top of page
Writer's pictureThu Hoang

Đi làm Tiến sĩ, mình được gì?

Hôm trước, mình có tình cờ đọc được một bài trên VietPhD chia sẻ rằng làm Tiến sỹ là đánh đổi “thanh xuân” để đến cuối ngày có thể chấp nhận được cái cảm giác “dở ông dở thằng” và sự bất định trong cuộc sống tốt hơn.


Thực ra trải nghiệm của mình lại không phải như vậy. Trước khi làm Tiến sỹ, mình cũng có sự nghiệp tốt, có công việc mà nhiều người thậm chí làm Tiến sỹ xong cũng vẫn còn là mơ ước. Lúc đó, mình chỉ đơn giản là mệt mỏi với những tranh đấu không đâu, và thị phi không cần thiết rồi bệnh từ tâm bệnh ra. Vì thế, mình chọn con đường học thuật để thay đổi bản thân. Tất nhiên là mình có tìm hiểu kĩ từ trước, liên tục nói chuyện với giáo sư từ thời đại học và thạc sĩ, thậm chí đảm bảo rằng đầu ra về tài chính của việc làm Tiến sỹ không tệ thì mình mới dậm chân xuống để làm hồ sơ.


Lúc quay lại Mỹ, mình có qua trường mình học Thạc sỹ để thăm người thầy đã “lừa đảo” mình làm Tiến sỹ. Thầy đã nói với mình rằng: “Với tính cách của em thì em sẽ tận hưởng con đường học thuật này.” Quả vậy, điều đầu tiền mình nhận thấy là sức khỏe tinh thần của mình tốt hơn rất nhiều. Lúc còn làm trong doanh nghiệp, quay vòng của một dự án thường rất nhanh, thành công hay thất bại cũng ngay tại nhãn tiền nên gần như lúc nào mình cũng trong tính trạng đi “dập lửa” mà không có thời gian ngẫm xem tại sao nó “cháy”. Khi được làm nghiên cứu về đúng ngành, mình học cách nghĩ chậm hơn, nhiều lần hơn, kĩ càng hơn và rồi mình cũng ngộ ra mấy đám cháy đó thực ra hoàn toàn có thể tránh được và không việc gì mà cứ phải đau tim, đau đầu như mình đã từng thế.


Điều thứ hai mình học được chính là sự “khiêm tốn” thật lòng. Trong doanh nghiệp, mình là đứa có cố gắng và cũng cực kỳ may mắn, vậy nên thành công nối tiếp thành công. Nhưng cũng vì thành công, mình cũng có tí kiêu và nhiều khi hơi khó chịu khi có người hơn mình cái gì đó mà “họ không giỏi bằng mình”. Khi làm Tiến sỹ là lúc mình thực sự học cách lùi lại, ngẫm kĩ hơn và ngộ ra rằng kiến thức của mình khi còn làm doanh nghiệp nông phè phè và cũng chỉ áp dụng được cho trường hợp cụ thể chứ đem sang chỗ khác là hộc máu liền. Vậy nên, đây cũng là lúc mình nhìn được thành công của người khác bằng đầu óc phân tích hơn, nhận ra ai cũng thật giỏi trong chính môi trường và hoàn cảnh của họ.


Sự khiêm tốn còn đến từ mình tự quan sát chính bản thân mình. Mới tuần trước, mình nhận thư “từ chối” của một Tạp chí Khoa học mà mình đã theo bài đến hai năm. Buồn chứ, nhưng thực ra khi mình đọc lại bài và những nhận xét công lập, thì mình thấy rõ mình đã viết bài đó theo phong cách của một “nhà quản lý” chứ không phải một “người nghiên cứu”. Quanh quanh chính vì đầu óc “nhà quản lý” đó mà bài báo chỉ áp dụng được cho một số trường hợp chứ chưa được đẩy lên tầm kiến thức tổng quan, xuất bản được ở A*. Ngẫm kĩ, nếu lúc đó mình biết cái mình biết bây giờ và viết bài đó nộp thì nó đã có thể được xuất bản mà không cần suy nghĩ. Ba năm trôi qua, mình thấy bản thân đã phát triển rất nhiều và nhận ra rằng mình sẽ còn phát triển nhiều nữa nếu mình tiếp tục khiêm tốn tiến lên.


Ba nữa là các bạn liên tục nói đánh đổi thanh xuân, đơn thân độc mã. Nếu hai mươi mấy tuổi được gọi là thanh xuân, thì mình đã đánh đổi nó ở doanh nghiệp rồi nhưng giờ mình cũng vẫn thấy mình trẻ lắm. Thời gian ở doanh nghiệp mình làm bất kể ngày đêm sáng tối, bỏ qua hết các dịp lễ Tết, bỏ qua việc giành thời gian cho gia đình. Làm Tiến sỹ, mình cần nghĩ chậm nghĩ sâu, nên thực ra đến giờ nghỉ là mình nghỉ, không ép não làm việc quá độ lại thành nghĩ quẩn. Cũng vì thế, mình giành được nhiều thời gian hơn cho những người quan trọng và có một mối quan hệ tình cảm tốt đẹp nhất từ trước đến giờ với người hiện tại là chồng của mình. Vậy nên mình vẫn nghĩ làm Tiến sỹ không nhất thiết là phải đánh đổi thanh xuân hay những mối quan hệ. Chẳng qua là do cách mỗi người làm sẽ khác nhau mà thôi.


Bốn, mình thực sự rất xôi thịt. Nếu không phải thầy bảo tốt nghiệp xong việc sẽ lương từ số này đến số này ($$$$), đủ để mình tiếp tục đi du lịch, làm nhà, nuôi con, và sống cuộc sống mình thích, thì mình chắc không làm Tiến sỹ đâu. Mình yêu thích công việc mình làm, nhưng nếu lâu dài không đủ sống và hỗ trợ gia đình một cách xông xênh, thì yêu mấy cũng sẽ chán. Vậy nên, nếu mình xác định là bất ổn tài chính hậu Tiến sỹ thì chắc mình không học cách chấp nhận nổi đâu.


Cuối cùng, mình sau khi va vấp nhiều ở châu Á, quyết định rằng mình thích con người bình yên của mình ở Mỹ hơn và đó cũng là một trong những nguyên nhân chính mình muốn đi làm Tiến sỹ. Cầm bằng Tiến sỹ trong tay, bạn có thể chuyển đến nhiều quốc gia khác nhau và làm việc nên đối với mình đây là một sự chuẩn bị tốt cho việc muốn đi đâu thì sẽ đi được, muốn làm gì thì sẽ làm được. Vậy nên mình không nghĩ mình chấp nhận “sự bất định của nơi muốn đến, việc muốn làm” tốt hơn sau Tiến sỹ, mà đơn giản chỉ là một sự chuẩn bị cho “sở thích sau này” của mình mà thôi.


Mỗi người một trải nghiệm, một góc nhìn. Mình chỉ chưa bao giờ nhìn việc làm Tiến sỹ như một sự đánh đổi mà thực sự, đây là một bước tiến hợp lý trong không chỉ công việc mà cả cuộc sống của mình.


P.S.: Thực ra lúc làm doanh nghiệp, mình là thằng mà còn tưởng mình là ông. Theo con đường học thuật, mình tự nhận được bản thân là thằng. Mình thực sự không chấp nhận nỏi sự "dở ông dở thằng" đâu chỉ là biết được mình là 'thằng" đã là một điều tốt đẹp rồi. Đến cuối ngày điều đáng sợ nhất vẫn là không biết mình là ai và muốn làm gì.




69 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page