top of page

Chuyện Vinglish, ngoại khóa có chứng nhận và ‘chiếc’ hồ sơ học bổng nhạt nhẽo

  • Writer: Thu Hoang
    Thu Hoang
  • Dec 1, 2022
  • 9 min read

Đầu tiên, mình hoàn toàn không có vấn đề gì với cert, certificate hay giấy chứng nhận. Hồi lớp 8, cái bạn giỏi tiếng Anh nhất lớp mình phát ngôn một câu mà mình đến giờ vẫn nhớ: “Sometimes phải speak Vinglish thì mới express được cái feeling của mình.” Nghe thì có vẻ hơi khó chịu nhưng mà mình lại nghĩ câu đó không có gì sai.


Tầm tuổi đó, đôi khi mình cũng chưa đủ từ ngữ tiếng Việt để hiểu và diễn tả cảm được nhận thực sự của mình. Khi học tiếng Anh và bắt đầu hiểu sắc thái từ, mình lại cảm thấy có một số từ sát với cách mình nghĩ hơn là vốn từ của mình trong tiếng Việt. Năm 2008, nhà nghiên cứu David Luna (Đại học Baruch, New York), Toresten Ringberg, và Laura Parachi (Đại học bang Wisconsin tại Milwaukee) công bố một nghiên cứu khoa học cho thấy cá tính của một người sẽ phần nào đó thay đổi khi họ nói một ngôn ngữ khác. Ví dụ, một người nói tiếng Anh khiến người khác cảm thấy họ lạnh lùng và cô độc. Nhưng cùng đoạn hội thoại đó, khi người này nói tiếng Tây Ban Nha thì người khác lại cho rằng họ độc lập, tự tin, và vui vẻ.


Các nhà nghiên cứu gọi đây là chủ nghĩa đa văn hóa (biculturalism). Ngôn ngữ là thứ sống động nhất thể hiện tư duy cốt lõi của một nền văn hóa (1). Vì vậy khi bạn nói một ngôn ngữ khác, cách tư duy của bạn cũng sẽ phần nào đó bị ảnh hưởng. Bản thân mình phát hiện khi mình nói tiếng Việt, mình luôn cảm thấy nhẹ nhàng vui vẻ và muốn chọc cười người khác. Khi mình nói tiếng Anh thì mình thấy mình lạnh lùng và quyết liệt nên rất dễ phát triển sự nghiệp. Khi mình nói tiếng Trung thì mình lại luôn muốn dùng ngụ ngôn, ngạn ngữ để lý luận. Còn nói tiếng Tây Ban Nha thì mình chỉ thấy muốn ôm hôn tất cả mọi người. Vậy nên việc thể hiện cảm giác của mình bằng ngôn ngữ nửa Anh nửa Việt không hẳn đã là sự khoe khoang tự cao của một người. Đặc biệt với các bạn trẻ ở cái tầm tuổi chưa nắm vững ngôn ngữ cũng như cảm xúc của mình, thì khi được học một vài thứ tiếng sẽ tự nhiên các bạn có thói quen đan xen một số từ.


Việc này không chỉ xảy ra với người Việt. Mình nghĩ rất nhiều bạn đã đọc cuốn “Không gia đình” (Sans Famille) và đoạn cuối, nhân vật chính Remi có nói rằng khi muốn nói chuyện với mẹ một cách tình cảm hơn, Remi sẽ đổi sang dùng tiếng Pháp thay vì tiếng Anh (ngôn ngữ mẹ đẻ của mình). Anh chồng Mỹ của mình cũng vậy. Bọn mình luôn cái nhau bằng tiếng Anh (vì nó có vẻ công lập hơn). Khi muốn nói gì đó hài hước, thì chồng mình sẽ chêm thêm 1 chút tiếng Việt vào. Ví dụ như ảnh thích ăn canh chua cá bóp, thì ảnh cứ cố tính phát âm sai “cà bóp, cà bóp” chọc mình cười. Lúc nào ảnh muốn thể hiện rằng ảnh rất hứng thú với một cái gì đó thì ảnh hay dùng tiếng Tây Ban Nha. Kiểu như thay vì nói “It’s so cool” thì ảnh sẽ nói “it’s so suave”. Với ảnh, từ “suave” thể hiện được nhiều sắc thái thân thiện hơn “cool”. Nên nhìn chung mình thấy không có vấn đề gì với việc mọi người dùng đan xen các thứ tiếng khi nói chuyện với những người cùng hiểu chúng.


Tuy nhiên, mình cũng cố gắng để khi viết gì đó bằng tiếng Việt thì mình sẽ viết thuần Việt vì một là mình nhớ gia đình. Khi viết bằng tiếng Việt, mình cảm thấy mình như được gần với Việt Nam hơn. Một người bạn mình của mình ở Úc thậm chí còn mua sách tiếng Việt chuyển sang Úc hàng năm để vẫn có thể tư duy bằng tiếng Việt. Hai là việc liên tục cập nhật tiếng Việt giúp mình tự nhìn lại bản thân nhiều hơn. Khi mình tự hỏi bản thân, từ này tiếng Anh dịch sang tiếng Việt là gì nhỉ. Mình hiểu hơn về sắc thái, ý nghĩa, cảm nhận của từ đó và của chính bản thân mình. Từ đó, mình cũng trưởng thành và hiểu biết hơn.


QUAY LẠI VẤN ĐỀ HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN

Mình phải nói thật là mình vô cùng hứng thú với việc đánh giá hồ sơ và hỗ trợ du học vì bản thân mình được rất nhiều người giúp nên cũng muốn trả lại những sự giúp đỡ đấy bằng cách đứa nó đến các bạn các em đang cần (“pay it forward”). Tuy nhiên, khi nhìn thấy hồ sơ của một vài bạn trên nhóm, mình lại bị cái cách liệt kê giấy chứng nhận ngoại khóa cũng như giải học sinh giỏi hay thi đấu của các bạn làm mình chán chả nói gì luôn.


Phổ biến nhất mình thấy giấy chứng nhận về câu lạc bộ truyền thông, tiếng Anh, từ thiện, hoặc thể thao. Thế nhưng với tư cách một người từng ngồi ở trường lớn tại Mỹ và đặt tiêu chí xét học bổng cho nhiều ngành khác nhau, mình lại thấy với một người xét tuyển Mỹ, hồ sơ của các bạn không có gì đặc biệt.


Ở Mỹ, học sinh sinh viên từ rất nhỏ đã được tham gia thể thao, ngoại khóa và từ thiện. Sự kiện thể thao thì gần như tuần nào đi thi đấu là cũng có huy chương hoặc khuyến khích gì đó. Vậy nên trừ khi bạn là vô địch bang thì gần như chẳng ai quan tâm. Ngoại khóa thì Mỹ có chương trình Hướng đạo sinh (boyscout/ girlscout) và nhiều trại hè. Trong đó, các bạn được làm rất nhiều việc như tìm hiểu về thiên nhiên, cây cỏ, lập trình, làm đồ dùng trong nhà hoặc ngoài trời. Vậy nên trừ khi bạn Eagle Boyscout (cấp cao nhất của Hướng đạo sinh và có công nhận toàn quốc), hồ sơ của bạn cũng chẳng đẹp hơn người khác là mấy. Còn giải học sinh giỏi thì nếu hồ sơ của bạn được tính trên 100 điểm thì giải học sinh giỏi địa phương được tính 0.5 điểm, quốc gia được tính 2 điểm, còn quốc tế được tính 10 điểm. Vậy nên, đó cũng không phải là phần quan trọng nhất hồ sơ.


VẬY TẠI SAO ĐI MỸ LẠI VẪN NHẤN RẤT MẠNH VÀO HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA

Cái các trường Mỹ nhấn vào không phải là giấy chứng nhận mà là động lực của một người. 9 trên 10 bạn liệt kê chứng nhận ngoại khóa, khi bị mình hỏi on: “Tại sao em tham gia hoạt động ngoại khóa này?” thì giật mình lùi lại mấy bước rồi nói chung chung đại loại như: “Tại trường em có mỗi cái đó, hoặc tại em cần để xin học bổng, tại em được giới thiệu bởi người này người kia.”


Trường Mỹ không cần những thứ đó.


Cái mà bên xét tuyển thực sự muốn biết để trao tặng học bổng là:


“Em thấy các em nhỏ nghèo không có đồ chơi nhưng em xin tiền mẹ mua cho các bé ấy thì chỉ được một lần, nên em nghĩ mãi nghĩ mãi xem có cách nào làm đồ chơi cho các bé rẻ hơn hay không. Em đột nhiên nghĩ ra rằng hồi nhỏ mình rất thích chơi tò he nên em xin mẹ cho em đi học nghề tò he rồi em đi khắp nơi nặn đồ chơi cho các bé. Nhìn gương mặt các bé hớn hở mà em cứ cảm giác như mình làm được một điều gì đó thật ý nghĩa.” – Câu chuyện thể hiện một người có cảm xúc, có quan tâm, có suy nghĩ, có sáng tạo và có hướng đến một điều gì đó to lớn hơn bản thân.


“Một lần em về quê, lúc đó em mới học lớp 8, thấy tự nhiên nhà hàng xóm khóc rống lên, em chạy sang xem, thì thấy một bác gái nằm vật trên đất, ôm một miếng giấy, vừa khóc vừa thét. Sau mẹ mới nói với em là con bác ấy mất ở Trường Sa. Em tìm hình ảnh Trường Sa, lúc đó em mới biết nước mình vẫn còn chiến tranh và hiện lên trước gương mặt em là những gương mặt đầy nước mắt. Chúng ám ảnh suốt nhiều năm. Đến năm lớp 10, cơ quan bố em có dịp đi Trường Sa từ thiện, em không kiềm được mà hỏi đi theo. Mặc dù giấy tờ hơi khó khăn nhưng cuối cùng em cũng được đi theo bố. Ra đến đảo, em nhận ra thực ra mọi người cần từ thiện thì ít mà cần ra chia sẻ những niềm vui đơn giản thì nhiều. Lần đầu tiên em nghe thấy tiếng súng, lần đầu tiên em nhận ra ở tuyến đầu Tổ quốc, cuộc sống và bình yên rất mong manh. Lần đầu tiên em cầm đàn hát 1 bài hướng về đất nước mà em khóc. Lần đầu tiên em hiểu rõ âm nhạc không chỉ mang những âm hưởng vui vẻ mà nó còn là tiếng lòng mang theo sự dũng cảm của rất nhiều con người.” – Câu chuyên thể hiện cảm xúc, tình yêu và sự tìm tòi với ý nghĩa của âm nhạc.


“Em là một đứa lùn, lùn không để đâu cho hết nhưng em lại rất thích chơi bóng rổ. Dù thực sự mà nói thì em chơi rất kém thế nhưng ai bảo em bỏ bóng rổ, em cũng không làm được. Vậy nên cứ sáng sáng đội tuyển của trường đi tập em cũng đi tập. Thầy huấn luyện thấy em tội quá cũng cho em tập cùng đội. Em thấy rằng nếu em cứ đến sớm nửa tiếng, tập muộn hơn nửa tiếng thì em sẽ tiến bộ nhanh hơn các bạn một chút. Rồi em cũng đi thi đấu cùng đội dù chẳng bao giờ được chơi chính. Nhưng một ngày cuối hè, lúc đang thi đấu hội khỏe phù đổng thì một bạn chơi chính bị thương, thầy huấn luyện nói em vào chơi thay. Em lấy hết tất cả sự tập luyện của mình vào chơi cho đội. Cuối buổi đội em thắng 10 điểm, trong đó có tới 4 điểm là do em. Em cảm thấy thực sự rất hạnh phúc. Chơi bóng rổ dạy cho em phải liên tục cố gắng, rồi một ngày nào đó, chỉ cần mình cố gắng thì mình cũng sẽ vượt qua chính bản thân mình.” – Câu chuyện thể hiện sự quyết tâm, kiên định và ý chí không ngừng nghỉ dù vốn tự có không nhiều.


Thực ra một hồ sơ học bổng thành công là một hồ sơ có thể lôi kéo cảm nhận của người xét tuyển chứ không phải một hồ sơ liệt kê toàn thành tích. Thành tích vốn là thứ không có cảm xúc, liệt kê vừa đủ khiến người ta cảm thấy mình có năng lực, liệt kê quá nhiều lại khiến người khác cảm thấy nhạt nhẽo. Mình rất đồng ý với bạn nào đó trước đây mấy ngày viết rằng “câu chuyện” mới là cái khiến một người thành công trong cả việc xin học bổng lẫn phát triển sự nghiệp. Một người biết kể chuyện lợi hại hơn rất nhiều so với một người nhiều thành tích bởi vì người này có thể lôi kéo cảm xúc của những người có quyền quyết định với học bổng hay công việc của mình.


Cái khổ lớn nhất của học sinh sinh viên Việt Nam chính là lớn lên trong sự dập khuôn. Học giỏi thì mới được vui, chơi thể thao tốt thì mới được tự hào, làm từ thiện vì trường nhìn vào, tham gia hoạt động ngoại khóa vì học bổng cần thế. Nhưng làm con người thì luôn có cảm xúc, cái các trường Mỹ quan tâm khi nhìn vào hoạt động ngoại khóa là sự trưởng thành về suy nghĩ cảm xúc của một con người. Khi trưởng thành về cảm xúc người ta làm một việc sẽ có lý do và sẽ có suy nghĩ để sáng tạo và làm nhiều hơn là những cái được yêu cầu. Một người như thế sẽ dễ thành công hơn khi học đại học tại Mỹ, vì người đó có sự quyết đoán, có chủ kiến cá nhân, có lòng thương người, có sự quyết tâm vượt qua khó khăn, chứ không chỉ sự phát triển về trí tuệ.


Rất nhiều bạn sẽ hỏi mình rằng các bạn ấy không có những câu chuyện thú vị như vậy. Nhưng mình lại hỏi: “Thế trong đời em, việc gì làm em vui nhất? Hay đã có lần nào em khóc vì một thứ gì đó mà không phải uất ức vì phụ huynh không hiểu mình chưa?” Nếu các em nhìn sâu và những câu chuyện chan chứa cảm xúc của các em và nói lên nó thì dù hành động em làm có nhỏ (vd: ngồi với một cụ già mới mất vợ một lúc lâu và nghe câu chuyện của cụ), nó cũng thi vị hơn rất nhiều so với những giấy chứng nhận nhạt nhẽo kia.

Cuối cùng mình hoàn toàn không chê giấy chứng nhận, hồ sơ thì chuẩn bị càng nhiều càng ít nhưng mà như mình đã nói ở một bài viết trong nhóm cách đây lâu lâu. Cách nấu ăn đôi khi quan trọng không kém gì nguyên liệu cả.


P.S. Đăng ảnh anh chồng đủ các giải thưởng, lên báo từ đầu cấp 2. Hết cấp 3 còn vô địch bang bóng đá, chơi 18 loại nhạc cụ khác nhau, Eagle Boyscout, và vẫn không có học bổng đại học.




Comments


bottom of page