top of page
Writer's pictureThu Hoang

Cuộc sống của loài Ph.D. tại Mỹ - Phần 3: Những môn chuyên đề luận trong KH Quản trị

Bạn thân mình đã từng nói rằng nó chưa thấy đứa nào đi làm Tiến sĩ mà lại vocal (chém gió lắm) như mình. Hầu hết bạn nó mà đã đi làm Tiến sĩ là biệt tích mấy năm rồi tự dưng liên hệ lại. Kì thực mình cũng thấy so với các bạn đang đi làm Ph.D. nói chung, mình đúng là vô tư hồn nhiên nói lắm thật. Nhưng có lẽ cũng một phần thích nói này, nên mình rất với cái nghề “công nhân nghiên cứu”, suốt ngày nghĩ nghĩ viết viết này.


Thật sự thì tầm này cuối kì (đã 2 năm trước) rồi nên mình cũng chẳng rảnh rang để viết nhiều cho lắm. Nhưng do bị nhốt ở nhà tự kỉ mùa COVID nên mình phải tự chém gió thì nó mới bớt điên. Chủ đề hôm nay là về các môn chuyên đề luận seminar. Như mình đã trao đổi trong một bài trước đây seminar trong các ngành khoa học quản trị là những môn rất nặng đọc.

  1. Một tuần tối thiểu táng vô não là 10 bài dài khoảng từ 15 đến 35 trang đặc quánh toàn những thứ khó hiểu.

  2. Mỗi tuần, mỗi sinh viên phải tóm tắt 1 bài chỉ định rồi viết 1 trang nêu ra ý tưởng nghiên cứu mới (thường là yêu cầu có giả đinh - hypothesis và dự kiến phương pháp đo đạc)

  3. Đã thế mỗi tuần một hay hai sinh viên trong lớp lại phải thay phiên hướng dẫn phần thảo luận cho các bài báo. Phần này đôi khi khá đáng sợ vì bạn không những phải chuẩn bị câu hỏi cho người khác hứng thú mà còn phải chuẩn bị luôn câu trả lời để hướng vào và thể chính kiến cũng như quan điểm nghiên cứu của bạn

Nếu mình mô tả thế chưa đủ đáng sợ thì mình từng chứng kiến mấy bạn PhD năm cuối bên các ngành khoa học xã hội sang học thử các môn chuyên đề sâu về quản trị này và chạy mất dép sau ba buổi thảo luận. Đôi khi mình cũng chẳng kịp hỏi tên các bạn ấy vì cuối cùng vẫn không gặp lại.


Khó vậy nhưng tóm tắt và thảo luận cũng chỉ chiếm phần điểm mang tính chất “điểm danh” (15%) của bộ môn này. Các phần điểm chính rơi vào Khó vậy nhưng tóm tắt và thảo luận cũng chỉ chiếm phần điểm mang tính chất “điểm danh” (15%) của bộ môn này. Các phần điểm chính rơi vào Bài kiểm tra cuối kì và và Đề xuất nghiên cứu.

Bài kiểm tra cuối kì thường có 2 dạng khác nhau:

  1. Dạng phát trước 1 tuần: Dạng này thực sự không đáng sợ lắm chỉ là rất dài và mỗi câu trả lời phải viết thành một câu chuyện có mở bài thân bài kết luận đầy đủ. Với một đứa nói nhiều như mình thì không thành vấn đề lắm

  2. Dạng làm tại lớp trong 3 tiếng: Thưc sự thì cũng không đáng sợ lắm nhưng có thầy yêu cầu phải nhớ hết tên tác giả khi trích dẫn mà không được mở sách vở. Haha... bạn cứ nghĩ xem từ đầu kì đến cuối kì đọc có hơn 100 bài chứ mấy. Không khó. Không khó

Đề xuất nghiên cứu là thứ mình muốn nói nhất ở đây. Một bản đề xuất nghiên cứu đầy đủ thường dài khoảng 10 trang (cách dòng 1.0), không kể phần liệt kê trích dẫn. Bài phải sử dụng lý thuyết được dạy trong seminar và bao gồm phần tóm lược - Abstract, Mở bài - Intro, Tổng quan lý thuyết - Literature review, Phát triển Giả định dựa trên lý thuyết hiện có - Theory and Hypotheses, và Phương pháp nghiên cứu, đo đạc - Method and measurement.


Có hai cách tiếp cận phần đề xuất nghiên cứu

  1. Viết phứa ra một ý tưởng rồi cho các thầy xé banh ý tưởng ra. Cách này nhanh, một ý tưởng chỉ cần nặn một tuần là ra

  2. Viết đề xuất cho một cái gì đó mình thật sự muốn làm (tốt nhất là một phần của luận án luôn). Cách này thì chao ôi tra tấn. Bạn phải trao đổi với cả Giáo sư hướng dẫn và Giáo sư bộ môn từ đầu kì về ý tưởng. Rồi cứ mỗi lần các thầy cho ý kiến là phải trao đổi lại với thầy kia để thống nhất hoặc cãi nhau cho nó ra khung nghiên cứu đúng nhất. Cái khổ nhất là mình phải tự đọc thêm sách vở nghiên cứu ngoài để còn cãi với các thầy một cách có trích dẫn. Đôi khi các thầy không đồng ý với nhau thì việc đọc thêm này lại càng quan trọng hơn. Nói đọc thêm không có lẽ các bạn không hình dung được, nhưng mình áng ra khoảng 1 tuần 5 -7 bài báo khoa học (nhân với 20 trang)

Mình dùng chủ yếu là cách thứ 2 với Đề xuất nghiên cứu. Tuy nhiên, một đề xuất mình có thể phát triển qua mấy môn seminar khác nhau. Có kì mình học 2 seminar 1 lúc, 2 thầy bất đồng quan điểm, nhờ thế mà mình lại tập trung ý tưởng tốt hơn và dự đoán được sau này Biên tập báo (reviewers) sẽ làm khó mình thế nào. Sau kì đó mình đập tiếp ý tưởng vào một seminar khác, lại một màn xé giấy viết lại toàn bộ vì cảm thấy bản trước mình viết quá ngu. Nếu các bạn nghĩ rằng mỗi lần các thầy cho ý kiến là chỉ sửa chút chút thì thực sự đời không như mơ. Mỗi lần các bác nhận xét 1 câu là chạy theo đọc một chuỗi các bài rồi có khi đổi toàn bộ ý tưởng tranh luận của bài báo luôn.


Được cái nếu bạn theo cách này thì sau khi nộp cùng một Đề xuất nghiên cứu cho nhiều seminar thì bạn có một bản Đề xuất đủ tốt để đi ra ngoài và thu thập dữ liệu làm luôn. Cửa xuất bản cũng cao hơn nữa.


Dù sao thì đó cũng chỉ là ý tưởng của mình quay lại với cách chấm đề xuất nghiên cứu của các thầy dạy Seminar.

  1. Nhiều thầy dễ lắm, nộp bài là được

  2. Nhiều thầy bắt 2 tuần vào học nộp tóm lược, 5 tuần vào học duyệt mở bài rồi mới cho viết

  3. Một số thầy khác thay vì bắt viết Đề xuất nghiên cứu thì cho bạn viết 1 phần bài của thầy luôn (siêu khó)

  4. Những thầy khác nữa thì bắt nộp cả bài viết và thuyết trình chuyên nghiệp

  5. Còn có một số thầy khá quái khi bắt nộp bản nháp vào tuần thứ 8 rồi đổi bài sinh viên cho nhau để sinh viên đóng vai Biên tập phản biện cho nhau như quy trình xuất bản thật. Sau đấy, ngoài bản Đề xuất cuối (đã sửa theo ý biên tập phản biện) sinh viên còn phải viết thư trả lời “Biên tập” như thật nữa.

Nói chung là qua mỗi lớp mình đều học được rất nhiều và cảm thấy thật là ... haizz... thích thì thích thật nhưng thật mong xong quá.


Chúc mọi người những tháng ngày vui vẻ!



Link Phần 2: https://thoang69.wixsite.com/nerdyjenny/post/cu%E1%BB%99c-s%E1%BB%91ng-c%E1%BB%A7a-lo%C3%A0i-ph-d-t%E1%BA%A1i-m%E1%BB%B9-ph%E1%BA%A7n-2-s%E1%BB%B1-th%E1%BA%ADt-v%E1%BB%81-nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u-%C4%91%E1%BB%8Bnh-t%C3%ADnh-v%C3%A0-qu%E1%BA%A3-tr%C3%ACnh-review-b%C3%A1o



50 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page