Dạo này cứ mỗi sáng đúng 6h là dậy, nấu ăn, đóng gói cơm trưa, tưới cây dắt chó, tập thể dục rồi ngồi vào bàn làm việc. Làm PhD khiến mình nhận ra một điều nếu không sống kỷ luật với bản thân một chút thì thực sự không có thời gian làm cái gì. Năm nhất của chương trình, mình thực sự rất hớn. Tốc độ đọc của mình nhanh hơn người khác nên đối với việc học coursework là lợi thế không nhỏ. Vì thế mình có thời gian vừa học, vừa nấu ăn hẹn hò, vừa đi network kiếm nguồn tài trợ luận án.
Đến năm nay khi nắm trong tay hai bản trả lời trước xuất bản, mình mới dần cảm nhận được sức nặng của nghề nghiên cứu. Giống như một cơ số sinh viên mới vào nghề, mình đã nghĩ là nghiên cứu định tính sẽ dễ hơn định lượng vì mình chưa học qua nhiều lớp phương pháp. Tuy nhiên, đến lúc bập mặt vào thiết kế bảng phỏng vấn, network không ngừng nghỉ để có người trả lời và bám sát quy trình phân tích định tính đúng quy chuẩn, thì mình mới nhận ra con đường này gian nan hơn phân tích định lượng rất nhiều. Theo lời trường khoa mình nói thì:
1 - Nghiên cứu định tính mất quá nhiều thời gian để thu thập, phân tích và bảo vệ độ khó của phương pháp nghiên cứu. Hơn nữa các báo hạng A lại thường không thích nghiên cứu định tính, trừ khi nghiên cứu được làm cực tốt và kết quả nghiên cứu cống hiến được cho cả lý thuyết và chiến lược thực tế của doanh nghiệp.
2 - Thông thường trong các ngành trẻ như chuỗi cung ứng, nghiên cứu định tính đóng vai trò rất cao trong việc xác lập một nhánh nghiên cứu lớn vì nó giúp phân tách cách nhánh lý thuyết, định nghĩa lại các khái niệm mà học giả thường hay dùng lẫn lộn với nhau. Dựa trên đó, những nghiên cứu định lượng mới có thể đo đạc các biến một cách chính xác và chứng minh giả định để tiếp tục phát triển.
3 - Một học giả nếu muốn mở ra một nhánh nghiên cứu cho riêng mình thường bắt đầu bằng việc xuất bản một nghiên cứu định tính trên báo khoa học. Sau đó, người này sẽ viết tiếp 1 bài trên báo doanh nghiệp (như Harvard Business Review) để thu hút các công ty tài trợ dự án và dữ liệu để tiếp tục viết các bài sau. Với sinh viên Ph.D. thì đây gần như là điều không thể vì: (a) thời gian làm một nghiên cứu định tính mất 2 đến 3 năm với công sức gấp 3 lần nghiên cứu định lượng nếu muốn làm tốt; (b) để xuất bản được mất thêm ít nhất 9 tháng nữa; (c) sau khi hoàn thành 3 năm 9 tháng thì các bài tiếp theo sẽ kéo dài chương trình tiến sĩ ra 5 đến 7 năm thay vì 4 năm. Vì vậy, nghiên cứu định tính thường chỉ dành cho các phó giáo sư, đã qua 3 năm tenure và kí hợp đồng trọn đời với trường.
Mình chào sân bằng 2 bài định tính. Cũng hơi dị là ở chỗ mình có đủ quan hệ doanh nghiệp và kinh nghiệm bán hàng để thu thập đủ data cho cả 2 bài chỉ trong vòng hơn một năm. Thời gian code và viết tổng cộng mất 2 tháng toàn thời gian (40h/ tuần) cho mỗi bài. Trong khi đó mình vẫn đang học coursework mất khoảng 60h/ tuần nên thời gian tổng cộng cho việc nhà, tập thể dục, ngủ nghỉ chỉ còn khoảng 9h mỗi ngày (ngủ mất 5h rồi, huhu). Đến lúc nhận review của báo thì còn thảm hơn rất nhiều vì bài của mình khiến Tổng biên (Editor) và Phó biên (Associate Editor - AE) còn tranh cãi với nhau:
1 - Editor ủng hộ bài của mình còn AE thì lại không đồng ý. 3 reviewers thì 2 thông 1 không thông. Đã thế, họ lại còn bình luận theo 2 hướng khác nhau làm mình không biết đường nào mà lần.
2 - Một trong những lý do gây tranh cãi trong bài của mình là mình sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính mà hai người sáng lập ra đã ly hôn học thuật với nhau và tách ra làm hai nhánh phương pháp dù vẫn gọi cùng một tên. Thứ hai, các bài phỏng vấn mà mình sử dụng đều nằm trong thị trường Việt Nam, nên các bác thắc mắc là có phải vì xã hội chủ nghĩa nên phỏng vấn nó mới cho kết quả như vậy không (Kể cũng hơi ức đoạn này). Thứ ba, trong bài nhắc đến khái niệm “đáy kim tự tháp - nghèo” là khái niệm thực sự không được định nghĩa rõ ràng vì có ý kiến cho rằng khái niệm này mang tính chất phân biệt giàu nghèo quá cao.
3 - Sau khi đọc bản review của mình, trưởng khoa thủng thẳng nói rằng cái bác reviewer không thông qua bài của mình là vì lý do chính trị. Tất cả những bình luận của bác này đều rất dễ sửa. Tuy nhiên, sau khi review xong thì có thể bác này thấy lập luận trong bài của mình chạy ngược lại một bài nào đó mà bác hoặc bạn bác đã hoặc sắp xuất bản nên mới không được thông.
Kết lại, chiến lược là viết lại toàn bộ bài và tập trung vào trả lời bình luận của bác phản đối. Đồng nghĩa với việc mình phải lọc ra hết các phần phương pháp nghiên cứu gây tranh cãi và khái niệm “đáy kim tự tháp” khỏi bài viết, phản biện tại sao case mà mình nghiên cứu tại Việt Nam có giá trị cho cả lý thuyết và chiến lược thực tế và thêm lập luận cho việc tại sao XHCN không ảnh hưởng lên kết quả nghiên cứu.
Đồng thời, với những reviewers ủng hộ mình, mình cũng phải giải thích lý do tại sao sửa bài để không làm cho họ tức giận và xoay chiều dập bài của mình. Khi trả lời cũng phải lưu ý không mở thêm điểm tranh cãi mới để tránh họ lại gửi lại một bản review nữa khiến một bài mà mấy năm không xuất bản được. Túm cái quần lại là viết lại toàn bộ. Sau khi viết lại thì phải so sánh 2 văn bản mới cũ và trả lời các reviewer. Thay đổi chỗ nào, trang nào, ở đâu, cái gì thay đổi. Thiếu ý nào trong bản review lại phải cố gắng để kết hợp ý đấy vào bài viết lại của mình.
Rất may mắn cho mình là trưởng khoa và cả thầy hướng dẫn đã rất nhiệt tình đập phá và cải tạo lại bài viết cũng như bản trả lời reviewers để mình có hướng thoát. May nữa, trưởng khoa nhà mình là cựu Tổng biên của báo nên mình cũng có thêm trọng số chính trị để qua ải. Cách đây vài hôm mình mới nhận bản review cho một bài khác, lần này cảm nhận rưng rưng không phải vì mừng rỡ mà do chợt nhận ra, cuộc đời như thế này chắc sẽ không bao giờ kết thúc
Một vài lời khuyên chân thành với các bạn sẽ hoặc đang làm Ph.D.:
1 - Đừng làm vội bập mặt vào nghiên cứu định tính vì mất công và vất vả lắm mới có cửa xuất bản.
2 - Đừng chọn trường mà hãy chọn thầy. Thầy tốt và muốn giúp bạn, bạn sẽ đi rất xa còn không thì trường hợp đứt gánh dọc đường là sau khi bị reviewers bẻ mọi hi vọng là hoàn toàn có thể.
3 - Data ở Việt Nam có thể dùng được nhưng bạn sẽ phải chứng minh tính khách quan của nó không chỉ vì Việt Nam là nước đang phát triển mà còn vì tính chất xã hội chủ nghĩa của nước mình nữa.
Mình vẫn đang tiếp tục bước từng bước trên con đường nghiên cứu. Chúc các bạn giống mình thật thành công và may mắn nhé.
Commentaires