Mình rút lại câu trên. Đời nhiều siêu nhân lắm nhưng không phải mình. Chính vì mình không phải là siêu nhân nên mình sẽ không một mình cứu cả thế giới và cũng chính vì thế mình cũng sẽ không cố sống cố chết học một mình. Có một vài kĩ năng mà mình muốn chia sẻ với cả nhà để việc học cũng như tìm việc hiệu quả hơn với mọi người khi ở Mỹ:
KỸ NĂNG 1 – KỸ NĂNG NHỜ VẢ Người Mỹ rất lạ, họ có thể không thích bạn nhưng nếu bạn nhờ họ một việc gì đó mà dễ cho họ làm thì tự dưng họ lại rất thích bạn. Đặc biệt khi một đứa châu Á “mọt sách” mà nhờ dạy học thì họ lại càng cảm thấy họ rất đặc biệt.
Để làm được việc nhờ vả đó, mình điều chỉnh quan điểm của mình với học hành. Mình thường xuyên giữ tâm lý "cố hết sức nhưng chỉ mong được B+" tất cả các môn. Lý do:
Bạn giành 3h một môn một tuần thì chắc chắn sẽ được B+, nhưng giành 10 giờ một môn một tuần, chưa chắc đã được A mà B+ thường đã là điểm đủ để giữ học bổng rồi.
Khi mình đặt bản thân trong tâm lý B+ thường mình sẽ không xì trét để đầu điểm nào cũng cao nên mình bình tĩnh hơn khi làm việc nhóm cũng như khi thi. Nhiều khi vì tâm lý thoải mái nên kết quả mình toàn A A- trong tất cả các lớp (GPA của mình 3.92 cho đại học, 3.83 và 3.92 cho 2 bằng thạc sĩ)
Hơn nữa, khi bạn giữ tâm lý này thì bạn sẽ thấy môn nào mình thực sự muốn được A hơn và phấn đấu hơn cho những môn đó thôi, còn những môn khác, bạn có thể thả lỏng hơn một chút và đem đi nhờ vả.
Cụ thể, mình rất thích các môn học về vận hành, chuỗi cung ứng nhưng lại đặc biệt không hiểu Luật. Nếu tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai thì Luật doanh nghiệp là ngôn ngữ thứ ba với mình luôn. Thay vì cố sống cố chết hiểu nó, mình túm một bạn trong lớp có vẻ hiểu hơn mình bắt bạn ấy ngồi giảng bài cho mình 1 buổi trước mỗi lần kiểm tra.
Ban đầu bạn ấy khá ngạc nhiên vì mình cứ nằng nặc vậy. Nhưng tự bạn ấy dần dần thả lỏng và nói: “Mình hiểu thế này này. Bạn hiểu thế nào?”
Mình sẽ nói lại theo ngôn ngữ và cách hiểu của mình: “À có phải ý bạn là thế này thế kia không?” rồi cứ như thế bạn kia sẽ có thời gian suy nghĩ và giảng giải thêm. Cuối cùng hai đứa cùng học được mà không mất công hàng giờ tra sách với phấn đấu mệt muốn chết.
Đến cuối kì, mình nhờ bạn này giảng mà thi được điểm A đúng môn Luật mình ghét luôn. Hí hửng đi báo và cảm ơn bạn ấy rối rít… Ai dè bạn ấy được B+, tẽn tò.
Nhưng mà bản thân cái việc mình hỏi bài khiến bạn Mỹ thấy bản thân bạn ấy thật là giỏi. Mà người ta thường cảm thấy thích những người làm cho họ cảm thấy bản thân giỏi, nên bạn ấy cứ thế thích mình thôi.
Không chỉ việc học, bạn cũng có thể nhờ các bạn Mỹ những việc nhỏ khác.
Cần đi đón người thân ở sân bay mà không biết lái xe. NHỜ đưa đi.
Các bạn nói chuyện cười mà mình không cười được. NHỜ giải thích.
Phát âm sai tè le, đừng có ngượng. NHỜ người bắt lỗi.
Mặt mụn mà chưa biết kem dưỡng da Mỹ. NHỜ giới thiệu.
Đặt chiếc giường mà không biết cách lắp. NHỜ lắp cùng.
Nói chung cứ nhờ các bạn mấy việc nhỏ nhỏ như vậy là các bạn ấy dù không biết cũng cố giúp. Sau khi giúp thì thiện cảm với người nhờ tăng đáng kể vì các bạn Mỹ cảm thấy “Ồ cái con bé/ thằng bé này cũng chỉ là người bình thường thôi. Nó cũng nhiều rắc rối trong cuộc sống cần mình giúp.” Từ đó các bạn Mỹ bớt sợ mình hơn vì các bạn ấy biết mình cũng là người bình thường, cũng có nhiều vấn đề không giải quyết được giống các bạn ấy.
Ngược lại, nếu các bạn tự làm các thứ không nhờ vả ai thì các bạn Mỹ lại thấy: “Ồi nó giỏi dị hợm luôn.” Thế là càng ngày càng tránh xa cái sự lạ và “dị” đó
KỸ NĂNG 2 – KỸ NĂNG DẠY LẠI CHO NGƯỜI KHÁC Cũng giống như kỹ năng “nhờ vả”. Đây là một cánh cửa để các bạn giao tiếp với người khác. Hồi cấp 3, mình quen mấy bạn trong đội bóng bầu dục. Các bạn ấy toàn nhờ mình làm bài hộ để đủ điểm qua môn. Mình cứ không, nhất quyết là để im mình giảng rồi các bạn ấy làm theo thôi. Ban đầu thì các bạn ấy ghét lắm nhưng vì mình giảng tốt nên các bạn ấy còn cảm thấy hứng thú học và không bắt mình gánh hộ bài nhóm nữa cơ.
Thực tế giảng cho người khác tốn thời gian hơn rất nhiều so với làm hộ. Vậy mình bỏ công sức đó ra để làm gì?
Làm hộ khiến các bạn Mỹ không muốn chịu trách nhiệm và cũng vì thế coi thương công sức mình bỏ ra. Mình hướng dẫn ban đầu là hành các bạn Mỹ cho vui nhưng cũng để các bạn biết được công sức bỏ ra. Nếu sau đó mình có làm hộ thì các bạn Mỹ cho rằng mình đã cứu họ một mạng nên họ tử tế hơn.
Giảng cho người khác yêu cầu mình phải tổng hợp và hệ thống hóa kiến thức thật kĩ mới có thể giảng lại. Vì vậy bằng chính cách này, mình tự học và thấm kiến thức sâu hơn nhiều lần. Nhờ thế mà điểm A lại càng trong tầm với.
Đấy cũng chính là lý do mình giành nhiều thời gian giảng giải và viết những bài tổng hợp như thế này. Khi mình làm thế, mình không chỉ mở rộng mối quan hệ của mình mà bản thân mình cũng hệ thống lại và nghĩ sâu hơn về những cái mình học, việc mình làm để sử dụng chúng tốt hơn.
Bởi vậy, nếu bạn thực sự muốn học một thứ, hãy tìm cách giảng lại cho những người tiếp theo, để bản thân bạn tự học và tự hiểu thêm bài một cách trọn vẹn và sâu sắc nhất.
KỸ NĂNG 3 – KỸ NĂNG NETWORKING HAY PHÁT TRIỂN QUAN HỆ TẠI MỸ Đây là kỹ năng mà mình nghĩ người Việt mình luôn luôn phải cố gắng để bước ra khỏi vùng an toàn. Chúng ta đi buôn dưa với bạn bè tại Việt Nam, chúng ta uống cà phê, trà sữa. Người Mỹ đi ngoại giao quan hệ, họ uống bia. Không biết có ai đó từng nói rằng, người nước ngoài họ không uống bia rượu trong công việc nhưng mình thì thấy không hẳn vậy:
Nếu người Việt Nam vừa uống bia vừa nói chuyện công việc trên bàn ăn thì người Mỹ không vậy. Khi họ nói chuyện công việc thì hoàn toàn tỉnh táo.
Nhưng khi họ mới quen một ai đó thì họ uống bia và nói chuyện phiếm. Thấy nói chuyện phiếm vui vẻ họ mới bắt đầu hỏi đến công việc và nói chuyện phiếm thêm một lúc nữa. Kết thúc mà thấy chuyện phiếm vẫn hay thì họ hỏi xin liên lạc của mình và có thể nói chuyện công việc lúc nào tỉnh táo hơn. Vì vậy, thực sự không thể nói là người nước ngoài không bia rượu trong công việc được.
Nhìn chung, việc ra ngoài uống với bạn bè sau giờ học hoặc đi ăn trưa tán gẫu là hoàn toàn không thể tránh khỏi nếu bạn muốn thành công trên đất Mỹ. Mình đã từng chứng kiến rất nhiều bạn vì học xong mệt quá trốn biệt tăm biệt tích sau giờ để rồi chẳng ai biết bạn ấy là ai.
Lấy ví dụ như trong chương trình Tiến sĩ của mình đi:
Mình và một bạn Trung Quốc đều là châu Á. Mình thì thích bia bọt nên đi chơi với các thầy và đội bạn Mỹ suốt. Bạn kia bình thường không đi. Thực ra lúc bình thường như vậy cũng không sao nhưng năm nay bọn mình phải tìm việc vì chuẩn bị tốt nghiệp. Cả một ngày hội thảo mệt đơ người nhưng cuối giờ mình vẫn đi uống cùng với các giáo sư và một vài bạn sinh viên Tiến sĩ khác, không chỉ trường mình mà còn rất nhiều trường khác và cả lãnh đạo một số doanh nghiệp.
Tự dưng đang nói chuyện vui vẻ, một giáo lôi mình ra hỏi: “Ủa, K (tên cái bạn Trung Quốc) đâu?” Mình bảo mình chịu. Thế là giáo lắc đầu: “Đúng ra năm nay đang tìm việc thì cũng nên cố một chút.” Rất nhiều khi trước mặt bạn, người Mỹ sẽ không nói gì, nhưng đàng sau lưng lại khác.
Thế nhưng, có nhất quyết phải bia rượu để mà phát triển quan hệ không?
Cá nhân mình thì uống một chai bia thường làm mình quên mất là mình đang nói “ngôn ngữ thứ hai” và từ đó nói tiếng Anh tự tin hơn hẳn.
Tuy nhiên, có một bạn Hàn Quốc học năm dưới, lần nào đi uống bia với bọn mình cũng xách thêm mấy lon coca ướp lạnh. Bạn bảo bạn không uống được bia nhưng rất thích đi chơi với tụi mình. Như thế thì vẫn vui nhưng mà không bị uống quá nhiều.
Đến hôm đi cùng bọn mình ra hội thảo, bạn ấy cũng dũng cảm gọi một lon bia để thể hiện rằng bạn ấy đang vui hơn bình thường rất nhiều. Sau đó bạn ấy quay sang mình: “Chế nhớ tha xác mình về nhé?” Ai cũng rất vui vẻ gật đầu và cảm thấy bạn ấy đã cố gắng rất nhiều, thậm chí cảm phục nữa.
Khi đi networking như vậy cũng không nhất thiết phải đi một mình. Mình luôn có một người bạn trong cùng chương trình giúp mình xem ai đi đâu và làm gì để mình còn chạy theo. Hơn nữa nếu mình có nhỡ miệng nói một cái gì đấy, thì mình có thể dặn trước bạn ấy để chữa cháy giúp mình. Bù lại, mình có thể nói chuyện với một giáo hoặc một công ty mà bạn ấy thích hoặc liên quan, sau đó giới thiệu lại cho bạn ấy. Như thế thì đôi bên cùng có lợi.
Cũng không nhất thiết mình cứ phải như người Mỹ thì mới nói chuyện được mà mình thì cũng không bao giờ như người Mỹ được đâu vì mình thấp hơn. Chỉ nguyên việc các bạn Mỹ toàn cao mét 8 mà mình thì lọt thỏm có mét 5 là nhìn đã không muốn xông vào rồi. Tuy nhiên mình lại tận dụng lợi thế chiều cao này mà đứng cạnh người khác một lúc họ mới nhận ra rồi dẹp sang một bên. Và thường mình chỉ hỏi một câu: “Rốt cục mọi người đang nói chuyện gì vậy?” là họ đã giải thích chán chê mê mỏi rồi. Sau đó mình chỉ cần hỏi lại xem mình có hiểu đúng không… Thi thoảng mình chen vào mấy câu kiểu: “Ồ ở Việt Nam tui sẽ hiểu thế này này?” rồi kể một cái gì đó hơi ngược nhưng thú vị với Mỹ là họ sẽ cảm thấy rất thích thú. Ví dụ, như người Việt Nam khi kính trọng một người nào đó khi nói chuyện thường không nhìn "quá thẳng" vào mắt đối phương để thể hiện sự tôn trọng nhưng với Mỹ thì nhiều khi họ lại thấy là thiếu tự tin.
Sau khi kể chuyện thú vị xong mọi người ồ à xong hết rồi, mình mới chìa tay ra bắt và giới thiệu tên mình. Những lúc như thế này kiến thức về lịch sử Việt Nam, văn hóa thế giới, âm nhạc hay thể thao giúp ích vô cùng nhiều. Vì vậy, các bạn cũng đừng coi thường mấy môn đó nhé.
Với mình những kĩ năng này là những kĩ năng cơ bản giúp mình từng bước bước vào xã hội Mỹ và hòa nhập với nó. Nếu các bạn ở lâu tại Mỹ, đặc biệt tại những thành phố nhỏ và ít sắc tộc hơn, các bạn sẽ phát hiện ra là không bao giờ Mỹ hết phân biệt với mình đâu. Cách duy nhất để mình vượt qua nó chính là cứ thế đi ra khỏi vỏ ốc của mình mỗi ngày để uống coca thay bia, hay dù mệt vẫn tiếp tục đi bar với những mối quan hệ cần thiết,
Hầu hết các bạn Mỹ sẽ nhìn nhận sự cố gắng của các bạn. Vì vậy, cho đến cuối cùng dù bạn vẫn không giống Mỹ thì sự cố gắng đó cũng giúp bạn được đánh giá cao hơn. Đừng tiêu cực, đừng buồn, đừng trốn xã giao vì cái đó sẽ bị nhìn nhận là không chịu cố.
Nhìn chung hãy cố làm những việc ngược với định kiến của Mỹ về người châu Á. Đợi tới lúc mình ngồi ấm chỗ trong một công việc tốt rồi thì lúc đó hẵng để mình thoải mái hơn một chút
Comments