top of page
Writer's pictureThu Hoang

Những đứa con mẹ Hổ - Phần 3: Những yêu thương và sai lầm của mẹ

Rất nhiều bạn tò mò tại sao mình viết về chủ đề này. Nó không hẳn liên quan đến du học. Các em nhỏ lại chẳng quan tâm đến nó như "nuôi thả". Chả được ích lợi gì về việc câu dẫn người đọc hay ủng hộ


Kì thực nếu mình nói lý do viết chủ đề này thì chắc mọi người còn ngạc nhiên hơn nữa vì mình chỉ thấy thực sự hiểu mẹ khi đương đầu với khó khăn trong quan hệ với một người mình yêu hơn cả mạng sống, chính là chồng mình.


Gần đây mình có công việc mới nên phải chuyển cả bang để bắt đầu và chồng mình 20 năm cắm rễ ở một chỗ cũng bị ảnh hưởng và hai vợ chồng bắt đầu cãi cọ. Có những chuyện trước đây không vào giờ thắc mắc, giờ tự nhiên lại tòi ra: "Em không báo giờ ủng hộ anh cả. Anh đã nói bà hàng xóm này xấu mà em cứ bênh người ta. Em đã nghĩ từ phía anh chưa?"

Vậy chuyện này thì liên quan gì đến MẸ HỔ?


ĐÔI KHI MẸ CON CÃI NHAU KHÔNG PHẢI VÌ MẸ KHÔNG HIỂU CON, MÀ NGƯỢC LẠI LÀ QUÁ HIỂU

Hì hì. Nói đến đây không biết bao nhiêu bạn tức nhưng nếu thử đọc thêm chút thì bạn sẽ thấy mình có nguyên do.


Chồng mình rất hay tức một bà hàng xóm xấu tính, mà xấu tính thật. Bà này kinh dị đến mức hàng xóm khác mổ tim xong, mang thịt lợn bà chỉ thật nhiều mỡ (hại tim) sang cho. Miệng bà này nói thích chó nhà mình nhưng đàng sau lưng toàn đồn thổi, dụ người khác kiện mình vì chó hay đuổi thỏ, chạy hơi quá đà.


Thế nhưng, mỗi lần chồng nói, câu cửa miệng của mình thường sẽ là: "Chắc bà ấy lo chó chạy thế đâm vào xe, hoặc gây nguy hiểm cho người khác."


Mãi đến một hôm mình uống bia vào mới nói được với chồng là: "Thực ra em ghét bà hàng xóm đó lắm nhưng em biết tính anh, nếu em cổ súy cho anh, em sợ anh sẽ làm gì đó mà người ta có thể kiện lại."


Nếu là mẹ còn thì nỗi sợ này còn hơn thế. Theo kiểu: "Nó mà xử thế này. Mình chưa đến tầm đại giá. Không lo được thì nửa đời sau, mình không còn nữa nó biết sống thế nào?"


VẬY NÊN SAI LẦM ĐẦU TIÊN CỦA MẸ HỔ LÀ HIỂU CON ĐẾN MỨC KHÔNG MUỐN ĐỂ CON TỰ SAI

Mẹ hiểu còn đến mức biết chắc rằng ở tuổi con, gặp phải quyết định đó, còn nhất nhất sẽ làm như vậy. Ví dụ như mình gặp đứa bắt nạt là sẽ đánh cho nó bầm mặt luôn nhưng kết quả mình bị phạt. Vậy nên nhiều khi miệng mẹ nói: "Bạn ấy làm như thế là vì bạn ấy giỏi hơn con, bạn ấy có quyền kiêu." Nhưng trong bụng mẹ vẫn ghi sổ đứa kia lắm.


Trường hợp khác mẹ biết rõ con ghét một môn học vì nó chẳng có ý nghĩa gì với con tại thời điểm đó nhưng vẫn ép học. Thế là vì sao? Thực ra nguyên nhân sâu xa có lẽ đến chính mẹ còn không hiểu nhưng đến cuối cùng vẫn là vì quá hiểu con.


Lấy ví dụ mình đi. Mình rất ghét kế toán nhưng mẹ ép đến cùng. Cả 4 môn kế toán của mình thành ra điểm tuyệt đối nhưng mình rất "ghét mẹ". Ngẫm lại thực ra mẹ hiểu rõ tính mình phóng khoáng dễ bị lừa nên biết cách tính toán sẽ đỡ hơn.


KHỔ CÁI BA MẸ CÓ MUỐN PHÒNG TRỪ THÌ CON CÁI CÓ TỰ SAI MỚI NGẤM ĐƯỢC, KHÔNG THÌ CHỈ LÀ CHỐNG ĐỐI.

Bao nhiêu lớp kế toán điểm cao của mình trôi theo dòng nước:

  • Mình mở cửa hàng đầu tiên với "bạn", tin nó tuyệt đối. Và chỉ khi bị nó thâu tóm gần như hết tiền, cứ lấy lương cứng nuôi cửa hàng thì mới dần dần tỉnh ra.

  • Đến phút cuối mình phải mua đứt "bạn" ra, và coi như đống sổ sách lộn xộn của nó vứt hết.

  • Mẹ mình giúp làm lại từ đầu.

Sau này tiền làm ăn của mình lớn hơn cái cửa hàng rất nhiều:

  • Lúc đó mình mới hiểu, sai phạm ở tầm cửa hàng về mặt kế toán mới là mất tiền.

  • Còn với tính cách quá phóng khoáng của mình, nếu bị người khác lừa ở tầm tiền to là cũng dễ tù mọt gông lắm.

  • Nên lúc mình đem tiền về nhà, câu đầu tiên mẹ hỏi là: "Giấy tờ thuế đã đủ chưa con?"

Ba mẹ Hổ chả hiểu sao dù trong vô thức lo đến mấy chục năm cuộc đời con. Lo đến mức thà rằng hắc chứ không cho con được thử, nên thành ra mới phản tác dụng.


VẬY NẾU LÀ MÌNH, MÌNH SẼ CẢI THIỆN GÌ CHO SAI LẦM NÀY?

Chồng mình chơi nhạc, mình thì hết kinh doanh đến sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy. Mình nói chồng sau này nhất định cho con học kế toán.


Chồng lại hỏi: "Thế nó thích chơi nhạc thì sao?" Mình nghĩ một lúc rồi nói: "Anh không thấy nhiều ca sĩ nổi tiếng bị quản lý cuỗm hết tiền vì không biết kế toán sao?"


Nếu sau này có con mình sẽ nói với nó "Để sau này còn nổi tiếng thì không bị chúng nó lừa. Hoặc chưa nổi tiếng thì có cái cần câu cơm chờ thời tập trận."


Thực ra sai rất nhiều thường là sai ở lời ăn tiếng nói. Mẹ mình cứ nói mình học kế toán để có công việc ổn định. Tất nhiên là mẹ mong thế thật. Thế nhưng nếu mẹ thực sự hiểu mối lo cụ thể của mẹ cho mình là tính cách quá rộng rãi của mình thì có lẽ bà đã tìm được cách lồng nó vào ước mơ của mình để mà mình tự nguyện học nó hơn rồi.


SAI LẦM THỨ HAI CỦA BA MẸ HỔ CÓ LẼ LÀ LO CÁI GÌ THÌ TẬP TRUNG HỎI CÁI ĐÓ. ĐẾN LÚC CÁI LO KHÁC TÒI RA THÌ MỚI TÁ HỎA ĐỔI


Có lẽ cũng không ít bạn trong này gặp cái cảnh vừa về nhà, chưa kịp thở đã bị ba mẹ hỏi: "Điểm chác hôm nay thế nào?" Câu nói đó lúc mình còn nhỏ luôn làm mình rất tủi thân.

Thực ra, rất nhiều hôm mình muốn về nhà kể với mẹ rằng

  • Hôm nay con ném bóng rổ vỡ kính thằng Huấn. Nó song phi một nhát con ngã sõng soài. Hai đứa cãi nhau một hồi, rồi rủ nhau đi trượt patin.

  • Hôm nay con Hiền* nó là bôi xà phòng rửa tay lên mặt rồi nặn mụn sẽ đỡ mụn hơn. Mà con làm xong thấy mặt rát quá mẹ ạ.

  • Hôm nay, có đứa chỉ trích một bạn trong lớp là xấu với hói. Con đứng lên mắng cho nó một trận mẹ ạ.

Tuổi ăn, tuổi lớn có rất nhiều chuyện khác ngoài điểm muốn kể cho ba mẹ nghe. Thế nhưng khi ba mẹ chỉ hỏi đến đúng cái mẹ quan tâm nhất lúc bây giờ là điểm thì rất tai hại:

  • Cứ như vậy, mỗi lần điểm kém, kể cả hôm đó có chuyện gì khác vui, đứa trẻ vẫn sẽ ngậm miệng "chờ bão qua"

  • Và khi bão qua rồi, chuyện vui có kể cũng chỉ có thể gặm nhấm một mình hay lũ bạn. Mọi hứng thú muốn chia sẻ những điều thú vị trong cuộc sống với ba mẹ dần dần biến mất.

  • Nhưng chuyện vui thì đã đành. Chuyện con trẻ tới lớp bị bạn bắt nạt giờ cũng không thiếu.

  • Câu chuyện bôi xà phòng rửa tay lên mặt ở trên là của em gái mình. Nó vốn bị mụn rất nặng, bị một bạn vừa xinh vừa giỏi trong lớp lừa như thế. Kết quả là kích ứng rất nặng mà nó cắn răng không nói một câu nào với mẹ.

  • Sau này, nó cứ động một câu nói xấu bạn Hiền* đó (dù vẫn không kể chuyện kia ra) là mẹ mình kêu: "Nhưng bạn ấy giỏi bạn ấy có quyền kiêu."

  • Tất nhiên là mẹ mình nói vậy để em mình không ghen tị người khác và phấn đấu học hành. Thế nhưng, trong thời điểm đó, câu nói ấy với em mình có sức sát thương vô cùng. Cứ như thế mẹ chưa bao giờ ở phía chị em mình vậy.

Nhìn chung, nếu ba mẹ Hổ mà chỉ tập trung vào một câu hỏi mà mình đang lo khi con vừa bước chân vào nhà, thì lâu dần từ một mối lo sẽ thành chồng chất nỗi lo luôn đấy. Thả không được, nhưng mà "tư duy một màu" với mối lo về con quá lại càng không được.


SAI LẦM THỨ BA CỦA BA MẸ HỔ CÓ LẼ LÀ QUÊN KHÔNG THỂ HIỆN YÊU THƯƠNG LÚC GIẬN DỮ

Các bạn có thể giận ba mẹ, ghét ba mẹ. Nhưng nếu trong sâu lắng lại, khi buồn vui với ba mẹ qua đi, sẽ có một lúc nào đó bạn để ý rằng: "Có những lúc bạn không kể lể gì cả. Tự dưng ba hoặc mẹ hỏi, hôm nay con có chuyên gì buồn à?" Và bạn tự dưng òa khóc. Khi ba mẹ điều chỉnh được cảm xúc và tâm lắng, thì thực ra linh tính của người đã có con cực kì mạnh, và tự họ cảm nhận được dường như con mình đang cần gì đó.


Thế nhưng khi để sự lo lấn át, giận dữ lên cao, thì hầu hết ba mẹ mất đi linh tính này ở lúc con cần nhất. Và chính vì như thế ba mẹ Hổ mới dễ đẩy những đứa con đi xa, càng ngày càng không hiểu con hơn.


Thực tế mà nói, xuất phát điểm của ba mẹ muốn lo cho con là "quá hiểu con." Từ quá hiểu biến thành "quá lo" và từ quá lo biến thành không lắng nghe, chỉ có chỉ đạo. Và đương nhiên từ chỉ đạo sẽ biến hiểu thành không còn hiểu nữa. Vậy nên nếu ba mẹ nào muốn dạy Hổ, thì bất kể mình lo cho chừng nào, hãy cố gắng điều chỉnh cách giao tiếp để thể hiện được yêu thương ngay cả khi giận dữ nhé.


Chứ với mình, tới bây giờ khi mẹ con mình bình yên và yêu thương nhau rất nhiều, mình vẫn có lúc rùng mình khi mắt mẹ sáng quắc.


NHÌN CHUNG THÌ BA MẸ NÀO CŨNG DẠY CON BẰNG CÁCH TỐT NHẤT MÀ HỌ BIẾT

Văn hóa châu Á, rất nhiều bạn từ nhỏ đã được dạy câu: "Thương cho roi cho vọt." Ba mẹ chúng ta cũng thế thôi.

  • Với rất nhiều ba mẹ lớn lên trước thời đại internet, cách duy nhất họ biết để dạy con chính là như vậy.

  • Kể cả có dính một chút internet và dùng internet cho công việc rồi. Cái "cho roi cho vọt" bị dạy ngấm từ nhỏ nhiều khi cũng không dễ thoát ra

Vậy nên, mình hi vọng các bạn trẻ tập trung vào cái 'tốt nhất mà họ biết" thay vì hành động cụ thể của ba mẹ. Hãy nghĩ rằng, có thể hành động của ba mẹ không đúng nhưng trong điều kiện hiểu biết của ba mẹ, thì đó là những gì tốt nhất trong não của ba mẹ rồi. Chỉ khi bạn nghĩ được như thế, thì yêu thương mới có thể thắng được những hiểu lầm và thương đau trong giao tiếp, và lâu dài ba mẹ con cái mới về được với nhau.


Nhiều bạn nói: "Ủa ba mẹ là người lớn, ba mẹ phải hiểu chứ sao lại bắt trẻ con hiểu?" Mình đồng ý.


Thế nhưng nếu cuộc sống quá ngắn chỉ để tập trung vào việc bắt xem ai là người có lỗi. Đừng để bản thân cãi nhau với ba mẹ đến khi 50 tuổi, rồi phát hiện ra ba mẹ hết sức cãi rồi, ta mới có cửa để yêu thương.


Còn với ba mẹ nuôi thả thì các bạn nghĩ xem, có khi đó cũng là cách tốt nhất mà họ biết đó, họ có khi cũng được thả từ bé mà. Vậy nên nhiều cơ hội vuột mất vì được nuôi thả cũng vẫn yêu thương thật nhiều mà ha.


CUỐI CÙNG, CHỒNG MÌNH VÀ MÌNH KHÔNG COI NHAU LÀ CON CỦA NHAU ĐÂU

Bọn mình vì yêu thương lo lắng mà cãi nhau. Nhưng bọn mình đều là người lớn nên lùi lại và cân nhắc. Ba mẹ và con cái thường khó hơn vì một người lớn, một người chưa lớn. Thế nên trách nhiệm phần nhiều sẽ ở người lớn nhưng mà "Trẻ con à, nếu bạn muốn được coi là người lớn thì cũng người lớn lên xíu nhé."


Còn nuôi con kiểu châu Á với kiểu Mỹ thì khác gì nhau, mời các bạn đón đọc NHỮNG ĐỨA CON MẸ HỔ... PHẦN 4: SỰ SỤP ĐỔ CỦA CÁCH LÀM CHA MẸ nhé.


P.S.: Mình chả quan tâm like hay view. Nếu chỉ cần 1 cặp mẹ con nào đó hoặc nửa cặp, hiểu nhau hơn qua chuỗi bài này thì mình đã coi đó là thắng lớn rồi. =)))






37 views0 comments

Comments


bottom of page