Chuyện thứ nhất: Mình có lẽ nằm trong phần thiểu số, lúc xin học PhD Chuỗi cung ứng chẳng có bài xuất bản nào, bài hội thảo cũng không mà thạc sĩ cũng chẳng chuyên về nghiên cứu. Có một bạn khoa bên cạnh (marketing) có bài nghiên cứu đàng hoàng, còn được nhận hội thảo ngay năm đầu tiên. Thầy bọn mình đọc xong cho bạn trước hội thảo hỏi bạn rằng: "Có thể nào kêu với hội thảo là em không tham gia nữa được không?" Thầy nói Hội thảo đó cũng danh tiếng, lần đầu em tham gia mà với một bài chưa đủ chất như vậy thì ấn tượng đầu tiên sẽ không tốt.
Chuyện thứ hai: Gần hết năm nhất, trong khi giáo bạn đồng học gia sức vận động để khoa chỉ định bạn đi hội thảo, thì giáo nhà mình kêu mình viết bài đi. Cả mình và bạn kia đều chưa có thành tích nghiên cứu. Giáo bạn ấy muốn bạn ấy ra ngoài network nhiều để có thêm quan hệ và nguồn dữ liệu (vì một số giáo lớn có nguồn nhưng không có sức). Giáo mình với một số thầy khác trong khoa nhìn thấy mình sắp ra quả rồi nên giữ mình lại kêu: "Em chỉ có một cơ hội duy nhất để gây ấn tượng đầu tiên. Năm sau còn em có một bài đã xuất bản, một bài đang review, một proposal đang thuyết trình thì năm 3 ai cũng đưa em vào tầm ngắm để tuyển dụng.
Chuyện thứ ba: Mình cùng một bạn năm nhất thuộc dạng hên. Giáo mình thì quan hệ tốt và quan tâm chăm sóc. Giáo bạn ấy thì có cái túi tiền lớn bạn ấy muốn đào sâu nghiên cứu không khó. Một hôm Trưởng khoa hỏi hai đứa làm đề tài luận án gì. Sau khi mình nói, bạn mình nói rằng bạn ấy muốn làm tool person (chuyên về nhiều phương pháp nghiên cứu). Trưởng khoa ngẫm một lúc nói: "Chuyên về phương pháp nghiên cứu cũng tốt, dễ xuất bản nhưng sẽ dễ bị mất identity (định vị bản thân).
Chuyện thứ tư: Mình đem chuyện định vị bản thân kể cho giáo mình. Giáo mình bảo, có một thầy ở một trường lớn khác cũng chuyên về phương pháp và bài nào thầy cũng được mời. Một vài bài thầy được đứng tác giả đầu tiên nhưng lại không thành hệ thống hay chủ đề nhất định. Xong giáo nói: "Đấy là việc sau khi em tenure. Còn việc bây giờ là tự biến mình thành chuyên gia của một chủ điểm nhỏ. Như thế mới dễ tìm việc."
Chuyện thứ năm: Giáo lại kể chuyện một học trò trước đây của giáo. Vì cày xuất bản, năm hai trò đó có 2 bài đang được review, đều chủ điểm tốt cả. Một bài còn có phương pháp rất lạ và khó. Xong đến lúc làm luận án giáo lại hỏi trò đó: "Em muốn identity của em là gì?" Trò đó mất 2 tuần suy nghĩ mới quyết định đi sâu vào một hướng được. Giáo lại quay sang mình: "Xuất nhiều rất tốt nhưng nếu em xuất mỗi bài một chủ đề mà không liên quan đến nhau, thì các trường khi tuyển em sẽ nghi ngờ khả năng đào thật sâu của em, nên em cần phải chú ý."
Chuyện thứ sáu: Giáo ra khỏi phòng một lúc sau đó tự dưng thấy quay vào: "Phải có identity vào một ngành nhỏ hứng thú thì mới dễ xin tiền của doanh nghiệp. Em chuyên gia một vài thứ thôi thì người ta mới tin. Chuyên nhiều quá người ta bảo điêu đấy"
Chuyện thứ bảy: Một hôm tình cờ đâm vào Trưởng khoa trên hành lang, thấy Trưởng khoa đang giảng gì đó cho bạn cùng khóa nên mình cũng đứng lại hóng. Trưởng khoa dịch sang một bên rồi nói tiếp: "Lúc tốt nghiệp, thầy có 8 bài xuất bản A* (cả tác giả đầu tiên lẫn đồng tác giả) . Cuối cùng thành lợi bất cập hại vì chẳng trường lớn nào tin rằng thầy có thể làm tốt vậy. Thầy đành vào một trường nhỏ." Phải đến 2 năm sau khi Trưởng khoa nhà mình xuất đến 70% số bài A* của trường nhỏ đó, ổng mới được trường lớn mời về và cho tenure luôn.
Chuyện thứ tám: Hết năm nhất, giáo nộp báo cho mình. Ban đầu hai thầy trò tính nộp báo B thôi, nhưng giáo thấy tốt, đẩy hẳn lên A*. Giáo nộp hết luôn dù mình tác giả đầu tiên, còn bảo mình lần này review quay lại giáo sẽ dạy cho mình cách đối phó với review. Đến lúc có review, thì tổng biên phó biên đánh nhau trên bài của mình nên giáo vác mình sang cầu cứu Trưởng khoa. Bài được cứu cánh, mình thì được Trưởng khoa phân tích cho về đấu tranh chính trị trong báo. Xong việc, giáo quay sang mình bảo: "Thấy không, khó nhưng em không phải làm một mình. Giành thời gian này xây team đi. Sau này sẽ có lợi."
Chuyện thứ chín: Mình đang dật dờ trên hành lang. Thì gặp một giáo khác đi qua, giáo cười hỏi thăm mình sau đó vui vẻ: "Giáo nhà em xuất bài như in báo." Mình đang lơ ngơ chưa biết thì giáo kia bảo 2 tuần 3 bài A* thì chả in. Mình sau đó đi gom hết bài của giáo để đọc, thì thấy thầy 3 bài co-author với 3 trò, mình cười hì hì sang trêu giáo. Giáo hì hì lại kêu: "Ờ, em cũng nằm trong pipeline của thầy đấy."
Chuyện thứ mười: Một lần, mình bị bí phần phân tích bài, quyết tâm vác bài lên khoa kinh tế, túm một đứa PhD bắt làm, rồi mời làm đồng tác giả luôn. Về sau mình túm được một bạn bên khoa Khoa học chính trị, làm hết tool còn mình lo phần viết. Cảm thấy cuộc sống thêm một phần dễ thở, nhưng vừa thở một cái thì cả đống bài bay vào mặt. Haha.
Mình chẳng biết các nước khác thế nào. Với mình PhD ở Mỹ thực sự không chỉ nhắm vào xuất bản. Cái mình học được là tạo dựng identity, tạo dựng thời cơ để tạo ấn tượng với các trường đang tuyển, hiểu những lý lẽ và quan hệ sâu xa khi nộp bài cho báo và xây dựng đội ngũ đồng tác giả để có thể đi xa. Mình cày được, cũng chăm cày nhưng cày một mình thực sự không hiệu quả. Mình giỏi viết và chắc lý luận, nhưng phương pháp thì lại chỉ nắm chắc hai cái, cũng không thể nhai đi nhai lại được. Nên mình xác định là giống giáo nhà mình, xây dựng và lưu giữ quan hệ để đến lúc bí có người cứu.
Dạo gần đây mình thấy nhiều người post về chuyện xuất bản. Công nhận là dù làm gì trên con đường này rồi cũng sẽ phải hướng về xuất bản. Tuy nhiên, mình cũng thấy nhiều PhD Việt Nam cứ tự mình kì cụi cày, và họ giỏi lắm nên mới tự cày được. Về sau này, khi họ làm Assistant Prof rồi thì lại khổ, người thiếu quỹ tiền, người thiếu dữ liệu, người muốn làm không có sức. Xét cho cùng nghiên cứu xuất bản là một con đường thật dài. Từ phía mình thì mình không muốn về dài lâu lại kham khổ và cô đơn như vậy.
Comments