top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Hội chứng “ếch ngồi đáy giếng” Dunning Kruger – Tâm lý học, Cảm thông, Toán Thống kê và NCKH

Hôm trước có bạn đăng bài về “đỉnh cao ngu ngốc” nhằm mục đích khuyến khích mọi người vượt qua sự tự phụ của bản thân tại một số thời điểm để tiếp tục đọc, học và mở rộng kiến thức không ngừng nghỉ. Thế nhưng với tâm lý một con “mọt sách” đã từng tham khảo Dunning Kruger và những nghiên cứu liên quan trong quá trình thiết kế các thí nghiệm liên quan đến tâm lý trong điều hành doanh nghiệp, mình đã không kìm hãm được sự ham hố của mình và viết bài này để cho sinh viên nói chung, đặc biệt là những bạn muốn theo ngành tâm lý hoặc con đường nghiên cứu khoa học xã hội, hiểu thêm về hội chứng này nhé


DUNNING VÀ KRUGER LÀ HAI TƯỢNG ĐÀI TRONG NGÀNH TÂM LÝ HỌC

Hai người đều nghiên cứu về tâm lý học hành vi và đặc biệt về khả năng tự nhận thứccủa một người về hành động, suy nghĩ cũng như khả năng của bản thân mình (từ chính xác trong tiếng Anh là self-awareness).

  • Khả năng tự nhận thức này là điểm khác nhau chính yếu nhất giữa con người và loài vật. Một con vật có thể suy nghĩ rằng không muốn bị ba mẹ nó ép phải tập nhiều trò nhảy qua chướng ngại vật như vậy nhưng nó không thể tự nghĩ xem suy nghĩ “ngại tập” của nó là đúng hay là sai. Con người thì có thể nghĩ là không muốn bị giao quá nhiều bài tập và tự nghĩ tiếp là nhưng vì mình muốn phấn đấu hơn nên suy nghĩ không bị giao nhiều bài tập có thể không đúng.

  • Bởi vậy với con người, khả năng này ảnh hưởng lên cách suy nghĩ và xử lý tình huống trong xã hội của từng cá nhân từ trẻ đến già và dù nam hay nữ. Vì thế, nó là một vấn đề cốt lõi trong việc nghiên cứu, sử dụng các tác nhân bên ngoài (như văn hóa doanh nghiệp, quảng cáo, đối thoại) để thay đổi hành vi, hay thậm chí là điều trị tâm lý.

Dunning và Kruger nổi tiếng nhất với Hội chứng mang chính tên họ về khả năng tự nhận thức của một người với năng lực của bản thân. Cụ thể:

  • Hai nhà nghiên cứu tâm lý cung cấp bằng chứng cho thấy những người chưa có năng lực TRONG MỘT LĨNH VỰC CỤ THỂ thường đánh giá bản thân cao hơn so với năng lực thực sự. Những người hiểu biết một chút thì đánh giá đúng năng lực của bản thân hơn và những người có năng lực cao lại có xu hướng đánh giá bản thân thấp hơn những kĩ năng họ thật có.

  • Dunning và Kruger lý luận rằng khi một con người mới biết một chút chút, thì họ cũng giống như loài vật chỉ suy nghĩ về việc mình khó chịu thế nào hoặc áp dụng cái mới học được thế nào vào thực tại. Nhưng tại thời điểm đó, họ thiếu tư duy tổng hợp (meta-cognition) để tự suy nghĩ về suy nghĩ của chính mình.

  • Tư duy tổng hợp nói nôm cho dễ hiểu là khả năng so sánh giữa nhiều cách thể hiện cũng như góc nhìn khác nhau của cùng một sự vật hiện tượng. Khi hiểu biết của một người quá ít, họ sẽ không đủ dữ kiện để so sánh và như vậy thì họ cũng không thể tư duy tổng hợp được. Bởi vậy, họ dễ dàng ngộ nhận cao hơn khả năng hiện tại của họ.

  • Thế nhưng cái nguy hiểm hơn là, vì họ ngộ nhận năng lực mình cao nên họ cũng không chủ động so sánh để có tư duy tổng hợp ngay cả khi họ có dữ liệu.

  • Ngược lại, những người năng lực rất cao lại luôn cho rằng họ thiếu dữ kiện để đánh giá đúng năng lực của mình. Vì vậy , họ có xu hướng đánh giá thấp bản thân hơn cho đến khi có dữ kiện khác.

Lý thuyết về Hội chứng Dunning Kruger cho phép nhiều người đưa ra rất nhiều biểu đồ ứng dụng như hình vẽ và lý luận rằng:

  • Người không có năng lực thì hay tự đánh giá cao bản thân (đúng lý thuyết)

  • Thậm chí, có người nói người không có năng lực thì hay tự cho mình giỏi hơn người khác (sai lý thuyết hoàn toàn)

Cái đúng sai thế nào mình sẽ nói tiếp sau. Nhưng trước tiên chúng ta phải kiểm chứng xem lý luận của Dunning và Kruger có cơ sở khoa học và số liệu không nhé.


NHỮNG THÍ NGHIỆM VÀ KẾT QUẢ DUNNING VÀ KRUGER

Thí nghiệm thứ nhất:

  • Dunning và Kruger cho sinh viên đại học và danh hài tự chấm điểm về độ hài hước của bản thân.

  • Sau đó, Dunning và Kruger cho chính những người đó chấm điểm những câu đùa để đánh giá về năng lực tấu hài thực sự của những người này.

  • Kết quả: Sinh viên đại học luôn tự chấm điểm cho mình hài hước hơn so với thang điểm để đo năng lực thực sự. Trong khi đó, danh hài chấm sự hài hước cho mình cao hơn sinh viên một xíu nhưng thấp hơn rất nhiều so với thang đo về năng lực thực sự của họ.

  • Vấn đề với thí nghiệm này là: Câu trả lời của một danh hài bị Dunning và Kruger loại do sự hài hước của người này khác với những danh hài còn lại. Cơ mà nếu loại như thế thì chúng ta nên băn khoăn là sinh viên cũng có quan điểm về sự hài hước rất khác nhau vậy liệu nó có ảnh hưởng gì lên kết quả không? Hơn nữa nếu sinh viên đến từ những nền văn hóa khác nhau thì sao?

Thí nghiệm thứ hai: Cũng phải nói là bản thân Dunning and Kruger cũng thấy vấn đề với thí nghiệm trên nên mới làm tiếp phần tiếp theo

  • Dunning và Kruger cho sinh viên làm bài tập về ngữ pháp. Cái này thì có vẻ giống năng lực hơn rồi đấy.

  • Sau đó, hai nhà khoa học những sinh viên này tự đánh giá về năng lực của bản thân

  • Kết quả: Những sinh viên điểm thấp luôn đánh giá năng lực của họ cao hơn điểm thực sự của họ. Trong khi đó, những sinh viên điểm cao lại đánh giá năng lực của họ thấp hơn điểm thực sự của mình.

Thí nghiệm thứ ba: Tập trung nhiều hơn về việc điều tra xem sinh viên ở tầm năng lực nào thì có “tư duy tổng hợp”

  • Bài tập ngữ pháp ở thí nghiệm hai được lặp lại.

  • Nhưng lần này trước khi cho sinh viên tự đánh giá năng lực, Dunning và Kruger cho các bạn sinh viên chấm điểm một bài có điểm trung bình của thí nghiệm hai trước.

  • Kết quả 1: So với thí nghiệm hai thì những sinh viên được điểm cao của thí nghiệm ba đánh giá năng lực của bản thân sát hơn (nhưng vẫn thấp hơn một xíu) so với điểm thật của mình. Điều này cung cấp bằng chứng rằng ở tầm năng lực cao, tư duy tổng hợp của họ cho phép họ điều chỉnh sự tự nhận thức với dữ kiện mới.

  • Kết quả 2: Sinh viên điểm kém ở thí nghiệm ba thì vẫn đánh giá khả năng của họ cao hơn điểm thật của họ như sinh viên điểm kém ở thí nghiệm hai. Điều này cung cấp bằng chứng rằng ở tầm năng lực thấp thì ngay cả khi họ có dữ kiện mới, họ cũng không đủ tư duy tổng hợp để thay đổi sự tự nhận thức.

Hay phải không nào? Nếu áp dụng những kết quả này vào thực tế cuộc sống, thì một người trẻ hoặc năng lực còn chưa đầy đủ nên chú trọng đến việc khi người ta nói lệch đi hoặc thậm chí ngược lại với suy nghĩ của mình thì nên dừng lại để tìm hiểu tại sao một người nói như vậy để dần dần phát triển tư duy tổng hợp của mình. Một lời khuyên thiệt là có ích.


THẾ NHƯNG KỂ CẢ KHI NHỮNG KẾT QUẢ NÀY ĐÚNG THÌ CŨNG CÓ RẤT NHIỀU NGƯỜI NGỘ NHẬN VÀ LẠM DỤNG KHI SỬ DỤNG LÝ THUYẾT CỦA DUNNING VÀ KRUGER

Hội chứng Dunning và Kruger KHÔNG NÓI VỀ:

  • Một người tự cho rằng mình thông minh hơn người khác. Nó chỉ nói về họ đánh giá cao bản thân hơn năng lực thực sự thôi. Vậy nên đừng dùng nó để nói người khác như vậy.

  • Một người tự cho rằng mình là chuyên gia. Một “chuyên gia” mình biết nhé. Mẹ mình hay đọc sách về thuốc rồi tự cho rằng có thể cho tụi mình uống thuốc được, không cần bác sĩ. Cái này đôi khi cũng dẫn đến dùng sai liều, hoặc hội chứng đa kháng thuốc rất nguy hiểm. Nhưng một người nhưng mẹ mình thì không thuộc hội chứng Dunning Kruger. Nếu muốn hiểu cái này thì phải đi sâu vào illusory superiority hay mình tạm dịch là “ảo tưởng về sự hơn người” mà hội chứng Dunning Kruger chỉ là một phần của nó thôi.

Cái biểu đồ trong bài cũng không hẳn là Dunning Kruger.

  • Biểu đồ tổng quát hóa và đơn giản hóa rằng con người ai cũng phải trải qua các giai đoạn NHẬN THỨC CUỘC SỐNG mới TRƯỞNG THÀNH: (1) Không biết gì không tự tin; (2) đỉnh cao ngu ngốc – biết một ít rất tự tin; (3) Thung lũng tuyệt vọng – nhận thức mình không biết nhiều thứ, mất tự tin; (4) Dốc khai sáng – biết nhiều hơn, tự tin dần lên; (5) cao nguyên bền vững – biết rất nhiều nhưng tự tin chứ không tự phụ.

  • Thế nhưng vẫn luôn có những người tính cách rất khiêm tốn. Ngay từ lúc họ không biết gì và kể cả biết một chút họ vẫn kiên nhẫn học hỏi.

  • Bên cạnh đó cũng có những con người càng biết nhiều càng tự mãn. Có thể họ là chuyên gia trong một lĩnh vực chuỗi cung ứng nhưng cứ tranh thủ là lấn sân sang nào là du học, nào là quan hệ quốc tế, nào là tâm lý học. Tự đánh giá quá cao bản thân mình. Haha.

Hơn nữa nếu chỉ hiểu biểu đồ theo đúng nghĩa như trên thì quá tổng quát hóa:

  • Nghiên cứu của Dunning Kruger chỉ nói về sự phát triển của tự nhận thức và tư duy tổng hợp TRONG MỘT LĨNH VỰC CỤ THỂ.

  • KHÔNG NÓI VỀ trưởng thành nói chung.

  • Kể cả có mở rộng cách hiểu của Dunning Kruger thì cũng chỉ có thể nói tư duy tổng hợp từ một lĩnh vực có thể áp dụng được cho lĩnh vực khác chứ không phải toàn bộ cuộc sống.

  • Cuối cùng thì biểu đồ đánh giá hơi thấp sự TÒ MÒ nói chung của con người. Có những người nghĩ mình biết nhiều và cũng tự kiêu một chút nhưng khi nghe được thông tin mới thì không rơi xuống vực sâu tuyệt vọng mà chỉ cảm thấy hứng khởi thêm. Sự TÒ MÒ thường dẫn con người đến tư duy cởi mở và tích cực hơn.

Vậy nên, khi bạn dùng Dunning Kruger thì đừng dùng nó để dạy người khác. Hãy áp vào bản thân mình xem mình đã đánh giá đúng năng lực của mình chưa thôi nha? Hoặc nhiều lắm thì bạn có thể đưa mô hình ra để các bạn khác tự đánh giá thôi.


CƠ MÀ HỘI CHỨNG DUNNING KRUGER LIỆU CÓ Ý NGHĨA VÀ CÓ THẬT HAY

KHÔNG?

Lần đầu tiên Dunning và Kruger đưa ra hội chứng này là vào năm 1999. Từ đó đến nay nó đã được dùng trong rất nhiều nghiên cứu tâm lý. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hội chứng này mạnh hơn với:

  • Nam giới

  • Và những nền văn hóa có chủ nghĩa cá nhân cao.

  • Nếu suy ra từ những kết quả này, thì mình thấy việc văn hóa Việt đang học theo chủ nghĩa cá nhân quá nhiều cũng là một nguyên nhân của việc các bạn trẻ ngày này bị ảo về mặt năng lực nhiều.

Thế nhưng, mới năm ngoài, một bài báo của Jansen, Rafferty, và Griffis trên Nature Human Behaviour dùng mô hình toán để kiểm chứng lại hội chứng Dunning Kruger, thì thấy kể cả mô hình toán hoàn toàn ngẫu nhiên, cũng cho ra kết quả gần giống với Dunning Kruger. Vậy nên liệu kết quả của Dunning Kruger là có thực chứng hay chỉ là ngẫu nhiên nó trùng mà thôi? Thú vị phải không nào?


THỰC RA MÌNH THẤY DÙ DUNNING KRUGER CÓ THỰC CHỨNG HAY KHÔNG THÌ AI TRONG CHÚNG TA CŨNG LÀ MỘT CON ẾCH

Bài viết này của mình có lẽ chi tiết và cụ thể hơn bài viết trước của một bạn nào đó và hi vọng cũng mở rộng thêm hiểu biết sâu của bạn ấy về hội chứng rất thú vị này và không dùng sai nó. Thế nhưng trong trường hợp khác thì mình cũng là ếch thôi:

  • Bài viết mới đây của mình về Ikigai chẳng hạn. Mình có đọc bình luận một bài chia sẻ lại của một bạn và phát hiện ra thực ra nếu Ikigai hiểu đơn giản là biểu đồ vòng tròn giao nhau thì cũng sai và đơn giản hóa quá mức. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì đọc thêm The Little Book of Ikigai của Ken Mogi Ikigai: The Japanese Art of Meaningful Life của Yukari Mitsuhatshi nhé.

  • Hoặc đơn giản như hôm trước mình bình loạn là ở Mỹ chỉ có thẻ xanh hoặc công dân mới được học bác sĩ nội trú, hoặc nguồn tài chính không đủ cho trường tốt, thế là có bạn trong nghề nhẹ nhàng nhảy vào kêu mình sai và có thể giúp được chủ thớt luôn. Thật mừng quá. Hì hì.

  • Còn một lần nữa mình viết về Quan hệ quốc tế thì một bạn chuẩn chỉ hơn nói là: "Chị ơi chị viết hẳn sang ngoại giao rồi để em hôm nào em rảnh em viết đúng quan hệ quốc tế"

Bạn nhìn vào khoa học cũng sẽ thấy như thế mà thôi:

  • Dunning và Krugerthấy thí nghiệm đầu tiên hơi “ếch” nên mới làm thêm hẳn hai thí nghiệm.

  • Hơn 20 năm sau khi hội chứng đã được công nhận rất nhiều, thì lại có bài báo khác nhảy ra kêu “ếch ếch” thế là cả giới khoa học lại phải suy nghĩ lại.

Nói chung, kể cả người thông minh nhất, giỏi giang nhất, năng lực nhất cũng không thể đúng hết hoặc đúng mãi mãi. Đơn giản là chưa có ai chứng minh người đó sai mà thôi. Vậy nên, thực sự thì cái khác nhau giữa những con ếch chỉ đơn giản là con nào chịu nhận mình sai, rồi nhảy, và nhảy xa hơn mà thôi.


CUỐI CÙNG THÌ NHỮNG ĐIỀU NÀY LIÊN QUAN GÌ ĐẾN TÂM LÝ, CẢM THÔNG, TOÁN THỐNG KÊ, VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Ai cũng có thể cố gắng để hiểu tâm lý và cảm thông với một người nhưng nếu bạn muốn giúp đỡ họ một cách bài bản nhất thì bạn cần hiểu và phân biệt khái niệm và áp vào trường hợp cực kì cụ thể chứ không vơ đũa cả nắm. Tâm lý học khác với cảm thông là ở chỗ nó xuất phát từ phân tích khái niệm rồi đưa ra giải pháp bằng phương pháp khoa học chứ không áng áng. Mà để làm được thế là mất cực kì nhiều công sức.


Nếu nhìn mô hình so sánh của Dunning và Kruger ở trên thì ít nhất bạn phải biết dùng hồi quy, MANOVA, ANCOVA, difference in differences. Chưa kể bạn sẽ phải dùng SPSS hoặc lập trình SAS để mà vẽ được các biểu đồ tương tác giữa kiến thức thật và sự ngộ nhận. Thiếu một tí toán cũng không được nếu bạn muốn học tâm lý và nghiên cứu ra những thứ có ý nghĩa. Vậy nên bạn nào mà ngộ nhận mình hiểu tâm lý thì có thể nhìn lại và hiểu rằng không có toán thống kê học ngành này cũng mệt lắm nhé? Không đơn giản đâu.


Còn với những bạn làm nghiên cứu khoa học xã hội khác, thì các bạn phải thiết kế phương pháp chặt chẽ mới mong có giá trị nghiên cứu dài lâu. Thêm nữa, những mô hình của tượng đài như Dunning và Kruger mà còn bị lôi ra kiểm chứng thì các bạn cũng không được ngừng tự phủ nhận chính bản thân mình và tự hiểu rằng mình có thể sai để mà tiến bộ trong khoa học và cả cuộc sống nhé.


Cảm ơn cả nhà đã chịu khó đọc bài của #nerdyJenny nhé. Bài dựa trên trích dẫn:


Kruger, J., & Dunning, D. (1999). Unskilled and unaware of it: how difficulties in recognizing one's own incompetence lead to inflated self-assessments. Journal of personality and social psychology, 77(6), 1121.


Jansen, R. A., Rafferty, A. N., & Griffiths, T. L. (2021). A rational model of the Dunning–Kruger effect supports insensitivity to evidence in low performers. Nature Human Behaviour, 5(6), 756-763.


Disclaimer: Quả thực là mình đã đơn giản hóa rất nhiều cho người đọc rồi đó. Vậy nên có những thứ nó không hoàn toàn giống mô tả thí nghiệm thì mọi người thông cảm nha.




168 views0 comments
bottom of page