên trường cũng sẽ nói chuyện với bạn về những điều kiện nghiên cứu mà trường có (quỹ nghiên cứu được phân cho giảng viên vào đầu mỗi kì, trường theo hệ học kì 4 tháng hay học kì 3 tháng, quá trình tuyển dụng, hỗ trợ hè).


BƯỚC 3 - PHỎNG VẤN TẠI TRƯỜNG (CAMPUS INTERVIEW)

Ảnh trong bài là lịch trình phỏng vấn tại trường của mình mấy ngày nay. Minh che tên tuổi trường vì lý do riêng tư. Như các bạn thấy cả ngày gặp không biết bao nhiêu người và còn có một bài thuyết trình ở giữa ngày nữa. Vậy nên có rất nhiều thứ phải chuẩn bị cho vụ phỏng vấn nguyên ngày này:

  1. Tiểu sử của tất cả mọi người trong lịch trình (bao gồm nơi họ học tiến sĩ, đọc những xuất bản gần đây của họ, xem xét xem những người họ xuất bản cùng có ai mình biết và có thể hỏi thêm về họ không)

  2. Bài thuyết trình về Nghiên cứu được chuẩn bị kĩ như bảo vệ luận án, vì các giáo của trường đang tuyển sẽ hỏi rất sâu về khả năng tổng quát hóa của mô hình, dữ liệu, phương pháp phân tích.

  3. Trong bài thuyết trình còn phải thêm 1 phần giới thiệu về bản thân (gốc gác tại sao lại làm Tiến sĩ, kinh nghiệm trước Tiến sĩ là gì, tại sao kinh nghiệm của bạn lại khiến bạn hứng thú với chủ đề nghiên cứu mà bạn thuyết trình)

  4. Nhưng nhiều khi phần giới thiệu còn phải có cá tính hơn thế (sở thích của bạn là gì, tại sao bạn nghĩ bạn hợp với những người ở đây)

  5. Và mình cũng phải tìm hiểu những chương trình của trường đang phỏng vấn mình để đưa vào phần giới thiệu (Tôi dạy khóa này ở trường tôi, sang trường bạn sẽ hợp với khóa này. Sinh viên trường bạn cần kiến thức mảng này, công việc mảng này, tôi có thể đóng góp vào nó)

  6. Đảm bảo trả lời thư của tất cả mọi người (các giáo của trường đang tuyển đã đành nhưng cả kể sinh viên Tiến sĩ của trường đang tuyển cũng như các bạn làm quản lý hành chính mà giúp mình đặt vé máy bay và khách sạn, mình cũng phải vô cùng "khách khí" lịch sự)

Một số vấn đề liên quan đến hậu cần cũng cần chuẩn bị:

  1. Quần áo, phụ kiện, trang điểm, giày lịch sự nhưng đi không được đau chân vì các bạn sẽ đi bộ rất nhiều. Ngoài ra còn phải xem thời tiết để có quần áo ấm nếu lúc đi phỏng vấn lạnh hay nóng để còn điều chỉnh.

  2. In rất nhiều sơ yếu học thuật để phòng trừ mình bị hứng lên giới thiệu cho một người không trong danh sách phỏng vấn

  3. Máy tính xách tay, 2 chiếc USB có chứa file thuyết trình và tất cả những phụ lục liên quan đến file thuyết trình này. Hỏng chiếc này ta dùng chiếc kia. Mình còn có cả file dự phòng trên email và Dropbox nữa.

Nhưng thế vẫn còn chưa hết:

  1. Trong ngày phỏng vấn sẽ có rất nhiều lúc bạn bị đưa đi ăn. Bạn phải chọn đồ ăn nào nhẹ nhàng mà ít phải cầm tay, để tay chân sạch sẽ còn bắt tay người khác. Ăn cũng ăn vừa phải vì bạn sẽ bị dẫn đi ăn liên tục.

  2. Mọi cuộc hội thoại với từng người trong ngày phỏng vấn bạn phải sẵn giấy bút để ghi lại. Cái này nhằm mục đích còn viết thư cảm ơn cho từng người sau khi bạn phỏng vấn xong.

  3. Luôn chuẩn bị để khi bất cứ ai nói bất cứ nghiên cứu gì bạn cũng có thể liên hệ nghiên cứu hoặc kinh nghiệm của bạn được với nghiên cứu của họ.

  4. Quan sát để ý phòng của người phỏng vấn, tìm một chủ đề cá nhân để giúp buổi phỏng vấn nhẹ nhàng hơn (người thích chó thường có nhiều ảnh chó mèo, hỏi họ có thích thể thao không cũng là một cách)

  5. Cá nhân mình trước khi phỏng vấn thường xem tóm tắt trận bóng bầu dục của trường mình phỏng vấn để còn có cái mà bắt chuyện. Mình cũng thích rất nhiều thứ khác mà các giáo Mỹ thích như câu cá, trồng rau, đi săn, xem bóng đá, uống rượu bourbon hoặc bia. Vụ bourbon hoặc bia chỉ nên nêu vào cuối ngày lúc mọi giảng viên đã thư giãn và thoải mái với bạn.

Với một số trường, bạn còn bị yêu cầu dạy thử một khái niệm khó giải thích trong vòng nửa tiếng nữa.


KẾT: Nhìn chung phỏng vấn tại trường để làm giáo sư ở Mỹ là một sự kiện khá khác biệt. Nếu các bạn thấy xin học bổng khó, xin việc trong doanh nghiệp khó, thì mình sẽ chỉ nói một câu: "Tại Mỹ sẽ chỉ càng ngày càng khó hơn thôi. Vào khó còn ra thì giống bắc thang lên hái sao vậy đó. Hì hì." Nên mọi người xem thử quy trình để còn tự lượng xem mình có theo được đến cùng hay không nhé. Chúc các bạn thành công.


Chú thích: Trường nghiên cứu hạng 1 hay R1 là để chỉ những trường tuyển giảng viên mà chú trọng việc nghiên cứu hơn là giảng dạy. Họ sẽ vẫn yêu cầu giáo sư giảng dạy nhưng họ cho giáo sư nhiều tiền hơn để nghiên cứu. Và giáo thường chỉ phải dạy tối đa 2 lớp 1 kì và chuẩn bị 1 lớp dạy cả năm học.


Với các trường nghiên cứu hạng thấp hơn thì 1 kì phải dạy 2 đến 3 lớp và chuẩn bị nhiều lớp hơn, tiền lương và hỗ trợ cũng ít hơn đáng kể, không có thời gian nghiên cứu.



127 views0 comments

Comments


bottom of page