Lính Mỹ thời chiến có một câu nói về Đông Dương mà mình rất ấn tượng: “Người Việt Nam trồng lúa, người Campuchia nhìn cây lúa lớn lên và người Lào chỉ nghe kể về nó.” Người Lào và người Cam bốt từ xưa vẫn nối tiếng về sự từ tốn và chậm rãi trong cuộc sống trong khi người Việt thì lại nổi bật về sự cần cù chịu khó. Thế nhưng, trong thời buổi xã hội và công nghệ thay đổi một cách chóng mặt như hiện nay, cần cù thôi liệu rằng có đủ?
Nếu bạn đã từng đi học/ làm ở Việt Nam thì chắc hẳn đã từng nghe một đồng nghiệp nào đó than rằng: “Tui cố gắng lắm rùi, làm ngày làm đêm mà vẫn không kịp bài tập/ công việc.” Thậm chí, ngay cả bạn cả mình cũng còn có lúc ca câu này ý chứ. Chăm lắm rồi mà bài tập với công việc thì vẫn ngùn ngùn như núi. Rõ ràng, chỉ chăm thôi là không đủ, phải chăm đúng cách.
Chăm SAI CÁCH: Thông thường, cách phản ứng của 80% mọi người khi bài tập và công việc dồn đống lại là giành thật nhiều công sức để hoàn thành nó trong thời gian ngắn nhất. Để rồi đến khi giải quyết xong mớ việc cũ thì lại có một đống mới đang lù lù chờ bạn. Cũng có lúc bạn thấy người khác có cách làm hiệu quả hơn nhưng vì bận quá bạn luôn tự nhủ với mình rằng: “Thôi, xong đợt này rồi mới học được. Chứ giờ mà học mất thời gian lắm. Nhỡ việc, ba mẹ, thầy cô hoặc sếp lại mắng cho.”
Thực ra nếu nhìn vào biểu đồ trong hình của bài post này, thì các bạn có thể thấy rằng đấy chính là con đường nhanh nhất để “tự sát.” Khi năng lực của mình có hạn, việc bỏ nhiều thời gian và công sức vào để giải quyết công việc có thể làm tăng hiệu quả một cách rõ rệt. Nhưng bạn làm ngoài giờ được một tuần, hai tuần, liệu còn có thể tăng ca đến tuần thứ ba. Cho dù tinh thần bạn vẫn rất hăng hái thì về mặt thể lực, cơ thể bạn cũng sẽ chính thức muốn LẾT vào những tuần sau đó. Dần dà, bạn thấy công việc của mình nhàm chán, sức lực cũng đã yếu nên chỉ có thể làm lâu dài ở đúng cái vị trí mà năng lực ban đầu của bạn định hình.
Nhiều bạn nói với mình rằng, giải bài tập hoặc làm càng nhiều thì kinh nghiệm càng lên. Mà kinh nghiệm đã lên thì năng lực cũng phải lên chứ. Cũng đúng thôi. Nếu mỗi ngày bạn đều cúi lưng xuống để bê một chậu hoa tư cổng vào nhà, thì chắc chắn khi quen rồi bạn sẽ làm nhanh hơn trước. Mỗi tội đến lúc 50 tuổi, ngày nào trờ trời, bạn cũng sẽ bị đau lưng.
Học tập và làm viêc trong xã hội hiện đại không giống như việc mỗi ngày bê một chậu hoa. Ngược lại, nó sẽ là hôm nay một chậu, mai hai chậu, cứ ngày ngày tăng dần lên. Nếu có một ngày bạn phải bê mười chậu thì liệu kinh nghiệm có thực sự giúp bạn rút ngắn thời gian không? Hay việc lắp bánh cho chậu nghe có vẻ khả dĩ hơn? Nhưng nếu ngồi lắp bánh thì chắc chắn sẽ mất vài tiếng đồng hồ nên thôi hôm nay bạn vẫn cứ bê chậu cho nhanh. Ngày mai 11 chậu, rồi 20 chậu bạn cũng vẫn sẽ bê thôi. Thế rồi đến một ngày bạn chán chả trồng hoa nữa, thế là bạn chả học nữa và cũng bỏ việc luôn.
Chăm ĐÚNG CÁCH: Trong khi đó, nếu bạn giành thời gian để làm 1 cái xe đẩy lớn, có thể mất vài ngày không bê được chậu nhưng mà sau đó bạn có thể đẩy 1 lúc 10 cây ra vào. Vừa đỡ đau lưng lại vừa đỡ chán. Thời gian tiết kiệm được bạn có thể đi chơi với bạn bè, xem ti vi hoặc nấu ăn, làm bất cứ điều gì bạn thích. Thậm chí bạn có thể đi lựa thêm cây mới và mở rộng khu vườn của mình. Nói cách khác, khi năng lực của bạn đủ sức giải quyết nhiều vấn đề một lúc thì bạn đã sẵn sàng nhận thêm nhiều nhiệm vụ kiểu mới và tiến lên một vị trí quản lý cao hơn.
Nếu nhìn lại hình bên dưới thì bạn sẽ thấy, nếu chấp nhận hi sinh hiệu quả học tập và công việc trong ngắn hạn để thay đổi thói quen, học thêm cái mới, gia tăng năng lực thì về lâu về dài bạn không có lúc nào phải cố quá sức cả. Thậm chí, bạn còn luôn cảm thấy mình có thể làm nhiều hơn nữa mỗi ngày.
Nói cụ thể vào học tập đi, ví dụ là học SAT hay GMAT: Mấy hôm trước, ông bạn dậy GMAT của mình lại than rằng học sinh của ống suốt ngày “lối cũ ta về” không chịu đổi phương pháp làm bài nên dù rất chăm chỉ cũng là “chăm bằng răng.” Mình tự nhủ chắc cũng tại ổng giao nhiều bài quá mà học sinh nó còn đi làm, nên bận không có thời gian ngẫm để cho đúng quy trình.
Thực ra, thời gian đổi thói quen bao giờ cũng là đau khổ nhất. Bạn làm theo quy trình mới thì ban đầu sẽ mất nhiều thời gian hơn cái cũ nhất là khi tư duy của bạn vẫn “cãi ầm ầm” trong đầu. Như thế, điểm GMAT khi mới ứng dụng phương pháp mới chắc còn “đì đẹt” hơn. Nhưng nếu bạn chịu khó rèn luyện, tạo thói quen và tư duy mới, năng lực của bạn không phải sẽ tăng dần theo thời gian sao. GMAT từ 500 lên 700 cũng chỉ đến thế mà thôi. Nhưng nếu bạn chọn “lối cũ” thì 690 cũng sẽ mất vài tháng, thậm chí vài năm để tăng thêm 10 điểm.
Cơ mà điều đó không có nghĩa là không chăm: Dữ liệu ở World Values Survey và European Value Survey trong năm 2017 - 2020 đo lường xem nếu sự chăm chỉ và sự sáng tạo được tính tổng bằng 100 thì nước nào sẽ ưu tiên giáo dục sự sáng tạo hơn (Hình trong bình luận).
Thú vị là ở chỗ tại Nhật Bản, sự sáng tạo được ưu tiên hơn sự chăm chỉ một chút. Còn Việt Nam thì lại ưu tiên sự chăm chỉ hơn. Ai cũng biết người Nhật nhìn chung rất chăm chỉ. Họ đã chăm vậy, lại còn ưu tiên sự sáng tạo nữa thì bao giờ mình mới theo kịp đây.
Vì vậy với bài này mình đơn giản muốn nói: Cuộc sống quanh ta luôn biến động không ngừng. Nếu ai đó trong chúng ta ngừng thay đổi và chỉ cần mẫn làm những bài tập và công việc đều đều lặp lại thì rất nhanh chóng chúng ta sẽ bị xã hội cho vào quên lãng.
Hãy chăm chỉ đúng cách, và không ngừng thay đổi.
Comments