top of page
Writer's pictureThu Hoang

Áp lực không tưởng của Gen Z

Gần đây mình có trao đổi với khá nhiều phụ huynh và học sinh sinh viên về áp lực thay đổi thời đại lên người trẻ hiện nay. Hầu hết phụ huynh nghiêng về phía khủng hoảng thông tin và băn khoăn tại sao con cái tin mạng tin bạn hơn tin mình. Còn các bạn trẻ thì luôn tục nói về áp lực đồng trang lứa và ba mẹ toàn đóng khung những nguyện vọng của mình.


TRONG MẮT MÌNH THÌ GEN Z THỰC SỰ ÁP LỰC Ở TẦM KHÔNG TƯỞNG



Nếu như ngày xưa chúng ta 5 năm, 10 năm mới họp lớp, rồi cập nhật với nhau về những thành quả, thì bây giờ mạng xã hội biến nó thành hàng ngày:

  • Bạn cấp 1 được học xong lập trình, mình nhớ ngày xưa nó cũng chỉ thường thường giống tôi thôi, sao giờ nó giỏi thế, mình thì chẳng ra gì.

  • Bạn cấp 2 năm nay có người yêu vừa đẹp trai vừa chiều, mình nhớ ngày xưa hai đứa thân lắm. Mà giờ mình vẫn đơn côi, chắc chắn là mình không được bằng nó.

  • Bạn cấp 3 ra trường mở công ty, giờ nó đã ổn định lắm rồi, trong khi mình học xong thạc sĩ, giờ vẫn chạy xe ôm công nghệ. Thật chẳng ra gì.

Nhiều người có thể nói chuyên xã hội có người này người kia là khá bình thường, thế hệ nào cũng có, sao phải vì nó mà ảnh hưởng? Thế nhưng nếu một lớp học chung ở Việt Nam cứ cho là nhỏ đi thì 30 bạn. Chỉ cần mỗi bạn này 3 tháng cập nhật thông tin tốt một lần là một năm ta đã có 120 mẩu tin về ai đó có thành quả gì đó để nhìn lại bản thân rồi.

Lượng thông tin so sánh như vậy nhiều hơn rất nhiều so với các thế hệ trước, chỉ thi thoảng nghe phong thanh về ai đó đang làm gì.


VỚI LƯỢNG THÔNG TIN NHƯ VẬY, GEN Z CÓ ÁP LỰC CHỨNG MINH BẢN THÂN Ở MỨC ĐỘ HÀNG NGÀY


Nếu bạn nhìn vào biểu đồ cuối bài này, bạn sẽ thấy năng lực hay thành quả của một cá nhân không đi lên theo đường chéo tỉ lệ thuận, mà phải đầu tư một thời gian dài mới nhảy hẳn lên một bậc.


Với thế hệ trước, nếu chỉ thi thoảng cập nhật thông tin, và 5 năm 10 năm mới tụ họp đầy đủ một lần, thì ta hoàn toàn có thể:

  • Nói một thành quả chính mà chúng ta tự hào rồi chuyển sang chuyện khác

  • Kể một chút dự định chưa cần rõ ràng mà không phải quá cam kết về việc mình sẽ chạy theo nó.

  • Gặp một bạn rất thành công sau 5 năm rồi tự nhủ ồi nó giỏi/ liều hơn mình nhiều, mình có cố vài năm nữa cũng chẳng được thế, nên cứ từ từ mà làm thôi.

Với Zen Z thì câu chuyện rất khác:

  • Mạng xã hội khiến những nhóm bạn cũ trở nên rất thường ngày. Vậy nên ngày nào cũng phải có gì mới để nói, để giữ liên hệ với nhau.

  • (Ngày xưa không có mạng xã hội thì không ai trách bạn 2 3 năm gọi điện cập nhật, giờ có thì không cập nhật lại thành bị trách)

  • Cơ mà làm gì có ai ngày nào cũng mới nên nó thành xì trét.

  • Và bản thân việc cập nhật nhảm nhiều quá, đến khi mình có thành tích thật muốn tự hào thì trong mắt người khác nó cũng chỉ có giá trị một vài ngày thôi.

Thế nên cái Gen Z phải đối diện nhiều hơn những thế hệ trước chính là áp lực phải làm mới mình hàng ngày, mà không có quá trình tĩnh lặng để tập trung làm việc mình cần làm.

Chính vì thế nhiều bạn bị cuốn theo áp lực này mà ì càng thêm ì vì cảm thấy "dù mình cố sao cũng không đủ, thà không cố còn hơn."


NGOÀI THÔNG TIN VỀ BẠN BÈ VÀ NGƯỜI THÂN THÌ NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CỦA XÃ HỘI CŨNG THÊM CHO GEN Z NHIỀU ÁP LỰC


Trước kia chúng ta biết về tác động môi trường, về đối xử lao động, về thương hiệu cá nhân, về hành xử doanh nghiệp nhưng vì chúng ta không có đầy đủ thông tin, nên nếu chúng ta có trót mua đồ của một hãng bạo hành thú vật thì cũng không bị ai phán xét.


Còn Gen Z với quá thừa thông tin thì lại chịu áp lực với từng vấn đề xã hội. Ví dụ:

Áp lực phải có đam mê:

  • Trong khi thế hệ trước dù ở Việt Nam hay ở Mỹ, chúng ta đều được dạy là chăm chỉ kiếm tiền để phục vụ cuộc sống, Gen Z được dạy là làm gì cũng phải đi từ trái tim. Bao nhiêu tấm gương từ Steve Jobs, khởi nghiệp từ nơi để xe đã khiến Gen Z đỏ mắt.

  • Thế nhưng thực tế là mấy ai còn trẻ đã bập ngay phải cái mình thích. Chưa trải nghiệm, chưa thử thì sao biết mình thích gì.

  • Thế nên, khi chịu áp lực này Gen Z thường chọn hai hướng. Một là nghe lời ba mẹ làm ngành nào kiếm nhiều tiền. Hai là thấy bạn bè thích ngành nào thì mình cũng tưởng là mình thích, chứ chưa suy nghĩ sâu vào nội tại xem mình thích nó ở đâu. Kết quả đến lúc làm rồi thì phát hiện ra mình không thích cả hai thứ. Bạn nào làm theo ý ba mẹ thì còn có thể "đổ lỗi" tại áp đạt còn bạn nào làm theo hướng hai rồi không thích thì lại thành chơi vơi, mất danh tính cá nhân.

  • Thế nên cái áp lực này thật ra rất ngược đời, vì phải trải nghiệm đủ mới biết mình thích gì, và lâu dần thì mới có thể xác định được đam mê ở đâu.

Áp lực phải có thương hiệu cá nhân. Rất nhiều bạn lại hỏi mình: "Chị ơi muốn xây dựng thương hiệu cá nhân thì bắt đầu từ đâu ạ?"

  • Thương hiệu cá nhân bắt đầu từ cá tính của bản thân và sự rung động của cá tính rất riêng đó với một giá trị xã hội mà mình coi trọng. Giá trị này có thể là môi trường, có thể là sống có nguyên tắc, có thể là giàu lòng nhân ái, trung thực, vân vân mây mây.

  • Với thế hệ cũ, những giá trị này có thể mơ hồ nên chúng ta sống ang áng theo là được. Còn chúng ta hay có câu: "Không biết không có tội. Biết rồi thì không làm nữa là được."

  • Với GenZ, thông tin về mỗi giá trị xã hội không những nhiều và cụ thể mà còn quá nhiều chiều ngược nhau.

  • Với kinh nghiệm có giới hạn thì ban đầu các bạn Gen Z thường chọn làm theo hết. Ví như ai đó nói về nghề tài chính hay thì các bạn sầm sập học nó. Đến khi có người nói chuỗi cung ứng, các bạn cũng chạy xô theo.

  • Nhưng cái các bạn gen Z không để ý, chính là dù ngành nghề, định hướng xã hội, hay giá trị cuộc sống, các bạn cũng phải có thời gian so nó với bản thân mình, xem mình có hạnh phúc hay không thì mới có thể đưa nó dần vào làm thương hiệu của mình được.

  • Vậy nên áp lực này cũng là một áp lực ngược đời, vì chưa thử sao biết hợp?

Áp lực phải là một phần của cái gì đó có ý nghĩa:

  • Ngày xưa chúng ta, không quá áp lực phải phù hợp với văn hóa công ty. Công việc xét cho cùng với đa số mọi người vẫn chỉ là cần câu cơm. Hợp thì hợp, mà không hợp thì chúng ta vẫn có thể ra ngoài vui chơi bạn bè, làm những việc khác.

  • Gen Z thì không... Nếu công ty không làm điều gì đó ý nghĩa cho xã hội và thế giới trong lâu dài, thì các bạn bị mất dần ý nghĩa công việc.

  • Một mặt đây là ảnh hưởng tích cực của mạng xã hội khi nó đưa cho Gen Z những thông tin về giá trị sống, về những điều lớn hơn cơm áo gạo tiền. Và chính Gen Z sẽ là những người bắt công ty phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình với cái chung của xã hội.

  • Mặt khác, điều này khiến Gen Z tìm kiếm nhiều hơn ở nơi mình làm việc: Đòi hỏi những người làm cùng mình phải chia sẻ thái độ và hành động với mình, Tìm kiếm tình bạn và sự bao bọc với tinh thần tình cảm của mình nơi công sở. (Mình đang nói tình cảm với những giá trị cuộc sống nhé, không nói hẹn hò đâu)

  • Vấn để là nhiều khi tình cảm và môi trường công việc lẫn lộn, thì tính chuyên nghiệp sẽ mất đi rất nhiều. Hơn nữa dù những cá nhân làm việc với nhau có tương đồng đến đâu thì cũng sẽ có những lúc cuộc sống của mỗi người thay đổi, ưu tiên khác đi (Người ta mới lấy vợ/ chồng mà bắt người ta làm them giờ không về đón con cũng khó đấy chứ. Trong khi trước đó họ làm thâu đêm bất kể)

  • Thế nên, áp lực này cũng chẳng phải là một áp lực dễ dàng. Càng áp lực như vậy, thì Gen Z càng dễ bị mất phương hướng khi một sếp, hoặc một đồng nghiệp làm cái mình chưa hiểu, và bỏ việc ngay kể cả khi có cơ hội thăng tiến.

Nhìn chung áp lực của Gen Z không chỉ nhiều mà nó bao hàm nghịch lý cuộc sống, Những cái mạng xã hội bảo cần ngay và liền (đam mê, thương hiệu, một phần của ý nghĩa) thì hầu hết đều cần trải nghiệm. Sự ngược đời này lại chưa từng xuất hiện trong lịch sử (vì mạng xã hội phát triển chỉ chưa đầy 20 năm). Thế nên Gen Z càng cảm thấy cách xa nhiều so với các thế hệ trước.


HỌ KHÔNG XẢ ĐƯỢC VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐI TRƯỚC, THÌ HỌ XẢ LÊN CHÍNH NGƯỜI CÙNG THẾ HỆ

Rất nhiều bạn Gen Z có khả năng cảm thông hơn người khác và thường là đối tượng để các bạn khác khi có vấn đề cá nhân, họ sẽ đem đến xả với những bạn này thay vì đem đến những người đi trước mà không hiểu quá nhiều về áp lực của họ:

  • Với tinh thần “nơi làm việc cũng nên là gia đình” của thời nay, các bạn Gen Z sẽ tâm sự với một đồng nghiệp thân nào đó.

  • Và cuối cùng, người đồng nghiệp Gen Z này đã xì trét cho chính mình, gánh thêm cả xì trét của người chia sẻ với mình nữa.

  • Không ít bạn nghỉ việc vì bị căng thẳng quá độ do chính những tâm sự vô tư này.

Ngoài ra, việc coi công ty là một "trốn để về" cũng rất nguy hiểm ở chỗ các bạn Gen Z sẽ không mở rộng thế giới quan của mình ở những môi trường khác. Nếu 6x, 7x còn có thói quen đi sinh hoạt câu lạc bộ, tổ dân phố ở trường, 8x, 9x có thói quen thi thoảng rủ bạn siêu cũ đi làm chuyện siêu mới thì với Gen Z, hoạt động ngoại khóa cũng là một công việc. Thế nên lối suy nghĩ của một thời mạng xã hội lên ngôi biến mọi thứ vui vẻ trở thành áp lực. Khi họ không có chỗ thậm chí để ngồi vui vẻ tĩnh lặng, thì chuyện trầm cảm và tự tử sẽ càng tang cao thôi.


THẾ TA LÀM GÌ ĐƯỢC CHO GEN Z BÂY GIỜ?

Với thế hệ trước, có thể việc đầu tiên ta làm được chính là “Đừng chê Gen Z yếu đuối”:

  • Thứ áp lực mà Gen Z phải chịu không phải là chứng minh bản thân mỗi lần 5 năm 10 năm họp lớp. Các bạn ấy phải chứng minh năng lực hàng ngày.

  • Thứ áp lực mà Gen Z phải chịu cũng không phải là sống áng áng đến khi nào biết rõ hơn thì mới thể hiện kĩ càng. Nó là áp lực "chưa trải nghiệm đã phải khẳng định"

  • Thứ áp lực mà Gen Z phải chịu càng không phải chỉ chứng minh với một vài người thân hay gặp hàng ngày (như ba mẹ vợ con) mà là phải chứng minh với cả bàn dân có khi chưa gặp uống cà phê thật bao giờ.

Thế nên chưa chắc những người ở thế hệ chúng ta mà được sinh lại ở thời điểm này đã không rơi không vỡ đâu.


Bước thứ hai là khi hiểu được những áp lực này rồi, thì hãy gọi tên nó cho chính em hoặc con mình nhé. Thật ra, Gen Z rất mạnh mẽ, chỉ cần người gọi tên được vấn đề thì Gen Z sẽ làm được những bước tiếp theo:

  • Nếu chúng ta, những người ở thế hệ trước, có thể mở lòng đủ để nghe thử những nỗi lo lắng của Gen Z mà không phán xét dựa vào giá trị học được của bản thân từ rất nhiều năm trước, thì Gen Z cũng bớt áp lực mà chúng ta cũng cập nhật được thêm nhiều góc nhìn mới.

  • Hơn nữa như mình nói đấy, áp lực ngoài đường đã một đống, giờ nếu người đi trước, gặp hàng ngày còn thêm áp lực, thì con người ta biết xả ở đâu.

Cảm thông chưa chắc đã cần những lời khuyên mà chỉ cần bạn ngồi nghe không phán xét mà thôi


CÒN GEN Z THÌ LÀM ĐƯỢC GÌ NỮA?

Tắt mạng xã hội có vẻ là nhanh nhất nhỉ. Chẳng cứ Gen Z mình chỉ nghỉ Facebook không nói gì tầm 2 tuần là mình thấy ngủ ngon hơn hẳn.

Điều thứ hai mình muốn nhắn nhủ có lẽ là "Các bạn hãy thứ làm ngược với những áp lực trên mạng xem":

  • Kêu cần đam mê thì ta tập trung vào thứ mình không thích xem. Cái ta thích thường không rõ ràng nhưng cái ta không thích thì rõ mồn một.

  • Thay vì cứ nhất nhất phải ép bản thân đi tìm được cái thích mới làm thì ta chỉ loại bỏ những cái ta không thích, rồi thử tất cả những cái còn lại với tinh thần cởi mở xem.

  • Thử càng nhiều, không thích càng nhiều thì ta lại đến gần với cái ta thích hơn đó.

Cuối cùng thì hãy cố gắng chia sẻ và cảm thông nhiều hơn với thế hệ đi trước nhé. Thế hệ trước già rồi, có thể đóng kín cửa rồi nhưng cũng có nhiều người thích mở cửa, gõ đi người ta sẽ mở.


Với cả thực ra họ không hiểu thì cũng đã sao, đời ai người nấy sống ấy mà. Đôi khi cư kemeno cũng là một cách hay


P.S.: Mình cũng chẳng phải sinh ra đã hiểu Gen Z. Mình định kiến cũng nhiều và cũng chẳng phải hoàn toàn không định kiến nhưng mỗi ngày nỗ lực thay đổi góc nhìn từ cả hai phía thì mỗi ngày ta gần nhau thêm chút.

178 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page