top of page
Writer's pictureThu Hoang

Những đứa con mẹ Hổ - Phần 4: Sự sụp đổ của cách làm cha mẹ

Nhiều bạn hỏi mình bên Tây người ta chú trọng đến tâm lý con trẻ nhiều hơn, tiến bộ hơn này kia.


MÌNH THÌ CHẲNG BIẾT TÂY KHÁC THẾ NÀO CHỨ TÂY MỸ THÌ CŨNG CÓ NHIỀU VẤN ĐỀ LẮM:

Cách giáo dục phổ biến ở Mỹ là coi đứa trẻ gần như ngang bằng để nghe ý kiến và xây dựng sự tự tin của các bé trước mặt người khác (đặc biệt là bạn bè cùng lứa) từ những thành công nhỏ trong thể thao cũng như xã hội.

  • Điều đáng sợ là, sự tự tin đó sau này biến thành "tự mãn". Và nhiều bạn chuyển sang bắt nạt các bạn không có đủ tự tin như mình.

  • Khi trưởng thành thì cách dạy này tạo ra cả một xã hội Mỹ rất ít khiêm nhường, hay thổi phồng sự vĩ đại của bản thân, và trà đạp đạo lý chỉ cần nó phục vụ mục đích cá nhân.

Không tin mình? Trong này có một Quản lý người Việt tại Walmart Mỹ. Bạn này có thể nói cho các bạn biết:

  • Đến tầm quản lý cấp trung trung, nhiều khi các công ty lớn Mỹ tuyển người thích nói vống sự thật chứ không phải năng lực thật.

  • Nhiều lần bạn này bảy tỏ quan ngại với mình rằng rõ ràng bạn ấy thấy rõ người được phỏng vấn nào có năng lực hơn nhưng dường như tất cả người khác trong nhóm tuyển đều đánh giá người “chém giỏi” và tự tin quá đà như là năng lực thật.

  • Cứ như vậy thì lấy đâu ra cửa cho dân Á, được dạy đúng kiểu khiêm tốn nhiệt thành leo thang đây?

Vẫn không tin mình phải không? Người Mỹ đi nước ngoài làm ăn cũng khá nhiều thành phần vênh vác:

  • Mình có bạn học Thạc sĩ Dầu khí ở Ý. Trong chương trình có một thầy giảng về phong cách làm việc quốc tế ở nhiều nước khác nhau. Dù Áo, Ý, hay Đức có cách chào hỏi khác nhau, thì họ vẫn bằng cách nào đó tìm hiểu văn hóa và nghe vấn đề của đối phương trước. Đến đoạn Mỹ, thì thầy vác một cái máy tính, đi vào lớp, đặt phịch 1 cái xuống bàn, mặt rất lanh lùng mời đối tác (sinh viên) ngồi, rồi lật máy tính ra nói: “Chiếu theo điều khoản này và luật này thì ba chấm…”Nhìn chung, riêng với Mỹ thì đúng kiểu, chả cần biết người khác thế nào, phải làm theo cách của Mỹ mới đúng.

  • Bản thân mình làm thương mại sứ quán nhiều năm, cũng gặp không ít đối tác quốc tế. Cùng một vấn đề “tham nhũng” trong việc thu tiền container (công tơ nơ) vận chuyển hàng hóa mà các bạn Đan Mạch nói: “Số tiền đó không nhiều nhưng nếu nộp sẽ cổ súy thói quen cho những người không đáng. Vì vậy, chậm cũng được nhưng mà chúng tôi muốn rèn thói quen cho các bạn Việt Nam trong lĩnh vực này.” Mỹ nói “Tôi trả tiền cho cô là để cô giải quyết việc đó, nhưng phải nhanh và gọn còn không thì cô đừng mong nhận tiền.” Haha, riết mình chả thích làm với đối tác Mỹ lắm. Các bạn Mỹ bên Mỹ hay kêu mình nhập gia tùy tục mình thấy ổn lắm. Chẳng hiểu sao có một số bạn sang Việt Nam mà lại cứ thích làm ăn kiểu Mỹ.

Ngẫm đi ngẫm lại hóa ra là do cách dạy. Tiến sĩ Bác sĩ Nhà tâm lý học Leonard Sax (Đại học UPenn - Top 10 Mỹ) từng viết một cuốn sách có tên "The Collapse of Parenting: How We Hurt Our Kids When We Treat Them Like Grown-Ups" tạm dịch là "Sự sụp đổ của việc làm cha mẹ: Cách chúng ta làm hại những đứa trẻ bằng cách đối xử với chúng như người lớn." Trong cuốn sách này, Leonard viết:

  • Trước đây ba mẹ nói theo phong cách mẹ Hổ: "Ăn hết súp lơ đi thì mới được ăn quà vặt" Mà giờ nó chuyển thành: "Ăn ba miếng súp lơ rồi ăn quà vặt nhé."

  • Câu thứ hai tưởng chừng không khác gì câu thứ nhất ngoài việc nó không mang tính chất ra lệnh nhưng nó giống như “hối lộ” con cái làm một điều gì đó mà đúng ra là tốt cho nó vậy.

  • Với một người trưởng thành, trách nhiệm cá nhân là tự ý thức điều tốt mà tự làm, không cần phải hối lộ. Nhưng với một đứa trẻ, đòi hỏi nó việc “tự ý thức điều mình muốn” cũng quá đáng chẳng khác gì đòi hỏi nó “phải hiểu và thông cảm cho ba mẹ khi ba mẹ mệt nhọc.”

  • Thế nhưng “hối lộ” con cái thì lại càng tai hại. Những đứa trẻ được hối lộ từ việc nhỏ như thế dần dần sẽ cảm thấy nó luôn phải được “hối lộ” để làm việc tốt cho bản thân.

  • Cũng chính vì thế mà một phần không nhỏ các bạn Mỹ luôn có cái gì đó ngạo mạn trên người. Các bạn ấy có thể không trẻ con, không bắt nạt bạn, thậm chí giúp bạn. Thế nhưng nếu cùng cạnh tranh với bạn cho một công việc, một nguồn vốn, một sự chú ý, thì các bạn ấy lại luôn tin tưởng là các bạn ấy thắng do giỏi, chứ nhiều khi phủ nhận yếu tố may mắn, quốc tịch, chủng tộc, và thậm chí trong bụng vẫn nghĩ là bạn kém dù chẳng nói ra ngoài.

  • Trong một số trường hợp không quá hi hữu nữa của Mỹ thì sự “hối lộ” lúc nhỏ còn trở thành sự kém cố gắng, ngồi mắt ăn bát vàng, thích người khác làm xong mình nhận công mới đáng sợ.

Vậy nên thực ra mình cũng chẳng ủng hộ phong cách đối xử với con trẻ như người lớn của Mỹ này tí nào đâu. Cái kiểu này, người lớn sẽ luôn chỉ thích đưa ra ảnh hưởng của mình, còn quyết định đúng sai chả lẽ bắt bọn trẻ con tự chịu, trong khi về cả sức khỏe, tư duy, và năng lực các bạn đều chưa đủ?


THẾ NHƯNG MÌNH CŨNG CHẲNG HẲN LÀ ỦNG HỘ PHONG CÁCH MẸ HỔ CHÂU Á

Nếu nhìn theo lịch sử văn hóa thì phong cách mẹ Hổ thực sự có nguyên do của nó:

  • Gia đình bình thường hay được dạy: “Thương cho roi cho vọt”, “Cá không ăn muối cá ươn” hay thi thoảng còn bị lèn câu: “Trứng đòi khôn hơn vịt”. Thực ra tất cả những câu nói này trong mắt mình khi dưới 25 tuổi đều chỉ là ngụy biện cho những lời trách mắng.

  • Với gia đình có gốc gác về Nho học và Cổ học hơn thì các bạn sẽ phát hiện ra rằng mẹ Hổ lại xuất phát từ câu: “Nhỏ không dạy, lớn tắc thành đại họa.” Trong văn hóa phương Đông xưa, con cái trong gia đình quan lại luôn được đặc biệt dạy dỗ về cử chỉ ngôn hành. Cứ cho rằng là con quan, trong nhà chỉ toàn người hầu kẻ hạ, cần gì quá cẩn thận ăn nói. Thế nhưng nếu lúc nhỏ, còn ở trong nhà mà đã được chiều quá không cần cẩn thận ăn nói, không nghiêm phạt khi nói sai thì lớn lên ra đường dễ chuyện gì cũng nói, kể cả chuyện vốn không thể nói thì sẽ thành đại họa.

  • Ví dụ, vua không có con, nên cần người nối dõi. Con nhà một quan mà ra ngoài tiện miệng bàn vài câu là vua nên lập người này người kia, đến tai vua mà vua không vừa ý thì thành họa chém đầu cả nhà. Vậy nên không chỉ có chuyện ăn nói, mẹ Hổ trong nhà quan còn phải quản cả học hành, hiểu biết, nữ công, ý tứ, gia đức cho con cái rất chặt, tránh việc nó làm sai 1 lúc nhỏ, sau này sai 10, đến mức không kịp sửa.

Bạn cho rằng thời hiện đại thì khác hơn?

  • Ở một mặt nào đó, nếu cả đời bạn muốn sống bình bình không nổi bật thì thời hiện đại khá hơn phong kiến. Nhưng bạn nào cũng kêu muốn có cá tính, muốn thành công hơn người, muốn để lại dấu ấn với đời thì với thông tin đại chúng và mạng xã hội ngày nay, đại họa còn đến nhanh hơn phong kiến nhiều.

  • Ví dụ, nếu các bạn là người bình thường ngồi quán trà đá, các bạn có thể thoải mái chém gió về việc ông nào sắp lên làm bộ trưởng, dây của ông nào đánh ông nào ở tầm chủ tịch nước với thủ tướng của Việt Nam. Thế nhưng bạn chẳng may là con bác nào đấy, mà chém gió thế bị người ta ghi hình lại, thì cũng chẳng biết mấy hôm là ba mẹ chịu một hậu quả không to thì nhỏ nào đó.

  • Chưa kể vạ miệng với mạng xã hội dù mình nói chẳng mắng ai nhưng thiên hạ thì ai cũng muốn nhảy lên mắng mình nữa. Cứ nhìn cô Hằng với vợ chồng Vinh Tiên mà xem. Mình thì chả theo phe nào chỉ thấy cãi nhau đinh tai. Cơ mà nếu không có mạng xã hội thì cũng chỉ là đứng ngoài chợ cãi, 2 hôm là hết. Đáng sợ là giờ có mạng xã hội mà nhiều bạn thì không biết dừng phát ngôn đúng lúc nên thành hẳn phốt với công an ở mảng khác rồi.

Vậy nên, việc dạy con từ thủa còn thơ là để tránh những đại họa như vậy dù trong thời phong kiến hay hiện đại vẫn luôn là rất cần thiết.

Thế nhưng tuy xuất phát điểm là “dạy con từ thuở còn thơ”, phong cách mẹ Hổ cũng không thực sự hiệu quả.

  • Nếu phong Mỹ là đối xử với con như một người lớn thì phong cách mẹ Hổ là đối xử với người lớn xác như một đứa trẻ con.

  • Khi ba mẹ Hổ không để cho con được thử được sai thì lâu dần đứa trẻ sẽ rất lười quyết định. Ba mẹ sẽ luôn phải chạy theo để vừa quyết vừa chịu trách nhiệm hộ luôn. Cứ như thế thì 20, 25, 28, thậm chí 40 tuổi, có người vẫn còn trẻ con như vậy.

  • Hơn nữa, nếu không thử không sai, thì ra đời sau này, các bạn nào mà quá ngoan thì rất dễ trở thành không dám giành giật gì với đời, cũng không làm nên cái gì có dấu ấn riêng cả.

  • Còn nếu cùm kẹp kiểu mẹ Hổ, mà bạn ấy chống đối đến thành hư thì haizz… Còn gì để nói nữa không?

Vậy thì phải làm thế nào cho nó đúng?


VẪN CÒN RẤT NHIỀU CÁCH NUÔI DẠY CON KHÁC NHƯ KIỂU NHẬT HAY KIỂU CÁC NƯỚC BẮC ÂU SCANDINAVIAN

Nếu các bạn chưa từng nghe đến phong thái giáo dục Scandinavian. Thì đây là phong cách hoàn toàn không chú trọng điểm số hoặc sự tự tin của trẻ trước mặt người khác, mà nó tập trung vào tự chơi, tự quyết định, tự khám phá, tự sai, tự sửa để mà những đứa trẻ này có thể mơ ước, băn khoăn và sáng tạo (chẳng cần điểm cao hay bằng cấp cũng được):

  • Có bạn nói được như vậy thì còn gì bằng.

  • Thế nhưng các bạn cũng phải để ý là thị trường việc làm Bắc Âu rất khác. Các nước như Thụy Điển khoảng cách thu nhập giàu nghèo rất thấp. Vì vậy, một tấm bằng, nhiều điểm A, tự tin tự mãn hơi thấp một chút, không làm giảm cơ hội cạnh tranh quá nhiều.

  • Với những môi trường cạnh tranh tối đa, phân hóa giàu nghèo gia tăng như Mỹ (Một bằng top 10 bằng 3 bằng top 100 và số lượng cơ hội ít hơn rất nhiều so với số người muốn có chúng), thì việc giáo dục sự tự tin (nhiều khi thái quá) thực ra rất cần thiết.

  • Và với môi trường đang phát triển, phân hóa nhiều như Việt Nam thì dù nhiều cơ hội cho tất cả mọi người nhưng cũng phải cạnh tranh để nắm cơ hội đúng nhất vào ngay lúc nó mở ra. Vậy nên việc giáo dục năng lực lại làm cho nhiều bạn biến thành mẹ Hổ châu Á như vậy

Xét cho cùng việc dạy một đứa trẻ như thế nào, cách dạy nào mới đúng phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố kinh tế xã hội xung quanh nó. Khi bạn ở một xã hội bằng phẳng về thu nhập và đời sống như Bắc Âu, dạy con tự khám phá có khi rất phù hợp. Nhưng đem phong cách đó sang Mỹ thì nhiều đứa trẻ bị mất tự tin mà đem nó về Việt Nam thì lúc nhỏ rất vui, lúc lớn lên cơ hội nhưng năng lực không đủ sâu rồi vuột mất, thì con tiếc hay là ba mẹ tiếc? Vậy nên nếu môi trường xung quanh ta không phát triển cao như Bắc Âu, thì ta phải tìm cách cân bằng giữa dạy tự tin và dạy năng lực, giữa thả vả Hổ, để con cái em ót phát triển tối đa.


THẬT SỰ MÀ NÓI THÌ DÙ Ở MỸ HAY VIỆT NAM THÌ NHỮNG GIA ĐÌNH CÓ GỐC HỌC HÀNH HƠN CHÚT ĐỀU QUAN TÂM ĐẾN VIỆC DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ

Julie Lyttcott-Haims, một nhà giáo dục Mỹ, tốt nghiệp tại Đại học Stanford đã viết cuốn: “How to raise an adult”. Mình tạm dịch nghĩa là “Làm sao để nuôi dạy một người lớn từ con trẻ.

  • Thực ra phần lớn cuốn sách này vẫn nói về việc đối xử với trẻ con như một người bạn.

  • Thế nhưng Julie nói rất rõ rằng trước khi trẻ con có hiểu biết về trách nhiệm thì hãy giao cho chúng trách nhiệm tăng dần, từ việc nhà đến việc học.

  • Và cô nhấn mạnh rằng, chỉ khi đứa trẻ ý thức được đây là việc chúng phải làm để có khởi đầu tốt đẹp hơn với cuộc sống, thì lớn lên chúng mới có nhiều hơn sự khiêm nhường, cách làm việc nhóm vượt qua cả sự tự tin và mục tiêu ích kỉ của bản thân.

Những gia đình Mỹ khác mà mình thực sự thích cách giáo dục cũng vậy thôi:

  • Anh chồng mình trước khi mua cho con bản giới hạn một loại đồ chơi cho con, luôn bắt hai đứa rửa xe mất cả 3 tháng, đủ tiền mua thì mới mua. Nhưng tất nhiên đây không phải là phong cách Mỹ hoàn toàn đâu nhé. Thực ra, con ảnh rửa xe ảnh còn mệt hơn vì hai đứa bày nhiều hơn làm. Vậy nên lúc chúng nó làm vẫn có ba Hổ lòi ra đâu đó.

  • Một gia đình khác giáo dục sự tự tin theo cách cho mấy đứa nhà đó tự đánh nhau để giành một món cả mấy đứa đều thích. Cái hay là ở chỗ 3 đứa con trai và 1 đứa con gái nhà đấy bắt đầu bằng cãi nhau trước, sau đó mới thương thảo đổi đồ chơi, 2 đứa cuối cùng không đến được kết quả cuối cùng và cả 2 đều bị phạt. Mẹ nhà đó nói với mình rằng: “Con cái có anh chị em để học cách tranh chấp với đời rất hay. Ít nhất đội đó ra đường tranh đấu sẽ không bị bắt nạt.” Nhưng mà đây cũng không phải là phong cách hoàn toàn Mỹ, theo kiểu các con tự chịu trách nhiệm, mà mẹ Hổ sẽ luôn là người ác cuối cùng để hướng con tới những điều tốt đẹp hơn.

Chốt lại, có bạn hỏi mình: “Bên Tây thì kĩ năng sống tốt hơn đúng không? Bên Tây thì ba mẹ có Hổ không mà thấy trẻ con Tây hay hơn?” Kĩ năng sống tốt, trẻ con Tây hay thực ra là do bạn hơi xính ngoại tí thôi. Thực ra ở đâu lâu, bạn cũng mới phát hiện ra là ở đâu cũng có người này người khác. Nuôi con cũng vậy, như ba chồng mình là ba Hổ, con cái cũng Hổ. Thế nhưng cả năm đứa con dù tức ông này kia nhưng 40 tuổi đầu nhìn lại, đứa nào cũng nói: “Cụ thủ cựu thật, nhưng cụ đã làm tốt nhất có thể trong điều kiện cụ biết rồi. Giờ mình biết nhiều hơn thì làm nhiều hơn thôi. Không thể trách cụ.


Vậy nên mình hi vọng các bạn đọc bài này để biết nhiều hơn và học nhiều hơn cho con sau này nữa nhé. Còn với những bạn trẻ, hì hì, không phải cứ Tây là hay không. Tây phải phù hợp. Chưa chắc cái các bạn thấy trên ti vi, áp vào người các bạn, ở xã hội Việt Nam thì đã tốt đâu. Có nhà bên không xanh hơn nên lo tưới cây nhà mình đi đã.






44 views0 comments

Comments


bottom of page