top of page
Writer's pictureThu Hoang

Khi đam mê không về qua đây...

Nếu bạn hỏi những tỉ phú nổi tiếng thế giới như Bill Gates, Jeff Bezos, Steve Jobs, Mark Zuckerberg, Elon Musk hay Larry Page về bí quyết thành công của họ thì hầu hết họ sẽ trả lời là đam mê.


Thế nhưng nếu bạn ngẫm kĩ, thì ngoài đam mê ra, liệu họ có thể trả lời cái gì khác được?

  • "Bí quyết của tôi là thông minh hơn người" Ồ rõ ràng là sáng tạo ra những thứ như Google, Facebook, điện thoại thông minh, xe điện tự lái hay cả tàu vũ trụ thì IQ chắc phải trên trung bình khá là rất nhiều. Nhưng trả lời như thế có vẻ như hạ thấp người khác nên chắc chắn là không được.

  • "Bí quyết của tôi là may mắn" Ừm, cái này thì biết đâu chỉ mình may mắn thôi nhỉ, với cả nói như thế lại hơi hạ thấp nỗ lực bản thân. Cân nhắc lồng cái này vào đâu đó thôi.

Nhìn đi nhìn lại, chắc chỉ có mỗi đam mê là câu trả lời hợp lý nhất thôi. Đam mê là thứ ai cũng có thể có hoặc cố tìm. Trả lời như thế sẽ khiến người khác cảm thấy bản thân họ cũng có thể làm được mà lại không đánh giá thấp năng lực của "tỉ phú" như mình.

Thế nên đam mê chưa chắc đã là câu trả lời thật. Nó chỉ đơn giản là một khái niệm không ai trách cứ được mà thôi.


CHUYỆN THỨ NHẤT

Em mình luôn đam mê hội họa. Nó chiến nhau với cả gia đình, bỏ trường luật, nghỉ một năm ôn thi Mỹ thuật Yết Kiêu, và thậm chí tự kiếm tiền ra ở riêng chỉ để theo ngành nó muốn. Giờ nó gần tốt nghiệp rồi thì có hôm lại ngồi tâm sự với mình: "Giờ em lại chỉ muốn an ổn làm giáo viên tiếng Anh. Vẽ lấy làm sở thích thôi chị. Đủ tiền mua khung tranh rồi màu dầu, tự mình vẽ tự mình hưởng cũng có cái thú riêng." Mình chỉ cười cười. Mấy năm nay nó vừa dạy tiếng Anh vừa vẽ thuê quốc tế kiếm tiền đủ mua nhà trả góp. Hẳn không phải vì kém mà đổi hẳn đam mê đâu nhỉ?


CHUYỆN THỨ HAI

Sang chuyện ở cơ quan, một thực tập của mình hồi 20 tuổi rất si mê "tư vấn doanh nghiệp" và nói với mình là: "Về sau em cũng chỉ thích làm tư vấn như chị, cảm thấy bản thân giúp ích được cho rất nhiều doanh nghiệp, rất ý nghĩa." Mình không nói gì. Chỉ mấy năm sau, khi bé đang rất thành công trong nghề tư vấn thì bé lại thỏ thẻ gọi mình: "Chị ơi, chị có nhớ hồi xưa tại sao em thích làm tư vấn không chị? Em dạo này cảm thấy chẳng ý nghĩa gì cả. Cuộc sống sặc mùi tiền." Sau đó không lâu, bé quyết tâm chuyển hẳn ngành, cũng thành công vô cùng rực rỡ, mua xong nhà và đinh cư Anh rồi. Bé này thì chắc chắn không phải kém.


CHUYỆN THỨ BA

Chuyện thiên hạ thì sao? Hồi mình còn trẻ trẻ hơn chút, mình rất thích xem kênh YouTube của Ryan Higa hay Niga Higa. Có thể nói Ryan là một trong những nhân vật đình đám đầu tiên của YouTube với khối tài sản khoảng 16 đến 18 triệu USD. Cho đến tận 2019, mỗi video của kênh này vẫn có tối thiểu là 5 triệu lượt xem. Nhưng đột nhiên Ryan biến mất.


Mình tìm hiểu lý do thì phát hiện, Ryan thực ra vẫn đăng video chơi game trực tuyến hàng ngày trên HigaTV chỉ là bạn ấy không làm những video ngắn mà mọi người vẫn đê mê nữa. Trong một buổi phỏng vấn trực tuyến, Ryan đã thổ lộ là nhiều năm làm video giải trí, bạn ấy đã kiệt sức và cảm giác mất đi đam mê khi có trách nhiệm làm video để tăng lượt xem và kiếm tiền.


Hầu hết người trong nhóm của Ryan Higa đã giải nghệ hoàn toàn. Sean Fujiyoshi thậm chí lấy lý do chăm sóc vợ để nghỉ và tập trung vào công việc chính là làm... KỸ SƯ. Những người từng đam mê như vậy, vẫn thành công như vậy, mà đột ngột chuyển đổi là vì sao?


CHUYỆN THỨ TƯ

Steve Jobs có rất nhiều câu nói nổi tiếng, trong đó mình nhớ kĩ một câu:

"People with passion can change the world for the better" hay "Những người có đam mê sẽ thay đổi thế giới hướng tới điều tốt đẹp hơn"


Bản thân Steve luôn đam mê việc tạo ra những loại thiết bị có thể giao tiếp và thay đổi thói quen của con người. Khác với Bill Gates, Steve không muốn tạo ra một môi trường Window chỉ là công cụ cho con người. Steve muốn tạo ra một môi trường khác, một hệ suy nghĩ khác, và Steve thực sự đã làm được.


Thế nhưng nếu nói cả đời Steve đều theo đuổi đam mê thì mình lại không thấy vậy:

  • Năm 1985, Steve Jobs bị đuổi khỏi Apple

  • Lúc đó, ông đã thành lập NeXT là một nhãn hàng máy tính công cụ cho giáo dục đại học và kinh doanh. Đáng sợ là ở chỗ NeXT không có tính năng gì quá mới, nó chỉ đơn giản là sao chép các tính năng các máy tính Window khác và thắng nhờ marketing.

  • Tất nhiên, Steve Jobs đã không thể làm được thế nếu không có sự trợ giúp từ Bill Gates. Lúc thất thế, Steve phải gạt đi sự tự cao "cãi nhau một đời giữa Macintosh và Window" để hạ mình đi cầu cứu Bill cho có vốn.

Sự thành công của NeXT (một thứ Steve không hề đam mê) và khoản đầu tư có lời từ Pixar khiến Jobs trở thành tỉ phú và chứng minh được năng lực của mình với tư cách một nhà quản lý chứ không phải một nhà phát minh.

  • Chỉ lúc này, Jobs mới có thể quay lại Apple.

  • Và đương nhiên khi đã có tiền và thế lực, việc đầu tiên mà một người muốn làm sẽ là chứng minh cho những kẻ từng nói mình không làm được là mình chắc chắn sẽ làm được.

  • Lúc này mình nghĩ, đam mê chỉ là một phần rất nhỏ, sự hiếu thắng và quyền lực độc tài của Steve Jobs mới là thứ khiến Apple đồng lòng chạy theo một hướng thay vì cãi nhau như trước.

Tất nhiên mình sẽ không phủ nhận bộ não của một thiên tài chiến lược như Steve Jobs trong sự thành công hôm nay của Apple. Thế nhưng, đam mê thì mình không chắc là vậy.

  • Steve vẫn luôn là người quan sát cái thị trường cần rồi muốn tạo ra hệ sinh thái để cho mọi người dần thể hiện cái sự cần rồi phát triển thành muốn trong đó. Nếu đã là quan sát cái thị trường cần, thì không chắc hẳn đó là đam mê, đơn giản là bộ não rất phi thường mà thôi.

  • Lúc còn trẻ, Steve không thành công là vì Steve mới tạo ra công cụ mới mà nó chưa tương thích với những cái đang được dùng trong hệ sinh thái hiện tại. Steve cũng chưa đủ tiền hay năng lực để người khác tin tưởng vào một hệ sinh thái mới.

  • Sau này khi đã có đủ tiền và năng lực (rõ ràng vẫn không phải đam mê), Steve mới thuận đà dùng sự tin tưởng của mọi người để đẩy hẳn một hệ sinh thái Mac OS vào.

Tất cả những quyết định sau này của Steve, dù gắn mác đam mê nhưng thực ra toàn quyết định cân nhắc nguồn lực. Khi máy nghe nhạc của Sony với format mp3 thất bại vì các bên cung cấp nhạc chính thống sợ người khác tải nhạc lậu qua máy, Apple đã phát triển hệ sinh thái cho iPod:

  • Apple liên hệ với bên cung cấp nhạc chính thống trước, rồi bán nhạc qua iTunes.

  • Nhưng bản thân iPod ban đầu bán được cũng là vì Apple có cho tải nhạc lậu với tốc độ siêu chậm.

  • Về sau tải nhạc chậm quá, người dùng kêu mua cho rồi. Thế là Apple đưa thẳng người dùng vào hệ sinh thái.

Đam mê không? Chắc có, nhưng không chỉ là đam mê mà thực sự là đầu óc có sỏi thương trường mới làm được vậy. Còn kể cả có hết đam mê rồi, thì tô màu bức tranh như đúng ý người xem, ai mà chẳng thích.


VẬY ĐAM MÊ RỐT CỤC ĐỂ LÀM GÌ?

Có rất nhiều lời khuyên kiểu: "Hãy đi tìm đam mê của mình rồi bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong đời cả." Với mình lời khuyên này rất gây xì trét:

  • Còn nhỏ mình là một đứa rất nhạt nhẽo. Hỏi mình thích nhóm nhạc gì thì mình kêu Westlife, mà đầu tiên chủ yếu là nghe theo con bạn chứ không phải có gu gì cả.

  • Hỏi mình muốn làm gì thì mình kêu đại một nghề nào đó mà mẹ thích chứ cũng chẳng phải theo ý mình.

  • Hỏi mình tại sao tham gia một hoạt động từ thiện, môi trường, mình kêu là vì thích nhưng mà nếu trả lời cho đúng thì là vì bạn nào cũng tham gia, mình chạy xô theo cũng có nhiều người để buôn chuyện.

Thế nên cái việc phải có một đam mê nào đó để chạy theo cả đời, để định nghĩa bản thân là vô cùng căng thẳng. Chọn một môn để thích trong mấy năm cấp 3 hay mấy năm đại học đã là khó rồi nữa là đòi chọn một đam mê cả đời. Sao mà giống chọn chồng chọn vợ thế nhỉ?

Hơn nữa, một người hoàn toàn có thể đam mê những thứ chẳng kiếm ra tiền:

  • Nobita rất thích chơi dây. Nhưng chơi dây không kiếm tiền cho đến khi chui vào tủ điện thoại yêu cầu

  • Mình rất thích trượt patin nhưng kiếm tiền là nhờ bán giày patin chứ không phải trượt.

  • Sếp mình chơi dead metal, là loại nhạc khó có người nghe hiểu nhưng vẫn chơi. Ban ngày ảnh đi làm tài chính kiếm sống.

Thế nhưng, cuộc sống thì luôn cần tiền để sinh tồn. Vậy nên, đam mê thì cũng phải tính đường sống sót trước. Nếu sống sót đủ độ mà vẫn giữ đam mê, thì triển thôi.

Thêm nữa, đam mê là thứ vẫn còn luôn thay đổi. Một số người trong nhóm chắc từng nghe đến Khủng hoảng tuổi 25:

  • Khủng hoảng này chỉ việc công việc vẫn đang ổn định, bạn bè đầy dãy nhưng đột nhiên không biết cái mình làm có phải đúng hay không, có ý nghĩa hay không.

  • Hoặc ngay cả khủng hoảng tuổi trung niên 40 tuổi cũng thế thôi. Đột nhiên muốn làm một thứ khác.

Thật tình mà nói những khủng hoảng này mình đổ lỗi phần lớn tại đam mê. Thực ra mê cái gì một thời gian, mình nhìn nhiều góc cạnh hơn, mình cũng bị mất kích thích. Kể cả quan hệ vợ chồng đi, nhìn mãi một người cũng chán chứ (dù là nam hay nữ). Cái giữ được một sự nghiệp, một đam mê, hay một mối quan hệ lâu dài thực sự không phải là phần mê mà là phần tỉnh. Tỉnh ở chỗ trau dồi năng lực, tỉnh ở chỗ giữ gìn trách nhiệm chứ không phải chạy miết theo con tim của mình. Khi khủng hoảng, chỉ cần đừng tập trung vào cái mình thích, mà tập trung vào năng lực có thể trau dồi thêm, thì tự khi mình nghĩ thông sẽ có năng lực để làm nó (xem lại Steve Jobs). Đừng bao giờ lấy một thứ hay thay đổi như đam mê làm thước đo cuộc đời mình.


Cuối cùng, với mình, góc nhìn đam mê luôn là góc nhìn "lấy bản thân làm trung tâm thế giới." Khi bạn nhìn từ hướng đam mê, bạn sẽ rất suy nghĩ theo hướng tôi sẽ lấy được gì từ thế giới quanh mình:

  • Liệu ba mẹ có cho mình tiền đi học?

  • Làm sao để thuyết phục ba mẹ đam mê của mình là chính đáng?

  • Mình muốn đi học ngay và liền nhưng không ai ủng hộ, làm sao để người ta cho mình học bổng nhanh nhất?

  • Tham gia hoạt động ngoại khóa nào để có học bổng nhỉ?

Thay vào đó, mình nghĩ các bạn nên tập trung vào ngẫm xem bản thân sẽ làm được gì cho gia đình và cuộc sống xung quanh nhỉ. Mình tin rằng nếu các bạn ngẫm kĩ thì những lúc các bạn vui nhất đôi khi là những điều rất đơn giản như:

  • Mẹ bạn cười với bạn khi bạn nói một câu gì thú vị

  • Bạn của bạn cảm ơn rối rít vì bạn chở nó đến lớp học thêm hôm nó bị hỏng xe.

  • Em của bạn ốm sốt cứ bám rít lấy chị vì chỉ như thế nó mới thấy bình tĩnh.

  • Một người là bị ngất bên đường mà bạn dừng lại đưa được cho người ta ngụm nước.

Thực ra thứ khiến chúng ta cảm nhận ý nghĩa cuộc sống nhiều hơn rất đơn giản. Nếu ta làm được gì đó cho một ai đó ngoài bản thân, thì niềm vui sẽ tự động đến. Còn góc nhìn đam mê, vì đó là thứ chúng ta muốn cho bản thân, nên đôi khi nó trở thành nỗi cô đơn của chính chúng ta.


Van Gogh chết trong ghẻ lạnh của người đời. Tranh Phố Phái cũng nhiều năm sau mới được công nhận là tuyệt tác. Mình ngưỡng mộ những người có đam mê đến tầm đó nhưng mình lại không bao giờ chọn cuộc sống như họ.

Còn nếu các bạn vẫn ngưỡng mộ doanh nhân giàu có:

  • Jack Ma nói: "Cơ hội chỉ tồn tại ở những chỗ mà người ta kêu ca." Khi bạn tìm được các giải quyết lời kêu ca đó thì bạn có thể làm giàu. Một góc nhìn không tập trung vào bản thân.

  • Jeff Bezos nói: "Điều quan trọng duy nhất là tập trung một cách ám ảnh vào khách hàng. Mục tiêu của chúng ta là biến thành công ty lấy khách hàng làm trọng tâm nhất thế giới." Và đây cũng là góc nhìn từ nhu cầu của người khác.

Hai bác này rất nhiều câu nói về đam mê, nhưng đến cuối cùng thì vẫn nói nhiều hơn về góc nhìn thế giới. Xét cho cùng họ không làm giàu từ đam mê theo kiểu bán sách "tự cứu" bản thân. Họ làm giàu từ quan sát, học hỏi, và trau dồi năng lực để giải quyết các vấn đề mà nhiều người kêu ca.


Chúc cả nhà tìm ra lối đi riêng của bản thân mình nhé.


Bonus: Mình có anh bạn làm dịch vụ dọn nhà về sinh công cộng và bể phốt ở bên này kiếm bộn tiền. Không lẽ nói ảnh đam mê ...




165 views0 comments

Recent Posts

See All

Commenti


bottom of page