Sắp xong Tiến sĩ rồi, có rất nhiều cảm xúc đặc biệt ùa về trong mình. Hôm qua mình mới nghe một chị bạn đỗ được vào một chương trình tốt của ngành Chuỗi cung ứng, dù mấy trường kia thì bả vô "danh sách chờ." Mình thấy cũng không rõ là vui hay lo lắng cho bả. Mình chỉ nghe bả cảm ơn mà thấy hơi sai sai vì mình không giúp gì nhiều lắm ngoài ngắm bài luận có một lần.
Hôm nay vừa mở mặt lên trường thì con bạn chơi cùng lâu lâu kêu nó bỏ chương trình Tiến sĩ. Mình hỏi làm sao thì nó kêu: "Để mấy hôm nữa đi uống bia nói chuyện." Mình hơi "đơ" một chút khi bạn mình nói vậy, chỉ quay ra hỏi lại: "Thế bạn có hạnh phúc với quyết định đó không?" Bạn gật đầu. Mình vẫn có càm giác gì đó chênh vênh.
Mình và bạn cùng khóa đều sắp tốt nghiệp và có công việc cả. Không cần biết việc tốt việc xấu, ăn mừng cái đã vì có xấu thì cũng không thể xấu hơn trước khi học Tiến sĩ được. Thông tin chính thức là nhân lực chuỗi cung ứng Mỹ thiếu trầm trọng, mà thiếu là ở kĩ năng bậc cao không đủ chứ nếu ra hiểu chuyện làm chung chung thì đầy. Chính thế mà năm sau trường mình nhận đến 4 mạng vào chương trình tiến sĩ chuỗi cung ứng, học bổng và lương Tiến sĩ tăng 10%, một con số không nhỏ chút nào. Khổ cái mình lại sắp ra trường rồi chứ lại. Hơi tiếc nhỉ =))
Lắc lắc đầu, mình cầm cái cardigan mới mua cho cô bạn cùng khóa. Vào trường cùng nhau, buồn vui có khi không chia sẻ được nhiều nhưng mà xì trét thì chắc chắc là cùng một lúc chỉ có hai đứa hiểu nhau. Giờ qua đận này rồi. Sau này không biết bao giờ mới có thể có người hiểu mình như vậy nữa.
Khoa hôm nay có khách mời từ hai trường to to trong ngành đến thuyết trình. Chủ đề thì dính dáng trực tiếp đến cần sa trong lái xe tải liên tuyến toàn quốc. Chắc nhiều bạn cũng biết rất nhiều bang ở Mỹ đang hợp pháp hóa cần sa. Và dữ liệu cho thấy, cứ bang nào hợp pháp hóa cần sa xong, thì số lượng tai nạn liên quan đến xe tải giảm đến 20% trong 5 năm. Những bang ngay bên cạnh thì số lượng tai nạn giảm 6% và xa xa hơn nữa thì giảm 3%.
Mình chẳng ủng hộ hay chống phá việc dùng cần, chỉ thấy nghiên cứu khoa học có nhiều thứ thật hay ho. Một bác Tổng biên báo lớn ngồi trong phòng thì vừa gật vừa lắc: "Haizz... nhiều khi báo không đủ tầm để đuổi theo ngành thực tiễn nữa rồi."
Sắp ra trường, lại chuẩn bị có sinh viên trường mới. Đọc giáo trình của hai môn mình sắp dạy, mình chợt nhớ đến mấy bác lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn vận tải với thương mại điện tử lớn tại Mỹ mới kêu ca về nhân lực thiếu hụt. Mình đập giáo trình đi xây lại gần như toàn bộ. Kể ra nhét một đống dữ liệu vận hành thật vào thì ác với sinh viên thật. Nhưng mà thế còn hơn là các bạn ra trường không có việc.
Cơ mà sinh viên kêu khổ 1, giáo khổ 10. Để vác dữ liệu thật vào cho các bạn, mình dễ phải làm đến chục cái video hướng dẫn phân tích. Cứ nửa giờ video thì 2 ngày chuẩn bị vừa kiểm tra dữ liệu, vừa lên quy trình phân tích thử, hỏng làm lại, để mình làm chục lần thì sinh viên làm một lần thôi. Bạn mình kêu mình: "Ai bảo có tâm quá chi vậy. Thấy cái bà kia chỉ copy bài giảng của người khác thôi mà."
Cơ mà nghĩ đi nghĩ lại, thời sinh viên của mình học vẹt nhiều hơn thực hành, mình không muốn nó lặp lại với các bạn ấy. Có lẽ đây cũng là cách mình trả lại cho đời. Thầy mình bảo: "Bận nghiên cứu mà vẫn thấy sinh viên đánh giá em cao nhất khoa, cao hơn cả các thầy. Giỏi đấy nhỉ." Nghe vậy mình cũng bất giác mỉm cười. Có lẽ ý nghĩa cuộc sống chính là như vậy.
Sắp tốt nghiệp và sắp không còn được ngồi giảng đường với tư cách sinh viên nữa. Vui vì mình đang bắt đầu một chương sách mới nhưng cũng buồn man mác vì ngôi trường này, những con người này, mình không chỉ gắn bó tình cảm với họ mà họ giống như đã trở thành một phần của mình hiện tại: Hoài bão có thừa nhưng đằm lại. Tích lũy chuyên môn thật sâu nhưng cũng cảm thấy mình chưa là ai của thiên hạ. Miệng kêu ghét sinh viên lắm nhưng vẫn hì hụi chuẩn bị từng xen ti mét bài học cho chúng nó.
Bạn mình nói: "Muốn để lại gì đó cho đời thì tốt nhất là để lại bộ gene." Cơ mà cách suy nghĩ, ước mơ, và chiến đấu để đạt được nó có lẽ cũng là một loại gene nhỉ. Hay một nghiên cứu nào khiến người khác "phê như hút cần" thì chắc cũng có gene của nó. Ít có nghề nào mà có cơ hội để lại gene kiểu này lắm. Vậy nên mình thực sự hạnh phúc với quyết định đi học Tiến sĩ của mình. Thế nhưng mình cũng trải qua đủ nhiều để biết nó là con đường chông gai mà không phải ai cũng nên hay cần đi. Thực ra không học Tiến sĩ cũng được, miễn bạn luôn nở hoa cho đời là ý nghĩa rồi.
Comentarios