top of page
Writer's pictureThu Hoang

Giọng văn của một bài luận học bổng và chuyện nick ảo trên facebook

Mình biết phần luận và phần thư giới thiệu (nếu các bạn tự viết hướng) thì gần như là phần khó nhất trong hồ sơ học bổng. Rất nhiều bạn cũng nhắn tin hỏi mình và hầu hết mình có thể chữa qua. Sau khi chữa thì mình cảm thấy mình nên có một vài lưu ý nho nhỏ để nếu các bạn có hỏi trên facebook thì mình trả lời được hiệu quả hơn:


(1) Bài luận là câu chuyện kể về bản thân các bạn. Để chữa một bài luận, mình không chỉ đọc qua câu chuyện mà các bạn kể. Mình phải biết khá cặn kẽ các bạn là người như thế nào, làm gì ở đâu, đã cố gắng kiểu gì và mong ước tương lai như thế nào. Bản thân việc trao đổi này có thể mất đến 2 3h qua video chat.


(2) Từ đó, mình dựa trên câu chuyện nói sơ qua của các bạn để các bạn tổ chức ý của bài luận hiệu quả (đặc biệt với Mỹ). Có điều mình cũng phải lưu ý là. Giọng văn tổ chức ý của Mỹ nó thường "cao ngạo" hơn những nước khác rất nhiều nên mình không quá tự tin khi làm hồ sơ những nước không thuộc hệ Mỹ. Bạn có thể viết theo khung dàn ý 2 3 ngày rồi mình mới sửa lại thêm lượt nữa.


(3) Lượt thứ hai thường là sửa cách dùng từ và văn phong. Không phải từ của các bạn sai nhưng mình thường dùng từ tương tự trong ngữ cảnh Mỹ để thay cho một số từ dùng theo cách hiểu Việt Nam. Văn phong cũng vậy. Thường các bạn mắc một lỗi là nối câu chứ không nối ý, cái này mình sửa lại. Thời gian thì thường tầm khoảng 4 đến 6 giờ.


(4) Mình không nói dối trong bài luận, đặc biệt không thích bịa truyện để hồ sơ các bạn long lanh hơn. Cái mình giúp chỉ là dựa trên cách tổ chức ý và hành văn để làm sao hồ sơ của các bạn nếu bình thường chỉ sáng 60% thì giờ nó sáng 90%. Vậy nên thực sự nếu các bạn quá đuối, mình sẽ nói thẳng luôn ngay lúc đọc bài luận, chứ không giúp các bạn đánh bóng bằng cách nói không thật. Vì đối với mình, như thế là không công bằng với những bạn cũng xin học bổng cùng năm đó.


(5) Nếu các bạn tính thời gian mình dùng để chữa luận cho một người, nó sẽ rơi vào khoảng 1 ngày làm việc của mình. Nếu tính mình giành thời gian đó để làm việc thì sẽ rơi vào khoảng 1000USD. Mình bình thường chữa luận là miễn phí, nhưng mình cũng muốn nêu ra đây để các bạn hiểu rằng, thực ra giá thời gian để bỏ ra với một bài luận cao đến thế nào. Vì vậy mong các bạn đầu tư vào nó từ sớm chứ đừng nước đến chân mới nhảy. Đồng thời nếu các bạn chọn trả dịch vụ sửa luận thì mình cũng nói luôn, giá rẻ thì không có tốt. Còn những người làm bằng lòng nhiệt tình thì không có nhiều. Hơn nữa ai cũng bận. Nên mong các bạn tôn trọng thời gian của họ.


(6) Nói đi cũng phải nói lại. Nhiều khi miễn phí nên nhiều người không sâu sát được thì cũng không nên. Vì vậy mình thà rằng không nhận còn hơn chữa nhầm bệnh cho các bạn. Dù thế thì nếu các bạn hỏi mình vẫn sẽ trả lời, nhưng ở mức ngắn gọn và dưới 20 phút thôi.


THÊM NỮA, THỰC RA VIẾT BÀI LUẬN ẢNH HƯỞNG RẤT NHIỀU BỞI GIỌNG VĂN CÁ NHÂN.


(1) Nếu các bạn đọc bài của mình nhiều chắc sẽ để ý giọng văn của mình là giọng tả siêu thực. Mình dùng một câu chuyện có thực khơi dậy cảm xúc có thực và kéo lấy sự đồng cảm của người đọc.


(2) Hôm trước mình lại đọc một bài về "Màu sắc" của bạn Thảo Vi thì giọng văn đó lại là giọng văn so sánh ẩn dụ. Dùng một thứ khác để ẩn dụ cho ý nghĩa cuộc sống của mình. Mình thì thực sự không hợp giọng văn đó bởi vì khi dùng giọng đó nhiều khi bạn tập trung quá nhiều về chủ điểm "màu sắc" mà quên mất trung tâm của bài luận phải chính là bản thân bạn. Nhưng mình cũng không loại trừ các bạn hợp với gióng văn này hơn thì nhờ mình sẽ không hiệu quả đâu. Mình là giọng văn ngụ ngôn ("analogy"). MÌnh dùng chuyện để nêu ẩn ý sâu xa nhiều hơn.


(3) Mình cũng không hợp với những câu chuyện quá "độc". Mình từng viết một bài nói về việc các bạn phải có câu chuyện của riêng mình thì mới có thể xin học bổng. Nhưng điều này khiến nhiều bạn hiểu lầm là cứ phải "độc, lạ, quái dị" thì mới xin học bổng. Cách đây vài tuần có một bạn gửi bài luận cho mình và trong bài có nói đến việc bạn ấy là nam và thích đi vào nhà sách mua búp bê và có lần bạn ấy xuống bếp muốn giúp mẹ nhưng bị bố mắng. Mình hỏi luôn: "Em giai thẳng hay gay?" Kì thực thì bạn ấy không hề gay nhưng bạn ấy nói muốn viết một câu chuyện độc. Mình ngã ngửa ra luôn.


(4) Một câu chuyện của riêng mình là CÂU CHUYỆN THẬT MÀ NGƯỜI KHÁC DÙ Ở BẤT CỨ ĐÂU CŨNG CÓ THỂ LIÊN HỆ ĐƯỢC. Ví dụ mình kể về việc muốn tham gia một hoạt động ngoại khóa mà ba mẹ luôn bắt học nhưng mình đã lập kế hoạch quản lý thời gian tốt thế nào để thuyết phục ba mẹ. Cái mình cần là bạn DÁM LÀM CHÍNH BẠN khi viết ra những dòng đó chứ không phải RẶN RA cái gì đó cho hay chỉ để xin học bổng. NẾU BẠN KHÔNG TỰ TIN LÀM CHÍNH BẠN THÌ BẠN SẼ KHÔNG TÌM THẤY TIẾNG NÓI THẬT, GIỌNG VĂN THẬT CỦA CHÍNH MÌNH. Bạn viết ra còn không thích nổi bản thân mình thì người khác làm sao từ đó mà thích bạn được. Vậy nên kể chuyện không bao giờ nên là kể truyện.


(5) Một tip để các bạn tìm giọng văn thật của mình là viết bằng tiếng Việt. Khi các bạn viết bằng tiếng Anh, đôi khi vì không phải ngôn ngữ mẹ đẻ nên đang viết các bạn lại nghĩ từ hoặc cấu trúc câu. Sau đó các bạn quên luôn mạch ý. Nếu các bạn viết bằng tiếng Việt thật hay, rồi đưa cho một bạn kém khoảng 4 5 tuổi đọc, mà bạn này hiểu và cảm động thì bạn chẳng cần mình giúp đâu, cứ dịch sang tiếng Anh, sửa ngữ pháp lại là đã ăn đến 80% rực rỡ rồi. Còn nếu cái bạn kém 4 5 tuổi kia mà nhăn nhó không hiểu, nói cho qua, thì bạn nên viết lại rồi đấy.


CUỐI CÙNG...


Mình thì không quá khó chịu với việc các bạn dùng nick ảo khi lên mạng hỏi nhưng bạn nào từng vào facebook của mình cũng biết mình để post public 98.99%. Tất nhiên những thông tin kiểu như mình ở đâu làm gì thì mình không phải lúc nào mình cũng đăng đàn kể bô bô trên mạng. Tuy nhiên, nếu các bạn không biết thì thực ra facebook là một phương tiện truyền thông cá nhân cực kì hiệu quả trong cả xin học bổng lẫn xin việc.


Rất nhiều trường, người tuyển sinh còn vào facebook hoặc instagram xem ứng viên có những hoạt động gì (tất nhiên là nếu bạn đó để link facebook hoặc portfolio vào trong hồ sơ). Nếu bạn này năng nổ, vui vẻ, thì qua dòng thời gian của các trang mạng xã hội những hoạt động bạn ấy làm, thái độ của bạn ấy với những vấn đề trên thế giới đều được thể hiện rất rõ và là một điểm cộng rực rỡ cho hồ sơ.


Một người dám công khai nói về rất nhiều hoạt động của mình trên một môi trường mở luôn được đánh giá cao hơn rất nhiều so với người chỉ nộp hồ sơ chết. Tại sao mình lại gọi nó là "CHẾT"? Vì những thứ bạn nộp qua common app nó có giới hạn và bạn có thể nói dối nếu cần. Nếu một người dám công khai mạng xã hội thì bên tuyển sinh có thể kiểm chứng sống động về sự nhất quán trong hành động và lời nói của bạn (không chỉ qua post mà còn lượng tương tác và chất lượng bình luận nữa). Nếu để người khác nhìn được dòng thời gian, thì hoặc bạn không hề nói dối, hoặc bạn là đỉnh cao của truyền thông trong một thời gian dài (vì trên facebook bạn không thể làm giả trong 2 3 tháng được). Như thế, dù là đối tượng nào, trường cũng sẽ muốn tuyển bạn hơn các hồ sơ khác.


Vì vậy dù mình hiểu là nhiều bạn "ngại" hoặc có lý do để không muốn người khác biết (sợ thọc gậy bánh xe), mình vẫn thấy việc không dám làm chính mình là biểu hiện đầu tiên mình sẽ loại khi chọn hồ sơ học bổng. Mong các bạn thông cảm.


P.S.: Rất nhiều tin nhắn của các bạn rơi vào Spam của mình nên mình có thể không check ngay và check hết được. Mong các bạn thông cảm.




157 views0 comments

Comments


bottom of page