top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Cố thế nào cho đúng cách Phần 3 - Học đón đầu để hòa nhập văn hóa (Khi du học)

Bài trước: Thời gian biểu, Bài tiếp theo: Những kĩ năng lợi cho cả networking cả học hành làm việc


Sang Mỹ lần đầu chắc sẽ hào hứng lắm. Mình vừa được học bổng, vào một môi trường mới, không gian mới rộng hơn, còn có bao nhiều là hoạt động. Từ hội nam sinh, nữ sinh, đến các thể loại câu lạc bộ khác nhau, biết tham gia cái nào bây giờ? Thực ra khi sinh viên mới sang Mỹ thường chưa kịp nghĩ đến học hành thì đã bị choáng ngợp bởi áp lực phải hòa nhập vào một môi trường mới.


Cảm giác này rất giống với khi một bạn sinh viên từ tỉnh lên thành phố để bắt đầu học, chưa có bạn bè, lạ lẫm về văn hóa và có phần nào đó cô đơn. Tuy nhiên, khi học ở nước ngoài, khi tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ và khi văn hóa cá nhân chủ nghĩa thời đầu đại học tại Mỹ coi trọng tiệc tùng hơn học hành kiểu Việt Nam thì việc các bạn tìm cho mình một người bạn bản địa mà tốt thật lòng chứ không phải chỉ lịch sự thực sự rất khó khăn


Rất nhiều bạn vì thế cứ thấy hoạt động ngoại khóa là đăng kí, không để ý rằng mình phải cân bằng nó với việc học trên lớp. Đặc biệt, chương trình đầu kì tại Mỹ thường tương đối nhẹ nhàng nên các bạn thường bị rơi vào cái “bẫy” nghĩ rằng mình có thể quản lý thời gian tốt với tất cả những hoạt động đó. Thầy cô giáo ở Mỹ cũng không sát sườn nhắc nhở các bạn về bài tập hay ôn luyện quá kĩ càng, vì thế nếu các bạn quá tập trung vào hoạt động bên ngoài thì việc học sẽ rất nhanh trôi về hướng mất tự chủ.


Ngược lại, có những bạn vì thấy mình quá khác biệt lại thu mình vào, chỉ học thôi và khi ra ngoài đi chơi thì lại chỉ chơi được với một nhóm người Việt, Trung Quốc, hoặc các nước có văn hóa tương tự Việt Nam. Vậy làm thế nào để vừa học mà vừa hòa nhập?


MÌNH SỢ CÁC BẠN MỸ BAO NHIỀU THÌ CÁC BẠN MỸ CŨNG SỢ MÌNH BẰNG ĐÓ

Rất nhiều người nói Mỹ là một cái “melting pot” hay mình tạm dịch là một cái chảo nung có thể nung chảy rất nhiều loại kim loại khác nhau về cả tính chất và màu sắc vào thành một. Đó là một cách nói ẩn dụ để nói rằng Mỹ là nơi rất nhiều người, nhiều chủng tộc, và văn hóa hòa nhập với nhau.


Mình không thấy vậy. Mình thấy nó giống như rau trộn “mixed salad”, tuy có rất nhiều thành phần khác nhau từ xà lách, ớt, cà chua, dưa leo, đến hành tỏi trộn chung nhưng lúc cần mình có thể nhặt cái nào ra cái đó. Lúc mình học thạc sĩ, mỗi bữa mình đi với một hội: lúc Mỹ/ châu Âu (trắng, đen, vàng sinh ra và lớn lên tịa bản địa), lúc Ấn, lúc Tàu, và lúc Việt Nam. Cuối cùng có một bạn Mỹ trắng hỏi mình rằng: “Jenny, mình thấy bạn rất lạ. Sao mình thấy hội nào bạn cũng đi hết vậy?” Mình mới quay sang xiên luôn: “Ơ hay… không phải các bạn mới lạ sao? Tự các bạn đi riêng, chứ mình đi đâu, với ai cũng được hết.” Bạn ấy đơ người, suy nghĩ, và gật gù.


Thực ra, rất nhiều bạn cứ cố sống cố chết để cư xử như người Mỹ với mục đích hòa nhập nhưng mình lại thấy con đường nhanh nhất để hòa nhập lại là tôn trọng sự khác biệt giữa hai bên, cũng như là làm chính mình một cách thông minh nhất:


Văn hóa Việt Nam và châu Á nói chung tôn trọng học hành và thứ bậc. Mình vẫn có thể làm những việc này, chỉ cần mình không ép các bạn Mỹ phải chạy theo học giống như mình mình thì đó gọi là tôn trọng. Việc này tưởng dễ mà rất khó:

  1. Các bạn Việt Nam phải cố học để nhiều điểm A còn giữ học bổng nhưng nhiều bạn Mỹ thì không cần phải vậy. Cái này ảnh hưởng đến khi làm việc nhóm ở trên lớp. Mấy bạn Việt Nam cứ hầm hầm lên đòi phải làm cho trọn vẹn, trong khi Mỹ thì nó đang ngồi mài móng tay hoặc đi chơi thể thao gì đó. Đến cuối bài nhóm thì bạn Việt Nam làm tất, vừa kiệt sức vừa ức, có bạn còn tức quá mặt hằm hè hoặc mắng tụi Mỹ luôn. Tụi Mỹ thì lúc trước mặt không nói gì, nhưng ra sau lưng thì bình phẩm cái “con đó, thằng đó” mà làm nhóm cùng thì kinh dị lắm.

  2. Mấy bạn Mỹ này sai nhưng bạn Việt Nam thì tuyệt đối không đúng. Thứ nhất, có những bạn Mỹ chỉ cần điểm B hoặc qua môn thôi, không muốn điểm A giống như bạn Việt Nam, vậy đứa nào muốn điểm cao, đứa đó tự làm là đúng rồi. Thứ hai, bạn Việt Nam cũng chưa từng nói rõ với các bạn Mỹ rằng mình cần điểm A để được ở lại và “cầu cứu” sự giúp đỡ của các bạn Mỹ cho việc này. Chính vì thế, trong mắt các bạn Mỹ, bạn Việt Nam này giống như một nhân vật “cao cao tại thượng”, “trên người” và càng khó hòa nhập. Chưa kể, tụi Mỹ này sẽ quen một vài tụi Mỹ khác trong các hoạt động ngoài mà bạn tham gia, họ sẽ kể chuyện với nhau thế là càng chẳng ai gần gũi bạn Việt Nam cả.

  3. Có những bạn Việt Nam khác thì lịch sự hơn, tự giữ lấy “tủi thân” và kéo cày hộ các bạn Mỹ luôn. Những bạn này sẽ không bị nói xấu nhưng với văn hóa cá nhân chủ nghĩa của Mỹ, thì các bạn ấy nghiễm nhiên nghĩ rằng “Bạn này thì giỏi đấy… nhưng mà tự bạn ấy muốn điểm A thì tự bạn ấy cày thôi” mình có đòi bạn ấy cày đâu nên không phải lỗi do mình. Lần sau, bạn Mỹ này gặp lại bạn Việt Nam ở lớp khác, chắc chắn muốn làm cùng vì bạn ấy nghĩ: “Đàng nào bạn ấy cũng tiện cày điểm A cho bạn ấy, mình tội gì mà không hưởng miễn phí.” Sau đó vì bạn Việt Nam cày rồi, nên bạn Mỹ tiếp tục đi tham gia ngoại khóa một cách xuất sắc mà không cần để ý bạn Việt Nam.

Các bạn Mỹ có làm tốt việc tôn trọng sự khác biệt giữa hai bên không. Cái này rất 50-50. Các bạn Việt Nam thường sẽ cảm thấy có những bạn Mỹ rất tôn trọng và lắng nghe, nhưng khi vào đám đông rất nhiều Mỹ, những bạn Mỹ này vẫn đi giao du thoải mái, đôi khi có kéo mình đi cùng thì mình cũng chẳng nói được chuyện gì. Lâu dần mình ngồi vào góc phòng thui thủi một mình. Chuyện gì xảy ra vậy?

  1. Khi là cá nhân một người, có những bạn Mỹ rất lịch sự vui vẻ và hòa đồng. Họ thích nghe những câu chuyện mới từ một nền văn hóa mà họ chưa bao giờ biết. Cởi mở nhất là với những bạn từng đi lính, đóng quân ở nhiều nước, hoặc đi truyền giáo quốc tế, và được tiếp xúc nhiều.

  2. Nhưng các bạn phải luôn nhớ rằng ở Mỹ “cá nhân chủ nghĩa” vô cùng cao. Vì vậy khi đặt họ vào giữa đám đông rất nhiều người Mỹ, họ bận tăng cái độ “hòa đồng” của bản thân họ trước rồi họ mới có thể nghĩ đến bạn. Những bạn từng trong quân ngũ hay truyền giáo quốc tế tuy khá hơn nhưng nhiều khi cũng bị cuốn vào những cuộc hội thoại không hồi kết chứ không chạy theo bạn cả buổi được.

  3. Đặc biệt, đối với những người Mỹ trẻ (dưới 30 tuổi), xu hướng này cao hơn rất nhiều. Có lẽ cũng vì thế mà rất nhiều bạn Việt Nam sẽ cảm thấy những bác già cởi mở hơn với mình. Một phần sự cởi mở này là vì họ trưởng thành hơn và suy nghĩ về người khác nhiều hơn. Phần khác lại cũng có thể vì họ già, con cháu ít ở bên mình nên thấy mấy bạn Việt Nam ngoan thì rất thích. Nhưng mà chưa chắc đến lúc bạn thật sự cần giúp đã cầu cứu được những người này.

  4. Ngoài ra, có những bạn Mỹ thậm chí cả đời chưa ra khỏi Mỹ hoặc ra khỏi bang của họ nên họ càng không biết rằng thế giới rộng lớn và cùng một việc có thể có rất nhiều cách làm. Vậy nên những người này thậm chí nhìn bạn còn hơi sợ vì bạn hoàn toàn là một điều họ không hiểu được. Với những bạn này khi bạn làm gì đó giống với cư xử của người Mỹ hơn, họ sẽ cảm thấy thoải mái và ít đề phòng với bạn hơn. Nhưng khi bạn cố cư xử cho giống mà tâm trạng bạn khó chịu thì họ còn tránh bạn nhanh hơn tránh tà. Thà rằng bạn cứ cư xử theo kiểu Việt Nam thì các bạn ấy mới chỉ hơi sợ sợ.

Rất nhiều bạn hỏi mình: “Các bạn Mỹ dữ như vậy thì tại sao mình phải mở lòng, phải cố gắng nhiều đến thế? Như thế là không công bằng.” Đúng, điều này thực sự không công bằng, nhưng bạn là người được học bổng để đến đất nước của người ta để học. Bạn là người tự chọn đến đây chứ không ai ép bạn cả. Vì vậy, bạn mới phải là người cần cố gắng…


CỐ GẮNG BẮT ĐẦU TỪ VIỆC HÃY HIỂU RẲNG MÌNH ĐỦ KHÁC ĐỂ KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI HÒA NHẬP NGAY VÀ HÃY TẬP TRUNG VÀO VIỆC HỌC THEO ĐÚNG VĂN HÓA VIỆT NAM TRƯỚC:

Mình từng nói trong những bài đăng trước rằng trong vòng năm tuần đầu của kì học, mình làm hết bài tập, chuẩn bị sẵn bài nhóm, và thậm chí đọc và làm rộng ra hết cả một kì đối với tất cả các môn. Đối với việc học, cách học trước này có mấy cái lợi:

  1. Nhiều bạn khi mới vào lớp học không thể nghe hiểu giáo viên ngay, thậm chí cần phải ghi âm lại. Việc đọc và làm bài tập trước tuy ban đầu mất công hơn là nghe giảng rồi làm nhưng nó lại kích thích mình suy nghĩ nhiều hơn và quen thuộc hơn với một vài từ mình không hiểu. Như thế khi lên lớp mình nghe giảng sẽ rất nhanh vì thầy cô chỉ giảng lại những cái mình đã biết, thậm chí ít hơn những cái đó. Vì vậy, mình có thể tập trung để luyện nghe khi ở trên lớp.

  2. Việc học trước cả bài giảng của thầy cô đòi hỏi một người phải tự tổng hợp kiến thức không chỉ từ sách và nhiều nguồn khác nhau nếu đọc sách không hiểu. Rồi trong quá trình đó mình cũng phải tự viết lại bài theo cách hiểu của mình. Từ đó, với một chủ để mình đều hiểu sâu hơn và rộng hơn. Khi lên lớp mình có thể hỏi những hỏi để làm rõ xem cách hiểu của mình là đúng hay sai, rồi điều chỉnh và phát triển tư duy tổng hợp cao hơn là như chỉ được các thầy cô chỉ đâu đánh đó.

  3. Rất nhiều bạn gặp vấn đề với tranh luận trên lớp. Nhiều khi vì bảo vệ ý kiến của mình mà cách nói chuyện của những bạn đó có vẻ hơi “bảo thủ” trong mắt các bạn Mỹ. Trong lúc đọc trước học trước, các bạn có thể kết hợp suy nghĩ xem ý kiến của mình như thế này nhưng nếu những bạn khác có suy nghĩ ngược lại, tại sao họ lại nghĩ vậy? Bằng cách nghĩ về câu hỏi tại sao người khác nghĩ ngược với mình, bạn có thể thông cảm với những người có ý kiến trái ngược với mình hơn và khi bảo vệ quan điểm của mình trên lớp thường bạn sẽ đưa ra được ý kiến kiểu: “Tôi hiểu bạn nghĩ thế này vì sách có nói như thế này. Nhưng theo tôi cũng có cách hiểu khác như sau. Không biết ý kiến bạn thế nào?” Từ đó, tranh luận có thể bớt bảo thủ mà thêm phần sâu sắc. Nói cách khác vì mình dốt nên mình chuẩn bị trước. Lúc đó mới có hi vọng tranh luận.

  4. Khi bạn đã tranh luận được sâu sắc trong những vấn đề mình biết rồi thì tự dưng bạn hình thành thói quen nghĩ theo quan điểm của người khác, và có thể tranh luận tốt hơn kể cả trong những chủ điểm mình không biết với các bạn Mỹ nữa.

  5. Cuối cùng với học tập, học trước giúp bạn ước lượng được, OK môn này đến bài nhóm mình cần từng này thời gian… Như thế mình sẽ xếp thời gian biểu tốt hơn và không bị choáng khi bài nhóm ập xuống đầu. Nhiều khi các thầy cô cũng thích mấy bạn có kế hoạch học trước như vậy. Bạn có thể hỏi các thầy cô là: “Em ước lượng thời gian cho bài nhóm như vậy có đúng không?” Rồi khi bạn xếp lịch có thể hỏi trước là: “Đến tuần đó em bị vướng cái này, liệu có cách nào “xê dịch” được không?” Thường thì các thầy cô thấy bạn có kế hoạch sớm cũng dễ giúp bạn xê dịch để bạn làm việc khác của bạn lắm.

Ngoài những việc đó, mình học trước trong 5 tuần đầu là để hòa nhập văn hóa:

  1. Nhiều người nói đầu kì là thời điểm tốt nhất để làm quen với các bạn Mỹ vì mọi người (kể cả Mỹ) còn đang lạ nước lạ cái nên cởi mở hơn. Nhưng thường mình vớt được 1 2 bạn mà mình thấy “cù lần học hành giống mình” là mình nghỉ. Thông thường các bạn Mỹ đầu kì rất nhiều sức để nói chuyện với nhau do còn đang ít bài tập, nên mình chạy theo là mình hết hơi luôn vì tiếng nghe còn đang ù ù cạc cạc.

  2. Tranh thủ lúc chúng nó đang bận nói chuyện với nhau thì mình học (vì học là việc dễ hơn so với nói chuyện dông dài với bọn Mỹ). Đến giữa kì, lúc mấy bạn Mỹ bắt đầu bận thì mình đã xử xong một cơ số việc học từ 5 tuần đầu. Lúc đó các bạn ấy đuối sức, còn mình có sức, có thể hỏi gì thì hỏi, nói gì thì nói. Các bạn ấy lại còn ngạc nhiên là. Ủa sao dạo này bạn nhiều sức thật? Vừa học mà vẫn có thể nói chuyện tham gia các thứ.

  3. Trong 5 tuần đầu mình cũng chuẩn bị sẵn cho bài tập nhóm rồi. Đến lúc có bài nhóm mình cứ giả vờ không hiểu gì, cho các bạn ấy làm trước. Mình đã cố hết các đầu điểm cá nhân thì bài nhóm có thấp một tí thì mình cùng lắm vẫn A- với B+ thôi, không mất học bổng được. Từ đó, mình rèn cho các bạn Mỹ trách nhiệm với nhóm mà cũng được tiếng là người lịch sự, dễ chịu khi làm nhóm cùng. Đến cuối bài mà vẫn thấy các bạn ấy không làm mấy thì thay vì làm hộ, mình có thể đưa ra ý kiến là: “Mình đọc thấy thế này, các bạn thấy sao?” Rồi mình để cho các bạn ấy làm nốt.

  4. Đôi khi ở Mỹ điểm bài nhóm không quan trọng bằng việc bạn chịu trách nhiệm chung cùng với nhóm. Từ việc chịu trách nhiệm mà không than vãn hay chỉ trích này, bạn có thể được các bạn Mỹ kéo vào nhiều nhóm hơn, mà không dựa dẫm vào bạn làm nhóm để được điểm A. Việc các bạn làm hộ việc cho cả nhóm không chỉ mệt mà còn là cướp đi cơ hội để các bạn Mỹ tự chịu trách nhiệm nữa. Đôi khi để các bạn ấy tự chịu trách nhiệm một vài lần, các bạn ấy đánh giá bạn cao hơn vì các bạn ấy sẽ hiểu công sức của bạn

  5. Cuối cùng thì, đầu kì bạn chỉ nên đăng kí 1 hoặc 2 hoạt động ngoại khóa thôi đừng tham lam. Khi bạn đã học trước trong 5 tuần đầu kì thì chỉ cần bạn lên lớp nghe giảng lại đã là một lần ôn tập, gần thi chỉ cần đọc qua thêm lần nữa là sẽ ổn. Như vậy thì hoạt động ngoại khóa vào giữa và cuối kì bạn làm được hết thì các bạn Mỹ lại mắt tròn vo: “Ủa bạn này đầu kì không có gì nổi trội mà sao giờ làm tốt thế nhỉ?” Đến bây giờ rất nhiều người bạn Mỹ của mình vẫn tin tưởng là: “Cái bạn này không học điểm vẫn cao.” Kì thực mình chỉ học lúc họ không nhìn thấy và làm việc phát triển ngoại giao lúc họ nhìn thấy thôi.

Thực ra, năng lượng của một người là có hạn. Thường vào đầu kì nhiều năng lương nên nhiều bạn dù Mỹ hay Việt đều cố hết sức từ thứ nọ đến thứ kia. Và vì chưa có thứ tự ưu tiên nên các bạn thường bị cố quá nhiều. Giống như mình đã tả ở phần 1 của series bài này bạn rất có thể dùng sức để làm rất xuất sắc 5 tuần đầu cả trong kết bạn cũng như học hành nhưng rồi bạn hết sức vì vừa phải thức đêm cày bài vừa ngày thức để giao du với hết người này đến người kia. Bạn chưa có thời gian xây năng lực dù là năng lực học hay năng lực hòa nhập. Vì vậy, hết 5 tuần đầu tiên bạn hết sức cũng không có năng lực và mọi việc đi xuống dần từ đó đến cuối kì. Cái này gọi là đầu voi đuôi chuột.


Thay vào đó, dồn sức xây chỉ 1 năng lực học lúc đầu kì và giữ việc hòa nhập ở mức năng lượng tối thiểu. Như thế bạn sẽ khiến các bạn Mỹ không mong chờ gì nhiều từ bạn lúc đầu kì nhưng đến giữa và cuối kì khi bạn có thời gian, bạn làm nhiều hơn… Lúc đó các bạn ấy sẽ không ngừng ngạc nhiên và cảm thấy bạn vừa giỏi vừa hiểu chuyện nữa. Thực ra nếu đầu kì bạn làm nhiều, thì các bạn Mỹ “mong chờ” ở bạn càng nhiều, nên cuối kì bạn có làm tốt cũng thành không tốt. Trong khi nếu đầu kì bạn làm ít mà cuối kì làm nhiều hơn chút (dù thực tế tổng công sức có khi còn ít hơn là cố từ đầu kì) thì các bạn Mỹ bị so sánh và ngạc nhiên. Đặc biệt nếu lúc đó các bạn Mỹ đã đuối sức, thì các bạn giống như một ngôi sao vậy. Muốn hòa nhập và học cùng một lúc thì làm chiến lược như vậy sẽ hiệu quả hơn. CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.




957 views0 comments

Commentaires


bottom of page