Có một câu chuyện vui như thế này:
Người cha nói với con trai của mình: - Con có muốn cưới 1 cô gái do cha giới thiệu không? - Không bao giờ!! - Nhưng cô ấy là con gái của Bill Gates? - Ồ, nếu thế thì con đồng ý. Người cha đến gặp Bill Gates: - Ông có muốn gả con gái ông cho con trai tôi không? - Không đời nào!!! - Nhưng nó là CEO của ngân hàng thế giới? - Ồ, thế thì được! Người cha đến gặp chủ tịch ngân hàng thế giới: - Ông có đồng ý cho con tôi làm CEO ngân hàng này không? - Không. Ông là kẻ mất trí à? - Nhưng nó là con rể của Bill Gates! - Được, tôi sẵn lòng đồng ý!
Đối với mình đây là góc nhìn chuẩn của nghề Quan hệ Quốc tế (QHQT).
VỀ MẶT TỪ VỰNG THÌ QUAN HỆ QUỐC TẾ LÀ GÌ?
Giải nghĩa tiếng Anh “International Relation” trước. Inter- là ở giữa, -national là quốc gia. Nên từ này có nghĩa như một tính từ “ở giữa các quốc gia. Relation lại là một từ có nguồi gốc sâu xa hơn:
Nó xuất phát từ một từ gốc Latin “refero” mang nghĩa đáp trả, đền ơn, mang lại lợi ích cho ai đó đã từng mang lợi ích cho mình.
Từ “refero” qua nhiều năm phát triển ra các từ (1) “relate” tiếng Anh, có nghĩa là liên tưởng, kết nối; (2) “relatus” tiếng Latin, nghĩa là kể những câu chuyện về sự kiện có thật; và (3) “relatio” tiếng Latin, nghĩa là kể lại những câu chuyện về sự kiện có thật để có được sự đáp trả, đền ơn về mặt lợi ích.
Từ “relation” là tổng hợp của cả 3 từ trên. Vì vậy nó có nghĩa là xây dựng các mối quan hệ, liên kết có đi có lại để đạt được những mục đích của cá nhân hoặc tổ chức mình phục vụ. Và đương nhiên là trong quá trình đó thì phải biết cách “kể chuyện”
Thế nên, “international relation” có nghĩa là bạn đứng giữa các quốc gia để xây dựng các mối quan hệ mang về nguồn lợi thường là về quốc phòng, thông tin, kinh tế, và nhân lực cho quốc gia hoặc tổ chức (như công ty, phi chính phủ) của mình. Và vì từ “refero” có nghĩa đáp trả, đền ơn nên cũng có nghĩa là đôi bên cùng có lợi.
Trong gốc tiếng Trung, từ quốc tế (國際):
Quốc (國) với chữ điền hình vuông bao bọc ở ngoài có nghĩa là tất cả những gì nằm trong lãnh thổ cũng như quyền hạn của một đất nước. Tế (際) có nghĩa là đường biên giới. Vì vậy, quốc tế có nghĩa là tất cả các giao dịch của một quốc gia với những thứ nằm ngay trên đường biên đó.
So với “international” thì “quốc tế” có ý nghĩa tập trung vào lợi ích của quốc gia sở tại hơn. Vì vậy nếu bạn học Quan hệ Quốc tế ở châu Á thì nó thường là theo triết lý triệt để vì lợi ích quốc gia mà bạn mang quốc tịch hơn khi học ở các nước nói tiếng Anh hay gốc tiếng Latin khác
Quan hệ (关系)
Quan (关) có nghĩa là “ô cửa”, mà cửa thì có thể mở để mang vào những lợi ích mà mình mong muốn. Nhưng hay là ở chỗ bản thân từ quan (关) cũng có ý nghĩa đóng lại, mang ý nghĩa những lợi ích và sợi dây liên kết mình tạo ra được có thể là kín đáo, bí mật và cũng nên giữ riêng cho lợi ích của mình.
Hệ (系) có nghĩa là buộc lại, nó vừa có nghĩa liên kết giống từ “relate” nhưng nó còn có hàm ý sâu hơn là nếu có liên kết thì nên buộc nó lại luôn làm nó chặt hơn. Vì vậy, quan hệ ở châu Á thường không có rạch ròi giữa công việc và bạn bè. Thân rồi thì phải làm cho thân hơn và thân ở nhiều phương diện khác nhau.
Hệ (系) còn có ý nghĩa kế thừa, tức là truyền từ đời này sang đời khác, nền tảng, kiến thức, các mối liên kết dây mơ rễ má hay tài sản của cha mẹ có thể chuyển cho con cái từ đời này sang đời khác và tiếp tục xây dựng để nó rộng lớn thêm.
Vì vậy, khi các bạn gọi việc “con ông cháu cha” tiếp tục làm quan hệ quốc tế là mặt tối của nghề, mình thấy không hợp lý cho cho lắm. Vì thực sự, nghề này là nghề đi “quan hệ”, những bạn lớn lên là con cháu của bên ngoại giao thường nói rất nhiều thứ tiếng, một vài đối tác quốc tế biết họ sẵn nên họ có thể xây dựng thêm, thay vì phải làm mới từ đầu.
Cũng bởi thế, mà trong nghiên cứu về các ngành khoa học xã hội hiện tại ở các nước phương Tây, từ quan hệ được để hẳn thành một khái niệm “guanxi” chứ không còn dịch là “relationship” nữa vì triết lý của nó sâu hơn rất nhiều.
Với những giải nghĩa trên thì quan hệ quốc tế tại Trung Quốc, Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung có ý nghĩa là thắt lại tất cả những liên kết dây mơ rễ má của cả cá nhân lẫn tổ chức từ nhiều năm để làm lợi tập trung vào Quốc gia của mình và những nước là bạn cực thân với mình. So với cách hiểu kiểu phương Tây về “International Relation” thì nghĩa Quan hệ quốc tế khác khá nhiều.
Với phương Tây, “International Relation” đôi khi là làm một hợp đồng đôi bên cùng có lợi rồi sau đó đường ai nấy đi. Nếu làm nhiều hợp đồng đôi bên cùng có lợi thì có thể suy nghĩ đến gần nhau hơn nhưng không cưới nhau, có thể chia tay bất cứ lúc nào.
Với phương Đông, “quan hệ quốc tế” là cố gắng để càng ngày càng thân nhau hơn, đôi khi làm một hợp đồng không có nghĩa là tôi có lợi từ anh, nhưng là vì bạn bè nên nước tôi giúp nước anh, nhỡ sau này tôi cần giúp thì anh có trách nhiệm giúp lại tôi. Cái quan hệ đền trả này chính là lý do tại sao các nước châu Á có xu hướng xây dựng nhóm lợi ích sâu hơn các nước phương Tây (thích giữ quan điểm trung lập)
Tuy bây giờ, quan hệ quốc tế phát triển nên cả Á cả Âu đều bắt đầu tồn tại cả hai dạng quan niệm này nhưng nhìn chung ở châu nào thì “quan hệ quốc tế” sẽ nặng về triết lý châu đó hơn. Cũng từ đó sinh ra các phong cách và phương thái khác nhau khi làm nghề liên quan đến quan hệ quốc tế.
QUAY LẠI CÂU CHUYỆN CƯỜI ĐẦU BÀI: MÌNH KỂ NÓ VÌ THỰC SỰ DÙ QUAN HỆ QUỐC TẾ GIẢI NGHĨA THEO CÁCH NÀO THÌ NÓ CŨNG ĐỀU MANG HÀM Ý MANG LỢI ÍCH VỀ CHO QUỐC GIA VÀ TỔ CHỨC CỦA MÌNH DỰA VÀO VIỆC ĐEM NHỮNG CÁI MÌNH CÓ HOẶC SẮP CÓ ĐỂ ĐI XÂY DỰNG QUAN HỆ.
Nói nôm na thì chúng ta đều đi xin tiền hoặc nguồn lực khác để phục vụ cho mục đích riêng bằng cách khéo léo mở rộng quan hệ, và dùng nguồn lực chỗ này bù vào chỗ kia.
Với một quốc gia thì ý nghĩa lớn nhất của quan hệ quốc tế là về mặt quốc phòng và thông tin. Mình đã từng viết trong một bài trước đây là hậu cần chuỗi cung ứng xuất phát từ quốc phòng. Thực ra, bất kể ngành nào nếu các bạn tra lại lịch sử thì đều có mục đích quốc phòng và kinh tế:
Quan hệ quốc tế xuất phát đầu tiên chính là “Hai nước đánh nhau không chém sứ giả.” Cho dù ở phương Tây hay phương Đông thì câu này đều đúng.
Và vì sứ giả có đặc quyền ngoại giao bảo vệ nên họ chính là đối tượng dễ nhất để “cung cấp thông tin về nước bạn hoặc nước bạn của bạn cho nước mình” hay nói cách khác là “tình báo.”
Sứ quán xây ra có rất nhiều hoạt động khác nhau, nhưng một trong những mục đích luôn có là “tình báo.” Khi hai nước quan hệ tốt, thì “tình báo” có thể chỉ dừng ở mức, nước bạn có chính sách gì mới mà chưa duyệt hẳn nhưng sắp ra, liệu nó có ảnh hưởng gì tới nước tôi hay không. Nhưng nếu hai nước quan hệ không được tốt lắm, thậm chí đứng ở hai đầu chiến tuyến thì “tình báo” nặng hơn rất nhiều.
Hãy cứ nghĩ đến CIA của Mỹ xem, có rất nhiều người đang nằm vùng tại sứ quán nước ngoài. Nhiều bạn không phân biệt được CIA với FBI. FBI là điều tra liên quan đến những việc xảy ra trong nội bộ nước Mỹ. CIA là 20% nội bộ Mỹ và 80% là những thứ liên quan của Mỹ đến nước ngoài. Vì vậy CIA bao gồm FBI.
Còn về việc không chém sứ giả thì bạn cứ thử xem phim “The Courier” thì sẽ biết một cô bên bộ ngoại giao Mỹ sang để giải cứu những người làm Điệp viên thật (nằm vùng bất hợp pháp) tại Xô Viết cũ. Cuối cùng cổ bị bắt nhưng không phạt tù vì cô có tư cách ngoại giao.
Ý nghĩa thứ hai của sứ quán hay ngoại giao chính là gia tăng ảnh hưởng của quan điểm quốc gia mình với các chính sách quốc tế:
Của quốc gia mình chứ không phải của bản thân mình nhé.
Lấy ví dụ đi, Mỹ đưa tiền, quân đội, hoặc cả hai tới nhiều quốc gia đánh trận: Israel, Iraq, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines. Cái này để làm gì? Thực tế, tại các quốc gia này, các nước quan điểm Xã hội Chủ nghĩa cũng hoặc đánh chiếm, hoặc đưa người vào rất nhiều. Vì vậy Mỹ mang nguồn lợi cho những nước này là để khi đàm luận ở United Nations, WTO, WHO, rồi các thể loại tổ chức chính sách quốc tế, họ có tiếng nói cân bằng với các nước có quan điểm khác.
Vậy còn các nước nhỏ hơn mà không có tiền giống Việt Nam thì làm thế nào? Lấy ví dụ hợp tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) cách đây vài năm đi. Tuy bị Trump phá cái rụp nhưng trước đó Việt Nam cũng gia tăng sức ảnh hưởng bằng qua sứ quán ở Nhật. Nhật là nước to hơn, và đại sứ/ hoặc tham tán của Việt Nam chắc chắn không ít lần sang các cơ quan công quyền Nhật để mà nói chuyện, thể hiện quan điểm của Việt Nam và thăm dò xem liệu Nhật có nghĩ giống Việt Nam không. Đấy là cách mà các nước nhỏ ảnh hưởng qua hệ thống sứ quán.
Cuối cùng ý nghĩa của quan hệ quốc tế mới là lợi ích kinh tế và xã hội:
Với kinh tế, làm ra hàng hóa thì muốn xuất khẩu. Tiếp cận thị trường to kiểu Trung Quốc - Ấn Độ thì muốn đầu tư nhập khẩu thậm chí đầu tư. Muốn sản xuất hàng hóa giá rẻ thì muốn mở hẳn nhà máy và thuê lao động sở tại luôn. Muốn mở doanh nghiệp sản xuất tốt mà không có tiền thì cần vốn nước ngoài. Thiếu lao động trong nước thì như Mỹ giờ còn vác hẳn lái xe tải, phục vụ sân golf, nông dân nuôi gà từ nước ngoài sang để lái xe, cắt cỏ, nuôi gà mà không đòi lương cao và chế độ tốt như lao động trong nước nữa chứ.
Với xã hội, nước này có nghiên cứu này hay mình muốn học, mình cũng muốn nghiên cứu cùng. Giáo dục của mình chưa phát triển, mình cần tiền cũng như nhân lực từ nước bạn sang để có thể hướng dẫn mình.
Để lấy những nguồn lực này thì sứ quán cũng có trách nhiệm thăm dò chính sách, nêu quan điểm hoặc tài trợ cho nước khác trong những trường hợp cần.
Với nước nhỏ thì thậm chí có thể làm sân sau cho một nước lớn. Kiều như Hàn Quốc hay Phillipines cho Mỹ đóng quân để quan sát tình hình biển Đông. Đổi lại họ có một số lợi ích mà nước khác không có về mặt kinh tế cũng như chính sách.
TẦNG KINH TẾ XÃ HỘI LUÔN LUÔN LÀ TẦNG THẤP NHẤT VÀ NHỮNG ĐƠN VỊ NGOÀI SỨ QUÁN, PHÒNG THƯƠNG MẠI, HAY BỘ NGOẠI GIAO LUÔN CÓ THỂ THAM GIA:
Ví dụ về những đơn vị này có:
Các công ty về tư vấn Geopolitical (tạm dịch là tư vấn về những vấn đề chính trị xã hội liên quan đến vùng địa lý khi đầu tư kinh doanh)
Các công ty liên quan đến vận động hành lang (lobby) chính phủ để ra chính sách từ dự luật, có quan hệ sâu với các bộ ban ngành.
Các trường đại học liên kết về nghiên cứu khoa học và giảng dạy.
Các công ty đa quốc gia, đặc biệt liên quan đến nhân sự hoặc thương mại (trading).
Các tổ chức phi chính phủ, hoặc phi lợi nhuận (United Nation, World Bank, USAid, WWF)
Công việc ở tầng này có thể bao gồm:
Tìm đối tác cho công ty (giống sales)
Nghiên cứu thị trường (bao gồm điều kiện kinh tế xã hội chính trị tại nước sở tại)
Tổ chức các sự kiện văn hóa, hợp tác giáo dục, hoặc làm cả chương trình hợp tác giáo dục luôn.
Chạy các vấn đề liên quan đến luật của nước sở tại khi công ty quyết định thâm nhập thị trường, đầu tư sản xuất, hoặc xuất khẩu.
Vận động hành lang một luật, nghị định, thông tư, hoặc giấy phép thử nghiệm mô hình kinh doanh mới cho một hoặc vài công ty nước ngoài
Tầng này muốn vào thì không hề khó nhưng tầm ảnh hưởng chỉ ở mức từng công ty cá nhân nhỏ lẻ, còn lên đến tầm chính sách thì khó hơn. Và như rất nhiều bạn nói nhiều khi không có quan hệ, không phải con ông cháu cha thì có vào được tầng kinh tế xã hội ở những công ty này cũng chưa chắc lên được tầm cao hơn.
ĐIỀU ĐÓ KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ Ở TẦNG THẤP NHẤT THÌ KHÔNG CÓ DỰ ÁN HAY
Công ty Châu Âu tìm công ty “Trung Quốc đội lốt Việt Nam”
Một nhãn giày nổi tiếng ở châu ÂU muốn chuyển cơ sở vận hành từ Trung Quốc về Việt Nam nhưng công nghệ thuộc da giày ở Việt Nam không đủ tiêu chuẩn môi trường. Thế nhưng nếu nhập nguyên liệu da từ Trung Quốc thì chính sách thuế không được tốt.
Cuối cùng họ tìm một công ty “Trung Quốc đội lốt Việt Nam.” Công ty Trung Quốc này mua lại một công giày Việt Nam làm ăn thua lỗ rồi biến một phần của nó thành công ty Xuất khẩu. Công ty xuất khẩu theo luật được nhập máy móc thiết bị mà không thuế. Cái vỏ Việt Nam giúp công ty này nhập máy móc thuộc da từ Trung Quốc sang với chi phí cực rẻ. Sau đó công ty này dùng công ty Việt Nam để xuất hàng cho nhà máy của công ty Châu Âu tại Việt Nam.
Đình công với VIP (Nhân vật Chính trị quan trọng) từ nước ngoài
Một công ty may mặc châu Âu thuê lao động ở Việt Nam đang làm ăn rất tốt thì bị một công ty Hàn Quốc cướp người bằng cách kích động đình công.
Đúng lúc đó có VIP (bộ trưởng đổ lên) nào đó của nước châu Âu đó sang thăm Việt Nam. Thế là VIP này được nhồi lịch xuống thăm tỉnh và công ty may mặc này luôn.
Vì bác là VIP nên lãnh đạo tỉnh sẽ đứng về phía công ty châu Âu này nạt công ty Hàn Quốc, thế là xong.
Dự án khởi nghiệp mới đi hẳn qua văn phòng Chính phủ:
Chính phủ Việt Nam mới thông qua một Nghị định nào đó liên quan đến một loại hình kinh doanh mới nhưng mà chưa có Thông tư hướng dẫn. Ở Việt Nam, Thông tư là văn bản hướng dẫn kiểu, nếu muốn làm cái này thì khai form này, đạt tiêu chuẩn này, và khai với đơn vị chính phủ này. Nếu chưa có thì gần như không thể làm được. Nhưng thông tư thường hay chậm, có khi cả năm sau mới ra (đặc biệt cho doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.)
Công ty nước ngoài thì lại muốn làm luôn và ngay. Giờ sao? Bình thường nếu chưa có Nghị định thì có thể gửi thư để Thủ tướng duyệt từng cái. Nhưng giờ có Nghị định thì, văn phòng Thủ tướng gửi xuống Bộ Công thương. Bộ lại gửi xuống cho một Cục/ Vụ nào đó trong bộ. Sang gặp Cục với Vụ thì Cục với Vụ nói đợi Thông tư. Thế giờ sao nữa?
Nếu thực sự các bạn không biết “quan hệ” thì cứ cố đấm ăn xôi nữa thì vẫn phải đợi Thông tư. Nói chuyện phiếm với Cục/ Vụ thì biết Cục đang cần tiền tổ chức một sự kiện có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh mới này. Thế nhưng Cục/ Vụ không thể nhận tiền từ công ty vì đấy là hối lội. Thế sao nữa?
Cục viết thư sang sứ quán nước mẹ của công ty, xin tài trợ. Sứ quán sẽ dựa vào đó viết thư gửi cho tất cả các doanh nghiệp mà có gốc từ nước mình, xin tài trợ. Công ty viết thư trả lời sứ quán và gửi tiền cho sứ quán. Sứ quán gửi tiền sang Cục/ Vụ của bộ. Đạo diễn thư đương nhiên là một người rất giỏi quan hệ quốc tế rồi.
Tuy nhiên, trước khi được động vào những dự án hay ho như thế này chắc nhiều bạn cũng phải cày vỡ mặt những công việc tủn mủn kiểu tìm đối tác, rồi nghiên cứu những thứ không liên quan rồi.
Ở NHỮNG TẦNG CAO, QUAN HỆ QUỐC TẾ LÀ NGÀNH RẤT NHIỀU TẦNG VÀ GÓC KHUẤT HƠN NHIỀU
Tuy nhiên, góc khuất mình nói tới không phải là ở con ông cháu cha mà là vì nó liên quan trực tiếp đến quốc phòng và ảnh hưởng chính sách quốc tế. Mình sẽ cho các bạn vài ví dụ
Bộ phim Charles Wilson’s War kể về một nghị sĩ hạ viện tên Charles Wilson giúp một số nước ở Trung Đông đánh lại quân Xô Viết.
Mỹ không thể trực tiếp tài trợ các đất nước này qua đường chính tắc vì lúc đó Mỹ đang chiến tranh Lạnh với Xô Viết. Với những bạn đang không biết Chiến tranh Lạnh là gì thì đây là giai đoạn Mỹ và Nga đổ tiền của nhân lực vào phát triển công nghệ. Bên ngoài thì là để xem anh nào lên Mặt trăng trước nhưng bản chất là để dọa nhau là tôi có công nghệ quốc phòng có thể hủy diệt trái đất luôn chứ đừng nói nước anh. So với Thế chiến I và Thế chiến II, chiến tranh Lạnh được đánh giá là cực kì nguy hiểm ở chỗ nó tạo ra những công nghệ mà có thể 1 lần giết toàn bộ dân số của trái đất. Chỉ cần 1 anh khai pháo là cả trái đất đi.
Khi Xô Viết mang quân vào 1 số nước Trung Đông, về mặt chính trị và ngoại giao thì đây là cố gắng gia tăng ảnh hưởng về quan điểm quốc gia XHCN bằng cách đánh chiếm những nước này. Mỹ nếu tài trợ trực tiếp cho những nước này đánh lại Xô Viết, thì nó trở thành Chiến tranh Nóng. Và Xô Viết có thể lấy cớ đó để đem một quả bom nguyên tử thả vô Mỹ.
Vì vậy, khi Charles Wilson muốn cung cấp tiền và cung cấp vũ khĩ giúp các nước này đánh lại Xô Viết thì đã Charles Wilson đã phải tìm hỗ trợ và quan hệ cá nhân từ các nước Do Thái để tiền cũng chạy qua đây, mà vũ khí cũng không phải từ Mỹ đi ra. Như thế thì Xô Viết mới không có cớ để mà ném bom Mỹ.
Cái đoạn tiền và vũ khí đi ra không phải từ Mỹ này nó sẽ dính dáng đến nhiều công ty (dưới mác lợi ích kinh tế) và quan hệ tới cả những trùm buôn vũ khí cả hợp pháp và phi pháp nữa. Vì thế, nhiều khi chính phủ một nước có đặc cách với một số nước và người làm phi pháp vì họ nợ ân tình từ những quan hệ này. Các bạn muốn tìm thêm về vấn đề này có thể Google: “Covert Wars”
Bộ phim American Made nói về Barry Seal, một phi công Mỹ làm việc cho CIA:
Anh này bắt đầu bằng việc lái máy bay chụp ảnh các căn cứ quân sự mật ở Nam Mỹ cho CIA. Sau này ảnh chuyên chở tài liệu mật, và vũ khí đến cho một số nước Nam Mỹ, và chở người từ Nam Mỹ đến Mỹ để huấn luyện.
Thế nhưng người ở nước Nam Mỹ này thì chỉ đói ăn nên họ không quan tâm đến vũ khí. Họ bán vũ khí lại cho một băng buôn bán ma túy lớn để lấy tiền ăn và băng buôn bán ma túy này cũng muốn chuyển ma túy tới Mỹ qua đường bay.
Vì an toàn của bản thân nên Barry Seal làm đúng những cái được CIA yêu cầu nhưng tiện thể chở vũ khí thẳng đến cho băng ma túy và chở thêm ma túy để kiếm tiền. Khi công việc còn hiệu quả thì CIA không nói một câu.
Quay lại Việt Nam đi, mình từng nói trong một bài trước đây là mình giúp công ty Hàn Quốc tìm đối tác mua sản phẩm quốc phòng tại Việt Nam:
Nhưng thực tế đây là Mỹ muốn hợp tác quốc phòng với Việt Nam.
Sau chiến tranh Việt Nam, Mỹ cấm vận Việt Nam toàn tập. 1994 đến thời của Bill Clinton mới gỡ cấm vận thương mại nhưng vẫn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Mãi đến những năm 2010, khi Trung Quốc khuấy động tình hình biển Đông, bạn mới thấy Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ hay sang thăm Việt Nam. Và thời điểm này cũng là thời điểm Hàn Quốc muốn kí hợp tác quốc phòng cũng như bán sản phẩm quốc phòng sang Việt Nam.
Tất cả những việc này xảy ra trong cùng một lúc trong vòng 3 tháng đầu 2012. Vì vậy ngoài mặt tuy là Hàn bán sản phẩm quốc phòng nhưng thực tế là một các Mỹ hỗ trợ Việt Nam mà không cần gỡ cấm vận. Hệ sản phẩm quốc phòng của Hàn Quốc gần như giống hệt Mỹ vì Hàn Quốc là sân sau của Mỹ tại Biển Đông.
Việt Nam là một đất nước khá đặc biệt khi có bộ đội làm kinh tế nên có một số công ty của quân đội tự nhập sản phẩm này luôn. Nhưng với những sản phẩm có tính chất đại trà hơn, các công ty ngoài quân đội trở thành đối tác phụ để nhập. Cái này nhằm chống “tình báo” nước ngoài phát hiện ra toàn bộ khả năng quân sự quốc gia. Vậy nên những công ty này có thể nhận được đãi ngộ tốt hơn hoặc ưu tiên hơn về mặt chính sách so với những công ty khác.
Cuối cùng, mình từng làm nghiên cứu ở Sứ quán Hàn Quốc:
Một trong những thứ mình phải làm hàng tháng là báo cáo về tình hình Bắc Hàn. Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa giống Bắc Hàn, mình lại là người Việt nên có thể tự do đi lại ở các quán Bắc Hàn và ngồi nghe. Vì thế mình được tin tưởng giao nhiệm vụ này. Thực ra cũng chẳng bí mật gì vì mình không còn làm đó nữa.
Nhìn chung, việc các sứ quán ở nước bạn nghe ngóng thông tin về một nước thứ ba tại nước bạn là rất phổ biến và mình tin rằng nó không chỉ đặc biệt với sứ quán Hàn.
Như các bạn thấy đó chính cái đoạn công ty/ tổ chức làm kinh tế đi làm quốc phòng và nghe ngóng thông tin một cách khéo léo là góc khuất mà rất ít người nói của Quan hệ quốc tế. Nếu nhìn góc khuất à những góc này thì thực ra bạn sẽ thấy việc làm con ông cháu cha sẽ rất thuận lợi để mà khéo léo sử dụng quan hệ cũ và tạo thêm quan hệ mới lợi thế cho mình.
NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO VÀ HỌC GÌ ĐỂ LÀM QUAN HỆ QUỐC TẾ TỪ GÓC NHÌN XƯA VÀ NAY:
Ngày xưa người biết tiếng ít biết tiếng nên cứ có tiếng là gần như chắc một chân vào Bộ (xưa xưa lắm) và sứ quán (hơi xưa xưa). Nhưng giờ người biết tiếng rất nhiều nên cánh cửa đấy hẹp lại. Giờ tiếng Anh và tiếng Trung gần như là cơ bản. Tiếng Nhật, Tiếng Đức, Tiếng Tây Ban Nha, Tiếng Nga, Tiếng Pháp giờ cũng nhiều người biết. Mình nhớ năm 2011, có một bạn mình biết vì học tiếng Bồ Đào Nha mà ra trường một cái bập vào sứ quán Brazil lương cao chót vót. Nhưng chỉ hai năm sau, em bạn ấy cũng học tiếng Bồ thì không tìm được việc. Vậy nên nếu chỉ có tiếng thì giờ chắc học tiếng Ả Rập may ra mới có cửa việc tốt. Nếu không thì các bạn phải có chuyên môn sâu hơn về một cái gì đó khác.
Khác này không phải cứ đi học Quan hệ Quốc tế thì là sẽ có việc Quan hệ Quốc tế:
Vì đặc thù ngành Quan hệ Quốc tế dính nhiều đến Quốc phòng nên nhập ngũ đi ra từ sĩ quan quốc phòng hoặc công an ra thì tốt hơn đấy. Ở Việt Nam, bộ quốc phòng có bộ đội chiến đấu và bộ đội làm kinh tế. Có thể nhiều bạn không biết nhưng bộ đội làm kinh tế thì sẽ khó lên cao ở bộ quốc phòng vì bộ đội chiến đấu mới là người thực sự đổ máu bảo vệ tổ quốc. Vậy nên nếu bạn lên bằng đường chiến đấu cũng được nha.
Báo chí tuyên truyền và chính trị: Nhưng nếu học ngành này thì không chỉ học mà còn phải học đến xuất thần nhập hóa, vừa viết vừa quan hệ với Ban Tuyên giáo Trung ương rồi cố gắng vào Đảng từ sớm thì con đường mới thuận lợi
Cuối cùng là Kinh tế mà phải là nghiên cứu kinh tế có đề án nghiên cứu đàng hoàng và liên quan đến chính sách. Vì sứ quán hay bộ đều cần nghiên cứu chính sách cả.
Cơ mà kể cả học Quốc phòng thì không có quan hệ nhiều khi cũng sẽ không leo được đến tầm cao của Quan hệ Quốc tế mà chỉ ở tầng Kinh tế xã hội thôi.
Thế còn làm Quan hệ Quốc tế ở nước ngoài thì sao?
Tầng kinh tế xã hội thì OK thôi, không vấn đề gì cả. Bạn mình cũng rất nhiều bạn tốt nghiệp Ngoại giao rồi ra làm cho UN, phi chính phủ, rồi từ đó lên các vị trí nghiên cứu quốc tế hơn ở World Bank, IMF, vân vân mây mây.
Tầng quốc phòng và quan điểm quốc gia thì cực kì khó vì như Mỹ chẳng hạn, nếu không sinh ra ở Mỹ thì không thể làm Người phát ngôn Nhà Trắng hay một số vị trí trọng yếu của Ngoại giao.
Vậy nên nếu lên đến tầm cao, thì gần như lý lịch của bạn dù ở nước nào cũng bị kiểm và nếu nhà bạn có truyền thống Ngoại giao thì nó là điểm cộng cộng cộng vài lần.
Còn nếu bạn không phải là người nước sở tại thì đi lên theo con đường nghiên cứu học thuật hoặc bạn đã từng tham gia vào một vấn đề quốc phòng nào đó của nước bạn (Việt Nam) mà nước sở tại hứng thú cũng là một điểm sáng lớn.
Những người như thế nào thì hợp làm Quan hệ Quốc tế:
Người giỏi quan hệ từ quan hệ cấp cao đến đầu đường ngoài phố. Mọi người hay nói lúc trẻ con thì biết thế nào là giỏi quan hệ hay không. Nhưng thực ra nếu một bạn học cấp ba mà “tứ hải giai huynh đệ” chơi thật lòng được với 20 người mà không phải ở trong trường mình hay lớp mình thì đó là một dấu hiệu lớn.
Người từng làm trong quốc phòng hoặc một mảng lõi quốc phòng dù không trong bộ. Mỹ thì thấy toàn các anh nghỉ quân đội thì chuyển sang học quan hệ Quốc tế vì họ hiểu lợi ích quốc gia hơn ai hết, họ cũng từng đi nhiều nước, quan hệ nước ngoài nhiều.
Và một lần nữa con ông cháu cha. Từ bé đã đi khắp nơi, nói nhiều thứ tiếng và được đối tác nước ngoài biết là con cháu của đối tác họ.
Vậy nếu không có những điểm trên thì leo thế nào?
Thì cứ từ phi chính phủ, phi lợi nhuận và kinh tế xã hội mà sang, nhưng mà mon men những dự án lợi ích quốc gia để nhảy vào. Cứ như thế thì dần dần sẽ dính đến quốc phòng và quan điểm quốc gia và chuyển sang quan hệ quốc tế được thôi.
Ngoài ra đọc nhiều, nghiên cứu sâu nhiều chủ đề từ chính trị, giáo dục, xã hội, tâm lý học, kinh tế, nghệ thuật cũng cực kì cần thiết. Những kiến thức này giúp bạn nói chuyện được với nhiều dạng người ở bất cứ đâu và từ đó bước chân vào lĩnh vực ngoại giao dựa trên cách làm như cái câu chuyện cười đầu bài.
Cuối cùng, nếu quan hệ không quá tốt thì nghiên cứu khoa học cực kì tốt và tập trung vào các lĩnh vực ngoại giao kinh tế cũng sẽ đưa bạn được đến những nơi bạn cần đó.
MÌNH CÓ CON ÔNG CHÁU CHA KHÔNG?
Nói không phải thì hơi sai sai mà nói phải thì cũng không đúng. Nhà mình không có ai làm trong bộ ngoại giao nhưng bố mình và một vài bác họ của mình là sĩ quan quân đội. Thực sự là gặp thời khi đúng dự án hợp tác quốc phòng Việt Hàn đổ xuống đầu. Và tuy mình không dùng quan hệ của bố mình để làm dự án đó thì việc lớn lên trong gia đình quân đội từ nhỏ giúp mình tiếp cận với các đối tác quốc phòng tốt hơn.
Mình vẫn còn nhớ hồi đó một ngày đẹp trời mình về hỏi cụ: “Bố có biết anh LD không?” Bố mình trợn tròn mắt lên hỏi: “Bạn cũ của bố, chồng cô giáo tiếng anh của con đấy.” Mình cười cười trả lời: “Ồi, quan hệ công việc, gọi anh tất.”
Cuối cùng, mình thích làm quan hệ quốc tế có lẽ là vì thi thoảng nó cũng cho mình cảm giác rất giống “điệp viên” dù thực sự là mình không đủ trình cũng chẳng đủ gan.
Mình viết bài này cho các bạn cũng là một dạng quan hệ quốc tế. Có rất nhiều dự án mình làm không thể gọi tên. Mỗi từ viết xuống đều đã cân nhắc vài chục lần để không ảnh hưởng lợi ích của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Vậy nên, nếu không phải là người tỉ mẩn cẩn thận và cực kì có tổ chức thì không nên làm nghề này đâu nhỉ.
Comments