CHUYỆN THỨ NHẤT
Một người bạn Mỹ học thạc sĩ cùng mình từng chia sẻ rằng: "Tớ ghét nhất là loại người nói dối dở tệ. Loại người đó đến nói dối cũng không bỏ công sức cho nó giống thật một chút. Rõ ràng là muốn đi lừa người mà lại coi người khác đều là kẻ ngốc. Giấu đầu hở đuôi, tức muốn chết."
Mình lại hỏi: "Thế còn có loại nói dối mà không dở tệ nữa sao?" Bạn mình bụp luôn: "Một người có thể kể một câu chuyện giả như thật, khiến người người tin sái cổ, thì ít nhất người đó có đầu tư vào câu chuyện của mình. Tớ thì ghét bị lừa thật nhưng nếu tớ không phát hiện được ra bị lừa thì chắc người đó phải thông minh lắm." Mình hơi ngạc nhiên và có chút hẫng nhưng thấy đây quả là một quan điểm rất thú vị.
CHUYỆN THỨ HAI
Kết thúc câu chuyện với người bạn trên chưa lâu, lớp thạc sĩ của mình lại buôn dưa với nhau về hồ sơ trên LinkedIn của một bạn cùng chương trình: "Mày thấy nó nêu kinh nghiệm này, kinh nghiệm này không... Cộng vào số năm đã không tương ứng rồi? Thế mà dám để như thế. Thật là không biết xấu hổ."
Mình chưa kịp hỏi xem chúng bạn đang nói về ai thì có ngay một đứa ra vỗ vai mình: "Jenny bao giờ mày định đổi danh tính thành Ứng viên Tiến sĩ (Ph.D. Candidate) vậy?" Mình mới ớ người ra, chuyện thầy mình công khai muốn mình học Tiến sĩ trong lớp ai cũng biết từ lâu. Chả hiểu tại sao hôm nay nó lại nổi hứng trêu mình vậy? Mình cũng chỉ bâng quơ một câu: "Chắc gì đã học mà đòi đổi." Thế là bạn kia tiếp lời luôn: "Ấy thế mà thằng A nó đổi luôn trên LinkedIn rồi đấy."
Mình lên kiểm tra LinkedIn thì đúng thật, cũng phát hiện ra nhân vật đang nổi tiếng trong miệng các bạn chính là bạn A kia. Thì ra "nói dối dở tệ" chính là thế này đây. Bản thân bạn A đó không bao giờ biết đàng sau lưng lớp đã nói gì, vẫn sống một cuộc sống vui vẻ bình thường. Thế nhưng sau này khi ra trường, không một ai trong lớp còn muốn giữ liên lạc với bạn ấy.
CHUYỆN THỨ BA
Thế nhưng có những lời nói dối lại không dở chút nào. Cách đây vài năm có một bác trong nội các của Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel bị nghi vấn động chạm dữ liệu khi còn làm Tiến sĩ. Nhưng đây là đến mấy chục năm sau, khi người ta lên đấu trường chính trị mới không biết bị đối thủ nào cố khui ra để hạ bệ. Ai ngờ trong bối cảnh người người áp lực điều tra, Angela làm một câu không mặn không nhạt, mình chỉ nhớ sơ sơ thế này: "Thì tôi tuyển người thực thi được chính sách chứ có tuyển thợ học đâu?"
Không biết nghi vấn đó có thật sự là một lời nói dối hay không nhưng nếu là một lời nói dối thì nó cũng rất ngoạn mục. Và qua nhiều năm, dù người này đã từng nói dối để đến vị trí đầu tiên, thì năng lực và cống hiến có lẽ cũng đã phát triển qua nhiều năm đến độ người làm cùng quan trọng nhất cũng bỏ qua cái "nghi vấn không minh bạch này" mà không cần suy nghĩ.
CHUYỆN THỨ TƯ
Trong giáo dục đôi khi cũng có những lời nói dối như thế. Có một giáo sư đầu ngành mà mình rất thích học lớp của giáo. Lý do thì rất đơn giản. Giáo kể chuyện đời, chuyện trường, chuyện doanh nghiệp, chuyện nghề rất hay. Mỗi câu chuyện giáo kể luôn có thời gian, có địa điểm, có người tham gia, có cảm xúc rất sống động. Vậy nên không chỉ mình mà những sinh viên khác đều cảm thấy như bọn mình được sống trong những câu chuyện của giáo vậy.
Không biết nghĩ gì mà có lần mình buột miệng hỏi: "Chuyện có thật không ạ?" Lúc đó chỉ có mấy sinh viên thân nên giáo nói: "Ồi, thầy thấy đứa nào cũng thích nghe chuyện nên nhiều khi chuyện của thầy lẫn với chuyện của người. Nhiều khi cái nào là của thầy cái nào là của người thầy cũng không nhớ nữa. Kể đến hai ba mươi năm rồi thành thật hết." Cái này là giáo nói thật. Nhưng những câu chuyện nửa thật nửa giả của giáo cho dù đã từng là một lời nói dối, thực sự cũng đã giúp quá nhiều thế hệ sinh viên học tốt hơn. Nếu giáo không thành thật thừa nhận thì có lẽ cũng sẽ không ai có thể biết.
VẬY CÒN CHUYỆN NỐI DỐI ĐẾN ĐỘ LÀM GIẢ CẢ HỒ SƠ DU HỌC THÌ SAO?
Cách đây dễ đến 15 năm rồi, có một bạn học một trường chuyên to to nào đó rất hay có sinh viên đi du học Mỹ làm giả được một cái hồ sơ rất mĩ miều. Bạn ấy "chẳng may" được học bổng vào một trường Mỹ khá tốt. Đen là ở chỗ trường đó cũng có một bạn từng học cái trường chuyên ở Việt Nam của bạn ấy. Trong một phút cáu giận vì nhìn thấy hồ sơ giả, người bạn này đã đem tấu với trường. Và đương nhiên cái bạn làm giả mất học bổng.
Dối trá trong học thuật "Academic Dishonesty" là một vấn đề rất nghiêm trọng tại Mỹ. Không may mắn hơn nữa là bạn ấy cũng chưa ở tầm như nội các của Angela Merkel, không có kinh nghiệm và ô dù to lớn che chở. Vậy nên, đang từ một tương lai tươi sáng tự dưng mọi thứ chở nên u tối vô cùng.
Lỗi có phải của bạn ấy không? Chắc có. Nhưng một thanh niên mới lớn chưa đủ 18 tuổi, nếu không có sự gật đầu từ phụ huynh và tiếp tay của một vài bên tư vấn chắc chắn không thể tự mình làm một hồ sơ như thế. Nên xét cho cùng mình vẫn thấy lời nói dối dở tệ này đáng thương hơn đáng trách.
CÓ MỘT NGƯỜI BẠN BÊN KHOA QUẢN LÝ CỦA MÌNH NGHIÊN CỨU VỀ CHIẾN LƯỢC "GIẢ NÓ ĐẾN KHI LÀM ĐƯỢC NÓ" - "FAKE IT TILL YOU MAKE IT"
Bạn ấy lấy các youtubers về tập thể dục/ thể hình giảm béo trên mạng làm nghiên cứu và phát hiện ra rằng hầu hết đều có một đoạn đầu khoảng 3 tháng đến 2 năm là hoàn toàn không có đủ khả năng cũng như hiểu biết để hướng dẫn tập an toàn. Và nhóm của bạn ấy soi ra rất nhiều lỗi sai thiếu an toàn trong nhưng video đầu này. Sau đó, thì dần dần khi tập năng lực của những bạn này tăng lên và họ tự sửa. Đến khi làm youtube đủ tiền rồi, họ mới thực sự đi học và rồi thậm chí tự tạo ra những chứng chỉ riêng của mình, hợp thức hóa tất cả mọi thứ.
Những người lấn sang được đến nửa thành công thì lời nói dối của quả khứ bỗng dưng trở thành một vệt mờ khó giải thích hoặc lẫn lộn với sự thật mà thôi. Còn những người không thành công được thì cái bóng của "lời nói dối" đó trở nên quá dài.
THỰC RA "GIẢ KIM THUẬT" TRONG HỒ SƠ HỌC BỔNG CŨNG VẬY MÀ THÔI
Thời trung cổ có những nhà hóa học/ vật lý ôm tham vọng biến kim loại khác thành vàng. Vậy nên, những thí nghiệm này mang cái tên chung là "giả kim thuật". Việc làm giả hồ sơ cũng vậy. Vì không phải "vàng" nên mới phải "giả" để mà có học bổng hoặc vào trường top rất cao.
Trong rất nhiều trường hợp, "vàng giả" này qua thử lửa lại biến thành "vàng thật" nên mọi chuyện chỉ còn là một câu chuyện kể nhiều thành thật và luôn hay. Thế nhưng đại đa số những trường hợp khác thì mong manh đứt vỡ, trở thành nỗi xấu hổ mà người ta không muốn nhớ đến.
Những hồ sơ dùng "giả kim thuật" này ở Viêt Nam thực sự là có, mà cũng không ít. Bản thân mình biết cũng không ít người. Cái đáng sợ là nhiều người dùng thuật "giả kim" này, dù thành công hay không thành công sau này, cũng sẽ không bao giờ công khai hồ sơ thật. Mình thì cũng không đổ tội tại họ đâu nhưng mà nhiều khi vì sự thật không được công khai nên có một thế hệ luôn nghĩ rằng: "Hồ sơ có thế thôi mà vẫn vào được top nọ top kia, học bổng 100% học phí hay cả ăn ở đầy mình."
NẾU CỨ NGHĨ VẬY THÌ THẾ HỆ ĐÓ DÙ KHÔNG DÙNG GIẢ KIM CŨNG SẼ KHÔNG TẬP TRUNG LUYỆN CHÂN KIM ĐƯỢC
Sự thật là thế hệ về sau của chúng ta được truyền cảm hứng từ rất nhiều người đi trước. Nhưng câu chuyện thành công của mỗi người dù "giả" hay "chân" đều có những góc khuất. Vậy nên nếu thế hệ trẻ cứ nhìn lứa trước làm được thì nghĩ bản thân mình cũng làm được thì có lẽ chỉ như đang nhìn phần nổi của một tảng băng trôi.
Vậy nên dù có nghe ai làm gì, các bạn trẻ cũng nên ngẫm sâu một chút. Đặc biệt trong vấn đề du học này, nếu bạn hỏi xin lời khuyên của một người mà bạn nghĩ có thể áp dụng được với mình thì câu đầu tiên bạn nên đào sâu là: "Vậy anh chị nghĩ hồ sơ của anh chị, điểm nào là điểm quyết định nhất xin học bổng?" Nếu người ta là chân kim, người ta sẽ nói được cho bạn rất rõ ràng. Nếu người ta là giả kim đã biến thành chân kim, người ta cũng sẽ kể cho bạn một câu chuyện đã được biên kịch xuất sắc. Còn nếu là giả kim, thì bản thân em sẽ thấy câu chuyện có gì đó lấp liếm thôi.
VẬY MÌNH ỦNG HỘ GIẢ KIM HAY CHÂN KIM?
Mình từng là vàng bốn số 8 (88.88% vàng, còn lại là kim loại khác). Có lẽ trong một lúc nào đó cũng từng dùng giả kim thuật để biến bản thân trông giống như bốn số 9 (99.99% vàng). Và giờ khi mình có đủ bốn số 9 rồi, bản thân mình nhìn lại cũng thấy nhiều câu chuyện đã lẫn vào với nhau, mình cũng không còn nhớ cái 10% không phải của mình kia nó đã từng là của ai.
Tuy nhiên cái mình không ủng hộ đấy chính là bịa ra một câu chuyện hoàn toàn không có thật chỉ để được học bổng. Mặc dù mình vẫn công nhận một người bịa 100% tất cả mọi thứ mà ai cũng tin sái cổ hẳn là một thiên tài, nhưng thực sự mà nói nó cũng cướp đi nhiều cơ hội của những bạn khác mà năng lực và cố gắng thực sự (ngoài nói dối) lại cao hơn.
Mình không phải thiên tài cũng không phải thánh nhân nên mình thừa nhận có một lúc nào đó đã từng dùng "giả kim" cho chính cuộc sống của mình.
Nhưng những người quen biết mình thực sự và những người mình từng giúp trong cả vấn đề du học lẫn cuộc sống có lẽ đều có thể nói được rằng: Cái mình làm là luyện cho họ thành bốn số 8 rồi giả kim đâu mới giả. Mà cái giả kim của mình cũng chỉ nằm trong giới hạn mình hỏi họ và bắt họ kể rất nhiều những câu chuyện đơn giản nhỏ nhỏ của họ. Rồi sau đó mình kể lại bằng một ngôn ngữ hoạt bát, thêm nhiều chi tiết và cảm xúc sinh động hơn thôi.
Có một lời khen mà mình luôn thấy tự hào: "Bạn kể chuyện tớ xong mà tớ thấy tự hào hơn về bản thân tớ." Vì sao ư? Vì vàng thật mà, chỉ là bị che một lớp bụi, pha một chút tạp chất vì không biết cách kể chuyện mà thôi. Chứ còn nếu là giả ... thì bản thân mình thực sự không muốn giúp.
Comments