top of page
Writer's pictureThu Hoang

Người châu Á đi du học trời Tây và những điều tốt đẹp nhất của cả hai thế giới

Gần đây nhóm nghiên cứu của mình mới thắng quỹ tài trợ nghiên cứu “sử dụng triết học phương Đông trong quyết định vận hành của chuỗi cung ứng hiện đại.” Ngoài mình ra, trong nhóm có 3 giáo sư người Mỹ và một bác người Đức nhưng làm việc tại Trung Quốc rồi Mỹ đã khá lâu rồi.


Trong ngành mình thì chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm vì chuỗi cung ứng hiện đại đang dần hướng tới “thống nhất hoạt động vận hành giữa nhiều đối tác cả bên cung lẫn bên cầu” hay nói ngắn gọn trong tiếng Anh là “demand and supply integration”. Hợp tác nhiều bên cùng có lợi được nhắc tới qua rất nhiều câu chuyện ngụ ngôn cũng như điển tích Nho học. Đáng tiếc là người vừa thấm nhuần tư tưởng Nho học, lại vừa hiểu vận hành dưới góc nhìn chuỗi cung ứng của Mỹ lại tương đối khan hiếm nên nhóm mình đã may mắn thắng được quỹ nghiên cứu này.


TẠI SAO MÌNH LẠI NHẮC ĐẾN CÂU CHUYỆN NÀY?

Hầu hết mọi người từ Việt Nam đi du học trời Tây đều mang trong mình tư tưởng ở Tây, người ta văn minh lịch sự hơn, có nhiều tư tưởng tiến bộ hơn, và nhiều kiến thức để học hơn. Còn chúng ta là những người có phần nào đó “lạc hậu” và cần được khai phá khi đi du học.


Mình thì không hoàn toàn đồng tình với những quan điểm đó và như thường lệ mình sẽ kể một vài câu chuyện để các bạn tự ngẫm xem tại sao nhé:


CHUYỆN THỨ NHẤT

Từ bé, mẹ đã dạy mình “người văn minh nói chuyện nhẹ nhàng”. Cái kiểu ăn to, nói lớn, cười hô hố của mình ở Việt Nam chắc chắn là vô cùng kém duyên. Nhưng ăn nói nhỏ nhẹ, cười mím chi cũng chỉ là tầng nông nhất của việc làm người văn minh trong giáo dục châu Á. Từ “văn minh” có thể hiểu được đến ba tầng nghĩa.

  1. Chữ “minh” trong cả ba tầng đều có nghĩa là “tỏ tường” sáng suốt. Ý chỉ việc một người phải sáng suốt với tất cả các chữ "văn" thì mới có thể coi là “văn minh”.

  2. Ở tầng thứ nhất, chữ “văn” có nghĩa là bề ngoài đẹp đẽ lịch sự như trong “văn hoa” hay “phù văn”. Những thứ đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên đến từ chữ “văn” này.

  3. Ở tầng thứ hai, “văn” có nghĩa là sự hiểu biết về mặt kiến thức như trong “văn học” hay “văn nhã”. Điều này cũng có nghĩa là con người cũng nên có học hành để khi người khác nói chuyện có thể hiểu và lắng nghe.

  4. Tầng thứ ba sâu nhất của chữ “văn” là năm trong “văn kính hữu lễ” hay dịch nôm có nghĩa là kính trọng người khác trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi tranh luận trái chiều cũng không hề to tiếng.

Để làm được tầng thứ ba thì khi tranh luận mình phải đủ kiến thức từ tầng thứ hai đển đảm bảo mình “có lý” và đủ nhẹ nhàng từ tầng thứ nhất để đảm bảo mình “có tình”. Nếu xét đến tầng nghĩa thứ ba, thì thực ra khái niệm “văn minh” của phương đông không khác mấy so với khái niệm “văn minh” của phương Tây. Có khác chăng chỉ là khác ở cách thể hiện ở tầng thứ nhất. Người châu Á mình khi ăn nói nhẹ nhàng và không nhìn thẳng vào mắt đối phương để thể hiện sự tôn trọng thì trong mắt người phương Tây lại là thành ra lí nhí và thiếu tự tin.


Nhưng nếu ở tầng cao nhất, Wall Street Journal gần đây bàn về một nghiên cứu chưa xuất bản cho thấy “lên giọng” hay “quát tháo” trong khi tranh luận thực ra cũng là thể hiện của sự “thiếu tự tin” trong quan điểm của một người. Nếu áp nó vào tầng thứ ba của “văn minh” thì việc “nói chuyện nhẹ nhàng” thực sự không ám chỉ về giọng nói hay cách cười, mà nó nói về sự tự tin trong kiến thức để tự tin bảo vệ luận điểm và quan điểm mà không phải cao giọng át tiếng người khác khi tranh luận.


CHUYỆN THỨ HAI

Cách đây vài năm mình từng có tranh luận với một em về chuyện xin học bổng Tiến sĩ . Em ấy nói là ai, từ thầy cô giáo đến bạn bè và những người có kinh nghiệm xin học bổng, đều nói là hồ sơ của em ấy tốt nhưng khi xin học bổng Harvard vẫn trượt. Trượt mấy năm liền nên em ấy nản. Mình chỉ nhận xét lại một câu là có thể mọi người chỉ lịch sự khi nói về hồ sơ vì có nhiều điểm dù nhỏ nhưng lại là quyết định khi xin học bổng Mỹ. Thế là em ấy khá giận và nói với mình là giáo của em từng học Mỹ và có kinh nghiệm cả về viết thư giới thiệu lẫn xin học bổng. Cuối cùng mình phải chat riêng với em ấy và sửa bài luận mẫu để em ấy hiểu thêm.


Em này quả thực có hồ sơ khá tốt, học trường tốt ở Trung Quốc, giáo viết thư giới thiệu cũng là người có danh tiếng về nghiên cứu văn hóa Trung Quốc. Em ấy muốn xin học bổng về ngành nghiên cứu phương Đông (Oriental Studies) tại Harvard và cũng đã có khóa luận trước đó. Có điều bài luận của em ấy khiến mình vô cùng băn khoăn.


Bài viết về việc ở châu Á quá phân biệt giới tính. Rồi bài kêu rằng em ấy từ nhỏ đã có áp lực phải lấy chồng. Khi được học bổng đi du học Trung Quốc, ba mẹ vẫn cứ coi trọng việc lấy chồng hơn. Khi em sang đến xứ người, em còn thấy có cả chợ mai mối khiến cho em cảm thấy giá trị của phụ nữ trong Nho học không khác gì cái máy đẻ. Em kết lại với một đoạn nói về việc em sẽ nghiên cứu sâu xa hơn về những giá trị phương Đông này để lật ngược chúng lại trong xã hội hiện đại.


Có hai vấn đề lớn với bài viết này:

  1. Giọng văn của nó có phần tiêu cực và đổ lỗi cho hệ giá trị phương Đông khiến phụ nữ không có cơ hội học hành, đặc biệt là các bậc học cao lên .

  2. Bài luận cũng nêu sai rất nhiều quan điểm trong triết học phương Đông trong khi em ấy lại muốn học ngành Oriental Studies

Thực ra nếu đi sâu vào các giá trị Nho học thì tuy xã hội phương Đông chia nam và nữ ra hai nửa riêng biệt nhưng không hoàn toàn là “trọng nam khinh nữ”

  1. Có truyện kể rằng Khổng tử và các học trò trên đường du hành, gặp một đống xương người chết đói nằm lẫn lộn chồng chất lên nhau. Khổng tử thấy thương cảm bèn bảo học trò chia xương nam và nữ ra và làm hai phần mộ để mai táng cho họ. Học trò của Khổng thấy bối rối mới hỏi thầy: “Xương nằm lẫn lộn như vậy, làm sao con phân biệt được đâu là nam đâu là nữ.

  2. Khổng tử nói: “Phụ nữ mỗi tháng đều có kì nguyệt sự (kinh nguyệt) và do sinh con đẻ cái, họ mất rất nhiều máu mà máu này là bào từ xương cốt ra nên xương của phụ nữ thường có mầu sậm và xỉn hơn. Còn nam giới do không phải chịu những chuyện này, nên xương họ trắng sáng.” Vì vậy, mỗi con người sinh ra cần rất tôn trọng cha mẹ mình, đặc biệt là người mẹ vì sự hi sinh của họ cho những đứa con.

  3. Bản thân điển tích này và sự lưu truyền rộng rãi của nó chỉ rõ người xưa tuy tách bạch nam nữ nhưng thực sự vẫn đề cao rất nhiều giá trị của người phụ nữ.

Nếu hiểu đúng giá trị phương Đông, “phân biệt nam nữ” thực ra vẫn có công bằng

  1. Phụ nữ dù thời nào, sức khỏe thể chất cũng sẽ kém hơn đàn ông (ít nhất là mỗi tháng dính dâu một lần, đau đớn và khó chịu vô cùng). Vì vậy, cho dù là lao động kiếm miếng ăn hay cày đêm rồi đi một mình (thường là đi bộ) để lên kinh dự thi cũng sẽ gần như là làm khó phụ nữ. Vì điều kiện khác biệt về sức khỏe như vậy, nên đàn ông được cho là phải lo những việc ở ngoài để gánh vác giúp phụ nữ, và đi đánh trận để bảo vệ phụ nữ, còn phụ nữ sẽ làm việc phù hợp với sức khỏe hơn là thu vén gia đình.

  2. Nhiều bạn hỏi: “Nhưng mà phương Đông phong kiến thì vẫn phân biệt vì đàn ông có thể có vợ cả vợ lẽ còn phụ nữ thì phải một đời thờ chồng.” Thực ra, đó là hiểu nông. Thời phong kiến, vợ cả mới thực sự là vợ. Người này được cưới hỏi đàng hoàng, được tham gia những sự kiện chính thức, và quản lý mọi việc trong gia đình bao gồm tài chính, sự kiện, quan hệ họ hàng và khách khứa hai bên. Thậm chí, dù có câu “hậu cung không được can chính” thì vợ cả vẫn có ảnh hưởng rất hệ trọng với quyết định của chồng trong đối nội và đối ngoại.

  3. Thiếp được lấy về với hai nhiệm vụ. Một là hầu chồng và vợ cả. Hai là sinh con. Con cái của thiếp cũng chỉ một mẹ khi ra ngoài xã hội, chính là người vợ cả này. Nên chữ “hiếu” trong Nho học, không phải chỉ là hiếu với cha và người thiếp đã sinh ra mình. Chữ “hiếu” này là đảm bảo quyền lợi của người vợ cả trước thiếp và các con do thiếp sinh ra.

  4. Nhà có gia giáo không bao giờ để con gái làm thiếp vì thiếp chẳng có quyền lợi gì cả. Nhà có gia giáo cũng không gả con gái vào gia đình quá cao sang. Bởi vì chỉ khi hai gia đình cân bằng (“môn đăng hộ đối”) hay nhà trai kém một chút, nhà gái có thể dựa vào thế của mình để nói lý hộ con gái nếu có bị chồng hoặc nhà trai đối xử tệ bạc.

  5. Gia đình nào mà chồng không tôn trọng vợ mà ngược lại nâng thiếp lên sẽ bị những người khác và gia đình khác trong xã hội đánh giá cũng như không muốn quan hệ dây dưa cùng. Vì vậy, ngoài việc phải gây dựng sự nghiệp và nuôi cả gia đình, đàn ông trong xã hội phong kiến cũng phải tôn trọng vợ thì mới được cả xã hội tôn trọng. Còn thiếp “nạp” về thì nói cho đúng là một dạng “người hầu cao cấp” nếu tính theo giá trị lễ giáo cổ.

  6. Người vợ cả và người chồng đều có trách nhiệm riêng. Nếu người chồng được cho là hoàn thành rất tốt trách nghiệm ngoài xã hội (“đội trời đạp đất”), thì tiêu chuẩn đối với vợ của người đó cũng bị nâng lên về sự khoan dung độ lượng cũng như giải quyết việc nhà chỉn chu, đâu ra đấy. Nếu người chồng ăn chơi lười biếng, thì xã hội cũng sẽ thương cảm và đặt tiêu chuẩn thấp hơn cho người vợ cả này.

  7. Có người nói nhưng thế thì vẫn không công bằng cho nhưng người phụ nữ làm thiếp. Thực ra, sâu hơn chút thì thấy thiếp có ít trách nhiệm hơn. Trước khi làm thiếp, người phụ nữ và gia đình họ vẫn có thể lựa chọn không làm thiếp. Khi làm thiếp rồi họ cũng không bị thiên hạ soi mói về việc phải khoan dung độ lượng, khéo léo, của hồi môn, hay thậm chí "trinh tiết" như người như vợ cả. Họ chỉ có hai trách nhiệm “biết điều” và “biết đẻ”. Có những người đúng là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải “làm thiếp” nhưng đây có lẽ là phân biệt về giai tầng xã hội nhiều hơn là phân biệt giới tính.

Thực sự mà nói thì quan điểm “trọng nam khinh nữ” không đến từ triết học phương Đông cổ đại mà đến từ sự hiểu chưa sâu của xã hội hiện đại làm đảo lộn rất nhiều hệ giá trị. Hiện nay, công nghệ thông tin và tự động hóa phát triển đã làm giảm khoảng cách giữa hai giới trong những công việc họ có thể làm dù có chênh lệch rất về mặt sức khỏe thể chất:

  1. Ngày nay, phụ nữ cũng đi làm cũng như nam giới, mà về nhà vẫn bị chịu trách nhiệm toàn bộ việc nhà trong khi rất nhiều nam giới ngồi chơi.

  2. Kì lạ hơn nữa là ngày nay nếu phụ nữ không đi làm mà chỉ chăm sóc việc nhà thì lại bị gọi là ăn bám, rồi chồng mặc nhiên đi ngoại tình. Cái đó thực sự mới là “trọng nam khinh nữ” còn rõ ràng nếu theo giá trị phương Đông cổ, thì người phụ nữ đó đã làm hết trách nhiệm của mình và người chồng cũng như gia đình chồng phải tôn trọng họ theo lễ giáo.

  3. Tiểu tam” ngày nay cũng mặc nhiên mượn giá trị “bình đẳng giới” và tự do yêu đương để lao vào người đã có vợ, thậm chí lật bàn với vợ chính thức. Vậy mà chị vợ nhiều khi vẫn bị khuyên (bởi những người thân nhất) là: “Thôi. Mình là phụ nữ, mình phải chịu.” Còn nếu áp theo lễ giáo cổ thực sự thì “Tiểu Tam” mãi mãi là vợ lẽ và cả về tình về lý không thể có tiếng nói trong gia đình.

Thực sự xã hội nào mới là “trọng nam khinh nữ” đây? Cổ đại hay là hiện đại? Vậy nên nếu bài luận của em gái kể trên mà hiểu sâu về giá trị phương Đông thì nó sẽ thấy giá trị phương Đông cổ được phát triển trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác với xã hội hiện đại. Và để áp dụng nó tạo công bằng cho phụ nữ hiện đại thì cần tầng hiểu sâu này để áp dụng đúng cách. Với tầm xin học Harvard mà lại không nêu được giá trị phương Đông này thì trượt không hề oan, kể cả với một hồ sơ rất rất tốt.


CHUYỆN THỨ BA

Mình có lần dẫn đoàn khách hàng Đan Mạch đi sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Họ yêu cầu trước khi sang bộ thì có một buổi làm nháp để xem cách họ bàn luận có phù hợp với văn hóa Việt Nam hay không. Có những điểm nhỏ thậm chí như màu tất họ đi có phù hợp không, hay cài mấy cúc cổ là hợp lý với Việt Nam cũng được họ hỏi rất kĩ. Mình thực sự rất khâm phục về sự tìm hiểu văn hóa này. Đan Mạch cũng là một trong những đất nước nổi tiếng về không tham nhũng. Rất nhiều lần họ hỏi mình về lựa chọn nào để việc kinh doanh của họ không phải đi nhiều cửa. Mình nói những lựa chọn này thường chậm hơn nhưng họ luôn chấp nhận chậm để vừa nhập gia tùy tục vừa truyền tải cái giá trị tuyệt đối không với “cửa trước cửa sau” của họ.


Ngược lại có lần mình cũng gặp khách hàng Mỹ, và tất nhiên là ai cũng muốn không “nhiều cửa” nhưng mà mình bị đẩy vào thế khó là, phải làm chính tắc hết nhưng phải thật nhanh ở Việt Nam. Mình cũng muốn vậy lắm nhưng đôi khi thực tế không cho phép. Nếu làm việc ở Việt Nam mà muốn chuyện gì cũng rõ ràng rành mạch như Mỹ nơi mà hệ thống pháp luật phát triển hơn thì nhiều khi cái đó nằm ngoài khả năng của mình cũng như hệ thống pháp lý sở tại. Nhưng mà người Mỹ thì có vẻ không cởi mở lắm với nhập gia tùy tục như rất nhiều bạn đến từ Đan Mạch cũng như những đất nước châu Âu khác.


NHƯNG MÌNH KỂ NHỮNG CÂU CHUYỆN NÀY KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐỀ CAO VĂN HÓA CHÂU Á, CHÂU ÂU HAY LÀ ĐỂ CHÊ VĂN HÓA MỸ.

Thực sự Mỹ là một nước rất trẻ (vài trăm năm) so với gốc gác hàng nghìn năm của các nước phương Đông cũng như châu Âu. Nhưng cũng vì Mỹ không bị gò bó bởi một khuôn phép nhất định của bất cứ một nền văn hóa lâu đời nào nên họ có thể suy nghĩ vượt ra khỏi nhiều định kiến và biến nước Mỹ thành một nơi sáng tạo không ngừng. Nhưng hiện nay, ngay cả những nhà khoa học đầu ngành những chuyên ngành xã hội tại Mỹ, cũng luôn tìm cách để kết hợp những khung giá trị văn hóa từ châu Á và châu Âu để phát triển những hướng đi mới và phát triển vượt bậc cho ngành của mình. (Cũng giống như chủ để nghiên cứu mà mình đã tả ở đầu bài của mình đó).


Chúng ta đến từ đất Việt, một nơi có nền văn hóa lâu đời. Và cho dù rất nhiều bạn chưa tìm hiểu sâu về văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung, thì chúng ta cũng sinh ra và lớn lên trong nền văn hóa đó. Điều này tạo điều kiện cho chúng ta tìm hiểu sâu hơn về chính nên văn hóa đó và mang những điều tốt đẹp và sâu sắc của một nền văn hóa châu Á đến trời Tây để mở rộng góc nhìn những người “Tây bản địa”. Sự kết hợp giữa những điều tốt của hai nền văn hóa cũng phục vụ cho việc học tập nghiên cứu của chính mình ở trời Tây nữa.


Rất nhiều bạn từng than với mình là: “Em thấy bên đó họ văn minh hơn, họ có nhiều góc nhìn cởi mở hơn.” Thực ra mình thấy phương pháp “chê ta chọn Tây” nhiều khi rất phản tác dụng khi xin học bổng ở trời Tây. Nếu chúng ta biết được giá trị thực sự của nền văn hóa nơi ta sinh ra và lớn lên, thì khi đến trời Tây và học thêm nền văn hóa của họ, chúng ta sẽ trở thành “điều tốt đẹp nhất của cả hai thế giới” (“best of both worlds”) vì chúng ta chọn lọc, nhặt nhạnh những thứ tốt nhất từ nhiều nền văn hóa và tạo ra bản sắc của riêng mình.


Hãy đừng nghĩ rằng chúng ta ”lạc hậu” và chúng ta phải học hết tất cả những gì là của họ. Bởi vì như thế, chúng ta sẽ trở thành một bản sao không có nhiều giá trị mà thôi. Ngược lại nếu chúng ta có thể hiểu văn hóa của mình một cách sâu sắc, họ cũng học được từ chúng ta rất rất nhiều. Như thế, chúng ta cũng tăng giá trị của bản thân vì chúng ta thực sự đóng góp vào đa dạng sắc tộc và đa dạng văn hóa cho nơi mà chúng ta đến chứ không chỉ dừng lại ở việc chúng ta có quốc tịch Việt Nam.


Đừng giảm giá trị của bản thân bằng việc "cứ cái gì Tây thì chúng ta đội lên đầu". Còn nếu bạn cho rằng mình thực sự "ghét" văn hóa Việt Nam hay phương Đông, thì hãy đọc đi, tìm hiểu đi, nói chuyện đi, đào sâu hơn đi. Vì có thể cái chúng ta ghét không phải là văn hóa mà là sự thể hiện và hiểu biết "nửa vời" về nền văn hóa đó thôi.




225 views0 comments

Comments


bottom of page