top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Muốn đọc nhanh nhớ lâu thì đừng tập chạy trước khi biết bò

Rất nhiều bạn bình luận cũng như nhắn tin hỏi mình về các kĩ thuật cũng như mánh đọc nhanh. Tốc độ đọc của mình quả thực rất nhanh, nó rơi vào khoảng 100 trang A4, Times New Roman, cỡ chữ 10, cách dòng đơn, cách lề chuẩn trong một giờ. Để dễ hình dung thì một trang như vậy có khoảng 600 đến 610 chữ. Nếu các bạn chịu khó quy đổi một chút thì mình đọc và hiểu khoảng hơn 1000 chữ 1 phút, trong khi tốc độ đọc trung bình 250 chữ 1 phút.

Có bạn hỏi mình đọc như thế liệu có nhớ được không? Thì mình nhớ được khoảng 80% đổ lên những thứ chạy qua đầu với tốc độ như vậy dù là đọc báo, sách, hay tài liệu chuyên ngành khá khó. Vậy rốt cục mình đã làm như thế nào để LƯU TRỮ KIẾN THỨC HIỆU QUẢ KHI ĐỌC TỐC ĐỘ CAO?

BÍ MẬT NẰM Ở PHẦN LUYỆN CƠ NÃO QUA HÀNH ĐỘNG ĐỌC, VIẾT, MỤC LỤC HÓA VÀ LẠI VIẾT: Nhiều bạn nói bản thân đọc rất nhiều nhưng ghi nhớ chẳng bao nhiêu và cũng không áp dụng được mấy:

  • Khi bạn đọc một thứ ngay lúc đó có thể cảm thấy rất hừng hực, liên tưởng được nhiều. Lúc này nội dung sách mới được đưa vào phần trí nhớ ngắn hạn của não

  • Lúc bạn đi ngủ, não mới bắt đầu chuyển những nội dung mà bạn liên tưởng được nhiều nhất với kinh nghiệm và cuộc sống mà bạn đang có vào phần trí nhớ dài hạn hơn.

  • Những kiến thức quá mới và bạn không liên tưởng được nhiều sẽ bị não quăng vô sọt rác. Đây cũng chính là lý do tại sao nhớ những thứ quá mới mẻ mà bạn không quá thích lại rất khó.

Tất nhiên mình đã đơn giản hóa quy trình ghi nhớ ở đây rất nhiều nhưng tổng chung khi não bạn không có thói quen cũng như quy trình để ghi nhớ kiến thức mới thì câu chuyện sẽ luôn làđọc thì cứ đọc mà quên thì cứ quên”

Cách thứ nhất để tạo quy trình ghi nhớ cho não là VIẾT:

  • Khi mới tập đọc, bất cứ bài nào mình đọc xong thì ngay khi đọc xong nó, mình sẽ bỏ ra một bên và viết xuống một đoạn 10 câu về cách hiểu của mình về bài hoặc chương sách vừa đọc.

  • Sau khi việc xuống thì mình lại đọc lại bài một lần nữa xem mình có sót gì cần nhớ không, và lúc này mình mới bổ sung thêm.

Việc viết thay vì dùng bút highlight này giúp gì cho bạn:

  • Thực ra mình khá phản đối việc gạch chân hay dùng bút highlight khi đọc. Lý do nho nhỏ của mình là bẩn sách khó chịu.

  • Lý do lớn hơn của mình là highlight thực ra là một động tác lười. Khi bạn highlight bạn tạo thói quen cho não là, lần sau chỉ lật ra đúng trang đấy là đọc đúng màu này, không cần nhớ.

  • Ngược lại khi không dùng bút highlight mà bỏ sách sang một bên, tự viết lại, bạn tạo thói quen rằng não phải nghĩ để tự tổng hợp cái não hiểu, và viết xuống theo ý hiểu của mình.

  • Cái này không chỉ giúp chuyển phần kiến thức vừa đọc vào phần kiến thức dài hạn hơn mà khi bạn viết như thế đủ nhiều trong thời gian dài (1 2 năm), kể cả khi bạn đọc mà không viết nữa thì khi bạn đặt sách xuống, não cũng sẽ tự động thành thói quen tổng hợp lại những cái bạn vừa đọc và chuyển nó sang bộ phận kiến thức khác.

Cách tiếp theo để tạo thói quen mới cho não là MỤC LỤC HÓA:

  • Khi mới bắt đầu tập đọc, cứ khi mình đọc được 3 đến 5 bài là mình dừng lại rồi tổng hợp xem 3 đến 5 bài này có gì giống và khác nhau.

  • Mình dùng phần viết 10 câu như đã kể với các bạn ở trên để so sánh các bài trước. Sau đó mình viết 1 bản 10 câu nói về giống nhau ở chỗ nào. Kẻ 1 cái bảng 3 đến 5 cột xem khác nhau chỗ nào.

  • Sau đó mình đọc lại 3 đến 5 bài đó 1 lượt rồi bổ sung cho cái bảng này.

  • Mình lại viết thêm 1 đoạn 10 câu nữa là bài A dựa trên bài B ở điểm nào, bài C giống hệt bài D ở điểm nào.

  • Mình gọi cái này là Mục lục hóa vì nó giúp bạn thay vì phải nhớ 10 bài đọc riêng biệt, thì nhớ 10 ý xuyên suốt các bài đọc. Cũng giống như 1 cái mục lục, bạn mở ra sẽ biết được bạn muốn đọc thêm về một chủ đề thì tìm ở trang nào, bài nào.

Mục lục hóa không chỉ giúp bạn với 5 hay 10 bài đọc đó, mà còn giúp bạn về dài hạn

  • Hết 5 bài đọc đầu tiên, khi bạn đọc mỗi bài tiếp theo, tự não sẽ hình thành thói quen đối chiếu Mục lục.

  • Não sẽ so xem là bài bạn vừa đọc có ứng với mục lục không, giống, khác thế nào. Và tự động mục lục thêm cho bạn.

  • Cứ cách 3 đến 5 bài đọc bạn mục lục hóa một lần thì bạn lại cập nhật mục lục trước đó của bạn. Nếu bạn làm thói quen mục lục này đủ nhiều (1 đến 2 năm), thì não bạn sẽ có một hệ thống mục lúc giống như một cây đại thụ đã phát triển, và mỗi khi bạn đọc bài mới nó sẽ tự lưu vào đúng tệp mà bạn cần ghi nhớ nó.

  • Ngoài ra, nó giúp não hình thành tư duy chéo khi đọc. Bạn đọc một bài, nhưng nó sẽ liên hệ ngay được với bài khác không chỉ bài bạn đã đọc mà những bài bạn đang và sắp đọc. Nó tạo hẳn thành một mảng kiến thức chứ không còn là bài đọc nữa.

Sau đó là LẠI VIẾT:

  • Nhưng lần này là viết cho người khác đọc. 3 đến 5 tháng đầu khi tập đọc có lẽ sẽ hơi khó viết một chút vì bạn chưa đủ kiến thức.

  • Khi viết cho người khác đọc bạn phải tổng hợp lại những kiến thức bạn đã đọc rất nhiều lần. Đây là lúc bạn chủ động loại ra những cái bạn thấy cần thiết phải giữ và những cái có thể quăng đi.

  • Bạn có thể nhìn lại tất cả các bản viết và mục lục hóa của mình trong lần viết này, và nghĩ làm sao để tạo ra một cấu trúc hiệu quả hơn để chuyển tải nội dung đến người đọc.

  • Cấu trúc này sẽ giúp não hình thành một cấu trúc hoàn toàn mới để não ghi nhớ hơn trong não. Lần lại viết này giúp bạn bỏ đi những thói quen ghi nhớ không hiệu quả chỉ lưu giữ lại mạch hiệu quả nhất thôi.

Rất nhiều bạn hỏi tại sao mình viết nhiều, dài, có tổ chức và đều đặn cho người đọc đến vậy. Thực ra đây chính là cách để mình hệ thống lại những cái mình biết.

  • Gần đây mình viết trên Scholarship Hunter rất nhiều và nó giúp mình hệ thống lại tất cả những thông tin mình biết về học bổng, xin việc, hay những ngành mình từng làm (ví dụ: Quan hệ quốc tế/ ngoại giao)

  • Về chuyên ngành chuỗi cung ứng, trước đây mình viết rất nhiều blog chuyên ngành cũng cùng một lý do. Gần đây mình không viết nữa vì từ khi làm Tiến sĩ, việc chính của mình là viết không chỉ để tổng hợp mà còn để tạo ra kiến thức mới nên nó thành tự động hóa rồi.

  • Còn về bản thân mình và quan hệ với người khác, nhiều khi viết chính là để hiểu mình hơn.

Túm lại, đọc luôn đi liền với viết và mục lục hóa để bạn có thể ghi nhớ dài lâu và hiệu quả. VẬY CÒN ĐỌC NHANH THÌ SAO?

Trước khi tập chạy ta tập bò. Những bước ĐỌC, VIẾT, MỤC LỤC HÓALẠI VIẾT ở trên chính là bước “tập bò” trong việc đọc nhanh mà ghi nhớ nhiều.

  • Khi não đã có hệ thống mục lục tốt, não hình thành thói quen đọc một từ là lôi định nghĩa từ đó ở trong mục lục ra luôn, nên thời gian để bạn hiểu một từ nhanh hơn gấp nhiều lần (dù nó là một phần triệu triệu giây thì chỉ cần mấy trăm từ là bạn đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian)

  • Khi bạn có mục lục tốt, thì não cũng tự động hình thành thói quen ghi nhớ cho bạn dù bạn chỉ đọc qua một cái gì đó.

Sau đó thì bạn tăng tốc độ đọc:

  • 3 tháng đầu tiên mình đọc 1 đến 2 bài New York Times trong 1 giờ, sau đó là đơ chuyển sang viết. Mỗi ngày 1 giờ như thế.

  • 3 tháng tiếp theo mình bắt đầu ép bản thân lên 3 bài 1 giờ

  • Sau đó thì thậm chí mình ép theo tuần, 2 tuần 1 lần phải tăng số bài mình đọc lên dù chỉ nửa bài hay 1/4 bài cũng được.

Cứ như thế cộng thêm với hệ thống mục lục được cải thiện liên tục trong 10 NĂM thì mình vừa đọc nhanh vừa nhớ nhanh. Hiện tại mình đã không còn phải viết sau mỗi bài đọc, hay mục lục hóa bằng cách viết xuống nữa nên việc đọc của mình càng ít tốn thời gian mà mình nhớ vẫn lâu. Tuy nhiên vẫn thi thoảng mình viết những bài như thế này để dọn bộ nhớ cho thật tốt.

VUI VUI MỘT CHÚT THỰC RA NGUYÊN TẮC VẬN HÀNH VÀ GHI NHỚ CỦA MÁY TÍNH CŨNG NHƯ VẬY: Khi mình lưu file vào máy nó thường hay ở trong folder download:

  • Nhưng bạn nào muốn tìm file nhanh thì phải có hệ thống tổ chức tệp khá tốt thì mới tìm được những file mà đã cách cả 5 6 năm rồi chuyển máy tính vẫn tìm được. – Cái này tương đương với MỤC LỤC HÓA.

  • Tuy nhiên để tạo ra hệ thống file này ban đầu mất rất lâu, mà thi thoảng bạn lại phải dọn lại máy tính để tổ chức file lại một lần nữa – Cái này tương đương với LẠI VIẾT.

Với bạn nào học tin học đủ nhiều thì:

  • Bản thân máy tính với việc bạn lưu rồi xóa file, chuyển file liên tục cũng khiến ổ cứng của nó bị đứt đoạn “fragmented"

  • Nếu bạn muốn máy chạy tốt hơn thì người dùng phải chạy chức năng “tổ chức lại” của máy tính tức “disk defragmentation”.

Đến máy vô tri còn cần vậy, con người muốn đọc tốt hiểu tốt còn cần nhiều hơn thế. Vậy nên hãy tập đọc đúng các nha các bạn.

P.S.1: Mình rất hay sai chính tả vì não mình để ở nội dung, không ở chính tả

P.S.2: Một việc mình chắc chắn không thể làm được là vừa đọc sách vừa uống bia.

P.S.3: Thực ra cá nhân mình không nghĩ mình giỏi hơn mọi người nhiều đâu. Mình chỉ áp dụng triệt để và rất kỉ luật "Neuro-linguistic Programming" hay còn gọi là "lập trình ngôn ngữ tư duy" cho học tập và làm việc thôi


461 views0 comments
bottom of page