Nghề chuỗi cung ứng (supply chain) và những đối lập với nghề hậu cần (logistics) truyền thống
Cách đây không lâu, mình có viết bài giải thích về một số yếu tố trong ngành logistics và có hứa với mọi người là sẽ viết thêm bài giải thích thế nào là “chuỗi cung ứng” cho mọi người cùng hiểu nhưng bận quá nên quên mất. Mãi đến khi chị Thủy đang bài về trắc nhiệm tính cách xem các bé có phù hợp với nghề “chuỗi cung ứng” hoặc logistics không thì mình mới nhớ ra.
Chuỗi cung ứng khác với logistics ở điểm nào?
Khi nhắc đến logistics, chúng ta thường tập trung vào hoạt động của một công ty, hoặc thậm chí chỉ một bộ phận trong công ty. Ví dụ như bài chị Thủy nhắc đến các bộ phận về nghiệp vụ sản xuất, thường phải đi theo quy trình quy chuẩn rất rõ ràng. Như thế, giá thành nguyên liệu của một sản phẩm có thể do bộ phận thu mua phụ trách, lãng phí/ mất nguyên liệu thành phẩm có thể do bộ phận kho phụ trách, hiệu quả sản xuất lại do bộ phận vận hành phụ trách. Ở mức công ty, chúng ta có công ty sản xuất nguyên liệu, công ty sản xuất thành phẩm, công ty vận chuyển, công ty xuất nhập khẩu và hàng hải quốc tế, công ty bán buôn/ sỉ, công ty bán lẻ. Mỗi công ty dường như phụ trách một khâu khác nhau và chỉ kết nối với nhau khi bàn giao hàng hóa.
Chuỗi cung ứng lại không tách biệt những bộ phận và những công ty này thành nghiệp vụ hay khâu mà nhìn nó như 1 chuỗi liên tục. Mình sẽ lấy ví dụ 2 công ty FPT shop và MobileWorld để mọi người thấy rõ sự khác biệt này. Hai công ty đều bán điện thoại di động và linh kiện điện tử, và nhập hàng từ rất nhiều nguồn chung (Samsung, Apple, Oppo, v.v.).
Tuy nhiên 2 công ty lại rất khác nhau:
FPT Shop là mô hình logistics điển hình
FPT Shop thường thương thảo hợp đồng với nhà cung cấp về số lượng sản phẩm mà FPT Shop cần theo hàng tuần/ tháng/ quý. Nhà cung cấp sẽ cân nhắc hàng tồn và sản xuất trước theo số lượng đó. Sau đó mỗi tuần, FPT shop sẽ gửi yêu cầu chuyển hàng cho nhà cung cấp. Mỗi nhà cung cấp sẽ tự vận chuyển hoặc thuê vận chuyển (một công ty khác) để chuyển hàng tới từng cửa hàng của FPT.
Vấn đề là FPT có rất nhiều nhà cung cấp. Mỗi đơn hàng lắt nhắt 3 -20 chiếc điện thoại nhân với 20 nhà cung cấp mỗi tuần là nhân viên cửa hàng nhận hàng từ sáng đến chiều luôn, nguyên cả tuần luôn. Việc nhận hàng lắt nhắt tại cửa hàng này dẫn đến:
Nhân viên không kịp kiểm hàng, lên sổ hàng hóa vì đang bận bán hàng. Việc này dẫn đến hàng hóa trên sổ sách không khớp với hàng thực tế. Nhiều lúc quên quên nhớ nhớ nên còn bị mất hàng hoặc thậm chí nhân viên cố tính ăn cắp hàng hóa, mà công ty không kiểm soát nổi.
Mất khách do quá trình nhận hàng bừa bộn, hoặc nhân viên mải kiểm hàng không kịp tư vấn cho khách.
Tổng chung những chi phí này là rất lớn và kiềm hãm sự phát triển của công ty. Theo góc nhìn của logistics thì vấn đề này có thể xử lý bằng cách thuê 1 công ty khác nhận hàng hộ và sắp xếp lại trước khi chuyển đến cửa hàng. Hoặc FPT cũng có thể tự mở kho để làm việc đó. Nhưng chi phí thuê ngoài hoặc tự đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực thì cũng tương đương với những chi phí kia nên nói chung vẫn không có lợi gì cho công ty cả.
Ngược lại, MobileWorld là mô hình hướng ra chuỗi cung ứng:
Hàng hóa của MobileWorld cứ mỗi tuần, hàng được chia sẵn ở “trung tâm hàng hóa” (ghép nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ nhiều nhà cung cấp khác nhau vào cùng một đơn vận chuyển) rồi chuyển đến cửa hàng. Như vậy cửa hàng chỉ nhận và kiểm một lần vào một thời điểm cố định. Việc này giúp quản lý hàng tồn chính xác hơn, và nhân viên cũng có nhiều thời gian chăm sóc khách hàng hơn. Nghe qua thì khá giống với giải pháp logistics mà FPT Shop cũng có thể làm như mình đã nêu trên.
Tuy nhiên, MobileWorld lại gần như không tốn thêm (thậm chí cắt giảm) chi phí vận hành dựa khi làm những việc này. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời nằm ở góc nhìn “chuỗi cung ứng”
MobileWorld biết rằng các nhà cung cập sản phẩm tại Việt Nam rất ngại cung ứng cho thị trường nội địa vì chi phi và hệ thống vận chuyển không hiệu quả. Để cung ứng nội địa, hầu hết các nhà cung cấp này đều phải tự thuê đội xe riêng hoặc cộng tác với một vài công ty vận chuyển lớn. MobileWorld nhìn thấy vấn đề này và đề cập với một vài nhà cung cấp ban đầu là MobileWorld sẽ lấy lại cả đội xe, cũng như hoạt động kho, và giúp phân loại và vận chuyển các sản phẩm (cho dù không phải là đến cửa hàng của MobileWorld).
Cái MobileWorld làm không phải là mua lại quyền phân phối sản phẩm mà chỉ đơn giản là nhận nuôi một phần bộ phận hậu cần của nhà cung cấp, vừa có lợi cho mình vừa có lợi cho người.
Sau đó MobileWorld tiếp cận các nhà cung cấp khác, chào bán chính bộ phận hậu cần khác. Thường thì những nhà cung cấp này vừa bán được hàng vừa không phải lo hậu cần nên họ dễ đồng ý hơn.
Tuy nhiên, nếu nhận bộ phận hậu cần “Trung tâm hàng hóa”, MobileWorld cũng rất dễ phải đầu tư những thứ không thuộc chức năng chính (bán lẻ) của mình. Vì vậy, MobileWorld không sở hữu hoàn toàn những “trung tâm hàng hóa”, mà thực tế những “trung tâm” này được cổ phần hóa cho nhà cung cấp. Nhà cung cấp khi có quyền sở hữu, sẽ gửi người, kết hợp hệ thống công nghệ với MobileWorld. Từ đó vừa thuận lợi cho phân phối, vừa thuận lợi cho MobileWorld bán lẻ cả tại cửa hàng, cũng như trực tuyến (chuyển thằng hàng trực tuyến từ “trung tâm hàng hóa”). Cái này mình hay gọi là “cộng sinh giảm chi phí, tăng hiệu quả” giữa các đối tác trong cùng chuỗi
Tất nhiên để làm được những giải pháp chuỗi cung ứng thì chúng ta luôn phải tập trung phát triển công nghệ.
Vậy tại sao FPT không làm vậy? Nếu nói muộn thì không đúng vì FPT Shop chắc lâu đời hơn MobileWorld. Tuy nhiên FPT thực sực tiếp cận theo hướng logistics, hỏi nhà cung cấp là: “Tôi tự chuyển hàng về kho trước được không?” Cái này chắc chắn nhà cung cấp không đồng ý vì trong đầu họ nghĩ là: “Trời, đàng nào trong nhà cũng đã phải nuôi 1 đội vận chuyển rồi, giờ giao vận chuyển cho FPT Shop thì chẳng phải là phí công nuôi đội vận chuyển à. Thôi cứ bắt FPT Shop phải nhận vận chuyển của mình, mình còn được tính thêm phí vận chuyển.
Còn ví dụ chuỗi cung ứng nào ở Việt Nam không?
Có chứ. Nhiều là đàng khác.
Giao Hàng Nhanh chuyển rất nhiều hàng hóa cho Tiki. Với quy trình chuyển hàng ban đầu, GHN sẽ cử người nhận hàng ở Tiki rồi đem về trung tâm chia chọn của mình để chia đến các địa điểm vận chuyển khác nhau. Với Tiki, điều này không có lợi vì khi hàng về trung tâm chia chọn sẽ bị lẫn với hàng hóa khác mà GHN nhận nên thời gian chia chọn sẽ lâu hơn. Với GHN cũng không có lợi, vì GHN thời gian chia chọn tại trung tâm sẽ kéo dài hơn cho tất cả mặt hàng (mặc dù tối ưu được đường đi) mà như thế thì chữ “nhanh” sẽ không còn nhanh nữa. Cách giải quyết theo kiểu chuỗi cung ứng là Tiki giành 1 góc kho và kết hợp hệ thống công nghệ để GHN chia hàng tại kho luôn cho Tiki và chuyển hàng luôn từ kho. Vừa nhanh vừa rẻ hơn vì đỡ công mang về trung tâm chia chọn.
Trong một trường hợp khác, Nestle nhận thấy giá nguyên liệu từ những nhà cung cấp nhỏ thường tốt hơn nhưng số lượng hàng hóa không ổn định vì vậy ban đầu Nestle phải dựa vào một số nhà cung cấp lớn, thường xuyên ép tăng giá. Điều này hoàn toàn không có lợi cho Nestle. Sau thời gian dài tìm hiểu, Nestle nhận thấy những nhà cung cấp nhỏ thường gặp vấn đề khi vay vốn vận hành, đặc biệt để làm những đơn hàng lớn. Nestle giải quyết bằng cách gặp ngân hàng và yêu cầu ngân hàng cho những nhà cung cấp này vay với lãi suất của Nestle để họ có thể cung cấp nguyên liệu cho Nestle. Điều này vừa giúp những nhà cung cấp nhỏ tăng trường, vừa giúp ngân hàng có thêm nguồn thu mà không tăng rủi ro, vừa giúp Nestle tìm được nguồn nguyên liệu với giá cạnh trạnh hơn mà vẫn ổn định.
Vậy chuỗi cung ứng có những nghề gì?
Mình nói dài nói dai nói dại cũng chỉ để đến phần này. Khác với quan điểm nghiệp vụ của hậu cần truyền thống, nhưng người theo chuỗi cung ứng, đặc biệt ở Mỹ là góc nhìn của kết hợp hệ thống và sự thay đổi không ngừng của quy trình, quy chuẩn, nguyên tắc. Mình sẽ chỉ nêu ra đây vài nghề chính mà mình thấy đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển tại Mỹ thôi nhé.
Nghề Sales and Operations Planning (S&OP):
Mình không biết dịch tiếng Việt là gì. Nhưng như ở Việt Nam theo mình hiểu thì bộ phận bán hàng thường sẽ gửi yêu cầu sang bộ phận sản xuất để bộ phận sản xuất lên kế hoạch. Với S&OP thì tất cả mọi kế hoạch đều được lên từ sales. Tháng 1 lần cả sales cả sản xuất sẽ gặp mặt để lên kế hoạch với nhau. Kế hoạch này thường sẽ có 1 hệ thống hỗ trợ để xem quá trình thực hiện đến đâu, các bên có vướng mắc gì không và thay đổi liên tục trong quá trình thực hiện.
S&OP không chỉ nằm trong 1 doanh nghiệp mà nhiều khi giữa các đối tác với nhau cũng có thể S&OP. Ví dụ, không biết mọi người trong nhóm có ai mua hàng Unilever từ Tiki vào dịp 8/3 cách đây vài năm không. Đợt đó, ban đầu Unilever tận dụng 8/3, gửi sang Tiki sản phẩm bột giặt, kèm với nước rửa bát. Tuy nhiên, Unilever tận dụng nên không đổi mã sản phẩm mới mà dùng luôn mã bột giặt để nhập kho Tiki. Nhìn thì tưởng không có vấn đề gì nhưng hàng xuất kho theo hệ thống công nghệ là hàng vào trước ra trước. Unilever thì muốn tăng thương hiệu vào 8/3 mà hàng Tiki thì lại xuất toàn bột giặt (không có nước rửa bát) vậy là các bạn Unilever giận lắm.
Nếu Tiki cứ làm theo yêu cầu của Unilever, thì cách dễ nhất là tạo một mã hàng mới cho 8/3, nhưng không bên nào muốn chịu trách nhiệm cho chi phí tăng thêm cả. Vậy nên Tiki đã có một giải pháp sales mới là yêu cầu Unilever chuyển sang bột giặt ra bột giặt mà nước rửa bát ra nước rửa bát. Nước rửa bát Tiki bán để đưa vào doanh thu. Bột giặt thì Tiki đợt 8/3 cứ ai mua thì tặng kèm hoa đóng gói rất đẹp, mà chỉ có đặt hàng từ Tiki . Chiến dịch của Unilever bỗng dưng không chỉ tăng thương hiệu cho Unilever mà tăng cả thương hiệu cho Tiki luôn.
S&OP trong những trường hợp như thế này vừa phải hiểu vận hành, vừa phải hiểu chiến lược marketing để vừa giảm chi phi mà vẫn hiệu quả trong việc tăng trưởng.
Nghề cải thiện vận hành (Continuous process improvement)
Nghề này là nghề Trang làm ở Amazon. Cả ngày Trang chỉ có đi quanh kho quan sát đúng 1 quy trình nhỏ để có thể thay đổi đúng quy trình đó. Vận chuyển liên kho quốc tế của Amazon hồi đó có 1 vấn đề là hàng đóng gói gửi quốc tế thường đóng một vài mã một lúc, và trên thùng in rất nhiều mã vạch khác nhau. Nhiều khi lao động nhận hàng vào kho chỉ scan 1 mã, khiến hệ thống tự dưng báo mất rất nhiều hàng. Hoặc thậm chí vì chỉ scan 1 mã nên khi có đơn hàng từ trang web, họ chuyển nguyên cả thùng nhiều hàng đến cho khách hàng luôn. Nhiều khách muốn chuyển lại mà vì trên hệ thống không tồn tại đơn hàng nên không chuyển trả được. Hàng mất rất nhiều. Sau này, quy trình đó sửa bằng cách đưa 1 cái bút màu khác cho lao động, họ scan cái gì thì khoanh vào. Chỉ cần kết nối lại mã vạch đó với thông tin trên hệ thống vận chuyển quốc tế là có thể biết mã đó có thể chia làm bao nhiều mã khác.
Sau khi sửa tạm bằng bút, thì mình lại phải nói chuyện với bên hệ thống để sửa quy trình đóng gói từ đầu quốc tế, và sửa cả quy trình kết nối đơn hàng, hàng hóa, vận đơn trên hệ thống công nghệ luôn. Cũng phải mất vài tháng để toàn bộ quy trình hoàn thiện. Hàng mất do quy trình vận chuyển quốc tế giảm 24% sau đó.
Nghề Product Management và Program Management
Nhìn thấy chứ Product nhưng không phải sản phẩm đâu nhé. Product ở đây là công nghệ, hệ thống công nghệ. Nhưng mình đã cố lèn vào từ đầu bài đến cuối bài, công nghệ rất quan trọng trong góc nhìn “chuỗi cung ứng”. Bạn không nhất thiết phải code để làm công nghệ trong chuỗi cung ứng, nhưng bạn có thể sáng tạo ra quy trình mới rồi kết hợp với đội công nghệ để hỗ trợ những quy trình này một các tối đa. Cái này là Product Management.
Với Program Management thì thường là những bạn thích nay đây mai đó, quản trị dự án. Các công ty tại Mỹ thay đổi hệ thống liên tục, nhiều khi họ cần người để giúp họ triển khai các hệ thống này tại nhiều địa điểm khác nhau. Người này thường hiểu rõ về quy trình và công nghê (nhưng không cần quá kĩ, chỉ cần nếu đụng đến tầng chi tiết thì biết người khác để hỏi), có khả năng quản lý và giao tiếp cao, để có thể mang hệ thống áp dụng vào với nơi mới con người mới. Mà báo trước là con người ta thường không thích thay đổi (đặc biệt với hệ thống công nghệ mới thì người ta càng ngại). Vậy nên nghề Program thực sự là tập trung nhiều vào kĩ năng con người và kĩ năng thúc đẩy sự thay đổi nhiều hơn.
Mình sơ sơ như vậy đó, còn rất nhiều nghề trong chuỗi cung ứng. Mình thiếu hẳn 1 mảng bên thu mua và thương thuyết của chuỗi cung ứng nhưng những nghề trên là những nghề mình làm qua, và mình nghĩ có thể sẽ phù hợp với rất nhiều bé. Đặc biệt là những bé có sở thích thay đổi thế giới giống mình.
P.S.: Làm sao để biết có hợp hay không? Mình thấy hay nhất là cho các bé đi làm công nhân 1 tháng, rồi giao nhiệm vụ là ngoài làm việc còn phải quan sát và ghi lại các quy trình và thấy chỗ nào chưa hợp lý. Bé nào hợp thì nhìn notes ghi lại là bạn biết ngay á. Hì hì
Comments