top of page
Writer's pictureThu Hoang

Lịch sử, Chiến tranh, Tâm lý, Mối quan hệ Việt - Hàn - Mỹ và một vài biện luận mở rộng



Mấy hôm rồi mình khá ngạc nhiên và cũng rất vui vẻ khi đọc được bình luận của một em gái viết về cách nhìn nhận khác nhau của người Hàn và người Việt hiện đại về việc lính Hàn Quốc từng thảm sát người Việt trong chiến tranh Việt Nam:

  • Phía Việt Nam khi bạn này tìm đọc thì thấy những bi thương chiến tranh khi lính Hàn hành hạ và giết hại cả phụ nữ và trẻ em.

  • Phía Hàn Quốc thì họ vẫn được giáo dục là Hàn là đồng minh của Mỹ. Họ là một dân tộc hiền lành và chỉ giúp Mỹ chống chế độ Cộng sản mà họ tin chắc rằng "độc tài và tai hại."

  • Bạn gái này cũng có nêu là Hàn có xin lỗi Việt Nam nhưng mà Việt Nam lòng tự tôn cao sao đó, không nhận. Còn bản thân bạn thì rất buồn vì không hiểu sao một đất nước phát triển như Hàn Quốc lại "tô hồng" tội ác chiến tranh như vậy.

Mình vui khi đọc được bình luận này. Có lúc mình đã nghĩ không hiểu các bạn trẻ bây giờ mê đắm nhạc Hàn, phim Hàn, nhiều người đến mức điên dại, thì các bạn có từng biết về một quá khứ đau thương như thế không?


THẢM SÁT NGƯỜI VIỆT CỦA LÍNH HÀN QUỐC TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM THÌ THỰC SỰ THẢM KHỐC:

Lính đánh thuê Hàn không giúp Mỹ như một đồng minh mà là vì quá nghèo được thuê để đánh. Và trong quá trình đó giết người, cưỡng hiếp, thậm chí ăn thịt người là có thật.

  • Nói về tâm lý một chút thì có một thí nghiệm tại Stanford nói về bản chất con người khi được trao quyền lực trong tay thì chỉ cần một khuyến khích nhỏ sẽ trở nên rất độc ác. Những người tham gia thí nghiệm đều là những người bình thường nhưng họ được đưa vào môi trường mô phỏng như nhà tù. Họ chỉ được bên nghiên cứu yêu cầu là tù nhân làm sai thì phải phạt. Vậy là ban đầu hình phạt rất nhẹ nhưng khi bên nghiên cứu tiếp tục lập lại rằng sai phải phạt thì họ phạt nặng dần lên. Kể cả khi bên nghiên cứu không yêu cầu thế nữa thì họ vẫn phạt và còn có vẻ thích thú.

  • Lính Hàn hồi đó cũng thế. Họ được "trao quyền" để đi đánh thứ mà họ tin là "độc tài," họ đã tận dụng hết quyền lực của mình. Và trong cơn đắm say với quyền sinh sát mà họ được trao, họ không ý thức được là việc làm hại đến phụ nữ và trẻ em (dù những người này liên quan đến các thành viên Đảng Cộng sản) là độc ác. Đặc biệt, khi họ ở xa gia đình (giá trị gia đình) và hòa mình vào không khí chiến tranh, thì những việc đó được não đánh tiêu chuẩn bình thường.

  • Chỉ khi chiến tranh qua đi. Những người lính này trở về với cuộc sống. Họ bắt đầu dùng chính giá trị gia đình để nhìn lại hành động của bản thân thì họ mới cảm thấy tội lỗi thậm chí là phát điên về những hành động trong quá khứ. Cũng bởi vậy, những người lính trở về sau chiến tranh của bất cứ quốc gia nào đều cần điều trị sang chấn hậu sốc (PTSD) để tái hòa nhập cộng đồng.

Thực ra điều này rất song song với thí nghiệm của Stanford bởi vì sau thí nghiệm đó, dù người đóng vai tù nhân, hay đóng vai quản giáo thì họ cũng bị sang chấn nặng nề. Tù nhân thì ám ảnh bới những điều ác họ đã chịu đựng, còn quản giáo thì có hối hận không sao sửa được, cảm giác quỷ dữ đã xâm nhập họ. Chiến tranh thực sự là vậy, dù thằng hay thua, dù hại hay bị hại thì đều có những sang chấn tâm lý này.


Về phần những nhà nghiên cứu tại Stanford, sau khi nhìn thấy hậu quả sang chấn trong tâm lý do thí nghiệm khoa học, họ trở thành những nhà vận động mạnh nhất cho việc xét duyệt thí nghiệm có yếu tố con người để đảm bảo rằng người tham gia thí nghiệm sẽ không trở thành “nạn nhân” khoa học. Nhưng đây là một vấn đề dài khác phải bàn và cũng không thuộc phạm vi “chiến tranh” mà chúng ta đang nói tới.


QUAY LẠI VIỆC NHỮNG NGƯỜI LÍNH NAM TRIỀU TRỞ VỀ VÀ SỐC VỀ CHÍNH HÀNH ĐỘNG CỦA MÌNH TRONG CHIẾN TRANH, TẠI SAO CHÍNH PHỦ HÀN LẠI VẪN GỌI HỌ LÀ ANH HÙNG:

Thực tế, trước chiến tranh Việt Nam, Hàn Quốc vô cùng nghèo đói. Phần tiền đi đánh thuê sau khi trở về không được trả cho những người lính mà được cố Tổng thống Park lúc đó giữ lại để tái kiến thiết đất nước:

  • Trước xã hội Hàn hiện đại tự do bây giờ là một xã hội lao động tập trung để kiến thiết công nghiệp nước nhà.

  • Đàn ông Hàn hàng ngày làm 15 16 tiếng và chỉ được cho ăn chứ đồng lương là tối thiểu. Cứ như vậy đến 20 năm trời, nền công nghiệp Hàn đã phát triển chóng mặt. Lúc đó xã hội mới tự do hơn.

Vậy nên, xét cho cùng đồng tiền và sức lao động của những người lính Hàn sau chiến tranh Việt Nam chính là những viên gạch ban đầu để xây nên Hàn Quốc hiện tại. Đối với người Hàn, họ thực sự là anh hùng.


Còn từ vị thế một quốc gia mà nói khi đất nước phát triển, thế hệ trẻ có điều kiện tốt hơn, liệu có đất nước nào muốn nói cho thế hệ trẻ của họ rằng: “Đất nước hiện đại của chúng ta được xây nên từ tội ác?” Vậy nên, việc để yên cho những người hùng làm người hung là hoàn toàn có thể hiểu.


CÒN VIỆT NAM TẠI SAO LẠI KHÔNG NHẬN LỜI XIN LỖI CỦA HÀN QUỐC?

Cách xin lỗi của Hàn Quốc là tặng cho Việt Nam một bức tượng kỉ niệm. Còn về bản chất, họ sẽ không đi viết lại cách họ dạy lịch sử này trong chương trình giáo dục bởi vì nó sẽ làm rối loạn nhận thức của giới trẻ về quốc gia đang ổn định và phát triển của họ:

  • Xin lỗi bằng bức tượng thực ra là có tiếng chứ không có miếng. Vậy nếu nhận như vậy coi như Việt Nam xí xóa toàn bộ lỗi lầm chiến tranh của Hàn mà chả được lợi ích gì.

  • Thà rằng không nhận. Hàn nợ Việt Nam một ân tình không xóa nổi thì quan hệ về giao thương cũng như quốc phòng sẽ ổn hơn

Hơn nữa, về mặt chính trị, Việt Nam muốn nhận lời xin lỗi này cũng sẽ rất kẹt:

  • Thể chế chính trị của Việt Nam là xã hội chủ nghĩa, gần nhất với thể chế của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

  • Nếu Việt Nam nhận lời xin lỗi của Hàn Quốc, đôi khi sự nhận cũng sẽ được hiểu là Việt Nam mở hướng đồng minh với các nước đồng minh Mỹ. Việt Nam thì nằm ngay cạnh Trung Quốc lại toàn dưới hạ lưu sông từ Trung Quốc chảy sang. Nếu làm như vậy thì nguy cơ chiến tranh cực kì cao mà Việt Nam lại là nước nhỏ.

Vậy nên xét cho cùng, không nhận lời xin lỗi thì ngoài mặt Trung Quốc và Triều Tiên không đưa Việt Nam lên làm tầm ngắm được. Và những lý do trên cũng chính là những lý do Việt Nam không thể đường hoàng công khai kí hợp đồng quốc phòng với Mỹ, thế nhưng vẫn cho tàu Mỹ vào đổ xăng ở Cam Ranh.

Vòng vèo một hồi để hợp tác được với Mỹ mà không bị Trung Quốc đánh, Việt Nam cũng vẫn phải nhờ Hàn Quốc để nhập vũ khí hệ Mỹ, cung ứng hàng cho quân đội liên quan đến Mỹ trong khu vực, và phòng trừ căng thẳng khu vực biển Đông. Nhìn chung, tội gì mà phải nhận một lời xin lỗi xuông cho nó khổ thân.


LẠI NÓI NGƯỜI MỸ NGHĨ GÌ VỀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM?

Mẹ mình mới sang chơi. Hàng xóm nhà mình lại là cựu binh Mỹ. Cụ biết mẹ mình ở Việt Nam sang, cụ mới ân cần hỏi: “Giờ cuộc sống ở Việt Nam đã khá hơn chưa? Năm đó bọn tôi vào là để giúp các bạn khỏi bị đô hộ bởi chế độ độc tài? Giờ đời sống thế nào?”

Mình và mẹ cũng không tranh cãi, chỉ nói là: “Thực ra Việt Nam giờ kinh tế rất phát triển.” Cụ gật gù: “Thế hi vọng là bọn tao thực sự đã làm được một việc tốt.”

Chiến tranh đã qua đi chưa lâu trước đây, nhưng thế hệ trẻ đã không còn cảm nhận nhiều về dấu vết của nó nữa. Còn những người đã từng tham gia cuộc chiến tranh ấy, họ cũng có tổn thương, có nỗi đau, việc tranh luận ai đúng ai sai chưa chắc đã làm dịu nỗi đau của bên nào.


Thế nhưng có những lúc đúng sai lại rất quan trọng, nhưng thế hệ trẻ của Việt Nam thì có phần quên mất điều đó:

  • Thực ra đại học Fulbright đã có thể mở sớm hơn rất nhiều khi lúc đó Mỹ cử một cựu binh Việt Nam sang làm trưởng dự án.

  • Thế nhưng cựu binh này lại từng tham gia một cuộc thảm sát đình đám trong chiến tranh Việt Nam. Vậy nên, đợt đó Việt Nam nảy lên một cuộc tranh cãi rất lớn. Thế hệ cũ thì nói không thể để một người đại gian đại ác lên xây dựng đại học kiểu mới được. Thế hệ mới thì nói chiến tranh đã qua lâu rồi.

  • Mình đợt đó (vẫn thuộc thế hệ mới lớn lên trong hòa bình) cũng nhiều lời một chút. Mình đã nói: “Tội ác chiến tranh của rất nhiều cựu binh Đức quốc xã sau Thế chiến thứ 2 bị Mỹ lôi ra xử hết. Việt Nam không đòi lôi ra xử cựu binh Mỹ thì cũng không sao nhưng nếu nói lên để làm việc quan trọng và xí xóa tội ác thì không thể.

Thực ra, Mỹ cũng chưa chắc đã xét xử hết cựu binh Đức Quốc xã đâu. Mỹ vì muốn có công nghệ tên lửa và vũ trụ đã lôi một thành viên Đảng Phát xít về làm tiền đề cho NASA và có tin đồn rằng ông này từng bóc lột người Do Thái trong trại sản xuất một cách dã man. Tất nhiên Mỹ làm thế là vì lợi ích quốc gia và ca của ông này cũng được lấy làm tiền đề cho loại visa định cư mang lợi ích quốc gia sau này của Mỹ đấy. Tất nhiên, đó lại là một chủ đề khác rồi.


NHÌN CHUNG… NẾU BÀN MỞ RỘNG RA MÀ NÓI…

Lịch sử, chính trị và chính sách quốc gia luôn luôn là những cái liên quan đến nhau và nhuốm màu lợi ích riêng hoặc góc nhìn nhóm của từng quốc gia. Thật sự dây mơ rễ má không phải ai cũng nhìn hết được. Bản thân mình cũng thấy mình chỉ hiểu được một phần. Vậy nên các bạn bàn luận thì cũng tốt nhưng đừng quá tập trung vào đúng sai. Nếu các bạn có thể hiểu được để thấy những góc nhìn khác nhau, để mình không cảm thấy tức giận, cay cú hoặc buồn bã, khi lắng nghe các bạn quốc tế, thì các bạn đã học được rất nhiều rồi.


Còn những chủ đề nhân quyền trong nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc phòng và visa định cư về lợi ích quốc gia thì luôn là những đầu mối để các bạn tìm thêm kiến thức đấy. Bài tập về nhà của các bạn là: Tìm thử để rõ các tên riêng của tất cả các sự kiện và con người mà mình vừa nói trong bài nhé.


Chúc các bạn có một mùa hè nhiều kiến thức.


PS: Bạn nào vẫn còn muốn nói về chính trị công khai thì nên xem "For all Mankind" nhé. Phim giả định là Nga đã đặt chân lên mặt trăng trước nhưng mà những mốc sự kiện cũng như những mặt chính trị liên quan khác lại trùng với khá nhiều lịch sử và giả thuyết đương đại. Phim mượn giả định là để tất cả những tình tiết trong phim chỉ là chính trị giả định chứ không ai có thể nói là họ xuyên tạc hay có mục đích chính trị nào khác được. Nói cho cùng, đã nói chuyện chính trị thì dù dân chủ đến đâu vẫn nên khéo léo và một vừa hai phải thôi.

28 views0 comments

Comments


bottom of page