top of page
  • Writer's pictureThu Hoang

Đừng biến thành công của bản thân thành thước đo cuộc đời người khác

CHUYỆN THỨ NHẤT:

Trong những người mình khâm phục nhất thì có một gia đình "thuyền nhân." Nếu ai không biết thì từ này dùng để chỉ những người vượt biên qua tị nạn ở Mỹ sau chiến tranh Việt Nam. Ở Sài Gòn ngày đó, bà mẹ "thuyền nhân" này có tiệm hàng, làm ăn và cuộc sống sung túc dù đã sau giải phóng.


Thế nhưng, vì mong con có tương lai đỡ vất vả (tại Việt Nam thời mới mở cửa nghèo lắm), bà mẹ này quyết định cầm hết vàng tiết kiệm cùng bốn con mình đi vượt biên. Để tránh bị cướp, bà chia vàng ra nhiều phần nhỏ, gửi họ hàng thân vượt biên cùng. Ai ngờ sang đến nơi thì tất cả họ hàng phủi tay không kêu bà có gửi họ cái gì đâu. Thế là thôi, thân cô, thế cô, tiền trên người không có, chỉ còn 4 đứa con nheo nhóc.


Làm lại từ đầu, bà cùng cô con cả xong giấy tờ tị nạn thì bắt đầu nhặt rác kiếm thêm. Bà dần dần phát hiện một số nhà hàng ở khu bà sống cần thu rác sau hai giờ đêm. Trong đó, nếu bà nhận gom dầu ăn thừa thì tiền nhiều hơn chút. Con gái bà tính gồm dầu thừa rồi hôm sau đem đổ. Nghĩ thế nào bà giữ tất lại quây ở một góc. Lũ trẻ ghét đám dầu thừa đó lắm vì phòng đã chật còn phải chừa chỗ để dầu.


Nhưng chỉ mấy tuần sau, bà tìm được một mối tái chế dầu làm dầu máy, chỉ cần bà đem đủ lượng dầu tới hàng ngày. Thế là bà nghĩ ngay cách gom dầu, còn vay mượn ở đâu một chiếc xe bán tải cũ và can nhựa thùng nhựa để buôn dầu tái chế. Mấy năm thu rác rồi phát triển mảng "dầu cũ", con gái lớn của bà lỡ việc học hành nhưng nhà phát đạt, các em đều đi học đại học cả. Chú em sau cô đầu vào đại học lúc nhà còn chưa dư lắm. Nhìn mẹ với chị vất vả, được hẳn học bổng toàn phần vào Top 3. Về sau chú này làm thẳng lên Tiến sĩ, dạy trường cũng top 3 luôn. Hai chú út đều học trường tốt, về sau ra mở kinh doanh riêng, đều khá cả.


Cô chị cả về sau thừa kế toàn bộ doanh nghiệp của mẹ. Mấy chú em thì không nói gì đều mừng cho chị. Chú em thứ hai tâm sự với mình: "Trang ạ, hồi ở Sài Gòn anh sướng lắm, mới mấy tuổi mà tiền đếm từng sập 200 đồng (hồi đó là to khủng khiếp). Mà nếu cứ thế, anh sẽ thành em chã. Nhưng sang đây khổ vậy, mà thấy mẹ với chị còng lưng gánh, anh với các em anh mới phấn đấu tới cùng."


Chú em thứ hai đó cũng lấy vợ là một chị cả "thuyền nhân", thương vợ và tôn trọng vợ vô cùng dù chị học chẳng hết cấp 2.


CHUYỆN THỨ HAI

Một chị gái khác mình vô cùng nể phục thì là một chị bán cơm cho công nhân tại Việt Nam. Chị học đại học xong, đi làm cho công ty đã quốc gia, lương cũng ổn mà bận sấp mặt. Có một lần chị tính xin sếp nghỉ để đi chơi nước ngoài với bạn mà ngại sếp việc bận không cho đi, thế là chị nói dối là chị có công việc gia đình ở quê. Ai ngờ không biết bạn của bạn chị ấy đi cùng chuyến lại chơi với đúng ông sếp này. Sếp gửi tin nhắn trêu, thế là bà tự ái tuổi trẻ nghỉ luôn.


Nghỉ không biết làm gì, chị mở cơm bụi ra bán cho công nhân. Trong quá trình đó, chị bắt đầu phát hiện ra vấn đề về an toàn thực phẩm ở các khu công nghiệp, mon men một hồi vì tiếng Anh cực tốt, chị quen toàn các sếp. Bẵng đi hơn chục năm sau, trong tay chị là mấy chuỗi nhà hàng cao cấp chuẩn chỉ, cộng một chuỗi cung ứng thức ăn công nghiệp lớn nhất nhì Việt Nam, đang tìm hiểu thêm công nghệ thực phẩm để mở rộng.

Vì chị đã chiến đấu như vậy, giờ con gái thì đằng thằng học Top 10 Mỹ, vừa giỏi vừa không cần học bổng.


CHUYỆN THỨ BA

Đến thế hệ mình đi, mình cũng thấy đầy người để phục. Mình biết một bạn sang học trường thường Mỹ thôi nhưng câu chuyện của bạn ấy khiến mình không biết bao lần phải cúi đầu. Bạn ấy làm một tập đoàn nhà nước lớn, chồng thì bạo hành còn ngoại tình nữa. Lúc bạn ấy xin học bổng là nhất quyết phải đủ tiền để mang con trai sang vì nếu không để con ở nhà thì nhà chồng sang bắt cháu nội ở với mẹ ghẻ. Vậy nên, với bạn ấy quyết tâm thoát khỏi ly hôn bạo hành đã là lớn, mở ra một tương lai lớn hơn cho hai mẹ con ở một phương trời khác còn lớn hơn rất nhiều.


Ấy vậy mà đi sang dù trường nhỏ, mấy năm sau bạn mình vẫn làm quản lý ở tập đoàn lớn của Mỹ, đủ lương nuôi mẹ bệnh ở nhà. Giờ bạn ấy có chồng mới, gia đình chồng quan tâm đến con riêng, rất hạnh phúc. Gần đây mình được cập nhật còn có ngân hàng nào đó ở Mỹ mời bạn ấy sang làm giám đốc mà nàng ấy vẫn đang lười.


CHUYỆN THỨ TƯ

Nhưng ở Việt Nam cũng nhiều cửa thành công. Đôi bạn mình phục nhất là vợ học Trung cấp, chồng học Đại học "làng." Ngày các bạn ấy còn nghèo, ở cái phòng trọ có 9 mét vuông, mình với bạn vợ đi mua xoài chua có 12,000 đồng để ăn cũng phải nghĩ. Mình vẫn nhớ có đợt sang chơi với hai bạn, mà hàng nhập về để kín phòng trọ, vợ chồng nằm ngủ trên hàng luôn. Bận đó, mùa hè bán được hàng thì hai bạn mình có tiền ăn còn mùa đông thì hai đứa đi trang điểm cô dâu, kiếm thêm nữa.


Cứ vậy mà chả đến chục năm sau, cửa hàng lên thành chuỗi, rồi lên mô hình sản xuất, chuyển nhượng luôn. Đã vậy, các bạn ấy còn mới "mua đảo" chuẩn bị xây mô hình kinh doanh du lịch nữa. Mỗi năm các bạn ấy mở rộng đều than với mình rằng giờ phải đi học lại để thêm kiến thức, chứ không thì làm gì cũng không được. Đúng là sự học nó cần lắm khi nó ứng dụng thực sự vào công việc.


CHUYỆN THỨ NĂM

Thế hệ sau một chút thì sao? Mình chém nhiều con buôn quá chắc phải xoay sang những bạn đi học một chút. Mình biết một bạn học Việt Nam xong từ năm nhất đã đi thực tập. Ban đầu thì bạn không có gì đặc biệt đâu nhưng vì vừa học, vừa chủ động đọc thêm, áp dụng toàn kiến thức mới vào sản xuất, chị Tổng Giám đốc đã để ý luôn bạn ấy. Thế nên, đến năm 24 tuổi bạn ấy đã ngồi vị trí Giám đốc để nắm quyền của một Phó Tổng rồi. Bốn năm sau đó, chị Tổng lại gây dựng bạn ấy lên, và vừa tròn 28 tuổi, bạn ấy thực sự thành Phó Tổng Giám đốc và có quyền quyết định thay mặt chị Tổng luôn.


CHUYỆN THỨ SÁU

Lại nói chuyện du học Mỹ hay nước phát triển khác từ Đại học có thành công không? Học sinh mình có những bạn ra trường cái lương đến 90,000USD một năm bên mảng kinh doanh và 200,000USD nếu sang hẳn bên lập trình. Một số bạn khác thì lên thẳng con đường học thuật vào trường top 10 Mỹ. Thế nhưng, điểm chung của những bạn này không hẳn là đều đi học Mỹ mà vì họ đều chăm chỉ, cố gắng hơn người, hòa đồng tốt với cuộc sống xung quanh và thêm một phần may mắn nữa. Nhiều bạn hay phủ định yếu tố may mắn này nhưng nếu bạn xin việc đúng mùa COVID mà lại là ngành liên quan đến quan hệ khách hàng thì cũng đen lắm chứ bộ.


CHUYỆN THỨ BẢY

Mặt khác, người phải về nước mình biết cũng không ít. Dù về do kém may mắn hay do năng lực thì hầu hết các bạn đều khá choáng với năng lực của một số bạn trong quốc nội. Có một bạn mình từng huấn luyện sinh năm 94, chẳng có tiền đi du đại học đâu, nhưng bạn giỏi, bạn đi thực tập cho công ty khởi nghiệp mới nổi từ năm nhất. Bạn là một trong những người vực công ty, đi cùng nó đến tận khi nó xong vốn vòng 3. Thế là từ đó đến chỉ 3 năm sau tốt nghiệp, bạn đã nằm trong ban giám đốc. Mới đây bạn đã xây xong một Tòa nhà cho thuê ở giữa Sài Gòn rồi. Điểm đặc biệt là, bạn ấy luôn mơ ước học MIT, nên đôi năm trước, hòm hòm sự nghiệp mới chớm bạn ấy tự trả tiền đi học 6 tháng cho biết, nói với mình một câu: "Ôi em đi học cho thỏa chí tang bồng, rồi về cày tiếp chứ đi lâu mất cơ hội."


CHUYỆN THỨ TÁM

Tất nhiên Việt Nam cũng không phải cho bất cứ ai. Nhiều bạn mình biết cũng không nở hoa trong nước. Có một anh mình biết từng phải vay tiền hết người nọ đến người kia để mua xăng ở Việt Nam vì lương ba cọc hai đồng nhưng chỉ 2 năm sau đó, anh được Google đón thẳng sang Mỹ, mặc dù chẳng học đại học Mỹ để làm "kinh doanh."


Có những bạn không có điều kiện đi học ngay mà lương khởi điểm trong nước thấp nhưng cố tiết kiệm để đi học thạc sĩ. Người khá hơn hoặc may mắn hơn thì đi học Anh, Úc, Mỹ, mấy nước nói tiếng Anh hoặc châu Âu luôn còn không thì có những bạn dùng Thái, Trung, Hàn, Đài làm bước đệm thì rồi cũng sang đến Top 100, thậm chí top 10 Mỹ, ra trường nếu chăm chỉ, thức thời và may mắn, vẫn lương thưởng vài trăm nghìn đến cả nửa triệu đô.

Thậm chí, có bạn đại học, xong khởi nghiệp thành công ở Việt Nam, rồi mới đi học Top 10 Mỹ. Chán chán, bạn ấy lại tính đường khởi nghiệp luôn tại Mỹ luôn. Mà giờ thì còn quá sớm để mình biết bạn ấy có thuận lợi và thành công với việc đó hay không.


THỰC RA, MỖI NGƯỜI LUÔN CÓ MỘT CON ĐƯỜNG RIÊNG ĐỂ THÀNH CÔNG

Nếu cho mình nhìn lại và thống kê từ những con người mình từng gặp và kính phục ở rất nhiều thế hệ thì dường như việc đi hay ở, thời điểm du học, và định cư hay không hoàn toàn không tỉ lệ với thu nhập và sự hài lòng với cuộc sống của họ sau này. Có chăng, nó là phương án tốt nhất với mỗi người tại mỗi thời điểm mà thôi. Cùng thời điểm đó mà là người khác chưa chắc đã tốt.


VẬY ĐIỀU NÀY THÌ CÓ LIÊN QUAN GÌ ĐẾN "DÙNG THÀNH CÔNG CỦA BẢN THÂN ĐỂ ĐO CUỘC ĐỜI NGƯỜI KHÁC?"

Mình khi trẻ hơn một chút cũng có thói quen này giờ cũng chưa hẳn là bỏ hết:

  • Mình làm nhiều mảng, tiến bộ nhanh và đâm ra cũng hay đi khuyên người khác nên thế nọ, nên thế kia. Có thời điểm mình khuyên người ta như thể người ta phải làm đúng cái mình làm, đạp đúng đường mình đi thì mới thành công được.

  • Thế nhưng va chạm cuộc sống cho mình nhìn lại thời điểm đó và mình nhận ra rằng mình lúc đó tự biến mình thành phụ huynh Việt Nam cổ hủ điển hình: "Con phải làm đúng ngành của mẹ, đi đúng đường của ba con mới thành công." hoặc không thì "nếu con dại như ba kiểu gì con cũng thất bại"

Thực ra, khi đưa ra lời khuyên cho người khác:

  • Hầu hết mọi người đều có ý muốn tốt cho người mình quan tâm. Đặc biệt nếu người khuyên là ba mẹ thầy cô, những người thực sự có gắn bó tình cảm với bạn.

  • Nhưng ẩn sâu trong đó, mình cũng nhận ra rằng mình đã từng khuyên người khác như một cách lấp đầy sự tự mãn của mình với thành công mà mình đạt được hoặc khỏa lấp nỗi lo lắng với những thất bại trong đời mình.

Thế nhưng, khi khuyên như thế mình nhận ra rằng:

  • Tự bản thân mình không ý thức được là kinh nghiệm thành công của mình vốn dĩ rất hạn hẹp trong những cái mình đã trải qua, còn những cái mới những ngành mới thì mình lo sợ và không chịu tìm hiểu thêm.

  • đôi khi mình khuyên một người nhưng rất ghen tị nếu họ bắt đầu thành công hơn mình bởi vì mình sợ họ chỉ cần làm một cái gì đó khác là cái mình biết mình hiểu thành lỗi thời.

  • Hoặc khi người cần khuyên hỏi một câu gì đó mà mình không biết thì thay vì thừa nhận hiểu biết hạn hẹp mình bịa nó ra cho nhanh. Sau đó mới đi tìm hiểu thêm.

  • Với người được khuyên thì khi bị ép khuyên theo một hướng còn có cảm giác không làm được và sau này nếu họ làm hỏng họ sẻ đổ lỗi cho người khuyên.

Kể cả với ba mẹ cũng vậy thôi. Ba mẹ mong con cái trưởng thành nhưng cái đoạn trước trưởng thành cãi nhau lên tọi cũng là vì "trứng đòi khôn hơn vịt." Và con cái còn có xu hướng đổ lỗi cho ba mẹ nhiều nhất nữa. Còn với người ngoài, nếu gặp người khuyên "ghen tị" thì có lúc còn xúi dại người khác ấy chứ.


VÂY MÌNH NÓI VẤN ĐỀ NÀY LÀM GÌ?

Khi qua cái đận khuyên người theo kiểu: "Em phải học Chuỗi cung ứng thì mới có cửa công việc." Mình bắt đầu quan sát rất nhiều câu chuyện mà mình cảm thấy khá buồn cười:

  1. Mình có người bạn học Tiến sĩ xong trong 3 năm ra làm doanh nghiệp vì nhiều tiền để nuôi vợ con. Một chị người Việt khác từng giúp anh này xin học bổng Tiến sĩ nổi đóa nào là: "Tại sao không làm 5 năm để theo học thuật? Ra như thế là không có đam mê?" (Nếu các bạn không biết thì học Tiến sĩ xong ở Mỹ mà làm doanh nghiệp thì thường không được giới học thuật đánh giá cao, dù vẫn kiếm bộn.) Mình nghĩ kĩ bảo bạn mình: "Thực ra, A có kĩ năng lập trình và quan hệ tốt với doanh nghiệp, bà ấy không có, không có lựa chọn đó nên bà ấy tị với A đây."

  2. Mình lại biết một ông anh khác suốt ngày khuyên các bạn học Tiến sĩ xong thì đi trường giảng dạy vì "nhàn" và đỡ trách nhiệm, còn rảnh tay làm việc khác (trong khi việt làm trường nghiên cứu danh giá hơn nhiều, tuy thực sự là vất vả nhưng mới có cửa tiến lên). Mình tìm hiểu thêm thì được biết ông anh này vốn học Tiến sĩ cũng trả tiền ở một nước không nói tiếng Anh, do cơ duyên sang trao đổi tại Mỹ mà tìm được hướng ở lại. Nhưng mà vì năng lực nghiên cứu của ảnh kém nên ai ảnh cũng khuyên một màu là làm trường giảng dạy. Với học sinh sinh viên thì ảnh toàn đi lùa chúng nó vào trường rank càng thấp càng tốt để chúng nó không hơn ảnh được.

  3. Không nói chuyện Tiến sĩ, nói Đại học đi, không hiểu sao rất nhiều trung tâm du học hoặc tư vấn khuyên phải du học mới có tương lai. Thậm chí có bên kêu nhà không tiền xúi đi vay, hoặc bán câu chuyện một màu kiểu "không xuất sắc cũng có học bổng" "học xong lương trung bình cao cỡ này". Cơ mà, các bạn đọc những câu chuyện của mình rồi đấy. Không đi hoặc không học trường quốc tế, chưa chắc đã chết. Còn nếu các bạn tìm hiểu thêm, thì thực tế những trường hợp không xuất sắc về điểm thì cũng sẽ có một điểm đặc biệt nào đó thôi (Dân tộc H'mong chẳng hạn). Thậm chí có nhiều bạn vì được học bổng "bịa" cả ra điểm đặc biệt này luôn nên cuối ngày hổng có dám khai với ai hết. Còn với công việc lương cao, ở lại định cư được thì như mình nói đấy vẫn tùy cố gắng, thức thời, va cơ duyên thôi.

Những câu chuyện nực cười này thực ra đều có điểm chung là người khuyên đều là những người có vốn sống hạn hẹp và chưa kịp ý thức để mở rộng nó. Nhiều người nhạt nhẽo đến mức chỉ muốn "tìm kiếm sự nổi tiếng." Hoặc tệ hơn nữa thì họ làm giàu từ những thiếu hiểu biết hơn mình. Họ lấy chính họ là đích đến của thành công, còn bạn có leo mãi cũng chỉ đến được nhiều lắm là bằng họ mà thôi. Vậy nên, nếu nghe khuyên từ những người như vậy thì phải rất là chọn lọc.


THỰC RA CÔNG THỨC CỦA THÀNH CÔNG MỘT BẠN NÀO ĐÓ ĐÃ NÓI TRONG NHÓM CHÍNH LÀ TÍNH KỈ LUẬT

Khi mình khuyên một bạn bây giờ, cái mình thường hướng tới là một kĩ năng hay một kiến thức nào đó. Rất nhiều bạn nhắn tin hỏi riêng mình, và mình thường có một câu trả lời là: "Đến cuối ngày đó là quyết định của em và em tự chịu trách nhiệm. Chỉ cần khi em đã quyết, thì em quyết tâm 100%, chịu 100% trách nhiệm với sự đúng sai của nó và nếu sai thì sửa, không đổ thừa cho hoàn cảnh hay người khác. Thế là được. Còn chị chỉ là người cung cấp đủ thông tin để em xem cái nào em cảm thấy thoải mái chịu trách nhiệm hơn thôi." Với mình đó cũng là một phần kỉ luật.


THẾ NHƯNG ĐƯƠNG NHIÊN CŨNG VẪN CÓ LÚC MÌNH TÒI RA MỘT CÂU HOẶC CẢ MỘT ĐOẠN "TRÊN NGƯỜI"

Mình hay viết câu ngắn kiểu: "Thế nên ở nhà đi." "Thế tốn tiền ba mẹ." "Học ngành đó trường làng thì không đi còn hơn." Đại loại như thế. Nghe nó rất là phũ. Mình thừa nhận là mình có lúc không đủ kiên nhẫn để giải thích một cách đầy đủ và màu mè với từng bạn và cái này là lỗi của mình và mình nên sửa.


Cơ mà kể cả thế, mình từng nói rồi đấy: "Con người ai cũng là một con ếch, chỉ có miệng giếng của ai to hơn." Gần đây có một bạn đăng bài đi học ở Bangladesh. Mình chưa đọc đã nghĩ: "Ôi học nước nghèo thì học được gì nhở?" Nhưng mình kiên nhẫn đọc xong bài đó, và nó làm mình thực sự xấu hộ vì mình lại đem cái thước của mình ra đo thứ không thể đo bằng nó. Có những giá trị nhân văn cần nhìn nhận trong bài đọc đó và mình nghĩ bạn gái đó với tư duy như vậy thì sẽ còn tiến rất xa.


VẬY NÊN LỜI KHUYÊN CUỐI CÙNG CỦA MÌNH CHO CÁC BẠN LÀ ĐỌC HAY NGHE THÌ ĐỪNG CHỈ CHỌN NHỮNG THỨ MÌNH THÍCH, HỢP TAI VỚI MÌNH, CŨNG ĐỪNG VỘI PHẢN BÁC NHỮNG TƯ DUY NGƯỢC

Mình biết rất nhiều học sinh, sinh viên thậm chí phụ huynh chỉ nghe có chọn lọc và nghe những cái mà êm tai dễ nghe. Giống như đi xem bói vậy, cái gì mà thuận lợi thì nghe, không thuận bỏ ngoài tai hết.


Nhưng khi mình chưa đi đủ nhiều, trải nghiệm cũng chưa đủ sâu thì nghe lời dễ nghe rất dễ biến thành bị lừa:

  • Lời dễ nghe luôn ảnh hưởng lên cảm xúc của bạn. Và khi bạn bị chi phối quá nhiều bởi cảm xúc thì bạn không quyết định được một cách bình tĩnh nữa.

  • Lời khó nghe cũng làm cảm xúc của bạn trùng xuống nên nhiều bạn bỏ ngoài tai. Nhưng mà thực tế nếu chị khó đọc chúng và để cảm xúc lắng lại trước khi phản ứng thì bạn cũng sẽ tích thêm được cái gì đó thôi.

VÀ KHI QUYẾT ĐỊNH THÌ ĐẶC BIỆT ĐỪNG ĐỂ CẢM XÚC CHI PHỐI BẢN THÂN MÌNH. HÃY NHÌN SỰ THẬT. Sự thật nào mình thích thì đánh điểm nó thấp xuống một tí. Sự thật nào mình không thích thì đánh điểm nó cao hơn một tí. Có như thế mình mới điều chỉnh lại cảm xúc của mình để đưa ra quyết định đúng đăn được.


Đừng dùng thước mình để đo đời người khác và cũng đừng quá vô tư để người khác dùng thước của họ đo đời mình nhé. Mình dùng thước nào là việc của mình, thước người khác thì so sánh và tham khảo rồi hẵng dùng.



94 views0 comments

Comments


bottom of page